Biến đổi khí hậu khiến tuyết ở Nam Cực chuyển màu xanh lá
Các nhà khoa học phát hiện rằng một hệ sinh thái mới đang hình thành ở Nam Cực khi nhiệt độ cao khiến tuyết tan, tạo điều kiện ẩm ướt thích hợp để vi tảo sinh sôi trên bề mặt.
Theo Guardian, một đội gồm các nhà khoa học đến từ Anh cho rằng vì nhiệt độ Trái Đất tiếp tục tăng cao, tuyết ở bán đảo Nam Cực sẽ tan chảy nhiều hơn và hình thành một điều kiện ẩm ướt thích hợp cho các loại vi tảo sinh sôi nảy nở. Hệ sinh thái mới này sẽ có khả năng tạo ra nguồn dinh dưỡng cho các loại vật khác.
Ở một số khu vực, dạng sinh vật sống đơn bào này phát triển dày đặc tới mức biến các lớp tuyết thành màu xanh lá cây, và thậm chí có thể nhìn thấy sự thay đổi này từ không gian, theo nghiên cứu – vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications.
Các nhà sinh học đến từ Đại học Cambridge và Đội Nghiên cứu Nam Cực của Anh đã dành 6 năm để tìm kiếm và đo mật độ tảo trên tuyết, sử dụng dữ liệu vệ tinh kết hợp với quan sát trực tiếp trên mặt đất.
Một khu vực với tuyết chuyển màu xanh do sự phát triển của vi tảo ở Nam Cực. Ảnh: AFP.
Kết quả là họ đã thành lập được bản đồ phân bố của tảo trên bán đảo Nam Cực. Dữ liệu này sẽ được sử dụng để đánh giá tốc độ thay đổi của lục địa, từ màu trắng chuyển sang màu xanh, do biến đổi khí hậu nhưng có thể việc này sẽ cung cấp dinh dưỡng cho một số loài vật.
Video đang HOT
Loại vi tảo này đã bắt đầu hình thành liên kết chặt chẽ với các bào tử nấm và vi khuẩn nhỏ. Điều này có nghĩa là một cộng đồng sinh vật đang bắt đầu hình thành và có thể tạo ra một môi trường sống mới.
“Đây là sự bắt đầu của một hệ sinh thái mới”, nhà sinh học Matt Davey đến từ Đại học Cambridge, một trong những người dẫn đầu nghiên cứu, nhận định.
Ông Davey mô tả loại tảo này là mảnh ghép còn thiếu trong chu trình carbon ở Nam Cực. Với tổng diện tích 1,9 km2, những đám tảo này có thể xử lý 479 tấn carbon mỗi năm.
Gần hai phần ba số tảo màu xanh lá cây được tìm thấy trên những hòn đảo nhỏ, trũng và thấp ở phía bắc bán đảo Nam Cực – khu vực vừa mới trải qua một đợt nắng nóng kỷ lục, với nhiệt độ cao nhất được ghi nhận trong mùa hè vừa qua. Tảo ít xuất hiện hơn ở những khu vực phía nam lạnh giá.
Các nhà khoa học trước đây đã quan sát thấy thấy sự gia tăng của các loài địa y và rêu xanh ở châu Nam Cực, nhưng chúng phát triển cực kỳ chậm nếu so sánh với tảo. Trong tương lai, họ cũng sẽ đo tốc độ phát triển của tảo đỏ và tảo màu cam, để tính toán xem sự hiện diện của những loại tảo này có ảnh hưởng đến khả năng phản xạ nhiệt của lớp tuyết ở Nam Cực hay không.
Nam Cực ghi nhận đợt sóng nhiệt đầu tiên trong lịch sử
Tháng 1 năm nay, lần đầu tiên châu Nam Cực ghi nhận nhiệt độ 9,2 độ C - cao nhất trong lịch sử kể từ khi các số liệu bắt đầu được thống kê.
Theo DPA, các nhà khoa học am hiểu vấn đề cho biết Nam Cực đã trải qua một đợt "sóng nhiệt" đầu tiên trong lịch sử, và bày tỏ sự quan ngại trước những tác động lâu dài mà hiện tượng này có thể gây ra đối với động vật, thực vật và hệ sinh thái tại đây.
Các chuyên gia thuộc Chương trình Nghiên cứu Nam Cực của Australia đã ghi nhận sự xuất hiện của một đợt nắng nóng bất thường tại Trạm nghiên cứu Casey ở phía đông châu lục băng giá trong mùa hè năm 2019, và cũng có báo cáo về nhiệt độ cao kỷ lục tại Bán đảo Nam cực.
Từ ngày 23-26/1 năm nay, nhiệt độ cao nhất lịch sử đều được ghi nhận tại trạm Casey, và hiện tượng này được gọi là sóng nhiệt - khi có 3 ngày liên tục mà nhiệt độ đều ở mức cao nhất.
Trong những ngày này, nhiệt độ thấp nhất đo được là trên 0 độ C, trong khi nhiệt độ cao nhất ở mức trên 7,5 độ C.
Nam Cực đang trải qua những ngày nắng nóng nhất lịch sử. Ảnh: AAP.
Ngày 24/1 ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục 9,2 độ C - chưa từng xuất hiện trong lịch sử. Mức nhiệt này cao hơn 6,9 độ C so với mức nhiệt cao nhất trung bình được ghi nhận tại trạm Casey.
Những kỷ lục về nhiệt độ khác cũng xuất hiện tại các trạm nghiên cứu tại Bán đảo Nam cực vào tháng 2, khi nhiệt độ trung bình trong ngày vượt quá con số trung bình dài hạn từ 2 đến 2,4 độ C.
Những phát hiện này được công bố hôm 31/3 trên tạp chí khoa học Global Change Biology, bởi các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Wollongong, Đại học Tasmania và Phân khu Nam Cực của Australia.
Các nhà khoa học kết luận rằng dựa trên kinh nghiệm trước đây về những thời điểm mà mùa hè ở Nam Cực trở nên nóng bất thường, chúng ta có thể sẽ thấy vô số tác động sinh học xuất hiện trong những năm tới, cho thấy tác động của biến đổi khí hậu tới những vùng xa xôi nhất trên hành tinh.
Nhà nghiên cứu chính tại Phân khu Nam Cực của Australia, bà Dana Bergstrom cho rằng mùa hè nóng rất có thể sẽ dẫn đến một sự biến động trong dài hạn.
"Hầu hết sự sống tồn tại trong ốc đảo nhỏ không có băng ở Nam Cực, và phần lớn phụ thuộc vào sự tan chảy của tuyết để có nguồn nước", bà Bergstrom nói.
Sự thay đổi về nhiệt độ cũng sẽ ảnh hưởng đến các loài thực vật và động vật vốn đã quen với nhiệt độ thấp của Nam Cực.
Theo các nhà khoa học, những thay đổi về nhiệt độ, dù là rất nhỏ ở Nam Cực, có thể báo hiệu những thay đổi to lớn về khí hậu diễn ra ở những nơi khác trên thế giới.
Quốc Thăng
Nam Cực có thể có nguy cơ bị xâm chiếm bởi các loài xâm lấn nhanh Trong phát hiện mới nhất, các nhà khoa học đã tìm ra các sinh vật biển giống như rêu xâm lấn, cho thấy hệ sinh thái cực nam có thể sớm gặp nguy hiểm từ những "kẻ xâm lược". Tảo trôi dạt ở Nam Đại dương có thể đưa các loài xâm lấn đến bờ biển Nam Cực. Membranipora mucanacea là một loại...