Biến đá cuội thành dụng cụ dạy học
Giáo viên trường Mầm non thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn lên suối nhặt hàng tấn đá cuội đưa về vẽ bích họa, làm dụng cụ dạy học trực quan cho trẻ.
Đầu tháng 11, sân trường Mầm non thị trấn Phố Châu trở nên nổi bật bởi hàng nghìn bức bích họa bằng đá cuội được gắn và trang trí tại nhiều bồn cây cảnh, tường bao gần một số lối ra vào. Đá có nhiều kích cỡ, nhỏ nhất bằng nửa lòng bàn tay, lớn là to như chiếc ấm. Trên mặt đá được trang trí nhiều chủ đề như: gia đình, hoa quả, con vật, truyện cổ tích… Ngoài làm nổi bật không gian, đây còn là dụng cụ để trải nghiệm, dạy học trực quan cho hàng trăm học sinh.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Quỳnh Sa cho biết, đầu năm học 2021-2022, tại các cuộc họp, giáo viên đã đề xuất làm những công cụ dạy học mới lạ, bền, sinh động bằng việc mô phỏng bích họa trên những viên đá cuội. Ban giám hiệu thảo luận, thấy đây là việc làm ý nghĩa, thiết thực nên cho chủ trương thực hiện.
Giáo viên trường Mần non thị trấn Phố Châu nhặt đá cuội tại khe suối ở xã Sơn Kim 1 hồi tháng 10. Ảnh: Đức Hùng
Trong tháng 10, tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, nhóm 10 cô giáo trẻ của trường vượt hơn 30 km, lên khe suối ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn để lựa những viên đá cuội thích hợp. Giáo viên chọn vật liệu theo chủ đề, ví dụ để vẽ một tán cây cổ thụ hay một con gà thì phải chọn những viên có hình thù gần giống. Đá được bỏ vào bì tải, sau đó đặt lên xe bán tải chở về tập kết tại trường, số lượng đến nay ước tính khoảng 3 tấn.
Hàng chục cán bộ, giáo viên của trường tranh thủ lúc rảnh rỗi đã chia nhau theo từng nhóm 3-5 người phân loại, rửa sạch đá đem phơi nắng. Họ sau đó dùng bút lông, sơn, hộp màu… ngồi tập trung vẽ tranh theo từng chủ đề lên trên bề mặt đá. Trung bình một ngày một người trang trí được 20-30 viên đá tùy kích cỡ.
Bích họa bằng đá được gắn xi măng, trang trí tại các lối đi lại, sân vườn, cầu thang, hoặc đặt vào tủ kính để trên giá ở khu trải nghiệm. Các “họa sĩ” đặt mục tiêu trong tháng 11 sẽ vẽ xong hết số đá đã gom. Qua một thời gian sẽ họp đánh giá mức độ hiệu quả, sau đó cân nhắc xem có nên làm đợt mới hay không.
Video đang HOT
Đá cuội được giáo viên vẽ tranhlên trên bề mặt với nhiều chủ để phong phú. Ảnh: Đức Hùng
Cô Phan Thị Loan chia sẻ, các đồng nghiệp phải di chuyển quãng đường xa, dành nhiều thời gian quan sát, lựa chọn tỉ mỉ các viên đá phù hợp. Dù đôi lúc khá mệt song không ai nề hà, luôn động viên nhau cố gắng hoàn thành công việc, đặt mục tiêu làm sao trẻ có được chất liệu trải nghiệm mới và tốt nhất.
Ngoài gắn vào các hạng mục trong khuôn viên trường, giáo viên sẽ chọn ra những viên nhỏ để trong các giờ ngoại khóa học sinh dùng bút màu tự vẽ tranh lên đá. Việc này giúp trẻ cảm nhận sự vật một cách trực quan, sinh động.
“Vẽ tranh trên đá khá thú vị, cháu rất thích những trải nghiệm mới trên vật liệu này. Qua bích họa đá, các chữ cái, bông hoa, con cá, con mèo trở nên sinh động, ngộ nghĩnh so với trên giấy”, em Nguyễn Hoàng Dũng, 5 tuổi, cho hay.
Học sinh trong giờ trải nghiệm, quan sát các viên đá bích họa được gắn tại bồn cây trong sân trường. Ảnh: Đức Hùng
Theo Hiệu trưởng trường Mầm non Phố Châu, kinh phí để biến những viên đá cuội thành đồ dùng học tập không đáng kể. Khi gắn đá lên các hạng mục, nhà trường đã dùng chất kết dính bằng keo hoặc xi măng để không ai có thể gỡ ra. Lúc học vẽ trải nghiệm, giáo viên chọn những viên nhỏ xinh, luôn túc trực giám sát nên, không để xảy ra sự cố khi các em trêu đùa nhau hoặc nghịch vật liệu.
“Qua hoạt động này, chúng tôi muốn hướng trẻ đến việc yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường, nâng niu và trân trọng cái đẹp”, cô Quỳnh Sa nói.
Trường Mầm non thị trấn Phố Châu đóng ở khối 14, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn. Cơ sở giáo dục này có 20 lớp với 585 học sinh, tuổi từ 3-5. Số lượng cán bộ gồm lãnh đạo, giáo viên, nhân viên là 42.
Đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm cho học sinh
Thời gian qua, Trường Tiểu học Minh Khai B (quận Bắc Từ Liêm) đã chú trọng, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, từ đó, giúp các em phát triển kỹ năng học tập, kích thích hứng thú trong nhận thức, góp phần nâng chất lượng giáo dục toàn diện.
Một ngày học của các học sinh lớp 1A7 Trường Tiểu học Minh Khai B bắt đầu. Tuần vừa rồi các em được tìm hiểu chủ điểm "Thiên nhiên".
Không khí hăng say, sôi nổi diễn ra trong lớp học.
Bài tập đọc "Chuyện trong vườn" với giọng đọc nhẹ nhàng, truyền cảm của cô giáo bắt đầu vang lên trong lớp học. Các gương mặt xinh xắn như đắm chìm vào trong khu vườn của cô. Bạn Mai trong câu chuyện muốn nhắn nhủ với mọi người rằng: "Những bông hoa bé nhỏ cũng biết đau, biết buồn. Hãy yêu hoa, yêu thiên nhiên và bảo vệ chúng".
Sau đó, để chuẩn bị cho giờ học hoạt động trải nghiệm "Những chiếc lá trên sân trường", các học sinh lớp 1A7 đã cùng nhau nhặt những chiếc lá rơi, những bông hoa rụng trên sân trường. Cô giáo dạy các học sinh cần phải biết yêu cỏ cây hoa lá, yêu từng những cái nhỏ nhất quanh mình; đồng thời góp phần công sức nhỏ bé của mình giữ gìn môi trường xung quanh lớp, trường sạch sẽ.
Không khí hăng say, sôi nổi diễn ra trong lớp học. Từ những chiếc lá, bông hoa nhặt được, các học sinh đã thỏa sức sáng tạo để có được những bức tranh thật sinh động.
Đây chỉ là một trong rất nhiều giờ học hoạt động trải nghiệm tại Trường Tiểu học MInh Khai B.
Những bức tranh được trang trí bằng lá, hoa của học sinh.
Năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức được triển khai ở lớp 1. Đây cũng là năm đầu tiên, hoạt động trải nghiệm được đưa vào chương trình chính khóa. Kế hoạch dạy học của các nhà trường vì thế cũng có những mảng màu độc đáo, đa dạng hơn trước đây.
Theo cô giáo Vũ Hoài Nhi (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Minh Khai B), thông qua hoạt động trải nghiệm đã góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu, năng lực chung và các năng lực đặc thù cho học sinh, giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, phát triển đời sống tâm hồn phong phú, biết rung cảm trước cái đẹp của thiên nhiên và tình người, có quan niệm sống và ứng xử đúng đắn; đồng thời bồi dưỡng cho học sinh tình yêu với quê hương, đất nước, ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc để góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong một thế giới hội nhập.
Cùng với các hoạt động chuyên môn, những năm qua, Trường Tiểu học Minh Khai B còn chú trọng đầu tư, xây dựng cảnh quan trường học xanh - sạch - đẹp. Qua đó giúp các em học sinh được học tập, vui chơi trong môi trường an toàn, lành mạnh
Độc đáo những 'thư viện mini' cho học trò ở huyện rẻo cao Nghệ An Khoảng sân hẹp, gầm bậc cầu thang, dưới tán cây xanh... đều có thể dựng lên một thư viện nhỏ tạo với không gian không kém thoáng đãng cho học sinh đọc sách. Mô hình thư viện này đang ngày càng phát huy tác dụng ở huyện biên giới vùng cao Nghệ An. Thời gian gần đây, các trường học ở vùng cao...