Biến chứng và di chứng dễ gặp sau gãy xương
Gãy xương là hậu quả khi xương có bệnh trọng hoặc bị va đập nặng. Gãy xương nếu không được điều trị đúng cách, có thể để lại biến chứng, di chứng, làm giảm chất lượng cuộc sống, khả năng lao động của bệnh nhân sau này.
Gãy xương vì sao?
Do tai nạn giao thông: Đây là một nguyên nhân gãy xương hay gặp nhất. Khi đang di chuyển với vận tốc lớn không may gặp sự cố khiến cho chi thể dễ va đập vào vật cứng như mặt đường, phương tiện khác… làm cho xương bị gãy.
Do tai nạn lao động: Trong quá trình làm việc, tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ khi nào. Nhiều tai nạn nặng nề gây gãy xương nặng và có nguy cơ ảnh hưởng tính mạng.
Vận động trong thể thao: Tham gia các môn thể thao có sức thi đấu quyết liệt như bóng đá, bóng bầu dục dễ bị chấn thương gây gãy xương.
Gãy xương do bệnh lý: Những bệnh lý viêm tủy xương, ung thư xương làm ảnh hưởng đến cấu trúc giải phẫu của xương dẫn đến xương ngày một yếu dần, hậu quả cuối cùng là gãy xương.
Gãy xương do loãng xương: Có thể gặp ở những phụ nữ lớn tuổi, nguyên nhân do tình trạng lão hóa của cơ thể làm giảm tổng hợp những chất giúp xương chắc khỏe, dẫn đến xương loãng và giòn, rất dễ gãy.
Gãy xương nếu không được điều trị đúng cách, có thể để lại di chứng.
Dấu hiệu nhận biết bị gãy xương
Video đang HOT
Sốc do đau, mất máu… biểu hiện dễ thấy nhất là vã mồ hôi lạnh, mạch nhanh thường gặp ở những trường hợp gãy xương lớn như xương đùi, xương chậu hay gãy nhiều xương cùng lúc. Đau tại vị trí gãy xương. Không thể vận động chi thể như: Không nhấc chân lên được khỏi nền hay không thể giơ được tay lên. Chi thể bị cong vẹo, biến dạng: Do xương gãy nên trục của chi cũng thay đổi theo. Có thể nghe thấy tiếng lạo xạo do các mảnh xương cọ vào nhau.
Biến chứng, di chứng dễ gặp sau gãy xương
Tắc mạch máu do mỡ: Khi xương gãy, các hạt mỡ trong ống tủy xương đi ra ngoài, theo mạch máu đi khắp các nơi trong cơ thể, nếu bị tắc lại ở vị trí nào sẽ biểu hiện triệu chứng rõ rệt và rất nguy hiểm như nhồi máu phổi do các hạt mỡ thuyên tắc ở mạch phổi.
Loét các điểm tỳ đè: Do trong quá trình điều trị gãy xương, bệnh nhân phải nằm tại chỗ trong thời gian dài, các phần cứng tiếp xúc trực tiếp với mặt giường dễ gây nên loét các vùng như vùng cùng cụt, gót chân… tình trạng này còn nặng nề hơn nếu bệnh nhân không được cung cấp đủ dinh dưỡng hay có những bệnh kết hợp khác như tiểu đường.
Viêm phổi, viêm tiết niệu: Do người bệnh nằm lâu, không vận động tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển trong cơ thể gây viêm nhiễm.
Táo bón: Do nằm lâu, không vận động nhiều nên rất dễ bị táo bón, làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ dinh dưỡng, tinh thần của người bệnh.
Và những biến chứng tại chỗ như:
Xương chậm liền:Bình thường 3 tháng kể từ sau khi điều trị thì xương đã liền vững. Quá thời gian này mà xương chưa liền được hiểu là tình trạng xương chậm liền.
Xương không liền: Biểu hiện tại vị trí gãy xương còn đau, có cử động bất thường hay trên Xquang không có dấu hiệu xương liền, các triệu chứng này tồn tại quá 6 tháng thì được gọi là xương không liền.
Xương liền bị lệch:Không những ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn làm giảm chức năng của chi thể.
Viêm xương tủy xương: Đầu xương bị gãy nếu có hình chéo vát nếu không được cố định đúng cách sẽ chọc thủng da ra ngoài, đấy là đường dẫn cho vi khuẩn vào phát triển, có nguy cơ gây nên tình trạng viêm xương tủy xương, làm quá trình liền xương khó khăn hơn.
Tổn thương thần kinh lân cận:Có thể do quá trình chấn thương mạnh làm đụng giập, đứt rách dây thần kinh hay do sai sót trong quá trình xử trí chấn thương mà làm tổn thương thêm thần kinh. Thần kinh bị đứt rất khó phục hồi sẽ làm giảm khả năng vận động, dinh dưỡng, cảm giác của chi thể sau này.
Hội chứng chèn ép khoang:Nếu các tổn thương xương nặng nề, gây gãy xương phức tạp hay tổn thương mạch máu thần kinh kết hợp làm tổ chức phù nề nhiều, có thể gây chèn ép các mạch máu, thần kinh đi nuôi các cơ quan đó, nếu không được giải phóng kịp thời sẽ gây hoại tử chi thậm chí phải cắt cụt chi.
Teo cơ, xơ cứng, hạn chế vận động: Nếu sau khi điều trị bệnh nhân không được phục hồi chức năng một cách bài bản, khoa học, đúng lộ trình sẽ rất dễ làm các cơ teo đi, khớp bị cứng lại làm giảm đi sức mạnh của bản thân.
Người đàn ông bị cắt cụt chân chỉ vì... miếng cà chua
Vì vô tình đạp phải miếng cà chua rơi ra từ bánh mì sandwich, một người đàn ông ở Scotland đã trượt ngã. Cú ngã khiến ông bị cục máu đông ở chân trái, phải phẫu thuật cắt bỏ chân và suýt chết.
Ông Malcolm White ở Scotland đã phải cắt cụt chân trái đến đầu gối vì đạp phải miếng cà chua và trượt té - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK
Tai nạn kỳ quái bắt đầu từ lát cà chua trong ổ bánh mì đã đảo lộn cuộc sống của ông Malcolm White, 65 tuổi, ở thị trấn Bonhill (Scotland). Vụ việc xảy ra vào tháng 7.2020 nhưng chỉ mới được ông chia sẻ gần đây, theo Daily Record.
Trước khi xảy ra tai nạn, ông Malcolm, 65 tuổi, đã về hưu và sống với vợ là bà Yvonne, 53 tuổi. Cả hai có 9 người con và 18 đứa cháu. Cuộc sống tưởng như trôi qua êm đềm nếu không vì lát cà chua hôm ấy.
Đó là vào ngày 11.7. Bà Yvonne làm cho chồng một một ổ bánh mì sandwich kẹp cà chua với thịt nguội. Từ ngoài vườn, ông Malcolm đi vào nhà để lấy ổ bánh mì. Nhưng không may, lát cà chua trong bánh mì rơi ra khiến ông Malcolm đạp phải và trượt ngã.
Ông cảm thấy ngón chân và bàn chân rất đau. Vài hôm sau, ông cảm thấy ngón chân bắt đầu chuyển sang màu đen. Ông đến bệnh viện chụp X-quang bàn chân thì phát hiện bị gãy xương.
Một phần bàn chân bắt đầu chuyển sang màu đen. Ông Malcolm sau đó được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt Bệnh viện Đại học Queen Elizabeth ở thành phố Glasgow (Scotland).
Bác sĩ tại đây cho biết có cục máu đông ở chân trái ông Malcolm. Nó làm tắc nghẽn mạch máu, khiến máu không thể lưu thông đến bàn chân, làm da chuyển sang màu đen.
Sau khi tìm cách loại bỏ cục máu đông nhưng không thành, các bác sĩ buộc phải cắt cụt chân trái đến đầu gối. Nếu không phẫu thuật và giữ lại chân, ông Malcolm có thể tử vong, theo Daily Record.
"Đó là một tai nạn kỳ quái khiến chúng tôi phải bật cười. Nó thực sự buồn cười nhưng cũng có lúc khiến tôi thực sự buồn", ông Malcolm chia sẻ.
"Tất cả chỉ vì một lát cà chua. Cuộc sống của tôi hoàn toàn bị đảo lộn", ông Malcolm nói.
Ông Malcolm đã xuất viện về nhà được hơn 8 tuần nhưng chỉ có thể ngủ và sinh hoạt ở phòng khách. Ông không thể lên phòng ngủ hoặc phòng tắm vì tất cả đều ở trên lầu. Ông không thể tự tắm nếu không có sự giúp đỡ của vợ.
"Tôi không thể ra khỏi nhà vì không thể đi xuống các bậc thang ở cửa trước và sau nhà", ông Malcolm chia sẻ. Vợ ông vì cao tuổi nên cũng không thể giúp ông rời khỏi nhà. Kể từ khi mất chân, chỉ có duy nhất một lần ông được ngồi trong vườn nhà mình. Đó là lần được người hàng xóm giúp đỡ dìu ra ngoài.
Ông Malcolm cho biết hội đồng thị trấn Bonhill sẽ giúp đỡ bằng cách bố trí cho họ đến sống trong một ngôi nhà mới bằng gỗ. Căn nhà được thiết kế để giúp cả hai sinh hoạt dễ dàng hơn, theo Daily Record.
6 dấu hiệu 'tố cáo' bạn đang tập thể dục quá nhiều Dưới đây là những dấu hiệu cảnh báo về thể chất, tinh thần và cảm xúc mà cơ thể sẽ báo hiệu cho bạn nếu bạn đang tập thể dục quá nhiều, theo Eat This, Not That! Tập quá sức, quá nhiều hoàn toàn không tốt cho sức khỏe - ẢNH MINH HỌA: SHUTTERSTOCK 1. Bạn kiệt sức ngay cả khi ngủ đủ...