Biên chế ở cấp học mầm non Bến Tre tiếp tục gặp khó khăn
Sở GD&ĐT Bến Tre công bố thông báo về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo và kết luận của Giám đốc Sở GD&ĐT tại cuộc họp giao ban lần 2 năm học 2018 – 2019.
Ảnh minh họa/internet
Theo đó, học kỳ I, năm học 2018-2019, toàn ngành tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành đoàn thể trong tỉnh.
Nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò của giáo dục ngày càng tốt hơn; các lực lượng xã hội tham gia chăm lo sự nghiệp giáo dục ngày càng nhiều; nổi bật là các chương trình cấp học bổng, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất,…
Quy mô, mạng lưới các ngành học, cấp học tiếp tục được điều chỉnh theo hướng tạo mọi điều kiện để huy động tối đa trẻ trong độ tuổi đến trường, kéo giảm tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học. Việc chuấn bị cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho năm học mới được tập trung.
Công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục luôn được tăng cường; việc triển khai các phong trào thi đua trong toàn ngành được đẩy mạnh là tiền đề quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ học kỳ I năm học 2018-2019.
Video đang HOT
Tuy nhiên, trong học kỳ I năm học 2018-2019, tình hình biên chế ở cấp học mầm non tiếp tục gặp khó khăn khi thực hiện theo quy định hiện hành; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên chưa đồng bộ ở các cấp học phổ thông và mầm non.
Tình hình thu nhận trẻ ngay từ đầu năm học tại một số trường mầm non, mẫu giáo chưa đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục chưa đáp ứng điều kiện để mở rộng quy mô giáo dục mầm non, tổ chức dạy học 2 buổi/ngày (nhất là cấp tiểu học).
Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu các phòng GD&ĐT tăng cường phát triển các trường mầm non ngoài công lập theo kế hoạch số 5742/KH-UBND của UBND tỉnh về xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2017- 2020 và định hướng đến năm 2025.
Tiếp tục thực hiện phân cấp ngân sách cấp huyện chi cho các cơ sở giáo dục công lập mầm non, tiểu học và THCS trực thuộc phòng GD&ĐT. Hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học, THCS từ thực trạng của đơn vị báo cáo phòng GD&ĐT. Phòng GD&ĐT tổng hợp xây dựng kế hoạch báo cáo UBND huyện phê duyệt. Khi UBND huyện phê duyệt thì hiệu trưởng các trường triển khai thực hiện.
Giám đốc Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc tiếp tục thực hiện tốt về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị cần phát huy dân chủ, công khai, minh bạch trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sử dụng nguồn kinh phí được giao năm 2019 trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên thanh toán tiền lương, bảo hiểm xã hội đảm bảo kết thúc niên độ tài chính đơn vị; tuyệt đối không để nợ lương, bảo hiểm xã hội…
Lập Phương
Theo giaoducthoidai.vn
Bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho nhân viên văn phòng... để khắc phục thiếu giáo viên
Nhiều địa phương trong tỉnh Đắk Nông đang phải "tùy cơ ứng biến" với tình trạng số học sinh tăng liên tục nhưng biên chế giáo viên không được điều chỉnh. Việc dạy và học cơ bản được đảm bảo nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết.
Năm học 2018-2019, ngoài số giáo viên theo biên chế được giao, Ủy ban nhân dân huyện Đắk Song đã có công văn "xin" UBND tỉnh Đắk Nông cho hợp đồng thêm 50 giáo viên ngoài biên chế để đảm bảo công tác dạy và học.
Giáo viên trường mầm non Hoa Mai (xã Đắk Ha, huyện Đắk G'Long, Đắk Nông) làm dụng cụ học tập cho học sinh. Ảnh: dantri.com.vn
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk Song, năm học 2018-2019, toàn huyện có gần 18.000 học sinh. So với các quy định hiện hành, Đắk Song còn thiếu hơn 100 giáo viên. Như vậy, sau khi được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý cho hợp đồng thêm, huyện vẫn còn thiếu hơn 50 giáo viên.
Ông Nguyễn Ngọc Thân, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho biết: Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền tăng biên chế giáo dục, huyện đã có nhiều giải pháp để ổn định công tác dạy và học. Trong đó, Đắk Song đã vận động, khuyến khích nhân viên văn thư, y tế học đường, văn phòng... tham gia học văn bằng hai hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để chuyển sang giảng dạy, nhất là đối với cấp học mầm non.
Việc "chuyển đổi" này được thực hiện từ năm học 2017-2018 với 8 giáo viên. Nhìn chung, các thầy cô tiếp cận nhanh và đáp ứng tốt nhiệm vụ dạy học. Năm học này, toàn huyện có gần 50 nhân viên đang tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và sẽ được xét duyệt để chuyển đổi.
Ngoài ra, Phòng cũng tổ chức, sắp xếp để các thầy cô, nhất là ở bậc học trung học cơ sở giảng dạy liên trường một số môn học để đảm bảo đủ số tiết theo quy định và chấm dứt việc thiếu giáo viên cục bộ. Huyện cũng thực hiện rà soát cắt giảm một số điểm trường và sáp nhập một số trường để bớt biên chế lãnh đạo, cán bộ quản lý.
Theo ông Vũ Tá Long - Chủ tịch UBND huyện Đắk G'long, dự kiến các năm tới đây số học sinh tiếp tục tăng. Huyện đang kiến nghị UBND tỉnh bổ sung thêm giáo viên, xem đây là giải pháp căn cơ để ổn định việc dạy học. Trước mắt, huyện Đắk G'long tiếp tục rà soát để sắp xếp lại các điểm trường cũng như một số trường nhằm tiết kiệm biên chế giáo dục theo hướng ưu tiên cho giáo viên trực tiếp đứng lớp. Đối với các trường dôi dư cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc cán bộ lãnh đạo, quản lý không đủ chuẩn thì không bổ nhiệm lại mà chuyển sang làm giáo viên đứng lớp.
Cũng theo ông Vũ Tá Long, do số giáo viên cả diện biên chế lẫn hợp đồng không đáp ứng đủ cho việc dạy học nên nhiều năm nay, một số trường trên địa bàn phải tổ chức cho giáo viên dạy tăng tiết. Đến nay, UBND huyện vẫn còn nợ giáo viên dạy tăng tiết năm học 2017-2018 với số tiền gần 2,5 tỷ đồng. Chủ trương của UBND tỉnh Đắk Nông là các huyện tự cân đối kinh phí để chi trả nhưng đến nay huyện Đắk G'long vẫn chưa cân đối được và đang kiến nghị ngành chức năng hỗ trợ, tháo gỡ.
Tại thị xã Gia Nghĩa và một số địa phương khác của tỉnh Đắk Nông, một số trường mầm non, tiểu học đã phải lên phương án huy động phụ huynh học sinh đóng góp tiền để chi trả cho giáo viên khi tổ chức học bán trú (đối với cấp học mầm non) và các môn tự chọn (như tiếng Anh đối với cấp tiểu học). Đây đều là các giải pháp tình thế, trong bối cảnh học sinh tăng liên tục nhưng biên chế giáo viên không được điều chỉnh tăng theo.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Đắk Nông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Nông đã chỉ đạo và ngành Giáo dục đang thực hiện rà soát để sắp xếp lại biên chế ngành theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Từ nay đến năm 2021, một số trường, điểm trường sẽ sáp nhập hoặc chấm dứt hoạt động để giảm bớt các vị trí lãnh đạo, quản lý, nhân viên hành chính. Giáo viên một số trường tại các huyện đã ổn định và có chiều hướng giảm dần số học sinh như Cư Jút, Đắk Song, Đắk Mil sẽ được sắp xếp, điều chuyển công tác đến các huyện, thị đang thiếu hụt giáo viên. Biên chế giáo dục cũng được tinh giản, sắp xếp lại theo hướng ưu tiên cho giáo viên trực tiếp đứng lớp.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Sở Nội vụ, các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục kiến nghị Bộ Nội vụ, Chính phủ có giải pháp để tỉnh tăng biên chế chuyên môn, trong bối cảnh Đắk Nông là tỉnh ở khu vực Tây Nguyên còn nhiều khó khăn, dân di cư không theo quy hoạch liên tục tăng từ khi thành lập (năm 2004) đến nay.
Hưng Thịnh
Theo TTXVN
5 cách cải thiện lương giáo viên Trong điều kiện hiện nay, với khả năng có hạn của ngân sách nhà nước và yêu cầu cân đối giữa các ngành, nghề, Nhà nước sẽ rất khó khăn trong việc đổi mới và hoàn thiện chính sách lương đối với đội ngũ nhà giáo. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục và thực trạng đội ngũ nhà...