BIDV thực hiện đấu giá, thu giữ nhà, xe để thu hồi nợ xấu
Ngân hàng BIDV vừa thông báo đấu giá, thu giữ nhiều khoản nợ, tài sản đảm bảo là căn hộ cao cấp, dây chuyền sản xuất, xe ô tô… để xử lý thu hồi các khoản nợ xấu.
Toàn cảnh dự án The Era Town
Cụ thể, BIDV chi nhánh Gia Định phối hợp cùng Công ty CP Đức Khải công bố bán tài sản là 27 căn hộ tại chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town) tại 15B đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP HCM.
Các căn hộ có diện tích dao động từ 135m2 đến 368 m2, được bán với giá khởi điểm từ 2,18 tỷ đồng đến 5,54 tỷ đồng. Tổng giá trị của 27 căn hộ tính theo mức khởi điểm gần 90 tỷ đồng.
The Era Town là dự án do Công ty CP Đức Khải làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 4.800 tỷ đồng. Dự án có hơn 3.000 căn hộ bắt đầu bàn giao vào năm 2013.
Để tham gia đấu giá, người mua phải mở tài khoản thanh toán tại BIDV Gia Định và ký quỹ tối thiểu 10% giá khởi điểm tài sản muốn mua. Sau khi hết thời hạn nhận hồ sơ (chậm nhất ngày 30/10), ngân hàng sẽ thông báo đến các đơn vị chào mua tài sản thời gian, địa điểm tổ chức buổi mở hồ sơ chào mua. Ngân hàng lựa chọn người mua theo nguyên tắc người mua tài sản có giá chào mua cao nhất. Trường hợp có nhiều hồ sơ có giá chào mua ngang nhau, ngân hàng sẽ chọn người mua nộp hồ sơ sớm nhất.
BIDV Gia Định sẽ hỗ trợ cho vay tối đa 60% giá khởi điểm của căn hộ theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Mới đây, BIDV cũng thông báo đấu giá khoản nợ của Công ty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Nghệ An (PVIT) với tổng dư nợ hơn 84 tỷ đồng, gồm 40 tỷ đồng nợ gốc và 44 tỷ đồng nợ lãi.
Ngoài ra, ngày 16/10 tới, BIDV cũng thực hiện thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý thu hồi khoản nợ của Công ty TNHH TM-DV Thiên Nhiên. Tài sản bị thu giữ là dây chuyền sản xuất lúa gạo thành phẩm tại Cụm công nghiệp Mỹ Hiệp, xã Mỹ Hiệp, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Tổng giá trị của dây chuyền là trên 18 tỷ đồng. Được biết, khoản vay của Công ty Thiên Nhiên tại BIDV chi nhánh Bến Thành đã quá hạn từ tháng 12/2014.
Hiện BIDV cũng đang lực chọn tổ chức thẩm định khoản nợ của Công ty CP TM và XNK Tiến Hưng. Giá trị khoản nợ của Công ty Tiến Hưng hiện là 17,3 tỷ đồng, gồm 12,4 tỷ đồng nợ gốc và 4,9 tỷ đồng nợ lãi. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ là 8 phương tiện vận tải thuộc sở hữu của Công ty Tiến Hưng, bao gồm xe ô tải, xe đầu kéo…
Khải Kỳ
Theo Haiquanonline.com.vn
Cơn bĩ cực của cổ phiếu FTM: Lo rủi ro nợ xấu?
Theo chuyên gia, điều quan trọng là phải xem phía ngân hàng đã có động thái cắt lỗ hay chưa; họ có làm đúng các quy trình hay không.
Video đang HOT
Qua 26 phiên giảm sàn liên tiếp, cổ phiếu FTM bị mất hơn 80% thị giá khiến các chủ nợ của doanh nghiệp này lo sốt vó, trong đó có cả ngân hàng. Khẳng định rủi ro trong cho vay là chuyện bình thường, song chuyên gia kinh tế - tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh cũng đặt ra những nghi vấn về điểm bất thường trong vụ việc này.
PV: - Những lùm xùm liên quan tới sự việc cổ phiếu FTM của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) đã trải qua 26 phiên giao dịch giảm sàn liên tục từ mức giá 22.000 đồng/cổ phiếu phiên 15/8/2019 xuống 3.710 đồng/cổ phiếu phiên 20/9, tương đương với việc mất hơn 80% thị giá đang khiến giới đầu tư đặt nhiều dấu hỏi.
Đáng chú ý, trong những doanh nghiệp bị thiệt hại liên quan đến việc cổ phiếu FTA giảm sàn có Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Bắc Hà Nội. Không chỉ là chủ nợ lớn nhất của FTM (386,5 tỷ đồng, tính đến ngày 30/6/2019), BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội còn là đối tác tín dụng của các lãnh đạo FTM.
Cha con ông Lê Mạnh Thường, cựu Chủ tịch HĐQT FTM từng thế chấp cho BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội cổ phiếu FTM/vốn góp tại FTM, đồng nghĩa giá trị số cổ phiếu thế chấp tại BIDV nói trên cũng giảm sâu. Nguy cơ ngân hàng gánh nợ xấu từ sự việc này đã được đặt ra. Ông bình luận như thế nào về trường hợp này? Theo ông, đây có phải là trường hợp cá biệt?
Ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh: - Câu chuyện ngân hàng nhận tài sản đảm bảo, cho vay mà xảy ra rủi ro là bình thường vì mỗi ngân hàng thương mại đều có những quy trình bảo vệ rất chặt chẽ đối với tất cả các loại tài sản và các loại hình cho vay.
Đối với cầm cố cổ phiếu có hai dạng. Một là cầm cố để đầu tư, theo đó, ngân hàng thương mại sẽ liên kết với các công ty chứng khoán dựa vào tính thanh khoản của từng cổ phiếu từ đó ấn định tỷ lệ cho vay là bao nhiêu. Với tỷ lệ cho vay cầm cố cổ phiếu như thế thì ngân hàng sẽ thu hồi vốn bằng cách bán cổ phiếu, có nghĩa nguồn thu là từ chính cổ phiếu đó luôn.
Hai là, cổ phiếu được dùng làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay, thay vì dùng đất đai, nhà xưởng... Mỗi ngân hàng đều có quy trình định giá cổ phiếu như thế nào, danh mục các cổ phiếu nào được cầm cố, cổ phiếu nào không được cầm cố...
Trong trường hợp của FTM, vấn đề đặt ra là: BIDV chi nhánh Bắc Hà Nội đã làm đúng hay làm sai? Nếu làm đúng thì xảy ra rủi ro trong cấp tín dụng là bình thường.
Tuy nhiên, khi cổ phiếu FTM giảm sàn hàng chục phiên liên tiếp, ngân hàng đã có động thái hay biện pháp gì để xử lý chưa?
Thông thường, khi quản trị rủi ro đối với tài sản đảm bảo là cổ phiếu, nếu thấy những dấu hiệu bất thường khiến giá cổ phiếu giảm sâu liên tiếp thì ngân hàng sẽ có nhiều biện pháp can thiệp. Điều quan trọng là phải xem phía ngân hàng đã có động thái cắt lỗ hay chưa; họ có làm đúng các quy trình hay không. Nếu làm đúng quy trình rồi mà rủi ro vẫn xảy ra thì có nghĩa quy trình đó có vấn đề hoặc cách tổ chức, vận hành trong quy trình đó có vấn đề.
Chuyên gia kinh tế - tài chính Trịnh Đoàn Tuấn Linh
Thành thực mà nói, không riêng gì cổ phiếu, nếu ngân hàng nhận thế chấp tài sản khác thì vẫn có thể xảy ra rủi ro. Ví dụ, ngân hàng nhận thế chấp một miếng đất, lúc đầu miếng đất đó được định giá chừng 10 tỷ đồng, nhưng sau giảm xuống còn 3-4 tỷ đồng. Hay ngân hàng cho doanh nghiệp vay mua máy móc hàng trăm tỷ đồng, vài năm sau doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, dây chuyền đó trở nên cũ kỹ, khi bán bị mất giá... Những chuyện rủi ro trong cấp tín dụng như vậy vẫn thường xảy ra.
Ở đây, cổ phiếu là giấy tờ ghi nhận cổ phần của cá nhân ở trong một tổ chức. Khi tổ chức đó có vấn đề, cổ phiếu giảm giá thì phải chấp nhận rủi ro. Có điều kinh nghiệm cho thấy, những công ty có vốn hóa thị trường thấp mà chủ sở hữu nắm phần lớn lượng vốn trong đó thì dễ xảy ra hiện tượng làm giá. Người ta có thể dùng thủ thuật để đẩy giá giao dịch lên một thời gian dài. Trong khi đó, quy trình định giá của một số ngân hàng lại có phần máy móc, chẳng hạn ngân hàng nhìn vào một chu kỳ dao động dài rồi đưa ra một mức giá.
Rõ ràng, quy trình có thể không sai nhưng góc khuất đằng sau quy trình đó lại có những thứ mà người ta có thể lách luật hay làm thủ thuật.
PV: Thưa ông, việc cầm cố những giấy tờ có giá (cổ phiếu, trái phiếu) là nghiệp vụ bình thường của ngân hàng. Thậm chí, đã xuất hiện việc ngân hàng thương mại mua trái phiếu của doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp bất động sản. Thế nhưng trong bối cảnh thị trường chứng khoán còn non trẻ mà đã mở cửa rộng rãi cho nhà đầu tư ngoại, cùng sự xuất hiện của nhiều nhà đầu tư sành sỏi, những nguy cơ phải được lường trước như thế nào?
Theo quan sát của ông, hệ thống văn bản quản lý của chúng ta đã đầy đủ để ngăn chặn tối đa những rủi ro cho hệ thống tín dụng chưa?
Đối với trường hợp của FTM, nếu cổ phiếu của doanh nghiệp này không hãm đà lao dốc, nguy cơ cho ngân hàng thương mại gánh số nợ này như thế nào? Đây sẽ là nợ xấu ở nhóm nào?
Ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh: - Những vấn đề câu hỏi đề cập thì luật pháp của Việt Nam đã có quy định cả. Không chỉ thị trường Việt Nam mà tất cả các thị trường trên thế giới, khi vận hành chưa được trơn tru, chưa phát triển mạnh thì cũng luôn có nhà đầu tư nọ, nhà đầu tư kia có vấn đề. Mọi cuộc chơi đều như vậy, đó là chuyện bình thường.
Về các công cụ quản lý trên thị trường chứng khoán hay các quy định đối với ngân hàng thương mại hiện nay đều tương đối đầy đủ. Dĩ nhiên, đâu đó ta thấy rằng dù pháp luật chặt chẽ đến đâu thì vẫn không tránh khỏi trường hợp người này, người kia, thay vì đi con đường đàng hoàng thì họ chọn cách đi nhanh hơn, rủi ro hơn. Những vụ rủi ro xảy ra ở Việt Nam thường có cái gì đó không được lành mạnh, có động cơ bên ngoài, còn người có kinh nghiệm, có tư duy làm ăn đàng hoàng thì khó xảy ra chuyện đó.
Trở lại với trường hợp cổ phiếu FTM, nếu không hãm được đà lao dốc thì khả năng là ngân hàng sẽ bị mất vốn.
Cũng cần hiểu rõ rằng, đối với cổ phiếu cầm cố, nguồn trả nợ của nợ không phải từ cổ phiếu mà là từ phương án vay. Nghĩa là cổ phiếu đó giảm hay không giảm chưa chắc đã ảnh hưởng tới khoản vay. Tài sản đảm bảo cho khoản vay chỉ là nguồn thu nợ sau phương án vay. Doanh nghiệp vay phải trình phương án kinh doanh, kinh doanh cái gì, có kinh doanh hay không, từ dòng vốn kinh doanh đó họ sẽ đưa về trả nợ, chỉ khi nào dòng vốn đó không hiệu quả thì mới lấy từ tài sản đảm bảo.
Trong trường hợp này, cổ phiếu chỉ là tài sản đảm bảo mà thôi. Rất nhiều doanh nghiệp tốt không cần tài sản đảm bảo, rủi ro chỉ xảy ra khi tất cả mọi thứ đều không tốt.
PV: - Một điều đáng lưu ý trong vụ việc của FTM là, một mặt các cổ đông chính của doanh nghiệp này cầm cố cổ phiếu tại ngân hàng, mặt khác bản thân doanh nghiệp này cũng cầm cố tài sản ở ngân hàng. Đây có được coi là nguy cơ kép hình thành nợ xấu hay không? Trong trường hợp này, lỗ hổng trong việc cho vay nằm ở đâu? Theo ông, có nên rà soát để phát hiện cách thức cho vay, tránh để xảy ra những hệ lụy xấu nếu doanh nghiệp làm ăn thua lỗ?
Ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh: - Như đã nói ở trên, tài sản đảm bảo chỉ là biện pháp đảm bảo tiền vay, không phải nguồn trả nợ đầu tiên. Nguồn trả nợ chính là số vốn mà doanh nghiệp vay ngân hàng để kinh doanh, khi kinh doanh có lãi thì số tiền ấy là nguồn trả nợ chính, chứ không phải tài sản đảm bảo. Chỉ lấy tài sản đảm bảo ra trả nợ khi việc kinh doanh thất bại và ngân hàng cực chẳng đã mới lấy tài sản đảm bảo để bù đắp số tiền cho vay nợ.
Cổ phiếu của doanh nghiệp có hai chủ sở hữu: một là cổ đông là cá nhân; hai là trong doanh nghiệp có những cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, phần lớn cổ phiếu quỹ không được cầm cố mà cá nhân ông chủ doanh nghiệp cầm cố cổ phiếu của mình để đảm bảo cho khoản vay của doanh nghiệp hoặc cá nhân ông ta.
Ví dụ, một lãnh đạo doanh nghiệp có 5 triệu cổ phiếu, ông ta dùng 3 triệu cổ phiếu để đảm bảo cho khoản vay của công ty và dùng 2 triệu cổ phiếu để đảm bảo cho khoản vay của cá nhân mình. Cổ phiếu ở đây đơn thuần là tài sản đảm bảo cho khoản vay và nó có thể đảm bảo cho bất kỳ khoản vay nào nếu tổ chức tín dụng chấp nhận.
Về nguy cơ kép với nợ xấu như câu hỏi đề cập, như phân tích ở trên, về bản chất, đây là hai chủ thể khác nhau, công ty là một pháp nhân thì chịu trách nhiệm với vai trò pháp nhân, còn lãnh đạo FTM với vai trò là cổ đông thì chịu trách nhiệm với vai trò cổ đông; nếu vị lãnh đạo ấy vay với vai trò cá nhân thì ông ta là một chủ thể cá nhân khác. Cho nên đây là hai quan hệ dân sự khác nhau hoàn toàn.
Lịch sử giá cổ phiếu FTM. Ảnh: VNDS
Ví dụ, khi công ty vay tiền, cho dù ông A là giám đốc ký tên nhưng việc ký tên đó mang tư cách đại diện cho pháp nhân là công ty. Còn đối với cá nhân ông A là cổ đông công ty thì quyền và trách nhiệm đối với cổ đông lại được điều chỉnh theo các quy định trong Luật Doanh nghiệp.
Vì lẽ đó, ông A vừa ký với tư cách cá nhân vay vừa đại diện cho công ty ký thì vẫn chấp nhận được vì đó là hai quan hệ khác nhau.
Đó là nguyên tắc, còn những lo ngại của dư luận là điều dễ hiểu vì ở Việt Nam, ranh giới giữa cá nhân và doanh nghiệp đôi khi rất mong manh, nhưng cũng không phải vì thế mà nhập nhèm về trách nhiệm. Khi doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, doanh nghiệp phải chịu. Ở Việt Nam, nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng chủ doanh nghiệp vẫn không hề hấn gì.
Câu chuyện đó cho thấy, luật của ta có nhiều biện pháp nhưng nhiều cái chưa đến nơi đến chốn hoặc nguồn lực của chúng ta có giới hạn nên không kiểm soát được.
Ví dụ, nhiều người lập công ty TNHH đáng lý ra họ chịu trách nhiệm với phần vốn của mình trong công ty, tuy nhiên một số chủ doanh nghiệp chi phối cả công ty. Thế nên, hiện tượng phổ biến ở Việt Nam là chủ công ty - cổ đông thì lời, còn công ty thì lỗ. Người ta đã tìm cách chuyển dòng tiền ra, công ty lỗ thì đã có pháp nhân chịu trách nhiệm. Còn ngân hàng cũng phải chịu vì cho công ty vay, khi công ty phá sản thì công ty ấy có tài sản gì bán thanh lý được thì bán, ngân hàng lấy được gì thì lấy, chủ công ty ôm tiền lập công ty khác là chuyện bình thường. Những gì gọi là trách nhiệm của người đó với công ty, họ làm gì sai thì sẽ xử lý theo hành vi.
PV: - Chắc hẳn cách thức thế chấp vay như của FTM hay việc cầm cố giấy tờ có giá cho ngân hàng là một điều phổ biến ở các nền kinh tế phát triển. Vậy họ phòng ngừa rủi ro của loại hình cho vay này như thế nào? Việt Nam có học tập được kinh nghiệm của họ hay không và vì sao?
Ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh: - Cổ phiếu cũng là một loại tài sản, nó có những quy luận vận hành của tài sản, có lên giá, giảm giá. Thông thường, ở Việt Nam, ít ngân hàng cho vay cầm cố cổ phiếu và chỉ cho vay cầm cố cổ phiếu khi ngân hàng chắc chắn đó là những doanh nghiệp mà họ tin tưởng, đồng thời những cổ phiếu kia ngân hàng cũng chỉ cầm cố tạm thời mà thôi. Khi giao dịch xảy ra chuyện gì, giá trị của cổ phiếu chỉ là một tờ giấy nên ngân hàng cực kỳ cẩn thận với việc cho vay cầm cố cổ phiếu. Chỉ có điều ở Việt Nam thường xảy ra rủi ro ở chỗ, người ta biết nhưng vẫn cứ làm.
Bản thân chúng tôi làm trong ngành ngân hàng, khi nghe đến cổ phiếu là không muốn cầm, chỉ khi nào tình trạng doanh nghiệp quá tốt, cổ phiếu của doanh nghiệp giống như là tín chấp, cầm thêm để lấy niềm tin.
Đối với trái phiếu, ngân hàng cũng thường chỉ cầm trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ thì ngân hàng khá ngại, có chăng chỉ cầm ngắn hạn.
Về các công cụ kiểm soát rủi ro khi cho vay cầm cố giấy tờ có giá, Việt Nam có khá đầy đủ và cũng tương tự như thế giới: có danh mục đầu tư, có quy trình, phần mềm theo dõi hàng ngày, hàng giờ... Có điều, đối với các nước trên thế giới, thông tin đầy đủ và minh bạch hơn, công cụ kiểm soát rủi ro và kiểm soát những hành vi sai trái trên thế giới làm chặt hơn Việt Nam.
Dĩ nhiên, kể cả khi có đầy đủ công cụ kiểm soát rủi ro, khả năng mất vốn của ngân hàng vẫn có thể xảy ra. Nhưng theo quan sát, những vụ việc rủi ro thường xảy ra ở các ngân hàng nhà nước, ngân hàng nhỏ - các cổ đông "quay đi quay lại" với nhau. Còn thông thường, như đã khẳng định, dù quy trình cầm cố cổ phiếu rất chặt chẽ thì ngân hàng thương mại vẫn rất e ngại.
PV: Trở lại với trường hợp của FTM, theo ông, phía quản lý nhà nước, mà cụ thể là Ngân hàng Nhà nước nên có phản ứng như thế nào để thể hiện vai trò quản lý của mình, đảm bảo hệ thống tín dụng phát triển ổn định và bền vững?
Ông Trịnh Đoàn Tuấn Linh: - Ngân hàng thương mại liên quan tới vụ việc của FTM vẫn là một trong những ngân hàng có vốn nhà nước lớn nhất, do đó khi xảy ra rủi ro chắc chắn ngân hàng còn nhiều biện pháp khác nữa: xuống thanh tra cụ thể quy trình, tìm ra cái sai, từ cái sai đó quy trách nhiệm từng người. Còn vấn đề cảnh báo thì vẫn làm như lâu nay: tăng cường thanh tra, giám sát, sau đó, ra công văn cảnh báo.
Mọi cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước giống như chúng ta đặt biển báo giao thông, ai chạy ẩu thì vẫn dễ gặp tai nạn. Các ngân hàng thương mại khi làm ăn đã phải tự lo trước, nếu xảy ra rủi ro là do có lỗ hổng trong chuyện tự lo của ngân hàng đó.
Thành Luân
Theo Baodatviet.vn
BIDV và khoản nợ khả năng mất vốn 10.000 tỷ đồng BIDV là 1 trong 4 NHTM có vốn nhà nước quy mô lớn trong hệ thống NH Việt Nam. Song NH lớn gắn liền với khách hàng lớn nên rủi ro cũng lớn. Điều này thể hiện qua những số liệu liên quan đến nợ xấu của NH trong thời gian qua và hiện đã tăng lên hơn 10.000 tỷ đồng nợ nhóm...