BIDV dồn lực trích lập dự phòng, đón nhận nguồn vốn quan trọng từ KEB Hana
BIDV đã sử dụng hơn 70% thu nhập hoạt động trước dự phòng nợ xấu để trích lập dự phòng nợ xấu, đón nhận thêm nguồn vốn dài hạn quan trọng từ Ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) thông qua thương vụ M&A lịch sử.
Theo báo cáo mới đây của Bộ phận Phân tích CTCP Chứng khoán SSI, điểm nổi bật trong hoạt động kinh doanh của BIDV trong quý III vừa qua là tái cấu trúc vốn, khi ngân hàng đặt mục tiêu giảm dần tiền gửi và trái phiếu dài hạn để giảm chi phí vốn, trước khi sắp được tăng vốn từ thương vụ M&A với Ngân hàng Keb Hana.
Cụ thể, BIDV đã mua tất cả tái phiếu vốn cấp 2 kỳ hạn 10 năm phát hành năm 2014 với tổng trị giá 7.300 tỷ đồng. Theo điều khoản phát hành trái phiếu, lãi suất trái phiếu sẽ được điều chỉnh tăng đáng kể nếu BIDV không mua lại sau 5 năm đầu tiên kể từ khi phát hành. Để thay thế các trái phiếu đó, ngân hàng phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 1.100 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 10 năm, tất cả đều là trái phiếu cấp 2 có lãi suất thấp hơn.
Ngân hàng cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi để thu hút nguồn vốn ngắn hạn và giảm nguồn vốn dài hạn. Tính tới tháng 9/2019, tổng tiền gửi của khách hàng, chứng chỉ tiền gửi (CD), và trái phiếu có kỳ hạn hơn 1 năm giảm 5.000 tỷ đồng, trong khi tổng huy động với kỳ hạn 3-12 tháng tăng mạnh nhất (tăng 18,1% so với đầu năm).
Cùng với cấu trúc vốn được thay đổi, BIDV cũng điều chỉnh cơ cấu tài sản theo hướng tăng tỷ trọng cho vay ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Tỷ trọng dư nợ cho vay ngắn hạn tăng từ mức 61,8% cuối năm 2018 lên 62,9% vào cuối tháng 9 vừa qua. Với nguồn vốn dự trữ hạn chế, BIDV tăng đầu tư vào trái phiếu do ngân hàng khác phát hành, thường được áp dụng hệ số rủi ro bằng 0 (do đa số được đảm bảo bằng trái phiếu Chính phủ), đồng thời có ợi suất cao hơn so với cho vay ngắn hạn liên ngân hàng. Chiến lược này cho phép ngân hàng mở rộng tài sản sinh lãi với chi phí vốn đầu tư thấp.
Tuy nhiên, tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) phản ánh chênh lệch giữa thu nhập lãi và chi phí lãi lại giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 13 quý vừa qua. Lũy kế 9 tháng đầu năm, hệ số NIM trong giảm còn 2,46% từ mức 2,69% cùng kỳ. Theo SSI Research, chi phí huy động trong khi lợi suất tài sản sinh lời không cải thiện nhiều là nguyên nhân khiến hệ số NIM giảm mạnh. Ngoài ra, giai đoạn nửa đầu năm 2019 để tài trợ cho hoạt động cho vay do thiếu nguồn vốn dài hạn, ngân hàng đã phải tăng tăng huy động tiền gửi dài hạn và phát hành chứng chỉ tiền gửi.
Nhìn lại kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, dù hệ số NIM giảm, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng vẫn tăng nhờ thu nhập ngoài lãi tăng trưởng nhanh. BIDV cũng cải thiện hiệu quả hoạt động (tỷ lệ chi phí hoạt động /thu nhập (CIR) giảm còn 30,3%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý III tăng 32,6% so với cùng kỳ mới là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận trước thuế quý III chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, chi phí dự phòng tăng 14,9%, lợi nhuận trước thuế đạt 7.030 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ.
Theo tính toán của SSI Research, BIDV đã sử dụng hơn 70% thu nhập hoạt động trước dự phòng nợ xấu để trích lập dự phòng nợ xấu. Đồng thời, ngoài dự phòng nợ xấu từ các khoản vay, SSI Research ước tính ngân hàng đã xóa hơn 3.300 tỷ đồng trái phiếu VAMC, tương đương hơn 51% dư nợ trái phiếu VAMC ròng đầu năm 2018.
“Ngân hàng lên kế hoạch xử lý tất cả trái phiếu VAMC trong năm 2019, do đó, khoảng 3.100 tỷ đồng dư nợ trái phiếu VAMC ròng còn lại sẽ tiếp tục được xử lý trong quý IV/2019″, báo cáo của SSI Research dự tính.
Video đang HOT
Việc quyết liệt trích lập dự phòng cũng giúp chất lượng tài sản tiếp tục được cải thiện. Mặc dù tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng lên 2,09% từ mức 1,9% cuối năm 2018, tỷ lệ nợ xấu bao gồm dư nợ trái phiếu VAMC ước tính giảm xuống còn 2,46% từ mức 2,75% trong năm 2017 và 2,56% trong năm 2018.
Dư nợ trái phiếu VAMC tại một số ngân hàng đến cuối tháng 6/2019
Đầu tháng 11/2019 vừa qua, BIDV đã hoàn tất xong đợt phát hành riêng lẻ tăng vốn. Thương vụ giữa ngân hàng và KEB Hana đưa Keb Hana trở thành cổ đông chiến lược của BIDV, với 15% cổ phần. Đồng thời, BIDV nhận thêm nguồn vốn dài hạn quan trọng và nâng vốn điều lệ lên cao nhất trong hệ thống.
Thanh Thủy
Theo baodautu.vn
Ngân hàng trước xu hướng không thể cưỡng
Xu hướng là bạn, ngân hàng nắm bắt và dịch chuyển theo xu hướng để không bị tụt lại phía sau.
Ảnh minh họa.
Ngày 19/11, tại một hội thảo, người tham dự có thể bất ngờ khi thấy ông Nguyễn Chiến Thắng ở vị trí Giám đốc Trung tâm Ngân hàng Số của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).
Vì gần đây, ông Thắng quen thuộc ở vị trí Giám đốc Ngân hàng Số của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Tại hội thảo, nhân sự vừa đầu quân cho BIDV nói trên cho rằng, chuyển đổi số là xu hướng đã và đang nổi bật, diễn ra mạnh mẽ, buộc các ngân hàng thương mại Việt Nam phải nắm bắt.
Trong chuyển đổi này, ông Thắng ví von, các ngân hàng như đàn linh dương đang di chuyển từ những bãi cỏ cằn cỗi đến những đồng cỏ xanh tươi mới. Nhưng, quãng đường di chuyển phải vượt qua nhiều thử thách, nguy hiểm, đòi hỏi sự dũng cảm mà không phải tất cả đều đến đích và thành công.
Dịch chuyển, cấu trúc hoạt động của các ngân hàng Việt Nam cũng thể hiện rất rõ những năm gần đây. Đó là xu hướng, mà theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nói là ngân hàng không thể cưỡng lại được, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Năm 2016, báo cáo kết quả kinh doanh Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) có một dữ liệu gây chú ý: tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân lên tới trên 40%, hướng đến trên 50%... Khi đó, đây là một tỷ trọng vượt trội trong hệ thống.
Thế rồi, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tín dụng bán lẻ trở thành khẩu hiệu cho toàn hệ thống dịch chuyển. Năm 2017, 2018 và đến 2019, tín dụng bán lẻ tại đây đã chiếm khoảng trên 50%.
Hay ngay tại cái tên Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã phản ánh đặc thù truyền thống và bề dày tỷ trọng trong tài trợ các dự án. Nhưng, tỷ trọng tín dụng bán lẻ đã dịch chuyển rõ rệt những năm gần đây. Hay nhìn sang Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank), tín dụng bán lẻ và cho vay doanh nghiệp SME đến cuối tháng 9/2019 cũng đã chiếm khoảng 50%...
Như trên, cũng như ở xu hướng chuyển đổi số, cấu trúc thị trường thay đổi tạo nên xu hướng nhu cầu. Việt Nam có đặc điểm dân số trẻ và nền tảng khách hàng cá nhân lớn, và nền tảng này mới chỉ ở giai đoạn đầu của khai thác dịch vụ tài chính, được nâng dần lên theo đà cải thiện của thu nhập và nhu cầu đời sống.
Các diễn giả tại hội thảo cùng chung quan điểm rằng: Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ các nhu cầu thanh toán, tín dụng cá nhân và bảo hiểm. Tổng thể những nhu cầu này tạo nên xu hướng, thay đối cấu trúc hoạt động của các ngân hàng thương mại, thay vì chỉ chủ yếu dựa vào tín dụng và cho vay các doanh nghiệp, tập đoàn và tổng công ty lớn như trước đây.
Theo xu hướng đó, cấu trúc lợi nhuận của các ngân hàng cũng thay đổi rõ những năm gần đây. Nguồn thu phi tín dụng, từ dịch vụ và bán chéo sản phẩm bảo hiểm... ngày càng chiếm vị trí và tỷ trọng danh dự trong cơ cấu.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Giám đốc Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV nhìn nhận rằng, khi thu nhập và đời sống của người dân tăng lên, chính họ có nhu cầu đa dạng các kênh đầu tư, đã dạng các nguồn tạo thu nhập, thay vì chỉ chủ yếu gửi tiết kiệm truyền thống.
Vậy nên, tại hội thảo, lãnh đạo một ngân hàng cho biết chính vợ ông cũng thường xuyên nhận được "spam" chào mua trái phiếu doanh nghiệp, mua bảo hiểm... Và điều này là bình thường, chính các cá nhân cũng có nhu cầu tìm hiểu và đa dạng kênh đầu tư của mình.
"Người buôn tiền" của BIDV cho rằng, do xuất phát điểm của Việt Nam thấp, nên câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp nổi lên gần đây gây chú ý. Đúng ra, đây phải là kênh chính yếu để huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế.
Vì xuất phát điểm thấp, còn mới, còn hạn chế về thông tin và khung quản lý, bảo vệ nhà đâu tư. Nhưng ông Quỳnh lý giải ở khía cạnh thị trường, rủi ro đó được nhìn nhận ở lãi suất.
Doanh nghiệp có độ rủi ro thấp, an toàn cao thì có thể lãi suất trái phiếu phát hành thấp; ngược lại doanh nghiệp có độ rủi ro cao thì lãi suất cao. Trên thị trường, nhà đầu tư cũng có khẩu vị khác nhau, và cũng có những người ưa khẩu vị rủi ro cao.
Vì vậy, thị trường trái phiếu dần đa dạng và quan trọng là đang có bước phát triển đáng chú ý. Nếu như hai năm trước Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt 7% GDP, thì hiện nay đã vượt trên 10% rồi.
Hay những năm gần đây, hệ thống ngân hàng Việt Nam bùng nổ liên kết phân phối bảo hiểm. Đây cũng là xu hướng nhu cầu nổi bật mà hầu hết các ngân hàng đang bắt nhịp. Vấn đề là, tại Việt Nam mới chỉ có chưa đầy 10% dân số có bảo hiểm nhân thọ, trong khi nhiều nước láng giềng đã đạt cỡ 70-80%.
Hay trong trận bóng đá tối 19/11 giữa Việt Nam với Thái Lan trên sân Mỹ Đình, kỷ nguyên điện thoại thông minh cụ thể hóa bằng rừng đèn cổ vũ, mà trên trên những chiếc điện thoại đó hẳn có tích hợp dịch vụ ngân hàng, Fintech...
Trước những thực tiễn đó, ông Quỳnh khẳng định tại hội thảo rằng: "Xu hướng không thể thay đổi về cấu trúc thu nhập của các ngân hàng thương mại đã thể hiện rõ. Ngân hàng phải cấu trúc lại sản phẩm để đảm bảo hiệu quả lợi nhuận và tăng cạnh tranh. Cách thức vận hành kinh doanh của họ cũng phải thay đổi".
"Chúng tôi thường có câu trong đầu tư: "The trend is your friend". Nói nôm na, xu hướng là bạn, cần nắm đúng xu hướng, đi theo xu hướng thị trường, nếu không muốn bị tụt lại phía sau", "người buôn tiền" của BIDV nói thêm.
MINH ĐỨC
Theo Bizlive.vn
Các báo cáo về tỷ giá đều đưa thông điệp tích cực Ngay cả khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giảm thêm lãi suất USD, thì tỷ giá VND/USD cũng khó biến động trong những tháng cuối năm. Tỷ giá VND/USD khó biến động trong những tháng cuối năm.. Kỳ vọng thêm một lần Fed hạ lãi suất Giới phân tích tài chính nhận định, nếu Fed giảm lãi suất vào cuối năm...