Biden đau lòng vì nửa triệu người Mỹ chết do Covid-19
Biden gọi mốc hơn 500.000 người Mỹ chết vì Covid-19 là con số “đau lòng”, kêu gọi đất nước đoàn kết chống đại dịch.
“Tôi hiểu con số này nghĩa là gì”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong bài phát biểu trên truyền hình quốc gia hôm 22/2, nhắc lại những bi kịch của chính gia đình mình.
“Tôi kêu gọi tất cả người dân Mỹ tưởng nhớ tới những người đã mất, cũng như những người họ bỏ lại”, ông nói tiếp. “Tôi cũng kêu gọi chúng ta hãy hành động, hãy cẩn trọng, hãy duy trì giãn cách xã hội, hãy đeo khẩu trang, hãy tiêm vaccine”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden bài phát biểu ở Nhà Trắng hôm 22/2. Ảnh: Reuters
Vợ chồng Biden cùng vợ chồng Phó tổng thống Kamala Harris sau đó đứng ngoài Nhà Trắng để mặc niệm trước 500 ngọn nến tượng trưng cho hơn 500.000 người Mỹ chết vì Covid-19 trong tiếng nhạc bài “ Amazing Grace”.
Trước đó, Nhà Trắng cũng như các tòa nhà liên bang khắp đất nước và sứ quán trên thế giới đã để cờ rủ để tưởng nhớ những người tử vong trong đại dịch. Mỹ là quốc gia có số người chết vì Covid-19 lớn nhất thế giới, với 512.397 ca tử vong. Đây cũng là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 28,8 triệu ca nhiễm.
Biden kêu gọi người Mỹ thương tiếc và tưởng nhớ những người đã chết nhưng cũng hãy thể hiện quyết tâm.
“Là một dân tộc, chúng ta không thể và không được phép để điều này tiếp diễn”, ông nói. “Chúng ta phải chấm dứt những hành động chính trị và ngăn chặn những thông tin sai lệch gây chia rẽ gia đình, cộng đồng. Chúng ta phải cùng nhau đấu tranh với tư cách là một dân tộc, một Hợp chúng quốc Hoa Kỳ”.
Video đang HOT
Một tháng Biden lãnh đạo nước Mỹ chống Covid-19
Biden dành tháng đầu tiên của nhiệm kỳ để thực hiện cam kết "đánh bại Covid-19" với người Mỹ, đồng thời tuyên bố "Mỹ đã trở lại" để cùng thế giới chống đại dịch.
Tổng thống Joe Biden đã trải qua một ngày làm việc bận rộn cuối tuần trước, khi tham gia hai cuộc họp trực tuyến quan trọng đầu tiên với lãnh đạo thế giới và tới thăm nhà máy sản xuất vaccine ở Michigan, chuyến công tác chính thức đầu tiên bên ngoài Washington kể từ khi ông nhậm chức.
"Chúng ta không nhìn lại phía sau mà cùng nhau hướng về phía trước", Biden nói trong Hội nghị An ninh Munich (MSC) trực tuyến hôm 19/2.
Phát biểu tại hai sự kiện, Biden lưu ý rằng Mỹ đã chính thức tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris và cam kết hỗ trợ 4 tỷ USD cho sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX, nhằm "lấy lại vị trí lãnh đạo đáng tin cậy" của Mỹ.
Tổng thống Joe Biden trong một cuộc họp tại Nhà Trắng hôm 3/2. Ảnh: NYTimes.
Bốn năm dưới thời Donald Trump, vị thế của Mỹ trên sân khấu quốc tế đã bị sụt giảm nghiêm trọng, khi nhiều đồng minh lâu năm không tin tưởng hành vi thất thường và các tuyên bố phản khoa học của người đứng đầu Nhà Trắng.
Dù Mỹ từng đóng vai trò lãnh đạo trong nhiều cuộc khủng hoảng trước đây như đại dịch Ebola, vốn được cựu tổng thống Barack Obama xem là ưu tiên an ninh quốc gia, Trump đã từ bỏ vị trí đó khi Covid-19 lây lan và thất bại trong chính cuộc chiến chống đại dịch ở Mỹ. Chính quyền Trump đã phát động nỗ lực phát triển vaccine thần tốc, nhưng phản ứng chống dịch thiếu nhất quán, rối loạn đã khiến Mỹ trở thành vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 500.000 người chết và gần 29 triệu người nhiễm.
Trong một tháng tại vị, Biden đã có những chia sẻ công tâm về sai lầm trong trong phản ứng của Mỹ trước đại dịch. Ông tuyên bố rõ ràng sẽ đưa Mỹ thoát khỏi cách tiếp cận lộn xộn, đơn độc của Trump, tìm cách củng cố quan hệ đối tác, khi Mỹ đối đầu với các thách thức như biến đổi khí hậu và các đại dịch trong tương lai.
"Ngay cả khi chúng ta chiến đấu để thoát khỏi đại dịch này, sự tái bùng phát của Ebola ở châu Phi là lời nhắc nhở rõ ràng rằng chúng ta đồng thời phải tài trợ để đảm bảo an ninh y tế, củng cố hệ thống y tế toàn cầu, tạo hệ thống cảnh báo sớm để ngăn ngừa, phát hiện và phản ứng với mối đe dọa sinh học tương lai, bởi vì chúng sẽ tiếp tục xảy đến", Biden nói tại MSC sau khi tham dự phiên họp với nhóm G7.
Sau đó, Biden tới thăm cơ sở sản xuất vaccine Pfizer ở Portage, bang Michigan, một trong ba địa điểm sản xuất của công ty này ở Mỹ. Tổng thống Biden đã cố gắng cân bằng giữa thái độ lạc quan của ông và thực tế về việc chính quyền có thể tiêm chủng cho người dân nhanh như thế nào. Ông chỉ ra cơn bão mùa đông nghiêm trọng ở Texas là một ví dụ cho thấy những thách thức không lường trước có thể cản trở nỗ lực trên, cộng với sản xuất đình trệ và mối đe dọa từ biến chủng nCoV mới.
"Tôi biết chúng ta sẽ vấp trở ngại. Hành trình tới đích sẽ không dễ dàng, nhưng chúng ta sẽ đánh bại nó. Chúng ta sẽ đánh bại nó", Biden nói tại nhà máy của Pfizer.
Ông cũng nhắc lại niềm tin rằng nước Mỹ sẽ "đạt mức bình thường" vào cuối năm nay, nhưng không đặt mốc thời gian cụ thể cho mục tiêu này.
Tính tới 19/2, Mỹ đã phân phối hơn 78 triệu liều vaccine tới các bang và khu vực pháp lý, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC). Hơn 59 triệu liều đã được sử dụng, chiếm khoảng 76% lượng vaccine phân phối.
Sau khi việc vận chuyển vaccine bị đình trệ vì bão tuyết, Andy Slavitt, cố vấn cấp cao của đội ứng phó Covid-19 Nhà Trắng, hôm 19/2 nói rằng chính quyền sẽ tăng cường vận chuyển vaccine trong thời gian tới để khôi phục tốc độ phân phối theo kế hoạch.
"Với tất cả thống đốc và các bang nói muốn có nhiều vaccine hơn, họ phải chuẩn bị sẵn sàng để tăng thêm lịch tiêm chủng và làm thêm giờ", Slavitt nói.
Trong cuộc họp báo Covid-19 trước đó cùng ngày, Slavitt nói rằng chính quyền liên bang bị tồn đọng khoảng 6 triệu liều vaccine do thời tiết xấu và tất cả 50 bang đều bị ảnh hưởng.
Với khoảng 600 triệu liều vaccine đặt hàng từ Pfizer/BioNTech và Moderna, cùng 100 triệu liều từ Johnson & Johnson, Mỹ về lý thuyết có đủ vaccine để tiêm cho toàn bộ người dân vào giữa mùa hè này.
"Chúa muốn Giáng sinh này sẽ khác so với năm ngoái, nhưng tôi không thể cam kết điều đó với các bạn", Biden nói hôm 19/2. "Có rất nhiều chủng nCoV khác. Chúng ta không biết điều gì có thể xảy ra đối với tốc độ sản xuất vaccine. Mọi thứ có thể thay đổi. Nhưng chúng tôi sẽ làm mọi thứ mà khoa học chỉ ra nên làm, và mọi người đang nỗ lực để hoàn thành mọi thứ cần làm".
Biden cũng nỗ lực gấp đôi cho gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ USD mà Hạ viện sẽ bỏ phiếu vào tuần tới, đồng thời thách thức các thành viên Cộng hòa phải làm rõ những nội dung mà họ phản đối trong gói cứu trợ.
Tổng thống Joe Biden (trái) thăm nhà máy sản xuất vaccine của Pfizer ở Portage, bang Michigan hôm 19/2. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn được đặt ra về vấn đề phân phối vaccine công bằng ở Mỹ, đặc biệt là trong các cộng đồng da màu ngày càng chần chừ tiêm vaccine, một vấn đề mà Nhà Trắng dự kiến tập trung giải quyết trong vài tuần tới.
Một phân tích của Quỹ Gia đình Kaiser chỉ ra trong số những người đã nhận được ít nhất một liều vaccine, tỷ lệ người da trắng cao gấp ba lần người gốc Tây Ban Nha và gấp hai lần người da màu ở 27 bang báo cáo dữ liệu.
Một cách mà chính quyền Biden sử dụng để giải quyết vấn đề này là cùng các bang mở trung tâm tiêm chủng cộng đồng mới. Hai trung tâm đã được mở ở Los Angeles và Oakland tuần trước. Slavitt thông báo 5 địa điểm mới sẽ được mở ở Philadelphia, Orlando, Miami, Jacksonville và Tampa trong hai tuần tới.
Khi được hỏi về tiêu chí chọn địa điểm mở trung tâm tiêm chủng, Slavitt cho biết chính quyền liên bang đang làm việc với từng bang để xác định địa điểm mà họ có thể tiêm chủng cho "nhóm dễ bị tổn thương nhất".
Trả lời câu hỏi về bình đẳng tiêm chủng, Slavitt cũng nói rằng chính quyền sẽ sớm thông báo các bước đi mới để giải quyết một số rào cản chính trong chiến dịch tiêm chủng tại những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Mỹ. Ở những khu vực này, nhiều người gặp khó khăn vì thiếu phương tiện đi lại, khó tiếp cận các hiệu thuốc hay trung tâm y tế địa phương, không thể đặt lịch tiêm chủng trực tuyến.
Slavitt nói rằng chính quyền đang nghiên cứu các giải pháp như sử dụng xe lưu động, điều chỉnh giờ làm việc tại địa điểm tiêm chủng để người dân có thể đặt lịch vào cuối tuần hay giúp khắc phục một số vấn đề về hệ thống đăng ký lịch tiêm.
"Tôi có thể nói rằng chúng tôi đang làm việc cụ thể về những vấn đề này cùng với các bang và cộng đồng địa phương", Slavitt nói. "Đã có một số thành công, nhưng tôi nghĩ còn quá sớm để nói về chúng. Thành thật mà nói tôi nghĩ đây là một cuộc chiến không ngừng nghỉ".
Biden nói nước Mỹ cần 'cảnh giác' sau khi Trump được tha bổng Biden kêu gọi người dân Mỹ cảnh giác, có trách nhiệm bảo vệ sự thật khi bình luận việc Thượng viện tha bổng cho Trump. "Chương buồn trong lịch sử này nhắc nhở chúng ta rằng nền dân chủ rất mong manh. Nó luôn cần được bảo vệ, chúng ta phải luôn cảnh giác. Bạo lực và chủ nghĩa cực đoan không có...