Bị xâm hại tình dục: Cách nào giúp trẻ vượt khủng hoảng?
Theo số liệu của công an tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2011 đến 2016, địa bàn có 89 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó hiếp dâm chiếm 35 vụ.
Có thể nói, chưa bao giờ vấn đề xâm hại tình dục trẻ em lại nóng như hiện nay. Dư luận và gia đình bị hại đặc biệt quan tâm đến việc đưa tội phạm ấu dâm ra trước pháp luật. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề lâu dài là chăm sóc, hỗ trợ cho những trẻ em nạn nhân lại chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ.
Nhân tháng hành động vì trẻ em, phóng viên đến Quảng Ninh, nơi ngành công tác xã hội đã có những mô hình tích cực, góp phần chữa lành vết thương tinh thần cho các em.
Việc chữa lành vết thương cho trẻ em bị xâm hại tình dục cần nhiều hoạt động trị liệu tâm lý chuyên môn đầy đủ, thiết thực hơn. Ảnh minh họa.
Bà Lê Thị Hồng Thái – trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh) – không giấu nổi xót xa khi có nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại. Theo số liệu của Công an tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2011-2016 trên địa bàn có 89 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó hiếp dâm chiếm 35 vụ.
Theo bà Thái, khi vụ việc được phát hiện, tâm lý chung của gia đình nạn nhân và cả dư luận thường chỉ muốn nhanh chóng đưa tội phạm ra trả giá trước pháp luật. Còn việc chăm sóc, hồi phục tâm lý cho những đứa trẻ không may bị xâm hại một cách đúng đắn, đầy đủ, khoa học lại chưa thực sự được thực hiện tốt.
Anh Nguyễn Xuân Huy – trưởng phòng Can thiệp hỗ trợ, Trung tâm công tác xã hội Quảng Ninh – cho biết việc bị xâm hại tình dục là cú sốc quá lớn đối với mỗi đứa trẻ, do đó hoạt động can thiệp, hỗ trợ cần cả kiến thức chuyên môn và sự khéo léo, nhạy cảm.
Video đang HOT
Anh Huy nói: “Trẻ em bị xâm hại tổn thương rất lớn cả về thể chất, tinh thần, dễ bị hoảng loạn, thậm chí tự tử. Khi tiếp nhận thông tin trẻ em bị xâm hại, chúng tôi thực hiện can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp ngay.
Trước hết, xác định tổn thương, tư vấn tâm lý để các em nhận thức được việc đó không phải lỗi của mình, không tự trách mình, phối hợp với gia đình để ổn định hoạt động thường ngày. Chúng tôi làm việc với công an, đặc biệt là chúng tôi hoạt động bảo mật thông tin, tránh lan ra càng tổn thương tinh thần cho trẻ”.
Quản lý theo từng trường hợp, mỗi trẻ em bị xâm hại và gia đình sẽ nhận được sự tư vấn tâm lý, pháp lý và nên làm gì, gặp cơ quan chức năng nào, khám chữa bệnh ở đâu…
Theo chính sách hiện mới chỉ có Quảng Ninh áp dụng, mỗi trường hợp bị xâm hại sẽ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng để tạm thời có thêm trang trải, được chuyên viên công tác xã hội hỗ trợ liên hệ với các tổ chức xã hội giúp vay vốn, với nhà trường… Các anh chị trở thành người bạn bên cạnh các em.
Anh Nguyễn Xuân Huy chia sẻ: “Chúng tôi cử nhân viên gặp các em trị liệu tâm lý, xây dựng quan hệ thân thiết để các em nói lên tâm trạng, tư vấn định hướng để các em hòa nhập, trang bị kỹ năng ứng phó phải làm gì trước sự trêu chọc. Nếu có nhiều bạn bè trêu chọc thì chúng tôi làm việc với nhà trường, gọi các bạn ra khuyên nhủ”.
Nhiều em thường xuyên gọi điện cho các anh chị nhờ tư vấn, nhưng anh Huy cũng cho biết, việc quản lý trường hợp thường chỉ kéo dài 6 tháng, tập trung vào tháng đầu quan trong nhất.
Qua thời gian này, việc gặp gỡ lại phải hạn chế để các em có thể quên đi vết thương tinh thần. Có nhiều trường hợp khó khăn, trẻ rơi vào hoảng loạn, phải nhờ đến chuyên gia thôi miên từ tuyến trên hỗ trợ. Thậm chí có vụ việc đáng tiếc, hai mẹ con nạn nhân không chịu nổi búa rìu dư luận đã tìm đến con đường tự tử.
Nhiều năm qua, hoạt động can thiệp, hỗ trợ của ngành công tác xã hội đã góp phần đưa nhiều nạn nhân xâm hại tình dục trở lại hòa nhập, giúp các gia đình quyết tâm hơn trong việc lên tiếng, tố cáo. Tuy nhiên, chính họ cũng thừa nhận rằng, các biện pháp trên chỉ là một phần, cần phải có thêm những hỗ trợ toàn diện để vết thương của các em mau chóng lành lặn.
Bà Lê Thị Hồng Thái trăn trở: “Pháp luật đã quy định trẻ em bị xâm hại phải được điều trị tâm lý với cán bộ điều trị chuyên môn sâu. Tôi nghĩ cần thiết phải xây dựng bộ phận này trong các bệnh viện, ít nhất là tuyến tỉnh.
Trẻ em bị xâm hại tình dục cần được trị liệu theo một quy trình cụ thể, qua trị liệu đứa trẻ trở lại tâm lý bình thường mới có thể hòa nhập, tiếp tục học tập, sinh hoạt”.
Việc can thiệp, trị liệu thể chất, tinh thần cho trẻ em bị xâm hại tình dục cần phải được thực hiện kịp thời một cách đẩy đủ, khoa học hơn, để thực sự trở thành “chiếc phao cứu sinh”, giúp những đứa trẻ không may mắn có thể phát triển bình thường như mọi đứa trẻ khác.
Theo Trường Giang / VOV
Hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em trong năm 2016
Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2016, Việt Nam ghi nhận hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.
Ngày 23/5, lễ ra mắt sổ tay "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!" diễn ra tại trường THCS Trung Hòa (Hà Nội). Đây là một trong những nỗ lực nhằm bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Dragana Strinic - Giám đốc Quốc gia Tổ chức Cứu trợ Trẻ em tại Việt Nam - nhấn mạnh: "Không có công việc nào tuyệt vời hơn, nhưng đồng thời lại khó khăn hơn việc làm cha mẹ. Từ thời khắc trở thành cha mẹ, cuộc sống của chúng ta thay đổi. Mối quan tâm lớn nhất là làm thế nào đảm bảo cho con mình lớn lên an toàn, khỏe mạnh và vui vẻ".
Bà Dragana Strinic nói về tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Sương.
Bà cũng khẳng định trẻ em vẫn thường xuyên gặp nguy hiểm, thậm chí bị xâm hại. Đây là một trong những mối bận tâm hàng đầu, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác, trong đó có Thụy Điển.
Ông Pereric Hgberg - Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam - nhấn mạnh đầu tư cho trẻ em và thực hiện các biện pháp phù hợp nhằm phòng ngừa, bảo vệ các em khỏi bạo lực và lạm dụng là ưu tiên hàng đầu của mọi người. Các hành vi xâm hại trẻ em ở bất cứ quốc gia, môi trường, hoàn cảnh nào đều không thể chấp nhận.
Ông cho rằng phụ huynh nên bỏ qua những ngại ngùng để nói chuyện với con về vấn đề liên quan cơ thể, những giới hạn, mối quan hệ thân mật. Đã đến lúc, người lớn trò chuyện với trẻ em thay vì cùng nhau thảo luận về trẻ.
"Kinh nghiệm tại Thụy Điển cho thấy việc trò chuyện cởi mở với trẻ về quyền đối với chính cơ thể mình và những giới hạn cần thiết khi tiếp xúc cơ thể là rất quan trọng", ông chia sẻ.
Việc hỗ trợ dịch và phát hành sổ tay "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!" là một trong những hành động nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho trẻ.
Cuốn sổ tay đưa ra những lời khuyên hữu ích và tư vấn cho các bậc phụ huynh về cách giáo dục trẻ ở lứa tuổi khác nhau để trẻ tự bảo vệ mình khỏi bị lạm dụng tình dục.
Với cách tiếp cận dễ hiểu, sổ tay cung cấp những gợi mở làm thế nào để nói chuyện một cách thoải mái, cởi mở về tình dục - chủ đề vốn khó nói - cùng các bộ phận nhạy cảm, riêng tư trên cơ thể. Nó cũng thông tin thế nào là động chạm an toàn và không an toàn, những gì được phép hay không được phép khi tiếp xúc với trẻ.
GS.TS Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Hiệu trưởng ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhận định: "Cuốn sách được dịch và xuất bản không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn lâu dài trong bối cảnh xâm phạm tình dục trẻ em đang là vấn nạn nhức nhối đối với xã hội Việt Nam".
Theo Zing
'Nếu bị xâm hại tình dục, con sẽ tấn công lại kẻ xấu' Hét lên, tấn công lại vào "vùng đồ bơi", nói không với người lạ là những chia sẻ của học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du, Hà Nội, sau buổi học phòng chống xâm hại tình dục. Sáng 11/4, chia sẻ cùng học sinh trường Tiểu học Nguyễn Du về phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em, thạc sĩ giáo dục học...