Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó – Bài 1: Nhà băng mất cơ hội dài hạn
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài (room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng.
Với nhiều điểm mới, Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực đầu năm 2021) hứa hẹn làm tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư.
Thế nhưng, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đưa ra lấy ý kiến lại có nhiều điểm gây tranh cãi.
Trong đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước dự kiến bỏ quyền tự định đoạt tỷ lệ sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài ( room vốn ngoại) của các doanh nghiệp đại chúng. Với ngành kinh doanh đặc thù, có nhiều yếu tố nhạy cảm như ngân hàng, quy định này đang ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Nếu Ban soạn thảo không sửa đổi, các ngân hàng sẽ phải gánh chịu thiệt hại.
HDBank vừa công bố khóa room vốn ngoại ở mức 21,5% nhằm phục vụ kế hoạch với đối tác chiến lược. Ảnh: Đ.T
Bài 1: Ngân hàng mất cơ hội dài hạn
Việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại sẽ làm mất đi mục tiêu lớn của các ngân hàng thương mại trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược.
Doanh nghiệp, ngân hàng mất quyền định đoạt về room ngoại
Không như một số ngành khác, room vốn ngoại tại các ngân hàng TMCP tối đa chỉ được 30%. Vì vậy, muốn tìm được đối tác chiến lược, thời gian qua, các ngân hàng phải dùng đến quyền mở, đóng room tại thời điểm thích hợp để có dư địa tìm đối tác đầu tư dài hạn hỗ trợ ngân hàng phát triển và đạt được mức giá chào bán có lợi nhất cho cổ đông.
Đơn cử, mới đây, HDBank vừa công bố khóa room vốn ngoại ở mức 21,5% (hiện nhà đầu tư ngoại đang nắm hơn 21% vốn tại HDBank), nhằm phục vụ kế hoạch với đối tác chiến lược.
Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra đầu năm nay, cổ đông VPBank cũng thông qua phương án giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài từ 22,77% xuống còn 15%. Lãnh đạo ngân hàng cho hay, đây là bước đi nhằm giữ lại “room” để chào bán cho các đối tác ngoại khi thị trường tài chính ổn định trở lại, từ đó tạo ra cơ hội thu về thặng dư vốn trực tiếp cho ngân hàng.
Video đang HOT
Tuy nhiên, từ năm 2021, có thể ngân hàng sẽ không còn quyền tự quyết về room ngoại.
Điểm d, khoản 1, Điều 2a, Nghị định 60/2015/NĐ-CP quy định: “Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản này, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác”. Song theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đưa ra lấy ý kiến, cụm từ “trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác” bị bỏ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp bị tước quyền quyết định room vốn ngoại.
Quy định trên khiến nhiều ngân hàng thương mại cổ phần hết sức lo lắng. Đại diện MBBank đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung quy định cho phép Đại hội đồng cổ đông được quyền quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng như cũ.
Từ đầu năm đến nay, MBBank liên tục thay đổi room vốn ngoại để có thời gian chọn lọc đối tác và chọn thời điểm bán cổ phiếu với giá có lợi nhất cho ngân hàng. Tuy nhiên, với dư địa room ngoại còn lại, MBBank tới đây sẽ phải bán tự do trên thị trường cho nhà đầu tư nhỏ lẻ nước ngoài.
Giải trình về quy định tước quyền định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, trong quá trình thực hiện quy định cũ, một số công ty thường xuyên thay đổi room ngoại, ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông (không thể bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài), không bình đẳng giữa các công ty, ảnh hưởng đến tính minh bạch, tính thanh khoản của cổ phiếu…
Tất nhiên, giải trình của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phải không có cơ sở, song nhiều chuyên gia cho rằng, quy định trên không phù hợp với ngành nhạy cảm, đặc thù như ngân hàng. Quy định trên gây bất lợi cho cả ngân hàng, cho cổ đông, thậm chí cả an ninh tài chính quốc gia.
“Mở toang” room không phù hợp với ngành nhạy cảm
Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, ngân hàng là ngành đặc thù, các quy định pháp luật hiện hành cũng chỉ đưa ra các tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài tối đa không vượt qua một tỷ lệ nhất định, chứ không quy định tỷ lệ này là cố định. Theo đó, các ngân hàng thương mại có quyền quyết định tỷ lệ nhất định trong mức room ngoại tối đa được Nhà nước quy định.
Việc bãi bỏ quyền tự định đoạt room vốn ngoại của doanh nghiệp sẽ giúp nhà đầu tư ngoại tự do mua bán ngắn hạn, lướt sóng cổ phiếu ngân hàng, giúp thanh khoản tốt hơn, song lại làm mất đi mục tiêu lớn của các ngân hàng thương mại trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nhà đầu tư dài hạn, chiến lược.
Thực tế, room ngoại thời gian qua đã được các ngân hàng tận dụng rất tốt trong tìm kiếm đối tác chiến lược có thể hỗ trợ về chiến lược, quản trị, vốn, giúp triển khai các chiến lược dài hạn của ngân hàng.
“Việc có quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư ngắn hạn trên thị trường là cổ đông của ngân hàng có thể gây tác động tiêu cực đến quản trị, thay đổi định hướng phát triển hoặc gây bất ổn định đến cơ cấu cổ đông, quản trị điều hành của ngân hàng”, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cảnh báo.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Chính phủ quy định room ngoại của ngân hàng tối đa là 30%, chứ không có quy định nào bắt buộc phải mở hết room 30% này. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán yêu cầu tất cả ngân hàng phải “mở toang” hết room này là không hợp lý.
“Quy định này vi phạm quyền tự quyết của doanh nghiệp, ngân hàng. Hơn nữa, ngân hàng là ngành nhạy cảm, cổ đông nước ngoài cần được chọn lọc kỹ càng, được cơ quan quản lý phê duyệt nhằm tránh ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Việc “mở toang” room 30% có thể khiến việc kiểm soát cổ đông lớn có yếu tố nước ngoài trở nên khó khăn”, TS. Hiếu nói.
Mục đích của Ban soạn thảo khi xây dựng quy định trên là nhằm tăng tính minh bạch của thị trường và doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy vậy, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho rằng, trong lĩnh vực ngân hàng, quy định này có nguy cơ gây tác dụng ngược.
Nhà đầu tư nước ngoài nhỏ lẻ chỉ “lướt sóng” kiếm lời từ chênh lệch giá cổ phiếu, chứ không hề đóng góp gì cho ngân hàng về mặt công nghệ, quản trị, hỗ trợ về chiến lược phát triển. Trong khi đó, nếu room này được giữ lại để bán cho đối tác chiến lược, cả ngân hàng và tất cả cổ đông đều được lợi, vì các tổ chức tài chính quốc tế lớn tham gia đầu tư dài hạn sẽ giúp ngân hàng minh bạch hơn quản trị điều hành, phát triển hơn về mặt công nghệ, khách hàng, sản phẩm…
“Ngân hàng lợi thì cổ đông sẽ hưởng lợi, dù là cổ đông lớn hay cổ đông nhỏ. Tóm lại, mở tối đa room ngoại đối với ngân hàng thì lợi chưa thấy đâu song hại thì rõ ràng trước mắt”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP bình luận.
Thực tế, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng sau khi chào bán thành công cho đối tác ngoại với tỷ lệ sở hữu lớn đã có sự lột xác về quản trị, điều hành, công nghệ, như Vietcombank, VietinBank, ACB, VIB…
Trong văn bản góp ý Dự thảo, Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị, Ban soạn thảo cần trả lại quyền tự quyết về room ngoại cho doanh nghiệp. Ngoài lý do pháp luật không bắt buộc tỷ lệ sở hữu cố định, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc trao quyền tự quyết room cho doanh nghiệp còn là cơ sở để các doanh nghiệp cân nhắc việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài phù hợp với mục tiêu lựa chọn cổ đông chiến lược, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư theo chiến lược phát triển của công ty.
Ý KIẾN – NHẬN ĐỊNH
Nhà nước không nên can thiệp quá sâu.
Ông Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế
Hiện nay, không có quy định nào bắt buộc doanh nghiệp phải mở hết room theo trần tối đa. Theo tôi, về vấn đề này, Nhà nước không nên can thiệp quá sâu, mà nên để doanh nghiệp tự quyết định. Đặc biệt, với các doanh nghiệp đặc thù như ngân hàng, sở hữu của cổ đông nước ngoài có nhiều yếu tố phức tạp, nên càng cần để các ngân hàng tự quyết định.
Đã có những quy định khác bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, quy định này để bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, vấn đề bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ đã có những quy định khác.
Tỷ lệ sở hữu vốn ngoại thuộc về quyền tự quyết của doanh nghiệp, không nên tước bỏ quyền của doanh nghiệp, bắt doanh nghiệp phải bán cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ bao nhiêu, trừ những ngành mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại.
Hơn nữa, công ty cổ phần hoạt động theo nguyên tắc đối vốn, cổ đông lớn có nhiều quyền hơn trong việc đưa ra các quyết định tại doanh nghiệp, về tỷ lệ sở hữu cổ phần áp dụng với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, việc trao quyền cho đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp quyết định room vốn ngoại là hợp lý.
Thời điểm thuận lợi để ngân hàng gọi vốn ngoại
Sau một thời gian im ắng, gần đây, một số ngân hàng Việt Nam đang có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.
Nguồn vốn nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng củng cố năng lực tài chính. Nguồn: internet
Đơn cử, HDBank trình cổ đông chấp thuận phương án phát hành tối đa 1 tỷ USD trái phiếu ra thị trường quốc tế cho nhà đầu tư ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ theo chương trình Euro Medium Term Note và niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm, không kèm theo chứng quyền.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch HDBank cho biết, hiện tổng tài sản của ngân hàng đã trên 10 tỷ USD và vốn chủ sở hữu cũng trên 1 tỷ USD. "Quyết định phát hành trái phiếu quốc tế vào thời điểm này vì các nước đang trong quá trình hỗ trợ kinh tế khi gặp Covid-19. Họ bơm thêm tiền rất lớn ra thị trường, với lãi suất thấp, thậm chí không lãi suất, tạo ra nguồn vốn dồi dào trên thị trường vốn quốc tế. Đây là thời điểm thuận lợi để phát hành nhằm có nguồn vốn dài hạn và có mức lãi suất tốt trong kế hoạch lâu dài của ngân hàng, bổ sung các nguồn vốn có khả năng tài trợ cho các dự án, đặc biệt là những dự án cho mục đích phục hồi hậu Covid", bà Thảo cho biết lý do.
HDBank là ngân hàng thứ hai liên tiếp trong vòng hai năm qua đặt tham vọng phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế. Trước đó hồi giữa tháng 7/2019, VPBank cũng đã phát hành thành công trái phiếu quốc tế đợt 1 với khối lượng là 300 triệu USD trong kế hoạch phát hành 1 tỷ USD trái phiếu theo chương trình Euro Medium Term Note, kỳ hạn 3 đến 5 năm và niêm yết tại thị trường quốc tế.
Xu hướng nhiều ngân hàng Việt Nam tăng cường phát hành trái phiếu quốc tế được giới chuyên môn đánh giá là tín hiệu tích cực cho thấy các ngân hàng Việt đã có đủ tự tin cũng như đủ uy tín thuyết phục thị trường để huy động vốn từ nước ngoài. "Động thái này còn giúp ngân hàng có thêm nội lực, khả năng hoạt động để mở rộng thị trường cũng như khẳng định uy tín, thương hiệu trên thị trường quốc tế và từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính", một chuyên gia bình luận.
Không chỉ phù hợp về xu hướng, việc phát hành trái phiếu quốc tế thời điểm này so với năm ngoái cũng có thuận lợi hơn, chi phí thấp hơn. Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) Lê Đức Khánh cho biết, các tổ chức quốc tế đều đánh giá cao Việt Nam là một trong những nước kiểm soát dịch bệnh tốt và vẫn duy trì được đà tăng trưởng trong khi nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới còn đang tăng trưởng âm. Bên cạnh đó, Việt Nam đang là điểm đến đầu tư hấp dẫn của các "đại bàng" từ các Hiệp định thương mại lớn như EVFTA... Trên cơ sở đó có tổ chức quốc tế đánh giá cao về khả năng hồi phục mạnh của kinh tế Việt Nam vào năm 2021.
Khi nền kinh tế được đánh giá tích cực, hệ thống ngân hàng chắc chắn hưởng lợi. Minh chứng là mới đây, Moody's đã giữ nguyên xếp hạng B1 với triển vọng ổn định cho 4 ngân hàng Việt Nam. Trong khi đó thời gian qua, đã có nhiều ngân hàng tại nhiều quốc gia trên thế giới bị hạ triển vọng cũng như xếp hạng tín nhiệm. Việc hệ thống ngân hàng được giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm ở mức ổn định và ổn định cao là một điểm cộng đối với ngân hàng muốn huy động nguồn vốn quốc tế. Dẫn chứng cụ thể trường hợp HDBank, trong tháng 4/2020, Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm B1 cho HDBank - phản ánh năng lực tài chính tốt, ít rủi ro tài chính và cơ hội phát triển dài hạn của ngân hàng. Mức độ chuyên nghiệp của các ngân hàng Việt Nam cũng đang được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao hơn thể hiện qua việc công khai minh bạch báo cáo tài chính, chiến lược kinh doanh dài hạn và đầu tư hiệu quả, quản lý rủi ro và nâng cao năng lực điều hành.
Một điểm thuận lợi nữa cho việc phát hành trái phiếu thời điểm này, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia là đồng USD giảm, lãi suất duy trì ở mức thấp. Theo đó, lãi suất trái phiếu của các ngân hàng phát hành trong năm nay có thể xoay quanh mức 6,25% như mức lãi suất mà VPBank huy động từ năm 2019 hoặc có thể thấp hơn vì mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm. Tuy nhiên nếu cộng thêm các chi phí khác như chênh lệch tỷ giá khoảng 1-1,5%, mức lãi suất mà các ngân hàng phải trả cũng chỉ tương đương lãi suất huy động kỳ hạn dài trong nước khoảng 7 - 8%.
So sánh về giá, với lãi suất ở quanh mức như hiện tại, có thể nguồn vốn huy động từ quốc tế không phải rẻ so với phát hành trái phiếu trong nước. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng đang cần tăng quy mô nguồn vốn lớn, nhất là vốn trung, dài hạn phục vụ cho giai đoạn hậu Covid. Chưa kể việc huy động vốn ngoại tệ dài hạn và ổn định thông qua phát hành trái phiếu quốc tế giúp cân đối nguồn vốn cho các khoản tín dụng ngoại tệ trung và dài hạn đã giải ngân cũng như các cam kết đã ký kết với khách hàng. Việc phát hành trái phiếu quốc tế tạo cơ sở cho ngân hàng xây dựng và thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính và an toàn vốn, nâng cao vị thế của ngân hàng trên thị trường quốc tế. Nếu xét về chi phí cơ hội có thể vẫn là giá hời cho các ngân hàng.
Theo nhận định của ông Lê Đức Khánh, rủi ro cho khoản vay giảm đi khá nhiều so với giai đoạn trước đây. Xét về yếu tố cung - cầu vốn, các ngân hàng nhất là ngân hàng lớn đang chờ cơ hội tín dụng bật tăng khi nền kinh tế phục hồi, nên rất cần vốn khả dụng dự phòng để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Vì vậy, huy động được trái phiếu quốc tế với lãi suất như trên là khá mềm cho các ngân hàng.
Tất nhiên dù là thời điểm đang khá thuận lợi nhưng không đồng nghĩa với việc ngân hàng nào phát hành trái phiếu quốc tế cũng thành công. Trường hợp của SeABank đã phải dời kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế trong năm 2019 sang năm 2020... Đến thời điểm này kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế của ngân hàng này vẫn chưa có thêm thông tin gì mới.
Như trên đã đề cập, khi sử dụng nguồn vốn quốc tế, ngân hàng phải chịu áp lực về dùng vốn có hiệu quả cao hơn khi phải gánh thêm chi phí rủi ro về tỷ giá và chi phí khác (nếu có). Thực tế, trong bối cảnh kinh tế thế giới nhiều bất ổn, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn nhùng nhằng, đồng USD rất khó dự đoán... nên rủi ro trong tương lai đối với các khoản vay trên là không hề nhỏ. Vì vậy, các ngân hàng nên cân nhắc liều lượng, thời điểm, mục tiêu khai thác để thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế cho phù hợp, đảm bảo hiệu quả mà không đẩy rủi ro lớn cho tương lai.
'Miếng bánh' từ dòng vốn ngoại và cơ hội cho các doanh nghiệp địa ốc Trải qua một năm đầy biến động, bất động sản Việt Nam vẫn giữ vững phong độ, tiếp tục là "thỏi nam châm" thu hút các dòng vốn ngoại và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp địa ốc. Cụm Dự án của Novaland trên trục Bến Vân Đồn, Quận 4, TP.HCM. Trải qua một năm đầy biến động, bất động sản Việt...