Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: TPHCM không để các ĐH đơn độc trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo
Đó là ý kiến được Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh tại hội thảo khoa học Nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tại TPHCM giai đoạn 2019 – 2025 diễn ra sáng nay (20/3) tại UBND TPHCM.
Lần đầu tiên hội thảo khoa học về trí tuệ nhân tạo được lãnh đạo TPHCM chủ trì
Hội thảo thu hút sự tham gia của các chuyên gia lĩnh vực trí tuệ nhân tạo tại ĐH Quốc gia TPHCM, Viện John von Neumanm, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TPHCM, Trường ĐH Bách khoa, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VN. Các chuyên gia khoa học và công nghệ khẳng định ba mũi nhọn chiến lược để thực hiện kế hoạch phát triển AI cho thành phố, bao gồm: đào tạo nhân lực, nắm bắt công nghệ và xây dựng đô thị sáng tạo.
TPHCM ứng dụng trí tuệ nhân tạo để xây dựng thành phố thông minh
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM cho biết: “Thành phố hy vọng từ những sáng kiến, kinh nghiệm thực tế của các chuyên gia sẽ giúp cho TPHCM thêm vững bước tự tin trên con đường phía trước, tiếp thêm động lực để có thể sản xuất những sản phẩm trí tuệ nhân tạo mang thương hiệu Việt Nam và do người Việt làm chủ”.
PGS.TS Vũ Hải Quân, phó giám đốc ĐHQG TPHCM nhận định tầm nhìn chiến lươc của việc phát triển AI giai đoạn 2020 – 2030
PGS.TS Vũ Hải Quân, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng để thực hiện ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì cần 3 yếu tố là con người, công nghệ và khởi nghiệp phải song hành với nhau. Riêng ở yếu tố công nghệ, theo ông Quân thì TPHCM phải làm chủ trong “cuộc chơi” công nghệ này. “Thành phố phải biết đang muốn gì, cần gì và đặt ra những đầu bài về sức khoẻ, giao thông… để các nhà khoa học và doanh nghiệp giải quyết theo kiểu những cuộc thi. Thành phố sẽ tài trợ cho người được giải chứ không phải như hiện nay các nhà khoa học cứ viết ra hồ sơ đề tài rồi duyệt, rồi làm nhưng sau đó lại cất vào tủ. Có cuộc thi thì sẽ công khai, minh bạch các kết quả đó”.
Theo ông Quân, đối với vấn đề khởi nghiệp, thành phố cũng phải biết các doanh nghiệp cần gì thông qua các phiếu khảo sát có thể giải quyết bằng trí tuệ nhân tạo và thành phố hỗ trợ họ để hình thành một ý thức để họ làm việc tốt hơn.
Video đang HOT
TS Đinh Bá Tiến, ĐH Khoa học tự nhiên TPHCM – một chuyên gia trong lĩnh vực AI, góp ý cho đề án của TPHCM
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng hai yếu tố quan trọng để có thể triển khai ứng dụng AI được các chuyên gia đề cập chính là Nguồn dữ liệu sạch và Cơ sở hạ tầng mạng truyền thông đồng bộ. Đây sẽ là bài toán cần được TPHCM giải quyết trong giai đoạn tới, nhằm hoàn thành mục tiêu hình thành hệ sinh thái AI phục vụ đề án đô thị thông minh.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cho rằng, việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển AI của thành phố là việc bắt buộc phải làm, nhưng TP phải làm trong bối cảnh chung của chiến lược quốc gia về AI. Phải xem đây là đề án lớn của TP để xây dựng nghiêm túc, thứ hai là phải đủ nguồn lực, đủ bộ máy để theo suốt câu chuyện này, chứ không phải theo nhiệm kỳ. Ông Dũng đề nghị: “Thành phố cần phải có nghiên cứu cụ thể để đề xuất với Chính phủ, Quốc hội thay đổi một số khung pháp lý. Ví dụ, về vấn đề dữ liệu mở, hiện nay đóng vai trò rất lớn, nhưng ở Việt Nam về dữ liệu mở chưa có khung pháp lý. Ngay giữa các Sở với nhau, xin dữ liệu còn khó, thậm chí phải mua”.
Phối hợp “ba nhà” giúp TPHCM phát triển trí tuệ nhân tạo (AI)
Lắng nghe các ý kiến, đề xuất của các chuyên gia trong lĩnh vực AI, các nhà quản lý, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng hội nghị để bàn về việc thành phố có nên chủ động tham gia nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay không. Lâu nay, các doanh nghiệp và các trường ĐH đã tự làm rồi nhưng thành phố thì chưa có chương trình này và đây là dịp để bàn bạc về vấn đề này với góc độ là chương trình của thành phố. Cuối tháng 11/2018, Chủ tịch UBND TPHCM đã ký với Bộ Thông tin truyền thông một chương trình hợp tác về đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong đó có nội dung ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định thành phố hoàn toàn có đủ tiềm lực về tài chính và thị trường tại chỗ cũng đáp ứng được chương trình trí tuệ nhân tạo.
Ông Nhân khẳng định thành phố hoàn toàn có đủ tiềm lực về tài chính và thị trường tại chỗ cũng đáp ứng được chương trình này. “Chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm để đáp ứng cho hơn 10 triệu dân và hơn 300.000 doanh nghiệp để tạo ra một vòng liên kết tại chỗ rất nhanh. Vòng xoáy nghiên cứu, ứng dụng ngay tại chỗ và thương mại hoá ngay là một cơ hội tạo nguồn thu vì thành phố và đóng góp cho đất nước”, ông Nhân nói.
Tuy rằng TPHCM chưa có chương trình về AI, nhưng đã có các cơ sở giáo dục đại học đã đi vào lĩnh vực AI từ 20 – 30 năm, trường đại học như ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Khoa học tự nhiên… đã có kết quả nhưng còn đơn độc. Đã đến lúc không để các đơn vị đơn độc được nữa mà sẽ có sự phối hợp giữa người nghiên cứu về đào tạo, ứng dụng và chính quyền phải đặt hàng tạo thành một bộ 3 với nhau. Nếu quyết tâm thì hoàn toàn có thể thực hiện được.
Ông Nhân cho rằng, mấy hôm nay chúng ta nhắc nhiều đến tạo thương hiệu gạo, cà phê nhưng vấn đề thương hiệu thì thế giới người ta đã bàn cả hàng trăm năm nay rồi còn chúng ta cũng đang bàn tiếp. Còn riêng với AI thì nhân loại mới bàn đây thôi, chưa tới 100 năm thậm chí có quốc gia chỉ vài 3 năm nên đây là cơ hội cho chúng ta thực hiện.
Theo ông Nhân, TPHCM đã triển khai xây dựng TP thông minh dù so với Singapore chậm hơn 3 năm tuy vậy vẫn quyết tâm thực hiện. “Có thể nói, nếu làm đô thị thông minh hoặc làm cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà không ứng dụng trí tuệ nhân tạo thì sẽ không thể nào thực hiện được. TPHCM về kinh tế đã đóng góp gần 1/4 cho cả nước, tiềm lực khoa học cũng chiếm hơn 40%, dân số thì với quy mô hơn 10 triệu người thì hoàn toàn có điều kiện cùng cả nước hình thành một trung tâm nghiên cứu ứng dụng về trí tuệ nhân tạo”.
Để thực hiện, ông Nhân gợi mở rằng: “Nên chăng chúng ta có một Ban xây dựng, điều hành chương trình hợp tác, nghiên cứu, ứng dụng AI tại TPHCM. Đây không phải là Ban của chính quyền, mà giúp lại cho chính quyền xác định chúng ta nên hợp tác nghiên cứu với ai, nghiên cứu cái gì, ứng dụng ở đâu. Nếu cái này Nhà nước làm một mình chắc chắn là sai. Chúng tôi không có kinh nghiệm, mà phải có doanh nghiệp, nhà khoa học tham gia là chính, sau đó các anh chị sẽ kiến nghị với TP: hợp tác với ai, nghiên cứu cái gì, ứng dụng ở đâu? Tôi đề nghị đến cuối tháng 3 hình thành được Ban này”, Bí thư Thành uỷ nói.
Lê Phương
Theo Dân trí
Trường đại học dùng trí tuệ nhân tạo để ngăn sinh viên trốn học
Từ máy quay giám sát đến hệ thống điểm danh bằng dấu vân tay, các trường đại học và cao đẳng không ngừng tăng cường biện pháp để xử lý vấn nạn sinh viên trốn học.
Theo China Daily, trường Đại học Hangzhou Dianzi ở tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc) chính là điển hình mới nhất trong việc sử dụng công nghệ tân tiến để cải thiện tỷ lệ chuyên cần của sinh viên.
"Hôm nay bạn không đi học". Những sinh viên vắng mặt sẽ nhận được cuộc gọi thoại với nội dung như trên. Người gọi không phải con người thực mà là một ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên "Class Begins" (tạm dịch: Giờ học đến rồi).
Một tiết học tại Đại học Hangzhou Dianzi ngày 13-3. Ảnh: Global Times
Một khi sinh viên nhận cuộc gọi, giọng trợ lý ảo giống như Siri bắt đầu nhắc nhở họ về những điều lệ, nội quy của trường. "Những người trốn học 10 tiếng sẽ bị cảnh cáo và những người trốn 1/3 số tiết sẽ không được làm bài thi", trợ lý ảo cảnh báo, "nếu tiết học vẫn đang diễn ra, hãy đến lớp ngay!".
Tên của sinh viên nghỉ học cũng sẽ được gửi đến cho giảng viên phụ trách họ và bị lưu vào hồ sơ ngay khi cuộc gọi thoại được gửi đi.
Do chính Đại học Hangzhou Dianzi phát triển, hệ thống AI này có thể giúp các giảng viên điểm danh và gọi cho sinh viên vắng mặt để yêu cầu họ đến lớp.
"Class Begins" đã chứng minh được hiệu quả. Sau hai tuần áp dụng, tỷ lệ chuyên cần tại trường đã tăng 7% so với kỳ học trước. "Chúng tôi không còn dám trốn học nữa", một sinh viên Hangzhou Dianzi chia sẻ.
Ông Hu Haibin tại Văn phòng công tác sinh viên của Hangzhou Dianzi cho biết, giảng viên có thể mở ứng dụng để gửi mật mã gồm 4 con số ngẫu nhiên đến các sinh viên tại bất kỳ thời điểm nào trong giờ học. Sau đó, sinh viên cần phải nhập mật mã xác minh để cho biết sự có mặt của mình lên ứng dụng. Điểm danh một lớp có khoảng 100 sinh viên từng mất đến 10 phút nhưng với "Class Begins", thời gian này rút ngắn lại chưa đầy 1 phút.
"Quá trình này kéo dài tối đa 36 giây và người giáo viên có thể gia hạn ngắn hơn", ông Hu giới thiệu.
Khi một sinh viên không thể hoàn thành quá trình "điểm danh" trong thời hạn, ứng dụng sẽ tự động gọi cho người này. Cuộc gọi đồng thời được chuyển thành dạng tin nhắn gửi đến người phụ trách thông báo về tình trạng vắng mặt của sinh viên.
"Thậm chí nếu các sinh viên cố tình tránh bị gọi bằng cách thay số điện thoại, việc họ bỏ học vẫn sẽ bị lưu vào hồ sơ", ông Hu nói thêm.
Hệ thống thông minh của trường Hangzhou nhanh chóng thu hút được sự chú ý của cộng đồng mạng Trung Quốc.
Dựa trên dữ liệu ứng dụng thu thập được, giảng viên có thể phân tích lý do vì sao các sinh viên không thích đến lớp và khắc phục chúng sau đó. "Đây chính là nguyên nhân quan trọng nhất đối với nhà trường để phát triển và sử dụng hệ thống AI này", ông Hu khẳng định.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Zhou Xuefang hy vọng, hệ thống quản lý sinh viên mới này không nên được xem như một "bài thuốc giải" cho tình trạng trốn học. "Tôi muốn khuyến khích học sinh tự nguyện đến lớp", bà nói.
Theo hanoimoi
Trúng tuyển thi năng lực có được xét tuyển bằng kết quả thi THPT? Chỉ còn chưa tới 2 tuần nữa, thí sinh bắt đầu khai hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia. Ngay thời điểm này, không ít học sinh vẫn còn băn khoăn về lựa chọn ngành nghề định hướng tương lai. Phụ huynh và học sinh TX.Gò Công (Tiền Giang) tham dự buổi tư vấn mùa thi tại Trường THPT Trương Định...