Bí thư Nhân thăm gia đình biệt động từng giấu 3 tấn vũ khí dưới nền nhà
Trước trận đánh vào Dinh Độc Lập trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, gia đình ông Trần Văn Lai đã chuyển trót lọt gần 3 tấn vũ khí xuống căn hầm bí mật trong ngôi nhà ở nội thành.
Chiều 29/1, hướng đến kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cùng đoàn lãnh đạo thành phố đến thăm gia đình bà Đặng Thị Thiệp – vợ của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (bí danh Năm Lai).
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thăm gia đình bà Đặng Thị Thiệp – vợ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai đã xây dựng một hầm vũ khí tuyệt đối bí mật tại nhà số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TPHCM ngày nay).
Khi đó, được sự thống nhất của chỉ huy đơn vị, với vỏ bọc là nhà thầu khoán Dinh Độc Lập, ông Năm Lai đã mua 3 căn nhà liền kề để tiến hành sửa sang, xây hầm bí mật.
Bà Thiệp cho biết, từ năm 1967, ông Năm Lai bắt đầu vận chuyển vũ khí từ căn cứ ở Củ Chi vào căn hầm bí mật dưới ngôi nhà. Trong quá trình đó, bà Thiệp được chồng tin tưởng và chia sẻ nhiệm vụ nguy hiểm.
Gần 3 tấn vũ khí được bí mật chuyển tới căn hầm bí mật giữa lòng Sài Gòn (ảnh Đình Thảo)
Ông Trần Văn Lai còn gọi là Năm Lai, sinh ra tại Thái Bình và sớm tham gia cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước, ông có vai trò rất lớn đối với đội biệt động Sài Gòn, là người thiết lập nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài và bản đồ đường cống ngầm của Sài Gòn cho lực lượng cách mạng tham gia đánh trận Mậu Thân năm 1968.
Ông cũng là người đã hiến tặng nhiều tài sản của mình cho cách mạng.
Trong những năm chiến tranh căng thẳng, hoạt động trong lòng Sài Gòn, ông là một nhà thầu khoán thành đạt, giàu có với nhiều tài sản có giá trị được hiến cho cách mạng. Khi đất nước thống nhất, ông trở về làm một người dân thường.
Video đang HOT
Ông qua đời năm 2002.
Ông Năm Lai cùng các con sum họp sau ngày đất nước giải phóng (ảnh tư liệu)
Chính căn hầm trong nhà gia đình ông Năm Lai là nơi cung cấp vũ khí và tập trung lực lượng biệt động đánh vào Dinh Độc Lập cũng như chi viện cho các mục tiêu khác trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Cũng tại đây, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã gặp ông Phạm Văn Hôn (đồng đội của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai) và nghe ông kể về trận đánh Dinh Độc Lập vào Xuân Mậu Thân 1968. Ông Hôn là nhân chứng sống của cuộc tấn công vào Dinh Độc Lập sau khi nhận vũ khí từ hầm nhà ông Năm Lai.
Ông Hôn cho biết, ông cùng đồng đội chiến đấu gian khổ nhưng không bằng gia đình ông Năm Lai, nhiều năm trời nằm trên đống lửa (kho vũ khí). “Chỉ cần địch phát hiện một quả lựu đạn hay một cây súng thôi là nguy hiểm đến tính mạng cả gia đình”, ông Hôn kể lại.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết được gặp những nhân chứng lịch sử giúp ông hiểu biết thêm về biệt động Sài Gòn dù ông được đọc nhiều tài liệu về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 cũng như lực biệt động.
Bày tỏ sự cảm phục, người đứng đầu Đảng bộ TPHCM gọi bà Thiệp, ông Bảy Hôn là “những người tiêu biểu không có gian khổ hy sinh nào không dám chấp nhận”.
Căn hầm nằm dưới ngôi nhà chính giữa (nhà số 287/70) có kích thước dài hơn 8m, ngang 2m, cao 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm. Trong hầm có 4 cửa thông qua các nhà bên cạnh đề phòng trường hợp bị địch tập kích. Gần 3 tấn vũ khí đã từng được bí mật vận chuyển vào căn hầm.
Ngoài hầm bí mật dưới lòng đất, căn nhà này còn có một hầm nổi để chiến sĩ biệt động có thể ẩn náu và cũng là hướng thoát thân.
Đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân 1968, 15 chiến sĩ đội 5 Biệt động Sài Gòn – Gia Định tập trung tại căn hầm nhận vũ khí. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), cả đội đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968.
Sau khi các chiến sĩ biệt động bị bắt, địch cho người đến bắn phá căn nhà này vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội biệt động.
Căn hầm chứa vũ khí năm xưa đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc gia năm 1989.
Quốc Anh
Theo Dantri
Biệt động Sài Gòn - Những anh hùng vô danh!
Thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ghi dấu ấn của lực lượng đặc biệt tinh nhuệ - Biệt động Sài Gòn. Thế nhưng, đã mấy mươi năm trôi qua, câu hỏi những người anh hùng bất tử ấy là ai, vẫn là nỗi trăn trở của người ở lại.
Ngày 28/1, Bộ Tư lệnh TPHCM và Ban Tuyên giáo TPHCM tổ chức hội thảo khoa học "Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm".
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân hỏi thăm sức khỏe nhân chứng lịch sử của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (ảnh: Tr.H)
PGS.TS Phan Xuân Biên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - cho biết lực lượng "biệt động" là lực lượng võ trang đặc biệt hoạt động trên chiến trường đô thị, tiêu biểu là Sài Gòn - Gia Định. Lực lượng biệt động có có cả trai lẫn gái, từ thiếu niên đến người cao tuổi ở mọi thành phần xã hội đô thị.
Theo ông Biên, biệt động thường trà trộn trong dân hoặc lọt vào hàng ngũ địch để tiếp cận mục tiêu, rồi lên kế hoạch hành động cực nhanh, dứt khoát, quyết liệt và nhanh chóng rút khỏi khu vực chiến đấu.
Vì vậy, phương thức chiến đấu đánh giữ mục tiêu với thời gian dài như trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mâu Thận 1968 không phải là sở trường mà là sở đoản của biệt động. Dù phải dùng sở đoản song với mưu trí và lòng dũng cảm vô song, lực lượng biệt động đã lập chiến công.
Ông Biên nhận định, một số đơn vị biệt động phải chịu hy sinh lớn song đã mở đầu xuất sắc cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Thân ở Sài Gòn. Các trận đánh vào cơ quan đầu não của địch đã gây tiếng vang lớn, tạo nên sức mạnh tinh thần bất diệt, xứng đáng là lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta...
Trả lời câu hỏi: "Biệt động Sài Gòn - Bây giờ anh ở đâu?", ông Phan Xuân Biên cho biết ngoài một số người đã ra đi trong chiến tranh, nhất là trong Tết Mậu Thân 1968, số còn lại ra quân trở về cuộc sống bình thường với nhiều khó khăn. Không biết lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa đến bây giờ ai còn, ai mất, ai ở đâu.
"Đọc danh sách những chiến sĩ đã hy sinh với những chú thích "tên giả", "tên thật nhưng không biết họ" không ai không động lòng. Cha mẹ sinh ra đều có tên có họ, vậy mà lúc ra đi được gọi là vô danh", ông Biên nghẹn ngào.
Lực lượng biệt động ra đời sớm nhưng cũng sớm giải thể sau khi đất nước thống nhất. Những người ở lại còn nhiều trăn trở với đồng đội, đồng chí đã hy sinh anh dũng.
Ông Nguyễn Quốc Độ - Phó Chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động - cho biết: "Năm mươi năm qua, điều trăn trở và cũng là món nợ chưa trả đối với đồng chí, đồng đội trong lực lượng biệt động là 64 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân vào 5 mục tiêu nhưng đến nay chỉ tìm được 1 hài cốt".
Trong khi đó, ông Phan Xuân Biên Biên lấy dẫn chứng về sự hy sinh của đội biệt động tấn công vào Đại sứ quán Mỹ. Dù hy sinh trong khuôn viên sứ quán, nằm ngay trong lòng thành phố nhưng đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Từ đó, ông Biên đề nghị cần tiếp tục xây dựng những công trình tưởng niệm các chiến sĩ biệt động ở những nơi đã ghi dấu chiến công oanh liệt của họ.
Ông Nguyễn Quốc Độ mong muốn nhận được sự giúp đỡ của Nhà nước và quân đội trong việc tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ hy sinh, để quy tập về Nghĩa trang TP.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận và tiếp thu các ý kiến, nhất là về chế độ chính sách đối với lực lượng biệt động.
Theo ông Nhân, các chiến sĩ biệt động không có quân hàm, số hiệu, không có đơn vị, không có kinh phí hỗ trợ. Lực lượng biệt động tự làm, tự nuôi và dựa vào nhân dân mà chiến đấu. Chính sách đã làm được nhiều nhưng cần phải nhiều hơn nữa, chăm lo thiết thực cho những người có công với cách mạng.
Quốc Anh
Theo Dantri
Bí thư TP.HCM: "Không giám sát, không chống được tham nhũng" "Mỗi năm, người đứng đầu chọn một số việc để làm, nếu không hoàn thành phải chịu trách nhiệm. Đặc biệt, khâu giám sát phải được coi trọng hơn nữa, vì không giám sát, không thể nào chống được tham nhũng và cải cách hành chính được", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo. Sáng 11.1, Bí thư Thành ủy...