Bí thư đoàn trường trúng tuyển Phó HT với đề án về môi trường GD thân thiện
Cô Tạ Phương Thu chia sẻ về đề án đổi mới môi trường giáo dục thân thiện, giúp cô trúng tuyển kì thi tuyển Phó hiệu trưởng Trường THPT Xuân Vân.
Tham gia kì thi tuyển Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang), ứng viên Tạ Phương Thu (giáo viên dạy môn Sinh học, Bí thư Đoàn Thanh niên Trường Trung học phổ thông Xuân Vân) đã trình bày đề án “Xây dựng môi trường giáo dục học tập thân thiện “kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, thầy cô hết lòng vì học sinh thân yêu”", với những mục tiêu như: xây dựng môi trường giáo dục tốt, tăng cường ứng xử trong trường học, ôn luyện học sinh giỏi…
Đề án trên đã giúp cô Tạ Phương Thu trúng tuyển vị trí Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân.
Chia sẻ về đề án của mình, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Tạ Phương Thu cho hay, trong đề án có nội dung về đổi mới chất lượng học sinh giỏi. Nếu như trước đây, các thầy cô phải lên trường để ôn luyện cho học sinh giỏi thì năm nay cô Thu quyết định đổi mới phương pháp giảng dạy bằng hình thức khác.
“Chúng tôi xây dựng sát sao kế hoạch cụ thể, rồi giao bài cho học sinh qua các kênh trực tuyến, các nhóm học tập được lập trên mạng xã hội. Việc này đã giúp tiết kiệm thời gian, được học sinh giỏi và giáo viên rất ủng hộ”, cô Thu chia sẻ.
Về đội ngũ giáo viên ôn luyện, cô Thu cũng giao chỉ tiêu cụ thể với từng giáo viên, ví như trong năm học 2022-2023, giáo viên tham gia ôn luyện học sinh giỏi sẽ phải có bao nhiêu em đi thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Phó hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân – Tạ Phương Thu (Ảnh: NVCC)
“Đội ngũ ôn luyện cho các em học sinh giỏi cũng có sự thay đổi, các thầy cô bộ môn sẽ cùng tham gia ôn luyện cho học sinh. Từ đó, ai có điểm mạnh, yếu về mảng nào sẽ được bù đắp để ôn luyện cho các em”, Phó hiệu trưởng nhà trường, cũng là giáo viên ôn luyện học sinh giỏi nói.
Cô Thu cũng chia sẻ thêm, nếu có học sinh giỏi đoạt giải, ngoài phần thưởng từ phía nhà trường, tổ chuyên môn cũng sẽ có những phần quà để khích lệ cho học sinh và giáo viên đã tham gia ôn luyện. Ngoài ra, đoàn thanh niên trường cũng sẽ khen thưởng “ nóng” cho các thầy cô là đoàn viên.
Về định hướng nghề nghiệp, nhà trường cũng có sự đổi mới. Đó là đưa học sinh lớp 12 đến các công xưởng, nhà máy để tìm hiểu về nghề; cho học sinh đối thoại với Ban giám hiệu để được tư vấn, lựa chọn nghề; và đưa các em đi trải nghiệm những di tích lịch sử thực tế, vừa học tập, vừa có sự quan sát, cảm nhận thực tiễn.
Đề án trên nhằm xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thu hút học sinh đến trường. Học sinh ngoài việc được học kiến thức, còn được giáo dục về kĩ năng sống để nâng cao chất lượng giáo dục.
Về việc tăng cường đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường sẽ sử dụng nhiều hoạt động thực tế tại trường. Ví dụ như đối thoại giữa thế hệ trẻ với cấp ủy Đảng (Hiệu trưởng, Bí thư chi bộ, các giáo viên là ủy viên cấp ủy chi bộ) để cho học sinh nói lên tâm tư và nguyện vọng của các em. Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng cũng đưa ra các tình huống cho các em tập xử lý, tập nêu quan điểm, qua đó, cũng đưa ra gợi ý giải quyết thực tiễn cho thầy cô.
Ví dụ: “nếu trong lớp có mâu thuẫn giữa các bạn và sắp xảy ra đánh nhau, thì học sinh sẽ xử lý tình huống như thế nào? Sau khi học sinh đưa ra các ý tưởng, các thầy cô trong cấp ủy lắng nghe, góp ý, hướng dẫn cách xử lý cụ thể tình huống đó”, cô Thu chia sẻ.
Video đang HOT
Nhà trường cũng quán triệt luôn về vấn đề bạo lực học đường bằng các câu hỏi cho học sinh: Nếu có mâu thuẫn thì có cần “đụng chân, đụng tay” hay không, và nếu xảy ra bạo lực thì học sinh sẽ bị xử lý những hình phạt nào?
Cô Thu giảng dạy trên lớp học. (Ảnh: NVCC)
Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Vân cho hay, để giáo dục đạo đức, lối sống cho các em, nhà trường cũng thường xuyên vinh danh và tuyên dương người tốt việc tốt, danh sách cá nhân được chi đoàn các lớp cung cấp – khoảng hai gương học sinh mỗi tuần.
Ví dụ như một bạn học sinh nhặt được một chiếc điện thoại, đưa lại cho thầy cô để trả cho người đánh rơi, hoặc một tuần được hai điểm 10 sẽ được nhà trường tuyên dương. Bên cạnh đó, học sinh làm được nhiều việc tốt sẽ được xem xét, cân nhắc giảm nhẹ nếu vi phạm các lỗi khác. Như hành vi nhìn bài bạn sẽ bị hạ hạnh kiểm nhưng nếu có 5 việc tốt, thì học sinh đó sẽ được xem xét miễn phạt.
Ngoài ra, trong mỗi năm học, nhà trường đều yêu cầu mỗi đoàn viên đăng kí, thực hiện một việc tốt theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, và sau đó báo cáo nhà trường.
“Việc tốt như đi dọn rác ở thôn, chợ; hay hỗ trợ các bạn học sinh trong lớp có hoàn cảnh khó khăn một ngày công như đi gặt, đào đót, đào sắn…; hay là tham gia vệ sinh khuôn viên trường; rồi có những bạn điều kiện khá giả hơn sẽ tiết kiệm tiền mua tặng áo rét cho bạn khác còn khó khăn…
Hoạt động này được học sinh rất yêu thích. Có chi đoàn lớp 11 đã tự lên kế hoạch thiện nguyện ở huyện Chiêm Hóa. Các em đi tặng quà là mỳ tôm, quần áo…cho những người có hoàn cảnh khó khăn, phải đến hai ngày sau chúng tôi mới biết tin. Rất xúc động về nghĩa cử cao đẹp của các em nhưng chúng tôi cũng nhắc nhở về việc cần rút kinh nghiệm để tránh xảy ra điều không mong muốn. Nếu các em có kế hoạch, cần mạnh dạn đề xuất với đoàn trường, thầy cô, để hoạt động được tổ chức quy củ, có sự chỉ đạo, hướng dẫn chặt chẽ hơn”, cô Thu nói.
Cô Thu cũng cho hay, nhà trường còn chú trọng đến việc phát huy văn hóa chào hỏi cho đoàn viên, thanh niên, học sinh. Theo đó, sẽ có những câu hỏi dành riêng cho học sinh lớp 10 về những tình huống liên quan đến cách chào hỏi. Ví như nếu gặp giáo viên chủ nhiệm đi cùng các thầy cô khác, học sinh sẽ chào ai trước?
Cô Thu (thứ ba từ phải sang) chụp ảnh cùng giáo viên và học sinh tại giải bóng chuyền hơi do nhà trường tổ chức (Ảnh: NVCC)
Về nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, hàng tuần vào thứ tư và thứ sáu, nhà trường mở loa phát thanh để tuyên truyền, chia sẻ những câu chuyện về Bác, những bài phân tích của các diễn giả về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.
“Đến những ngày lễ lớn của năm, tôi thường cho học sinh và tổ chuyên môn sinh hoạt theo chủ đề. Ví dụ như chuẩn bị đến 20/11 – ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh sẽ tự xây dựng nội dung chương trình sinh hoạt và chúng tôi sẽ duyệt.
Hoặc khách mời vào dịp 22/12 sẽ là các bác thương binh đến trò chuyện với học sinh, sau đó chúng tôi sẽ hỏi học sinh những câu hỏi liên quan về lịch sử, về thời sự, về bài học rút ra từ chính những câu chuyện mà các em nghe…”, cô Thu chia sẻ.
Cô Tạ Phương Thu cho hay, ngoài việc tổ chức các sự kiện tại trường, cô còn tổ chức cho học sinh đi phát quà tặng các em nhỏ ở vùng đặc biệt khó khăn, để các em biết lan tỏa sự chia sẻ, yêu thương.
Hằng năm, nhà trường cũng tổ chức hoạt động văn hóa, nghệ thuật thể thao để cho các em gắn kết. Trong trường có các câu lạc bộ nghệ thuật từ cổ điển đến hiện đại như câu lạc bộ hát then – sáo – nhảy hiện đại, về câu lạc bộ thể thao có bóng chuyền, bóng đá.
“Những nội dung, giải pháp được tôi nêu trong đề án, có lẽ đã chạm đến suy nghĩ, tình cảm của các lãnh đạo tham gia hội đồng tuyển chọn tôi khi đó”, cô Thu nói.
Cô Hiệu phó luôn dõi theo phát triển tâm lý học sinh
30 năm gắn bó với ngành giáo dục là từng ấy năm cô Đào Thị Thùy Dương, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lạc Viên luôn nỗ lực, tận tâm với nghề.
Cô Thùy Dương luôn được học sinh kính mến.
Yêu nghề "trồng người"
Nói về Trường THCS Lạc Viên, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng nhiều thế hệ học sinh, giáo viên và phụ huynh đều nhắc tới và cảm phục tấm gương cô Đào Thị Thùy Dương. Với Cô Dương thì trường Lạc Viên như ngôi nhà thứ 2 của mình. Nơi đó gắn bó với cô từ thời ấu thơ, thuở học trò ngày 2 buổi cắp sách tới trường. Và vì yêu nghề, cô Dương đã quyết tâm theo học ngành sư phạm.
Khi ra trường cô nhận công tác và gắn bó với Trường THCS Lạc Viên suốt từng ấy năm. Những nỗ lực, tâm huyết của cô giáo với sự nghiệp "trồng người" luôn được cấp, ngành, chính quyền địa phương và phụ huynh ghi nhận, biểu dương.
Hiện cô là Phó Bí thư chi Bộ, Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn trường. Tuy bận rộn công tác quản lý nhưng cô Dương luôn dành thời gian quan tâm, gần gũi học sinh. Cô rất có "duyên" trong việc dạy dỗ, rèn luyện học sinh cá biệt.
Cô Dương hiểu hơn ai hết về ngôi trường, về học sinh cũng như tâm tư nguyện vọng của từng phụ huynh đã tin yêu gửi gắm con em mình. Vì thế, nhiều thế hệ học sinh đã từng học cô đều nhớ và yêu mến cô Dương như người mẹ hiền thứ 2 của mình.
Cô Thùy Dương luôn "cháy" hết mình với sự nghiệp "trồng người".
Suốt ba mươi năm công tác, cô Dương trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau. Là giáo viên hay làm quản lý, cô đều dành trọn tình yêu cho công việc và đạt nhiều thành tích, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nhà trường.
Từ năm học 1997-2010, cô Đào Thị Thùy Dương là giáo viên Tổng phụ trách Đội, Phó Hiệu trưởng chỉ đạo công tác Đội và phong trào thiếu nhi nhà trường. Liên đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh Trường Trung học cơ sở Lạc Viên dưới sự phụ trách của cô Dương liên tục dẫn đầu khối Đội quận Ngô Quyền các năm học 2005-2006; 2006-2007; 2007-2008, 2009-2010 và 2020 -2021 là liên đội dẫn đầu toàn thành phố.
Cô Dương đảm nhiệm vai trò Chủ tịch công đoàn trường từ năm 2008 đến nay là nhiệm kỳ thứ 4. Cô luôn nỗ lực vì quyền lợi của người lao động, vì tập thể. Nhiều năm qua, cô lãnh đạo công đoàn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chỉ tiêu đặt ra, quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần của đoàn viên giáo viên, Hội cựu giáo chức. Cô cùng với nhà trường tổ chức nhiều hoạt động động viên đời sống tinh thần cho đoàn viên, vận động đoàn viên tích cực tham gia các cuộc thi chuyên môn, các cuộc thi do công đoàn các cấp phát động.
"Tay" rèn học sinh cá biệt
Năm học 2019-2020, cô Thùy Dương có sáng kiến cấp quận "Tăng cường hiệu quả phát triển năng lực học sinh thông qua việc chỉ đạo phối hợp hoạt động ngoài giờ lên lớp với các hoạt động chuyên môn ở trường trung học cơ sở".
Năm học 2020-2021, sáng kiến "Sáng tạo trong quản lý dạy - học nhằm phát huy năng lực tự học, tự nghiên cứu của học sinh trường trung học cơ sở" của cô đã được công nhận cấp thành phố và được nhận Bằng Lao động sáng tạo năm 2021 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Năm học 2021-2022, cô tiếp tục xây dựng sáng kiến "Giải pháp tư vấn tâm lý nhằm nâng cao chất lượng tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh trung học cơ sở" được xếp loại A cấp quận.Nhiều năm, cô Thùy Dương là chiến sĩ thi đua thành phố, nhiều lần được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Bằng khen của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Bằng khen của chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng, Liên đoàn Lao động thành phố.
Cô Dương luôn tận tình hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ đồng nghiệp trong công tác; kịp thời động viên, khuyến khích đồng nghiệp tích cực tham gia các phong trào thi đua các cuộc thi do các cấp phát động.Đặc biệt, cô giáo Thùy Dương luôn quan tâm đến tâm lý học sinh, nhất là các em lớp 9. Cô có nhiều giải pháp giúp các em có kỹ năng, biết vượt qua áp lực học tập để có kết quả tốt hơn trong những năm học tại trường.
Cô giáo Thùy Dương chia sẻ, cô thường quan tâm đến sự phát triển tâm lý học sinh, bởi giai đoạn học sinh cấp 2 các em đang tuổi dậy thì, rất cần sự quan tâm, định hướng sát sao của gia đình và nhà trường. Cô thường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, tổng phụ trách trực tiếp quan tâm, rèn luyện học sinh, nhất là những học sinh chưa ngoan. Nhiều trường hợp, cô Dương trực tiếp lên lịch tìm hiểu tư vấn riêng.
Là giáo viên hay làm quản lý, cô Dương đều dành trọn tình yêu cho công việc và đạt nhiều thành tích, góp phần quan trọng cho sự phát triển của nhà trường.
"Học sinh THCS thì hầu hết các em muốn tự thể hiện mình nếu thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình các em rất dễ đi lệch hướng. Với mỗi học sinh tôi luôn tìm hiểu rõ hoàn cảnh, động viên và chỉ cái sai của các em. Những học sinh như thế, hầu hết các em chán học.
Vì thế, tôi tư vấn gợi mở, các em về nghề nghiệp. Khi trò hiểu tôi sẽ phân tích: Các em cần có những kiến thức văn hóa, rèn phẩm chất, đạo đức sau đó mới có thể học và làm nghề tốt được".
Cứ như thế, cô Dương nhẹ nhàng chia sẻ, giúp đỡ trò. Nhiều em đã suy nghĩ lại và phấn đấu học tập. Sau THCS, các em ra học nghề và có cuộc sống ổn định và thường xuyên về thăm trường, thăm cô.
Cô Dương nhớ lại: "Một ngày mưa bão, học sinh được nhà trường thông báo nghỉ. Nhưng khi đến trường trực bão, tôi vẫn thấy một em học sinh đến trường. Cũng không quá bất ngờ vì tôi biết em này luôn nghịch và thường làm trái lời giáo viên. Lúc đó, cổng trường mưa to, gió lớn và lụt lội, các phương tiện di chuyển rất khó khăn. Chính em học sinh đó đã năng nổ ra giúp đỡ mọi người, giúp họ kéo xe khỏi ngập lụt. Hình ảnh của em làm tôi nhớ mãi. Sau sự ghi nhận của cô, quan tâm chia sẻ với hoàn cảnh của em, em dần thuần hơn. Vì hoàn cảnh khó khăn, em phải đi làm sớm nhưng luôn quan tâm, kính trọng thầy cô giáo".
Nói về cô Thùy Dương, cô Đỗ Mai Hương- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Cô Dương là một người gắn bó sâu sắc với trường Lạc Viên. Cô vừa là cựu học sinh, là giáo viên, là quản lý nên rất am hiểu về nhà trường, sát sao, tâm huyết, tận tình với học sinh. Cô Dương phụ trách hoạt động ngoài giờ lên lớp nên có nhiều giải pháp giáo dục học sinh cá biệt được phụ huynh tin tưởng, các cấp ngành ghi nhận.
Sư phạm hồi sinh Lớp 12C, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa có 19/24 HS lựa chọn trường sư phạm, nhiều em trúng tuyển vào trường tốp đầu điểm rất cao. Cô Nguyễn Thị Nhạn (thứ 4 từ trái qua) cùng cựu học sinh lớp 12C, Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thanh Hóa. Những tấm gương vượt khó Chúng tôi gặp cô...