Bí quyết viết bài luận chinh phục các trường Ivy League và top 50 ĐH Mỹ
Cho dù thí sinh thuộc nhóm có hồ sơ toàn diện (điểm chuẩn hóa cao, nhiều thành tích và hoạt động ngoại khóa) hay có nhiều điểm “chết” trong hồ sơ (điểm SAT, GPA thấp; ít các hoạt động xã hội; không có nhiều giải thưởng…) thì điều mà hội đồng tuyển sinh ĐH ở Mỹ chú ý nhất vẫn là bài luận.
Đó là “bật mí” từ các diễn giả giàu kinh nghiệm trong buổi tọa đàm “Bí quyết chinh phục Ivy League và top 50 Đại học Mỹ” diễn ra mới đây tại Viện Ứng dụng Công nghệ, Hà Nội.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm.
Bài luận vẫn là yếu tố quyết định trong hồ sơ
Bài luận chính là căn cứ thể hiện rõ nhất con người và tính cách ứng viên. Từ bài luận, nhà tuyển sinh sẽ đánh giá được bạn có tiềm năng như thế nào và phù hợp với tiêu chí của trường hay không.
Du học sinh Nguyễn Đỗ Quyên (sinh viên năm 3 của Đại học Cornell) cho biết, em đã rất băn khoăn khi viết bài luận về trang điểm. Chủ đề ấy cho thấy không hề liên quan đến học đại học thậm chí nó còn làm em mất điểm do bộc lộ rằng quan tâm đến trang điểm sẽ không chú ý học tập.
Nữ sinh này nói: “Tưởng chừng như bị mất điểm nhưng em đã biết lồng ghép để vừa nói về sở thích trang điểm của bản thân, vừa thể hiện trang điểm, mỹ phẩm đã ảnh hưởng đến tính cách của em như thế nào đồng thời bộc lộ quan điểm rằng trang điểm giúp che đi nhược điểm, sự tự ti và nó giúp cho mọi người khi trang điểm xong sẽ tự tin, thoải mái phát huy điểm mạnh của bản thân mình”.
Em Trần Văn Hào – chàng trai sinh năm 2001 đã bứt phá về đích với thư trúng tuyển tại Đại học Villanova (top 48 trường Đại học hàng đầu toàn nước Mỹ) chia sẻ rằng, bài luận đã góp phần giúp em thành công khi nộp hồ sơ sớm.
“Em rất thích kinh doanh. Vì em tên là Hào, em đã viết về đồng hào. Từ nhỏ, em đã nghĩ tiền rất ma thuật và nó giúp mình có được những thứ mình thích. Nhưng sau đó, em mới thấy rằng tiền chỉ là một công cụ để trao đổi và nó phải lưu thông để tạo ra lợi nhuận.
Em kết lại bài luận của em bằng câu em rất thích: Tiền giống như đồng hào, nó hình tròn, luôn luôn phải luân chuyển để phục vụ mọi người và giúp cho xã hội tốt đẹp hơn”, Hào chia sẻ.
Trần Văn Hào chia sẻ về bài luận cá nhân trong hồ sơ nộp ĐH Mỹ.
Những sai lầm khi viết bài luận
Điều nên tránh đầu tiên trong bài luận chính là sự không chân thực.
Trước đây, người tuyển sinh thường đọc đi đọc lại hồ sơ nhiều lần để tìm điểm mạnh, nổi bật trong hồ sơ của ứng viên nhưng ngày nay, khi hồ sơ càng nhiều, họ lại tìm đến những điểm họ thấy không chân thực trong bộ hồ sơ.
Diễn giả Minh Trung chia sẻ: “Trước tiên, họ sẽ xem nội dung bài luận của bạn để thấy nó có phù hợp và chân thực với hoạt động bạn đã liệt kê ra không. Không chỉ vậy, một bài luận sao chép, cách hành văn, cách đặt tình huống không phải do bạn làm đều sẽ bị loại”.
Ví dụ một bạn học sinh đưa ra hoàn cảnh của mình là bố mẹ ly thân. Trong bài luận, bạn ấy tập trung nói về việc không có cha gây ra cho bạn ấy những điều không tốt gì. Nhưng đó không phải cách tốt để bạn tiếp cận với các trường Ivy League và top 50 ĐH Mỹ.
“Thay vì vậy, bạn phải tiếp cận vấn đề một cách tích cực và đưa ra giải pháp, thế mạnh từ chính điểm yếu. Thế nên, đừng bao giờ tập trung vào khiếm khuyết dù khiếm khuyết ấy có lớn đến đâu. Đó là điểm nên tránh thứ hai”, thạc sĩ Harvard tại Mỹ nói.
Video đang HOT
Nếu bạn có đam mê khoa học máy tính, suốt bài luận bạn nói về đam mê đó nhưng các hoạt động ngoại khóa bạn tham gia toàn về thiết kế thời trang cho dù đó đều là sự kiện lớn nhưng không liên quan đến khoa học máy tính thì bài luận của bạn cũng sẽ bị đánh giá thấp.
“Một lỗi nữa các ứng viên hay mắc phải chính là sự không phù hợp giữa hoạt động ngoại khóa và ngành nghề mình lựa chọn học”, anh Trung lưu ý.
Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung (tốt nghiệp ĐH Harvard, người 12 lần giành học bổng danh tiếng thế giới) nhắn nhủ rằng, nếu muốn liên kết đam mê và hoạt động ngoại khóa mình đã tham gia không liên quan đến đam mê đã nêu thì ứng viên nên giải thích là hoạt động ngoại khóa đó cụ thể thế nào, khó khăn ra sao, bao nhiêu người đăng ký, bao người trúng tuyển để tham gia, nó rèn luyện kỹ năng nào, quy mô sự kiện bao nhiêu bạn học sinh để qua đó nhấn mạnh độ khó, sự quan trọng, nghiêm túc của hoạt động.
Còn nếu ứng viên nào từng tham gia vào một tổ chức nổi tiếng đến mức các vị giám khảo tuyển sinh ĐH Mỹ biết thì hồ sơ sẽ rất mạnh.
Buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh và các em học sinh.
Anh Trung khiến người tham dự bất ngờ khi đề cập tới luận điểm: “Việc chọn trường quá thấp, dưới tầm trình độ bản thân rất có thể nó sẽ phá hỏng cơ hội trúng tuyển của bạn”.
Nhà tuyển sinh của trường cảm thấy điểm số của bạn cao hơn mức trung bình của trường, hoạt động ngoại khóa tốt nhưng nếu chọn trường chỉ để an toàn thì nhà tuyển sinh vẫn sẵn sàng gửi đơn từ chối bạn.
Bởi lẽ, các trường phải cân nhắc về tài chính và xem xét khả năng bạn chấp nhận học sau khi họ gửi đơn trúng tuyển cho bạn, các trường luôn muốn nhận học sinh “vừa sức” với mình.
Với những trường như vậy, bạn phải thể hiện trong bài luận các ý rõ ràng chứng minh rằng bạn phù hợp với tiêu chí, định hướng nghề nghiệp bản thân cho dù thứ hạng của trường đó không cao.
Diễn giả Trần Đắc Minh Trung chia sẻ: “Bài luận không có khuôn khổ nhất định và ràng buộc về nội dung. Nó phải phù hợp với cá tính và con người bạn. Bài luận không phải là một đơn xin xét duyệt vào trường mà nó như một bức thư để nói bạn là ai.
Hãy tưởng tượng nhà tuyển sinh giống như người bạn và ứng viên phải làm sao để người bạn ấy muốn kết thân với mình”.
Hồng Vân
Theo Dân trí
Thạc sĩ giáo dục ĐH Harvard: "Điểm số nhiều khi lại gây ra ... góc chết"
Cuối tuần qua, buổi tọa đàm "Bí quyết chinh phục Ivy League và top 50 Đại học Mỹ" được diễn ra tại Viện Ứng dụng Công nghệ, Hà Nội. Sự kiện đã giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về quy trình xét tuyển của các trường Ivy League có gì khác so với các trường đại học khác của Mỹ và những yếu tố nào trong bộ hồ sơ thường được ban tuyển sinh đánh giá cao.
Quy trình xét tuyển của các trường Ivy League
Tại buổi tọa đàm, thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung - người từng giành 12 học bổng quốc tế danh giá, tốt nghiệp chương trình thạc sĩ tại ĐH Harvard và từng làm công tác tuyển sinh tại một trường Ivy League chia sẻ: "Khi viết bài luận hoặc nộp hồ sơ vào ĐH Mỹ, mọi người thường có tâm lý chung giống như một quá trình tuyển sinh ở Việt Nam hoặc ở các nước châu Âu, tức là có bộ khung sẵn bao nhiêu điểm thì vào được trường, đạt thành tích gì thì vào trường.
Nhưng với các trường ở Mỹ thì quá trình tuyển sinh lại vô cùng cam go với những người làm công tác tuyển sinh. Bởi vì họ không chọn học sinh chỉ qua điểm số mà muốn nhìn thấy con người, tính cách, tố chất của ứng viên đó có thực sự phù hợp với ngôi trường hay không."
Theo dữ liệu thống kê từ US News, trong mùa tuyển sinh, hội đồng tuyển sinh của một trường đại học trung bình thường phải đọc khoảng 500 bộ hồ sơ trở lên.
Điều đó cho thấy, những người trực tiếp tuyển sinh tại Mỹ chịu áp lực rất lớn, đặc biệt ở các trường lớn và mức độ cạnh tranh giữa các ứng viên vô cùng cao.
Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung (ngoài cùng bên trái) trong buổi tọa đàm.
Theo cựu nghiên cứu sinh Harvard, mấu chốt của một bộ hồ sơ chất lượng chính là ở sự rõ ràng, chính xác và thể hiện được toàn diện ứng viên đó.
Quá trình xét tuyển hồ sơ tại Mỹ thường diễn ra như sau:
Khi nhận hồ sơ sẽ có một người đánh giá hồ sơ đó và xếp hồ sơ vào các nhóm phù hợp.
Tiếp theo, họ sẽ đánh dấu những điểm mạnh, đáng chú ý trong hồ sơ ứng viên.
Sau đó, sẽ có hai người đọc hồ sơ của ứng viên. Đây thường là hai người có tư duy và tích cách khác nhau để có thể khai thác và nhìn nhận được ứng viên một cách sâu sắc.
Diễn giả Trần Đắc Minh Trung ví điểm số nhiều khi lại gây ra ... góc chết.
"Điểm số là tài sản của ứng viên, là điều kiện quan trọng trong hồ sơ du học Mỹ nhưng điểm số của bạn phải có xu hướng đi lên".
Ví dụ, ứng viên A có điểm lớp 10 là 9,3; lớp 11 là 9,1; lớp 12 là 8,9 và ứng viên B có điểm lần lượt các năm là 8,2; 8,4; 8,6 thì hội đồng tuyển sinh lại đánh giá ứng viên B cao hơn ứng viên A cho dù điểm số của ứng viên B không cao như ứng viên A do ứng viên B đã thể hiện được sự cố gắng, phát triển theo thời gian của bản thân.
Nhiều người khuyên các ứng viên nên liên hệ với các giáo sư tại trường đại học. Theo anh Trung, đó là lời khuyên đúng đắn. Bởi lẽ, khi hồ sơ của bạn được đánh giá bởi hội đồng tuyển sinh, có thể đã có giáo sư bạn liên hệ thuộc hội đồng đó hoặc quen biết với người trong hội đồng, nếu họ thích bạn và thấy tiềm năng của bạn, họ sẽ đề xuất và nhận xét tốt về hồ sơ của bạn.
"Những nhận xét như vậy không phải là điểm chính trong hồ sơ của bạn nhưng trong nhiều trường hợp, hồ sơ của bạn có thể lâm vào cảnh chịu sự truy vấn, quyết định bởi các nhóm người khác nhau tại phòng tuyển sinh thì mọi góp ý về bạn dù là nhỏ nhất nó cũng sẽ làm tăng thêm sức nặng hồ sơ cho bạn", diễn giả này giải thích.
Thạc sĩ Trần Đắc Minh Trung chia sẻ nhiều lời khuyên hữu ích cho ứng viên nhằm chinh phục ĐH top của Mỹ.
Các chương trình nộp đơn tại Mỹ
Cũng trong buổi tọa đàm, diễn giả Trần Đắc Minh Trung nói về các chương trình nộp đơn tại Mỹ RD, ED, và EA.
Regular Decision (RD):
Đây là chương trình nộp đơn xin nhập học thông thường và được nhiều học sinh thực hiện nhất, có thể nộp RD cho nhiều trường khác nhau.
Hạn chót nộp hồ sơ vào đầu tháng 1, nhận kết quả từ trường vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4.
Học sinh có tới đầu tháng 5 để chấp nhận hoặc từ chối thư đồng ý cho nhập học từ trường.
Early Decision (ED): ED1 và ED2
Đây là chương trình nộp hồ sơ sớm, thường nhận kết quả sớm hơn cách nộp đơn thông thường (RD). Học sinh chỉ có thể áp dụng nộp ED cho một trường duy nhất. Nó có sự ràng buộc giữa ứng viên nộp đơn ED và trường đại học. Nếu có ý định nộp đơn thêm cho các trường khác, ứng viên phải nộp theo dạng thông thường (RD).
Early Decision 1 (ED1) và Early Decision 2 (ED2) của trường Mỹ về cơ bản giống nhau. Một khi đã nộp đơn vòng này và được nhận, thí sinh phải rút hồ sơ khỏi những trường khác.
Các trường nhận hồ sơ ED1 vào tháng 10 hoặc tháng 11 (khoảng học kì 1, năm lớp 12 ở Việt Nam) và thông báo kết quả vào giữa tháng 12. Trường có thể nhận, từ chối hoặc lùi việc xét duyệt hồ sơ của thí sinh vào vòng sau (RD).
Nếu lùi xét duyệt, hồ sơ lúc này đã chuyển sang vòng RD và nhận kết quả vào tháng 3 hoặc tháng 4. Đồng thời, thí sinh sẽ không cần bắt buộc phải nhập học trường nếu được nhận ở vòng RD.
Các trường nhận hồ sơ ED2 trong tháng 1. Hạn chót thường trùng với vòng RD, tuy nhiên, thí sinh sẽ biết kết quả sớm hơn vào giữa tháng 2. Cũng như ED1, trường có thể nhận, từ chối hoặc lùi việc xét duyệt hồ sơ của thí sinh vào vòng sau (RD).
Early Action (EA)
Đây cũng là chương trình nộp hồ sơ sớm. Nhưng chương trình này không có sự ràng buộc giữa ứng viên nộp đơn EA và trường đại học. Ứng viên có thể áp dụng nộp EA cho nhiều trường và có quyền nộp đơn thêm cho các trường khác theo dạng thông thường (RD).
Thời gian nộp đơn từ đầu tháng 11 đến giữa tháng 12 và nhận kết quả từ trường trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 2 năm sau.
Sau khi nhận được giấy báo trúng tuyển từ trường, ứng viên có quyền chọn nhập học hoặc không. Học sinh có thời hạn tới đầu tháng 5 để đưa ra quyết định nhập học vào trường đã nộp theo EA hay không.
Phụ huynh đặt câu hỏi cho các diễn giả.
Với câu hỏi, liệu thí sinh nên chọn nộp theo ED1, ED2 hay EA, thạc sĩ Minh Trung đưa ra lời khuyên: "Thí sinh chỉ nên nộp khi cực thích trường đó; đã tìm hiểu thông tin về trường một cách chi tiết; chắc chắn trường sẽ nộp là lựa chọn hàng đầu; trường thỏa mãn các yếu tố về học thuật, tài chính, địa lý và có khả năng ngang bằng hoặc vượt mức tiêu chuẩn đầu vào của trường.
Hơn nữa, không phải trường Mỹ nào cũng có hai vòng ED1 và ED2. Các trường thuộc khối Ivy League không có ED2 và thường các trường bổ sung ED2 là các trường thuộc khối Liberal Arts".
Các diễn giả kết luận, bí quyết để thành công với giấc mơ du học Mỹ quan trọng hơn cả chính là chọn chuyên ngành phù hợp với cá tính bản thân.
Hồng Vân
Theo Dân trí
Cách tuyển sinh của các trường đại học Mỹ Nhà tuyển sinh quan tâm nhiều đến hoạt động ngoại khóa vì muốn sinh viên không chỉ học giỏi mà còn năng động, sáng tạo, có tố chất lãnh đạo. Nước Mỹ có năm nghìn trường đại học thì cũng có xấp xỉ ngần đó cách tuyển sinh với các tiêu chí, cách thức tuyển chọn rất khác nhau. Nhưng vẫn có thể...