Bí quyết thành công của giáo dục Singapore
Từ một quốc gia nghèo, không có nhiều tài nguyên khoáng sản, Singapore trở thành một trung tâm của thế giới về thương mại, tài chính và giao thông. Các trường học của đất nước này chiếm vị trí cao trong các bảng xếp hạng của thế giới; giáo dục Singapore đã đạt được những thành tích xuất sắc trong lĩnh vực về toán học, khoa học và ngôn ngữ.
ảnh minh họa
Câu trả lời, theo như các nhà giáo dục Singapore, rất đơn giản: đó là nhờ vào các chương trình môn học được thiết kế hợp lí, có cấu trúc chặt chẽ và được thực hiện bởi những giáo viên (GV) có chất lượng.
Những thông tin thú vị, bài học bổ ích từ giáo dục đất nước sư tử, đặc biệt trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chất lượng được TS. Ngô Vũ Thu Hằng (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) trong tham luận tại Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh nghiệm của Malaysia và Singapore về đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm” do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức.
GV phải tham gia ít nhất 100 giờ đào tạo bồi dưỡng hằng năm
Lực lượng GV có chất lượng cao không đơn giản có được bởi sự tình cờ hay là kết quả của một văn hóa tôn trọng nghề dạy. Theo TS. Ngô Vũ Thu Hằng, nó là kết quả của những sự lựa chọn chính sách có tính toán một cách kĩ lưỡng.
Singapore đã phát triển một hệ thống toàn diện để tuyển chọn, đào tạo và phát triển GV đại trà và GV cốt cán. Một trong những yếu tố then chốt của hệ thống đó là hoạt động phát triển chuyên môn nhằm phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV Singapore.
Video đang HOT
Trước tiên phải nói rằng tất cả các GV của Singapore đều được đào tạo về sư phạm tại một địa chỉ duy nhất. Đó là Viện Giáo dục Quốc gia thuộc Trường ĐH Công nghệ Nanyang.
Để có thể phát triển chuyên môn, hàng năm các GV cần phải tham gia ít nhất 100 giờ đào tạo bồi dưỡng. Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau…
Khuyến khích GV thành nhà thực hành tự chủ, năng động
TS. Ngô Vũ Thu Hằng cho biết: Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng và phát triển GV tại Singapore được quan tâm, trong đó quan tâm trang bị cho GV năng lực dạy học cá biệt hóa, có khả năng sử dụng thành thạo công nghệ vào giảng dạy; khuyến khích GV thành nhà thực hành tự chủ, năng động và phát triển giảng dạy qua nghiên cứu và sử dụng các kết quả nghiên cứu nâng cao chất lượng giảng dạy.
Mục tiêu của Singapore là làm thế nào để đảm bảo mọi người GV đều trở thành người GV xuất sắc. Để thực hiện điều này, hoạt động phát triển GV ở đây có 3 vai trò chính khác nhau.
Thứ nhất: Hình thành nếp suy nghĩ đúng đắn cho GV. GV Singapore được giúp để hiểu về sự tin tưởng hữu hiệu đối với hoạt động dạy học. Cụ thể, họ được truyền niềm tin rằng dạy học không chỉ là một quá trình hay đơn thuần là sự ghi nhớ mà là quá trình tư duy.
Một cách mà những người đào tạo, phát triển GV Singapore làm việc này đó là cho GV dành thời gian để giải quyết những vấn đề “mỏ neo” – là những vấn đề phức hợp thường được giới thiệu ở mỗi đầu bài học nhằm thúc đẩy suy nghĩ sâu ở người học và nhằm tổng hợp vô số các phương án và giải pháp.
Thứ 2: Giúp GV kiến tạo tri thức. Thứ 3 là tăng cường năng lực học tập. GV cần phải là những người học suốt đời. Nhiều nhà giáo dục Singapore dùng các cộng đồng học tập phát triển chuyên môn, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu bài học, nhằm nâng hoạt động dạy học trên lớp.
Bồi dưỡng, phát triển chuyên môn dựa trên các hoạt động của nhà trường
Theo TS. Ngô Vũ Thu Hằng, các GV Singapore nhận thấy việc nghiên cứu bài học có hiệu quả đặc biệt trong việc giúp họ nâng cao những kiến thức quan trọng. Ban đầu các khóa học bồi dưỡng được thực hiện với sự đẩy mạnh cách tiếp cận dựa trên các hoạt động trao đổi, tương tác.
Nhưng dần dần, các nhà giáo dục Singapore nhanh chóng nhận thấy hạn chế của kiểu thảo luận trao đổi, do đó họ cũng nhanh chóng chuyển sang hoạt động bồi dưỡng, phát triển chuyên môn dựa trên các hoạt động của nhà trường đồng thời vẫn duy trì các hoạt động phối hợp. Từ đó tạo nên một cộng đồng phát triển chuyên môn, nơi mà các GV có thể cùng nhau phát triển hoạt động dạy và học.
Bằng cách đó, các nội dung và hoạt động bồi dưỡng trở nên thiết thực hơn do gắn liền với thực tế dạy học tại trường phổ thông. Qua các buổi bồi dưỡng, các GV không chỉ nắm bắt được những vấn đề đang xảy ra trong các hoạt động dạy học hàng ngày mà còn được giới thiệu những phương pháp dạy học mới.
Mỗi nhà trường đều có một quỹ riêng để có thể sử dụng cho việc phát triển GV, bao gồm cả việc hình thành, phát triển những tư tưởng, quan điểm giáo dục, dạy học mới qua việc đi ra nước ngoài để tìm hiểu thêm về nền giáo dục của các nước trên thế giới.
Trung tâm GV Singapore được hình thành và đi vào hoạt động vào cuối năm 2010 để nhằm khuyến khích GV có thể liên tục những kinh nghiệm tốt nhất về hoạt động giáo dục, dạy học.
“Ở Singapore, GV được khuyến khích để trở thành những người học suốt đời. Một trong những lĩnh vực quan trọng mà các nhà đào tạo GV Singapore muốn phát triển ở GV đó chính là kiến thức sư phạm về môn học. Điều này có nghĩa là các GV tiểu học có thể không cần thiết biết hết về toán cao cấp nhưng họ cần học nội dung toán mà họ sẽ dạy dựa trên những quan điểm giáo dục tiến bộ” – TS. Ngô Vũ Thu Hằng.
Theo Giaoducthoidai.vn
Khác ở Việt Nam, lương giáo viên Hàn Quốc cao ngất ngưởng
Một giáo sư đại học Hàn Quốc cho biết nước này, giáo viên là một trong những nghề được săn đón do có mức lương cao ngất ngưởng.
Một giảng viên đặt câu hỏi cho các diễn giả tại hội thảo quốc tế sáng 16-12. Ảnh: Mỹ Tâm
Đó là những thông tin được cung cấp tại Hội thảo quốc tế chủ đề "Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quan lý cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm" do Bộ GD-ĐT phối hợp Trường ĐH Sư phạm TP HCM tổ chức sáng 16-12.
Trình bày tại hội thảo, GD Kyung-Hwoi Kim từ Trường ĐH Sungshin (Hàn Quốc) cho biết sở dĩ nước này từ một nước nghèo trở thành quốc gia phát triển như ngày nay là nhờ thành công từ nền giáo dục. GS Kim kể rằng ở nước ông, nghề giáo là nghề cao quý, luôn được trân trọng. Bằng chứng là 57% phụ huynh hy vọng con họ trở thành giáo viên, những giáo viên tiểu học được tuyển chọn từ tốp 5% những học sinh trung học xuất sắc nhất. Hiện nghề giáo là nghề được người trẻ Hàn Quốc chọn lựa nhiều nhất, trên cả kỹ sư, bác sĩ. Cũng theo GS Kim, ngành sư phạm ở Hàn Quốc sở dĩ trở nên thu hút đến vậy là do 3 yếu tố: Mức lương cạnh tranh, công việc ổn định, môi trường làm việc tốt. Khác với ở Việt Nam và một số nước khác, mức lương giáo viên sau 10 năm công tác sẽ gấp 2,3 lần những nghề khác như kỹ sư.
Do đó, quá trình tuyển sinh vào các trường sư phạm ở nước này rất khắc nghiệt: Cứ 20 thí sinh thi sư phạm chỉ 1 em đậu. Trước câu hỏi thú vị của một giảng viên: "Vậy 19 người còn lại đi đâu, làm việc gì? Sinh viên sư phạm ra trường có bị thất nghiệp như ở Việt Nam không?", GS Kim cho hay đa phần họ vẫn theo đuổi con đường dạy học, đó là làm gia sư. "Gia sư là nghề khá béo bở ở Hàn Quốc", ông nói. Theo chuyên gia này, để thu hút người tài giỏi vào ngành sư phạm, điều đầu tiên Việt Nam cần làm là tăng lương cho giáo viên.
Ngoài bài diễn thuyết của GS Kim, buổi hội thảo còn thu hút rất nhiều diễn giả là chuyên gia từ các trường ĐH trong và ngoài nước (Nhật, Mỹ, Đài Loan...). Qua đây, các chuyên gia đã phác thảo những kinh nghiệm thành công lẫn khó khăn tại các nước, trường ĐH, THPT về việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên, nhằm tạo cơ hội cho các trường sư phạm nước ta học hỏi.
Cũng tại buổi hội thảo, GS Tohsaku từ ĐH California, San Diego (Mỹ) cho biết giáo dục công lập ở Mỹ dựa trên 3 tiêu chuẩn: giáo viên, sinh viên và quá trình đào tạo giáo viên. Do mục tiêu đặt ra cho ngành giáo dục cao nên kết quả thu được khá mỹ mãn. Theo GS Tohsaku, tuy hiện tại nền giáo dục Mỹ xếp hàng đầu thế giới nhưng cũng có giai đoạn nước này trải qua khủng hoảng, phải thực hiện cải cách, đó là những năm 1980. Theo GS, giáo viên Mỹ được đánh giá dựa trên tiêu chuẩn rất cao nên chất lượng nhìn chung tốt. Mặt khác, các bang luôn có những buổi chuyên đề, khóa huấn luyện nhằm khuyến khích giáo viên đổi mới cách dạy, học hỏi kiến thức, đồng thời luôn giữ thái độ, tư tưởng đúng mực, là hình mẫu cho học sinh noi theo. Tuy nhiên, ông lưu ý Việt Nam muốn nâng cao hệ thống giáo dục cần kiên trì thực hiện các chính sách lâu dài, không thể nóng vội mà thành công trong một sớm một chiều.
Theo Tinmoi24.vn
Bắc Giang tổng kiểm tra, rà soát cơ sở giáo dục mầm non Sở GD&ĐT Bắc Giang vừa có văn bản lưu ý chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm non (GDMN) và báo cáo thực trạng GDMN ở khu công nghiệp. ảnh minh họa Trong đó yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thành phố tổ chức rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giáo dục mầm...