Bí quyết ôn và thi Lịch sử vào lớp 10: Chia nhỏ nội dung để đạt hiệu quả
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 – 2022 tại Hà Nội sẽ gồm 4 bài thi độc lập, trong đó có môn Lịch sử.
Nhiều học sinh cho rằng, đây là môn học thuộc, khó nhớ các sự kiện; tuy nhiên, cô Trần Vân Anh – Giáo viên Lịch sử trường Phổ thông liên cấp Hanoi Adelaide School (quận Đống Đa) đã tư vấn cách chia nhỏ trong ôn luyện để thi đạt điểm cao.
Cô Trần Vân Anh đang dạy Lịch sử tại trường Phổ thông liên cấp Hanoi Adelaide School. Ảnh: Thủy Trúc
Chia nhỏ mục tiêu ôn luyện
Chỉ còn 2 tháng nữa là HS lớp 9 trên địa bàn Hà Nội bước vào Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2021 – 2022. Để môn thi Lịch sử đạt kết quả tốt nhất, HS tùy theo năng lực của mình đặt ra mục tiêu về điểm số cho phù hợp. Muốn thực hiện được việc này, trước tiên HS phải đo năng lực của mình bằng cách làm bài tự đánh giá, có thể sử dụng đề thi của những năm trước để tự làm và lượng sức mình.
Theo cô Trần Vân Anh, HS cũng phải chia nhỏ mục tiêu thực hiện. Trong 40 ngày đầu, ôn các nội dung kiến thức Lịch sử còn thiếu và lấp dần lỗ hổng kiến thức bằng cách làm đề để biết chỗ nào sai, chính là hổng kiến thức và hổng kỹ năng phân tích sự kiện hay giải thích.
HS cũng có thể chia nhỏ thời gian học theo từng giai đoạn (1919 – 1930, 1930 – 1945, 1945 – 1954, 1954 – 1975, 1975 – 2000) và lập biểu để hoàn thành kiến thức, kỹ năng. Trong 20 ngày cuối cùng, luyện đề tổng hợp để làm quen với kỹ năng trong phòng thi.
Về nguồn tư liệu, HS học thuộc lòng theo đề cương giáo viên cung cấp; nhưng cách học này thụ động, dễ nhớ, lại nhanh quên. Vì thế, các em có thể lập đề cương theo sự hướng dẫn của giáo viên. Đề cương được chia làm 5 phần theo 5 giai đoạn, có nguồn tư liệu từ sách giáo khoa.
Về nguồn đề, HS có thể lấy từ các sách tập hợp các bộ đề; từ giáo viên; các trung tâm uy tín trên thị trường. HS cũng có thể tự xây dựng câu hỏi làm thành đề là cách tối ưu. Khi HS ôn luyện xong 5 giai đoạn lịch sử (bao gồm cả lịch sử Việt Nam và thế giới) trong 40 ngày, 20 ngày còn lại là luyện tổng thể.
Chia nhỏ kỹ năng làm bài
Video đang HOT
Về kỹ năng làm bài, với môn Lịch sử và Ngoại ngữ thi trắc nghiệm, HS cần có thao tác nhanh. Thời gian làm bài Lịch sử 60 phút, trừ đi 15 phút hồi hộp, xem lại bài, trong 45 phút còn lại, HS chia vòng thứ nhất đọc toàn bộ số câu hỏi, câu nào dễ và chắc chắn đúng thì khoanh luôn; câu nào còn phân vân thì đánh dấu. Khi HS quay trở lại vòng 2, chỉ đọc và làm những câu đã đánh dấu (ở vòng 1) do chưa chắc chắn hoặc phân vân.
Trường hợp vẫn còn những câu phân vân, HS đánh dấu tiếp, ghi chú cụm từ khóa ra giấy nháp. Đến vòng 3, lúc này không còn nhiều thời gian nên nghiêng về phương án nào là chốt luôn. 5 phút cuối cùng, còn bao nhiêu câu hỏi chưa làm được, chọn ngẫu nhiên đáp án theo phương án tất cả A, hoặc B, hoặc C hay D, sẽ rơi vào 1 hoặc 2 câu đúng.
Đi vào chi tiết từng câu hỏi, để xác định được câu trả lời đúng, HS phải đọc và gạch chân từ, cụm từ quan trọng hoặc từ khóa. Thường, từ khóa trả lời cho những câu hỏi: Ai, cái gì, ở đâu, như thế nào, bao giờ. Đối với sự kiện lịch sử luôn có 3 yếu tố chính là thời gian, không gian, nhân vật. Khi xác định từ khóa của câu hỏi xong, HS đọc phương án và gióng với từ khóa để làm phương pháp loại trừ.
Sau khi hoàn thành xong bài thi trắc nghiệm Lịch sử, HS rà lại từng dòng trên Phiếu trả lời trắc nghiệm, xem có phần trả lời nào tô 2 đáp án không. Nếu mỗi dòng có 1 ô khoanh, 5 dòng có 5 ô khoanh là đúng. HS cũng lưu ý khoanh tròn ô trắc nghiệm bằng bút chì rõ nét để máy chấm nhận dạng đúng.
Cô Trần Vân Anh cho biết, từ thực tiễn Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 – 2020, đối với môn Lịch sử, có những HS quá vội vàng, không đọc kỹ đề dẫn đến nhầm lẫn các sự kiện, hành động.
Vì thế, cô Vân Anh lưu ý, nếu xác định được từ khóa và các cụm từ quan trọng trong câu; phân tích tính thời gian, không gian, nhân vật với hành động sẽ khắc phục được sai lầm đó. Nhầm lẫn thứ hai dễ mắc phải là đọc đề thi nhưng quên mất từ phủ định “không”.
Lỗi thứ ba là bỏ quên các tính từ có tính tần suất, ví dụ: “tất cả”, “một số”, “hầu hết”; hay những cụm từ chỉ thời gian HS không nhìn thấy như” “trong”, “trước”, “sau chiến tranh…”.
Mỗi ngày HS dành khoảng 30 – 45 phút ôn tập môn Lịch sử. Ngoài sách giáo khoa Lịch sử, có thể xem phim Lịch sử, sự kiện Lịch sử qua kênh YouTube; dùng những tờ giấy ghi thông tin sự kiện cần nhớ, dán lên chỗ hay qua lại để đập vào mắt giúp nhớ lâu.
Tiến sĩ Lan Hương bật mí cách ôn Lịch sử thi vào 10 đỡ "vất vả" và hiệu quả nhất
Ngay sau khi Sở Giáo dục Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ 4 trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021 - 2022, nhiều học sinh khối Tự nhiên bắt đầu lo ngại.
Trái ngược với những lo lắng ấy, theo ý kiến của giảng viên có kinh nghiệm, nếu có phương pháp hợp lý, học sinh khối Tự nhiên vẫn có thể dễ dàng làm bài thi này.
Để truyền tiếp thêm động lực cho các sĩ tử năm nay, Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương (Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh - trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bật mí những bí quyết chinh phục đề thi.
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương, Trưởng bộ môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam và Tư tưởng Hồ Chí Minh - trường Đại học Sư Phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC
Phóng viên:Thưa Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương, Lịch sử vừa được chọn làm môn thi thứ 4 trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay tại Hà Nội. Trong lúc nhiều phụ huynh và thí sinh đang lo lắng, cô có lời nhắn nhủ nào trước kỳ thi?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Trước hết, thí sinh và các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, không nên lo lắng. Các bậc phụ huynh hãy giúp các con bằng cách chia sẻ, động viên và có kế hoạch chăm sóc để đảm bảo sức khỏe cho các con trong mùa thi.
Trên thực tế, tất cả các nhà trường đều lên kế hoạch ôn tập theo lộ trình cho học sinh tương đối phù hợp. Ở nhà, các thí sinh cần lên kế hoạch tự ôn tập thật khoa học, cân đối giữa các môn để có thể lĩnh hội được kiến thức được các thầy cô truyền đạt và rèn luyện khả năng ghi nhớ cũng như làm bài của mình.
Phóng viên: Nhiều thí sinh vốn có thế mạnh về các môn Tự nhiên cũng khá lo lắng về môn thi thứ 4 này. Môn thuộc ban xã hội liệu có phải thử thách cho các bạn thí sinh học thiên về môn Tự nhiên, thưa cô?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Trong quá trình dạy học Lịch sử, tôi đánh giá rất cao tư duy của các bạn học tốt ban Tự nhiên và tôi nhấn mạnh đó còn là lợi thế trong việc học môn Lịch sử. Vì từ trước đến nay, nhiều học sinh nghĩ môn Lịch sử là môn học thuộc lòng, nhiều sự kiện dài, khó nhớ. Nhưng không phải như vậy!
Lịch sử cũng có các quy luật khoa học và cần có tư duy để liên kết chuỗi sự kiện; tư duy để đánh giá vấn đề đúng. Vì vậy với sự thông minh vốn có của các bạn ban Tự nhiên, tôi khẳng định, chỉ cần phương pháp học đúng, mỗi học sinh sẽ thấy học Lịch sử không hề khô khan mà còn rất thú vị. Nhiều học sinh còn rất hứng thú khi được học theo các sơ đồ tư duy - hệ thống; với các sự kiện và câu chuyện lịch sử liên quan đến bài học.
Phóng viên:Tiến sĩ có gợi ý nào về nội dung ôn tập môn Lịch sử cho các thí sinh thi vào lớp 10 năm nay?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Có thể khẳng định, với đề thi trắc nghiệm khách quan, môn Lịch sử không có trọng tâm kiến thức tập trung vào bài nào, giai đoạn nào mà dàn trải cả chương trình lớp 9.
Trong đó, học sinh nên bám sát vào hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Công văn số 3280/BGDĐT-GDTrH ngày 27/08/2020 và của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành tại Công văn số 2786/SGDĐT-GDPT ngày 03/9/2020. Trong hướng dẫn có những phần giảm tải đã ghi rất rõ ràng từng bài.
Về cơ cấu các câu hỏi trong đề thi môn Lịch sử, qua nghiên cứu đề thi chính thức năm 2019 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tôi thấy đề thi có khoảng 70% câu hỏi thuộc kiến thức phần lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến năm 2000; 30% câu hỏi thuộc kiến thức phần lịch sử thế giới từ năm 1945 đến năm 2000. Chính vì vậy, các thí sinh có thể tập trung nhiều thời gian ôn tập hơn cho phần Việt Nam nhưng cũng không thể bỏ qua phần lịch sử thế giới.
Đề thi cũng có 3 cấp độ Nhận biết, Thông hiểu và Vận dụng, trong đó, nội dung tập trung chủ yếu ở mức độ Nhận biết và Thông hiểu, chỉ có khoảng 4 - 5 câu ở mức độ Vận dụng để phân hóa cao học sinh. Do vậy, chỉ cần nắm chắc kiến thức chương trình lịch sử lớp 9, các thí sinh có thể chinh phục được bài thi môn Lịch sử.
Phóng viên: Để giúp các thí sinh thêm tự tin trong kỳ thi sắp tới, Tiến sĩ có thể bật mí một vài bí quyết ghi nhớ và làm bài thi?
Tiến sĩ Ngô Thị Lan Hương: Để đỡ "vất vả" hơn trong quá trình ôn tập Lịch sử và có thể đạt điểm cao trong kỳ thi vào cuối tháng 5/2021, các thí sinh có thể ôn thi theo lộ trình, dựa vào một số bí quyết làm bài hiệu quả dưới đây:
Trước hết, trong quá trình ôn thi, các bạn nên cố gắng học chắc kiến thức. Phương pháp học ở đây rất quan trọng, nhất là tự học. Ở nhà, các bạn nên lập kế hoạch cụ thể, dành khoảng 45 phút (tương ứng với 1 tiết học trên lớp) để tự học ở nhà và đặt rõ mục tiêu hôm nay mình phải hoàn thành bài học này. Trong đó, các bạn cũng nên hệ thống kiến thức theo sơ đồ tư duy; kết hợp làm hệ thống trắc nghiệm từng bài để vừa học vừa thực hành.
Bên cạnh đó, các bạn nên học cách phân tích câu hỏi trắc nghiệm trước khi lựa chọn đáp án. Trên thực tế, tôi thấy nhiều học sinh khi gặp đề thi trắc nghiệm chỉ đọc đề (có bạn dùng nháp liệt kê kiến thức theo trí nhớ), sau đó khoanh đáp án vào đề rồi tô vào phiếu trắc nghiệm. Nhưng đó đang là phương pháp không thực sự hiệu quả. Nếu biết cách phân tích đề, các thí sinh hoàn toàn có thể tự tin khẳng định và lựa chọn đáp án đúng.
Tôi gợi ý cách phân tích như sau, các bạn hãy đọc kỹ câu hỏi, thực hiện thao tác khoanh mốc thời gian và gạch từ khóa. Việc khoanh mốc thời gian là để kết nối sự kiện lịch sử với trí nhớ; mốc thời gian thay đổi sẽ là một sự kiện khác và nhiều bạn rất hay nhầm. Gạch chân từ khóa trên câu hỏi và các đáp án: Xác định từ khóa trên câu hỏi trước và gạch chân sẽ giúp các bạn tìm được đáp án đúng trong phần trả lời. Trong các đáp án có những từ khóa sai, các bạn có thể gạch chéo để loại trừ, như vậy cũng sẽ tìm ra đáp án đúng với những câu hỏi khó.
Đây có thể coi là phương pháp riêng rất hiệu quả của tôi trong quá trình nghiên cứu về sư phạm và giảng dạy lịch sử.
Chúc các thí sinh năm nay ôn thi và làm bài thi môn Lịch sử thật tốt, đỗ vào các trường Trung học phổ thông theo nguyện vọng!
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Gấp rút ôn tập cho học sinh thi vào lớp 10 Ngay sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố Lịch sử là môn thi thứ 4 vào lớp 10 năm học 2021 - 2022, các phòng GD&ĐT, nhà trường và giáo viên (GV) đã xây dựng kế hoạch dạy cũng như ôn luyện cho học sinh (HS) để các em tự tin bước vào kỳ thi quan trọng. Giờ học của học sinh...