Bí quyết ôn luyện môn Lịch sử hiệu quả
Lịch sử là một trong 3 môn thuộc bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội trong Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Để đạt điểm cao môn Lịch sử trong kỳ thi, các thí sinh cần “bỏ túi” những thủ thuật, bí quyết riêng để ôn luyện một cách khoa học, hiệu quả.
Học sinh trao đổi về đề thi minh họa môn Lịch sử. Ảnh: Hữu Cường
Nắm vững kiến thức cơ bản
Cô Phạm Thị Huyền, GV Trường THPT Tô Hiến Thành (TP Thanh Hóa) cho biết: Để làm bài thi đạt điểm cao, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản nhằm giải quyết tốt những yêu cầu của đề. Hàm lượng kiến thức môn Lịch sử rất rộng và dễ gây nhầm lẫn bởi các mốc sự kiện, tên nhân vật… Vì vậy, để ghi nhớ chính xác các kiến thức môn Lịch sử lớp 11, 12 thí sinh phải có cách ôn luyện khoa học.
Đối với HS xét tốt nghiệp thì chỉ cần học ở mức độ nhận thức và thông hiểu, HS chỉ cần nắm chắc kiến thức trong SGK. Còn đối với HS xét ĐH thì ngoài nắm chắc kiến thức ở 2 mức độ nhận biết và thông hiểu, các em còn phải học các câu vận dụng thấp và vận dụng cao. Đó là những câu hỏi có sự liên kết giữa các chương, giai đoạn và gắn với lịch sử thế giới và trong nước, những câu liên hệ với thực tế hiện nay… Ví dụ: Biển đảo, chiến tranh, khủng bố…
Cô Phạm Thị Huyền cho rằng, để tránh mất điểm buộc HS phải nắm chắc kiến thức căn bản trong chương trình sách giáo khoa Lịch sử lớp 12. Vì lịch sử phải chính xác, các em nên ôn luyện theo dòng thời gian, từ đó phát triển các nội dung có liên quan.
Sự kiện lịch sử thông thường bao gồm: Thời gian, hoàn cảnh, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, bài học rút ra và ý nghĩa lịch sử của sự kiện đó… Từ những kiến thức, sự kiện, giai đoạn lịch sử cụ thể từng phần, từng chương, hãy học các bài Tổng kết phần, chương để rèn luyện kỹ năng khái quát hóa kiến thức và xâu chuỗi vấn đề. Tất cả những kiến thức, những vấn đề và sự kiện lịch sử cốt lõi nhất, nổi bật nhất đều hiện hữu trong các bài Tổng kết và đa phần học sinh không để ý.
Tránh “học tủ – học vẹt”
Theo cô Huyền, một trong những sai lầm đáng sợ của HS hiện nay chính là “học tủ – học vẹt ” khiến nhầm lẫn giữa nội dung các sự kiện với nhau. Thường các đáp án trong bài thi có phần tương tự, thí sinh không nắm vững kiến thức rất dễ chọn đáp án sai. VD: Sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ và sự kiện 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, hoặc nội dung giữa Hiệp định Giơ-ne-vơ và Hiệp định Paris. Chính vì vậy, thí sinh học tới đâu nên nhớ kiến thức đến đó và nắm chắc kiến thức để không bị nhầm lẫn mất điểm oan.
Cô Huyền cho biết, theo đề tham khảo, kiến thức khó rơi vào câu 12 – 14. Thông thường 1 điểm là 4 câu dành cho vận dụng cao, 2 điểm dành cho vận dụng thấp (8 câu), còn lại khoảng 6 – 7 điểm dành cho HS trung bình khá.
Môn Lịch sử năm nào cũng là môn khó nhất trong các môn thi THPT quốc gia thuộc tổ hợp KHXH. Không giống như môn Địa lý và Giáo dục công dân (không có đáp án nhiễu), môn Sử lại có nhiều đáp án nhiễu gần giống nhau nên HS khó chọn hơn. Vì vậy, các em phải biết phân tích và xử lý nhanh. Không nhất thiết phải làm theo trình tự, số thứ tự của câu hỏi. Câu nào thấy dễ và tự tin thì làm trước, câu khó làm sau. Cần lưu ý, đọc kỹ, tính toán kỹ câu hỏi và phương án trả lời không có nghĩa là chần chừ, do dự.
Giữ tâm lý thoải mái trong phòng thi
Video đang HOT
Theo cô Nguyễn Mỹ Hương, giáo viên dạy môn Lịch sử Trường THPT Trần Hưng Đạo (TPHCM) cho biết: Để ôn thi tốt môn Lịch sử, ngoài việc nắm chắc kiến thức các em cần chia kiến thức theo chủ đề ôn tập để học nhóm với bạn bè. Việc trao đổi kiến thức giúp các sự kiện trở nên sống động hơn và dễ nhớ hơn.
Qua cách thi trắc nghiệm, học sinh không phải thuộc lòng quá nhiều, chỉ cần đọc sách, hiểu bài và biết kết nối các vấn đề, suy luận để lựa chọn đáp án là có thể hoàn thiện bài thi.
Cô Mỹ Hương khuyên, ngoài thời gian học tập trên lớp, được sự hướng dẫn của các thầy cô, các em hãy dành cho mình thời gian tự ôn luyện đề ở nhà. Tự ôn luyện đề là một cách học giúp các em ghi nhớ kiến thức, rèn luyện kĩ năng làm bài và làm quen các dạng câu hỏi trắc nghiệm thường xuất hiện trong đề thi.
Bên cạnh đó, tâm lý trong phòng thi rất quan trọng, khi tâm lý hoảng loạn bạn sẽ không nhớ được kiến thức mình đã học, nhanh chóng bị nản chí. Do vậy, các bạn nên chuẩn bị tâm lý sẵn sàng ngay từ ngoài phòng thi, không dành quá nhiều tâm huyết vào một câu hỏi mà nên biết bỏ qua khi cần thiết.
Lê Đăng
Theo GDTĐ
Định hướng ôn thi lớp 10 môn Lịch sử
Để làm tốt đề thi môn Lịch sử, ngoài việc nắm chắc kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh cần rèn luyện kĩ năng so sánh và tổng kết để có thể làm được những câu hỏi dạng liên chuyên đề.
Môn thi thứ 4 trong Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020 là môn Lịch sử. Ảnh: Hải Nguyễn
Ngày 11.3, Sở GDĐT Hà Nội đã công bố chính thức môn thi thứ 4 Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, ngoài 3 môn thi đã công bố là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ, môn thi thứ 4 là môn Lịch sử. Bài thi môn Lịch sử theo hình thức trắc nghiệm khách quan, thời gian làm bài 60 phút.
Không học tủ, học vẹt
Theo nhận định chung của Lịch sử, Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đề thi Lịch sử sẽ bao gồm cả 2 phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Mỗi phần sẽ gồm 5 chuyên đề chính.
Bà Lê Thu Hương - Giáo viên Lịch sử, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết để học tốt môn Lịch sử, học sinh không nên học theo kiểu học vẹt, học thuộc lòng mà hãy viết lại, ghi chép những ý chính, từ khoá; hệ thống kiến thức các bài, chuyên đề, giai đoạn lịch sử theo sơ đồ, lược đồ.
Ngoài ra, các em nên tổ chức học nhóm, trao đổi với nhau, đối chiếu các vấn đề học được, cùng giải đáp các câu hỏi, vấn đề liên quan để nhớ và hiểu bài bản hơn.
Mỗi giai đoạn lịch sử, các em hãy ghi nhớ các điểm chính, nổi bật của giai đoạn đó. Học qua video, phim, tranh ảnh, ghi nhớ các mốc lịch sử qua các ngày kỉ niệm, ngày lễ đất nước cũng là một trong những phương pháp học tốt.
Qua phân tích đề tham khảo đã được Sở GDĐT công bố trước đó, giáo viên hệ thống HOCMAI tổng kết, đề thi gồm 40 câu, thời gian làm bài 60 phút. Tỉ lệ câu hỏi lịch sử thế giới và câu hỏi lịch sử Việt Nam: 13-27; Tỉ lệ câu hỏi ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao là 25-14-1-0.
Nội dung 100% kiến thức nằm trong chương trình Lịch sử 9. Các câu hỏi khó tập trung chủ yếu ở phần lịch sử Việt Nam, đặc biệt là chuyên đề Lịch sử Việt Nam từ 1975 đến 2000. Các chuyên đề chứa nhiều câu hỏi dễ là Lịch sử Việt Nam 1919 - 1930, Lịch sử Việt Nam 1945 - 1954.
Đề thi tham khảo môn Lịch sử
Kết hợp kĩ năng so sánh, tổng hợp
Ở phần Lịch sử thể giới, tổng số câu hỏi của phần này là 13 câu, chiếm 32,5% số lượng câu hỏi của đề thi. Trong đó, có 9 câu hỏi nhận biết và 4 câu hỏi thông hiểu thuộc phần kiến thức này.
Các câu hỏi phần lịch sử thế giới trải đều, không bỏ qua bất kì một chuyên đề nào, chuyên đề có ít câu hỏi nhất là Quan hệ quốc tế từ năm 1945 đến nay và Cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuật từ năm 1945 đến nay, mỗi chuyên đề có 1 câu hỏi, các câu hỏi xoay quanh những kiến thức rất cơ bản như cơ sở hình thành trật tự hai cực Ianta và thành tựu của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật.
Chuyên đề có chứa nhiều câu hỏi nhất là Các nước Á, Phi, Mĩ La-tinh từ năm 1945 đến nay với 5 câu hỏi, tập trung vào phong trào giải phóng dân tộc ở các nước Á - Phi - Mĩ Latinh sau năm 1945.
Dạng câu hỏi chủ yếu là kiểm tra khả năng ghi nhớ kiến thức cơ bản, bên cạnh đó học sinh cũng cần lưu ý dạng bài so sánh đặc điểm giống nhau hoặc tìm ra điểm khác biệt cơ bản, ví dụ như tìm điểm khác nhau cơ bản giữa phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở châu Phi và Mĩ Latinh.
Phần Lịch sử thế giới không có câu hỏi liên chuyên đề, hoặc câu hỏi vận dụng thực tế, học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong SGK sẽ đạt được điểm tối đa phần này.
Ở phần Lịch sử Việt Nam, tổng số câu hỏi của phần kiến thức này là 27 câu chiếm 67,5% tổng số câu hỏi của đề thi. Có 16 câu nhận biết, 10 câu thông hiểu và 1 câu vận dụng thuộc phần kiến thức này.
Việt Nam trong những năm 1919 -1930 và Việt Nam trong những năm 1945 - 1954 là những chuyên đề có chứa nhiều câu hỏi thuộc phần này và đều là những câu hỏi nhận biết, thông hiểu. Chuyên đề Việt Nam trong những năm 1975 - 2000 chứa ít câu hỏi nhất nhưng đều là những câu hỏi khó, đòi hỏi khả năng suy luận và tổng kết đánh giá của học sinh.
Những câu hỏi nhận biết kiểm tra khả năng ghi nhớ thời gian, sự kiện và nhân vật lịch sử, xoay quanh các vấn đề cơ bản của từng giai đoạn: cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, hoạt động của Nguyễn Ái Quốc, các nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, tướng Đờ Ca-xtơ-ri... các mốc thời gian và địa điểm như: ngày 19.8.1945, ngày 10.10.1954, địa điểm diễn ra hội nghị thành lập Đảng.
Những câu hỏi thông hiểu, học sinh phải lí giải được nguyên nhân sự kiện như nguyên nhân Mỹ dính líu sâu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, so sánh để tìm ra điểm nổi bật như so sánh hai cuộc khai thác thuộc địa.
Câu hỏi vận dụng yêu cầu học sinh tổng kết kiến thức từ khi thành lập Đảng đến nay để tìm ra nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta.
Các giáo viên nhận định chung, đề tham khảo tương đối cơ bản, không có câu hỏi đánh đố học sinh, không có câu hỏi tích hợp hay vận dụng kiến thức thực tế. Các câu hỏi trải đều tất cả các nội dung trong sách giáo khoa vì vậy học sinh không được học tủ bất kì nội dung nào. Ngoài ra, học sinh cần rèn luyện kĩ năng so sánh và tổng kết để có thể làm được những câu hỏi dạng liên chuyên đề.
HUYÊN NGUYỄN
Theo laodong
Cuộc đua của những "siêu nhân" và con điểm 10 "bất an"? Để đạt được những con điểm làm đẹp hồ sơ, hầu hết học sinh đang học theo kiểu học vẹt, học tủ, học theo đề cương... Cách dạy và học này đang làm thui chột khả năng tư duy, sáng tạo của các em. rong những ngày nghỉ lễ vừa qua, quy định về tuyển sinh vào lớp 6 của một trường THPT...