Bí quyết làm bài thi đánh giá năng lực đạt điểm trên 1.000
Chỉ còn 1 ngày nữa là hơn 34.000 thí sinh bước vào kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức. Trong kỳ thi năm ngoái, có 15 thí sinh thuộc top có số điểm cao nhất và dưới đây là những chia sẻ kinh nghiệm để đạt trên 1.000 điểm.
Theo thống kê của Trung tâm khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2018 phổ điểm trung bình của các thí sinh là 689 điểm. Trong tổng số 4.351 bài thi, có gần 75% bài thi đạt điểm từ trung bình trở lên – đạt từ 600/1.200 điểm. Bên cạnh đó có 15 thí sinh đạt điểm từ 1.000 trở lên.
Các thí sinh đạt điểm cao kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức chia sẻ rằng không cần phải luyện thi hoặc thuộc lòng
Đỗ Lê Thiên Ân là một trong số 15 thí sinh top điểm đứng đầu năm 2018 với số điểm đạt được là 1.051 điểm, hiện là sinh viên ngành Khoa học và kỹ thuật máy tính trường ĐH Bách khoa TPHCM. Chàng sinh viên này cho biết bản thân không tham gia khóa luyện thi nào mà tự trang bị bằng kiến thức tổng hợp nhiều mặt của bản thân. Theo Ân, điểm quan trọng ở bài thi này là không kiểm tra học thuộc mà cho sẵn ngữ liệu ngay trong đề và vận dụng khả năng suy luận để trả lời câu hỏi.
Từ kinh nghiệm của mình, Thiên Ân chia sẻ rằng để làm tốt bài thi, quan trọng nhất là kỹ năng đọc hiểu. Kỹ năng này không khác nhiều với kỹ năng làm một bài đọc hiểu trong bài thi tiếng Anh thông thường, đó là đọc thật kỹ ngữ liệu và nắm bắt nhanh từ khóa trong câu hỏi và ngữ liệu. Kinh nghiệm ở Thiên Ân là đọc khoảng 3 lần khi làm các câu này. Trong đó, lần đầu đọc lướt để hiểu sơ vấn đề, lần kế tiếp đọc để gạch dưới từ khóa và đọc lần cuối cùng để chọn chính xác đáp án.
Theo Thiên Ân, việc nắm được số điểm từng phần khác nhau trong bài thi khá quan trọng để từ đó phân bổ thời gian làm bài phù hợp. Như cấu trúc bài thi của ĐH Quốc gia TPHCM, trong tổng số 1.200 điểm thì số điểm nhiều nhất thuộc về phần giải quyết vấn đề (500 điểm), kế đến là sử dụng ngôn ngữ (400 điểm) và còn lại là toán học, tư duy logic. Như vậy, với những câu hỏi đơn giản hơn ở phần sử dụng ngôn ngữ thì giải quyết trong thời gian nhanh nhất và tập trung cho phần đòi hỏi nhiều khả năng suy luận, phân tích ở 2 phần còn lại.
Cũng trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa TPHCM từ bằng kết quả thi năng lực năm ngoái, Nguyễn Đỗ Quốc Duy thuộc top đạt điểm cao nhất với 1.069 điểm. Duy cho rằng mặc dù không cần phải thuộc lòng nhưng để làm được cần có kiến thức nền về lĩnh vực đó mới có thể giải quyết nhanh vấn đề. Chẳng hạn những câu hỏi liên quan đến hóa học, dù câu hỏi cho sẵn dữ kiện nhưng để trả lời đúng thí sinh phải có kiến thức nền tảng cả lý thuyết và bài tập về môn học này. Đồng thời những câu đòi hỏi khả năng vận dụng, suy luận cao có liên hệ với thực tiễn cuộc sống.
Video đang HOT
Chỉ còn 1 ngày sẽ diễn ra kỳ thi đánh giá năng lực năm 2019
Duy khuyên các thí sinh nên tìm hiểu kỹ cấu trúc và dạng câu hỏi bài thi để biết mình cần chuẩn bị những phạm trù kiến thức nào. Trong số nhiều lĩnh vực kiến thức khác nhau, phần nào bản thân còn hạn chế thì kịp thời bổ sung, khắc phục ngay trước khi kỳ thi diễn ra.
Cũng đạt điểm cao kỷ lục là 1.050 điểm trong kỳ thi đánh giá năng lực năm ngoái, Nguyễn Thị Ngọc Trâm hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Ngọc Trâm chia sẻ rằng kỳ thi này nhẹ nhàng vì vậy mà thí sinh không nên áp lực mà thi với tâm lý thoải mái. Kinh nghiệm Trâm muốn chia sẻ là khi ôn tập, các bạn ôn những kiến thức cơ bản ở các môn. Sau đó, các bạn có thể đọc một số thông tin thú vị vừa giải trí trước kỳ thi, lại vừa có thêm kiến thức. Các bạn nên đọc một lượt để xem qua cấu trúc của bài, kiểm tra đề thi. Các bạn nên làm câu dễ trước, câu khó hoặc câu mình có thể làm nhưng hơi tốn thời gian thì để sau. Sau khi làm xong một lượt, các bạn quay trở lại để làm những câu đó.
Tương tự, Trần Hoàng Long, hiện là sinh viên năm nhất Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, sở hữu số điểm hơn 1.000 điểm. Long cho biết nhân mình làm bài chưa hết thời gian, dư khá nhiều. “Em thấy đề thi cũng phân ra khá hợp lý. Những câu đầu tiên hỏi ngắn, suy luận ít thì mình làm trước. Càng về sau, những câu đòi hỏi suy luận nhiều thì mình để sau, mình làm từ từ. Cá nhân em không quá căng thẳng với bài thi này, không yêu cầu phải học bài quá nhiều. Trước ngày thi, buổi tối em ngủ sớm, giữ cho tinh thần thoải mái”, Hoàng Long nói.
Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài là 150 phút. Điểm số tối đa của bài thi là 1.200 điểm, trong đó điểm tối đa phần sử dụng ngôn ngữ là 400 điểm, phần Toán học, tư duy logic và phân tích số liệu là 300 điểm, phần giải quyết vấn đề là 500 điểm.
TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TPHCM cũng lưu ý các thí sinh cần chuẩn bị dài hơi nhưng cũng lưu ý rằng đến gần ngày thi cần có sự bình tĩnh, tỉnh táo đi đến phòng thi trong tình trạng tốt nhất. Một vấn đề quan trọng nữa mà thí sinh cũng cần có một số kỹ năng để làm bài thi. Với những câu hỏi khó quá, mình tạm thời chưa xử lý, mình dành thời gian xử lý những câu dễ dàng hơn, phải cố gắng không bỏ trống bất cứ câu hỏi nào”.
Lan Phương
Theo Dân trí
Cách đọc sách giúp hiệu trưởng Mỹ gần gũi với học sinh
Sử dụng Facebook Live để vừa đọc sách, vừa tương tác với học sinh, TS Belinda George được phụ huynh và học sinh khắp cả nước yêu mến.
Tối thứ ba hàng tuần, vào trang Facebook của Trường tiểu học Homer Drive (bang Texas, Mỹ), học sinh lại được theo dõi những buổi đọc sách của TS Belinda George, hiệu trưởng nhà trường. Trong bộ đồ ngủ, ôm chú bọ rùa nhồi bông hay ngồi cạnh một mô hình phi hành gia được bơm căng, cô sẽ đọc những cuốn sách thiếu nhi liên quan để tạo cảm hứng cho các em.
"Tôi không biết liệu tất cả học trò của mình có xem video và cùng tôi đọc sách ở nhà hay không. Nhưng vào sáng hôm sau, nhiều em lại đến gặp và nói đã nhìn thấy tôi ngồi đọc truyện. Các em cũng cho tôi biết phần mà chúng yêu thích trong cuốn sách mà tôi đã đọc", cô George nói và cho biết thêm nhiều em tiếp cận cô để hỏi nơi chúng có thể tìm thấy cuốn sách đó trong thư viện.
Theo Independent ngày 3/3, cô George bắt đầu sử dụng Facebook Live để đọc sách cho 680 học sinh của trường vào tháng 12/2018 nhằm gần gũi với học sinh hơn, xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa các gia đình và nhà trường, đồng thời giúp các em cải thiện kỹ năng đọc hiểu. Những video của cô đã nhận được sự quan tâm của truyền thông, phụ huynh và học sinh khắp đất nước.
Cô George trong những buổi đọc sách trên Facebook Live. Ảnh chụp màn hình
Là hiệu trưởng, cô George cho rằng nếu không gần gũi được học trò bên ngoài trường thì cũng không thể gần chúng khi ở trường được. Từ đó, cô làm nhiều cách để giữ được mối quan hệ tốt đẹp với học sinh và gia đình của chúng.
Cứ vào mỗi buổi đọc, cô giáo 42 tuổi lại đọc thật to tên của từng học sinh đã xem và có hiển thị tương tác trên màn hình. Cô cẩn thận phát âm đúng từng tên một trước khi giới thiệu về cuốn sách và đọc nội dung trong đó. Nhiều hôm, cô chọn mặc bộ đồ ngủ vì muốn nói chúc ngủ ngon với học sinh ở cuối video.
Không chỉ đọc đơn thuần, cô George còn giả giọng nhân vật hoạt hình hay đưa ra những câu hỏi và hành động khiến học sinh thích thú. Theo cô, đây là sự tương tác cần thiết và rất tốt cho học sinh. Nó còn khiến cha mẹ và con cái gần gũi nhau hơn khi cùng nhau xem những video do cô thực hiện.
Ở mỗi buổi đọc, cô George cũng thông báo về mức độ khó của mỗi cuốn sách và học sinh có thể làm một bài kiểm tra tùy chọn về cuốn sách này vào ngày hôm sau như một phần của chương trình đọc hiểu của trường. Nhờ phương pháp này, học sinh của cô đã có những bước tiến trong việc học chữ.
Không phải ngẫu nhiên cô George lại nghĩ ra việc đọc sách bằng Facebook Live cho học sinh. Nữ hiệu trưởng cho biết Trường tiểu học Homer Drive chỉ có 55% học sinh lớp 3, 4 và 5 có khả năng đọc viết đúng hoặc tốt hơn những gì có thể trong lứa tuổi của mình. Đây là con số thấp mà cô muốn cải thiện.
Hơn thế nữa, 94% học sinh của cô đến từ những gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn và cô muốn giúp những em này có thể học nhiều hơn những gì được dạy ở trường.
Sinh ra trong một gia đình có năm anh chị em, bố phải bỏ học từ năm lớp 5, làm việc trong một trang trại bò để nuôi gia đình trong khi mẹ bỏ học năm lớp 11, cô George hiểu sâu sắc những gì học sinh của mình phải trải qua.
"Bố mẹ tôi là những người tuyệt vời. Dù không được học nhiều, họ vẫn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục", cô George nói và chia sẻ luôn muốn đem lại cho học sinh những suy nghĩ tích cực dù chúng có phải gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Biết chắc chắn một số đứa trẻ ở trường sẽ không bao giờ học đại học nhưng cô không muốn chúng cảm thấy không thành công. Cô George muốn gửi thông điệp rằng các em chọn làm việc gì cũng được, miễn sao phải thật giỏi trong công việc đó. Nếu là một người đào mương, hãy trở thành người đào mương tốt nhất.
Những thông điệp như vậy luôn được cô lồng ghép trong những buổi đọc sách. Ngoài việc đọc mỗi tuần một lần, cô cũng tổ chức các buổi tiệc khiêu vũ ở trường hai lần mỗi tuần, đến nhà thăm và tặng quà cho học sinh, đưa ra lời khuyên và giúp đỡ những em đang đi không đúng hướng.
"Tôi muốn làm những điều mà nó có thể giúp tôi xây dựng mối quan hệ với học sinh. Nếu một đứa trẻ cảm thấy được yêu thương, chúng sẽ cố gắng hơn", cô nói.
Dương Tâm
Theo VNE
Tư vấn tuyển sinh 2019: Ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính khác nhau như thế nào? Em năm nay học lớp 12, em dự định thi vào trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cho em hỏi, ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật máy tính khác nhau như thế nào? Ra trường làm việc ở đâu? Cơ hội việc làm ra sao? (vuminhtam@gmail.com) Ảnh minh họa Trả lời: Ngành Khoa học máy tính: Đào tạo nhân lực chất...