Bí quyết học Toán và Hóa của Thủ khoa trường Y, Á khoa trường Dược
Đậu Thị Thu, cô bạn có thành tích đáng nể: Thủ khoa ĐH Y Hà Nội với 29,5 điểm đồng thời là Á khoa ĐH Dược Hà Nội với 28,5 điểm.
Mười hai năm liền Thu đạt danh hiệu học sinh giỏi xuất sắc. Năm học lớp 2 và lớp 5, Thu đạt danh hiệu học sinh giỏi tỉnh hai môn Văn, Toán. Lớp 9, Thu đạt giải 3 học sinh giỏi Hóa, giải Nhì học sinh giỏi Toán. Trong hai năm lớp 11 và 12, Thu liên tục giành giải Nhất môn Toán.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Tĩnh, Thu là cô gái thích nhạc dân gian sâu lắng, hồn hậu. Gia đình Thu mở xưởng sản xuất kẹo cu đơ tại gia mang thương hiệu theo tên hai cô con gái Nguyệt và Thu. Thu không chỉ học siêu mà còn là thợ làm cu đơ rất giỏi.
Đậu Thị Thu, cô học sinh nghèo vượt khó
Tìm cách giải hay trong môn Toán
Đối với bản thân Đậu Thị Thu, trong quá trình học, bạn chú trọng đến việc hệ thống kiến thức, thực hành nhiều để có cách giải hay.
Về môn Toán, Thu cho rằng: “Đây là môn học có lý thuyết tương đối ít nhưng nhất thiết phải nắm chắc lý thuyết”. Khi đọc xong sách, Thu làm bài tập áp dụng luôn. Thu bật mí, để học giỏi Toán thì càng làm nhiều bài nâng cao càng tốt. Nếu gặp bài tập khó Thu có thể xem hướng dẫn giải, sau đó tìm bài tập tương tự để làm lại cho nhuyễn. Quá trình làm nhiều bài tập sẽ tích lũy nhiều kinh nghiệm và tìm ra cách giải mới, cách giải hay.
Trong giai đoạn đầu ôn tập, Thu tập trung ôn theo từng chủ đề bằng cách học kỹ lý thuyết, công thức, dạng bài tập. Khi đó, Thu thấy được mối liên quan kiến thức giữa các chủ đề với nhau, sẽ ngấm sâu và nhớ lâu. Trước khi thi đại học 2 tháng, Thu luyện tập các bài thi tổng hợp để ước lượng thời gian làm bài và có cái nhìn bao quát chương trình hơn. Khi làm các đề thi, bản thân Thu sẽ tổng kết được các dạng lý thuyết và bài tập, biết rõ cấu trúc cũng như trọng tâm đề của Bộ Giáo dục và đào tạo.
Thu lưu ý: “Môn Toán là môn tự luận, vì vậy cần trình bày ra nháp hoặc có ý tưởng trong đầu trước một bài tập khó. Không nên làm vội vàng, chưa chắc chắn sẽ gây ra tâm lý căng thẳng, lúng túng cho mỗi thí sinh”
Học Hóa: Bấm máy tính thần tốc
Chia sẻ về phương pháp học Hóa, Thu cho rằng: “Về môn Hóa, điều cốt yếu là phải nắm rõ lý thuyết trước khi làm bài tập”.
Video đang HOT
Với Thu, môn Hóa sẽ có rất nhiều con số vì vậy cần… bấm máy tính thần tốc. Bởi việc bấm máy tính nhầm lẫn sẽ gây rất nhiều rắc rối cho thí sinh khi làm bài. Thu chia sẻ, theo Thu học ở Sách giáo khoa là chưa đủ vì đề thi ngày càng khó.
Bí quyết học tốt của Thu là tìm sách hay, sưu tầm nhiều đề thi thử đại học qua các năm học. Điều này giúp các bạn thí sinh học sao cho đúng hướng, biết được dung lượng kiến thức và căn chỉnh thời gian học tập cho phù hợp.
Theo Thu thì không có phương pháp học tập nào tốt nhất ngoài ý thức tự học của mỗi người. Điều quan trọng là phải thực sự say mê học tập. Có say mê, mỗi người học không ngừng nghỉ, không biết mệt mỏi.
Thực sự yêu thích môn Sinh sau kỳ thi tốt nghiệp
Theo Thu không có phương pháp học tập nào tốt nhất bằng ý thức tự học của mỗi người
Thu tâm sự: “Từ nhỏ mình ao ước trở thành bác sĩ giỏi vì hồi đó mình thấy nhiều người nghèo nơi thôn quê bị bệnh nhưng không có tiền chữa trị. Do đó mình đã quyết tâm học thật giỏi để đậu vào trường đại học Y làm bác sĩ cứu người”.
Thu chỉ thực sự yêu thích môn Sinh sau kỳ thi tốt nghiệp, thế nhưng cô bạn đã đạt 9,5 điểm cho môn học này. Với Thu, môn Sinh là môn có lượng lý thuyết lớn nhất nên cần phải đọc hiểu và nhớ lâu. Khi làm bài thi trắc nghiệm nên làm bài dễ trước để lấy “vốn” sau đó mới làm đến những câu khó. Thu lưu ý các bạn thí sinh tránh tình trạng bài dễ làm mất nhiều thời gian, bài khó làm ít thời gian.
Trước khi thi đại học khoảng 1 tuần, Thu không dành thời gian làm đề thi và bài tập mà đọc lại SGK các phần lý thuyết mình chưa chắc chắn. Trong phòng thi, Thu cho rằng thời gian rất hạn hẹp vì thế cần làm câu nào chắc câu đó, thời gian xem lại bài thi có khi vụt nhanh qua làm mất cơ hội đạt điểm cao.
Theo TTVN
Tuyệt chiêu giúp học bài hiệu quả mà lại cực dễ
Càng học lớp cao, lượng kiến thức càng nhiều và độ khó cũng tăng lên. Làm sao để nạp hết hàng tá kiến thức vào đầu một cách nhanh gọn nhất? Teen mình hãy nghía qua một vài tuyệt chiêu sau đây nhé.
1. Ghi chép
Những câu Văn, những dữ kiện Lịch sử, mấy định luật Vật lí, Hóa học dài ngoằng, làm sao mà có thể học thuộc lòng từng câu, từng chữ được đây? Yên tâm đi nhé, ghi chép hiệu quả sẽ giúp chúng mình tiết kiệm được khối thời gian, giấy mực mà vẫn đảm bảo đúng và đủ.
Tìm từ khóa
Trong mỗi phần học, mà cụ thể là mỗi đoạn, không phải cụm từ nào, câu nào cũng quan trọng, cũng phải nhớ. Teen nên chọn những từ mấu chốt, gộp lại thành những ý lớn, nhỏ. Đến khi học, chúng mình chỉ cần nhớ những phần này là những từ ngữ phụ sẽ tự giác xuất hiện trong đầu ngay thôi.
Ghi tắt
Hãy tự tạo ra cho mình một bảng chữ cái riêng, với những quy luật mà bạn hay sử dụng: bao gồm những từ viết tắt, những kí hiệu, thường dùng để khi nhìn vào một đoạn, chúng mình hiểu ngay lập tức.
Sử dụng bút dấu
Những từ khóa, câu đại ý, công thức Toán, Hóa, Lí,... lưu ý một điều, mỗi đoạn, mỗi trang viết, chỉ được đánh dấu một số ít từ trong câu thôi, dùng khoảng 2, 3 màu mực khác nhau cho dễ nhìn. Chứ nếu lòe loẹt xanh đỏ tím vàng, hoặc chỉ một màu mực bút đen từ đầu đến cuối thì khó học lắm, nhìn vào có khi hoa mắt, chóng mặt đấy chứ chưa nói gì đến học thuộc.
Nhưng điều chính yếu cho cách ghi chép này là phải hiểu và phải vừa ghi vừa nhẩm trong đầu, nếu không hiểu hay tay hí hoáy, mắt dán vào quyển vở mà đầu óc trên mây thì coi như bằng không.
Ghi chép đúng cách, khoa học sẽ giúp teen ghi nhớ được tới 30% bài học đấy.
2. Ghi nhớ nhanh
Và đây là bí quyết chính cho việc ghi nhớ.
Bộ não con người thường quên đi những thứ mình vừa nghe, vừa học, thời gian càng trôi đi thì lượng thông tin "tuột" khỏi não càng nhiều. Vì vậy, khi bài giảng của giáo viên vừa kết thúc, thay vì chạy ù ra chơi cùng nhóm bạn, hãy gập sách lại, ngồi hồi tưởng những kiến thức vừa học và ghi tắt ra giấy, khi chắc chắn rằng não mình không còn nhớ được thêm chút gì nữa thì hãy mở sách vở ra, rà soát xem bạn đã nhớ được bao nhiêu phần trăm. Phần nào vừa nãy chưa nhớ, hãy nạp ngay vào đầu và hồi tưởng lại một lần nữa, gắn kiến thức với những liên tưởng đầy hình ảnh, màu sắc. Đây là ghi nhớ lần 1.
Cũng với kiến thức học trên lớp ngày hôm đó, buổi tối, trước khi đi ngủ khoảng 30 phút, chúng mình ngồi hồi tưởng lại, rồi lại ghi chép và mở vở ra kiểm tra. Lại bổ sung những phần bạn chưa nhớ và lại hồi tưởng. Ghi nhớ lần 2 đã xong.
Sáng hôm sau, khi vừa ngủ dậy, hãy giở sách lướt qua một lượt kiến thức tối hôm qua ôn tập. Thế là đảm bảo, chỉ cần ôn 3 lần, một lần tại lớp, 2 lần ở nhà, cộng thêm mỗi tuần mang ra lướt một lần nữa thì đảm bảo đến khi thi, chẳng cần xem lại, trong đầu teen cũng sẵn kiến thức đó rồi.
Cách học này cực công hiệu đấy. Hãy thử một vài lần xem sao, bạn sẽ tiến bộ rõ rệt.
3. Kết hợp với đọc to
Học thuộc không chỉ bằng mắt, bằng tay mà phải bằng tai nữa. Khi học một công thức nào đó, ngoài ghi chép, nhẩm trong đầu, bạn hãy đọc thật to, kiến thức vào đầu thêm một hướng sẽ phát huy khả năng ghi nhớ cao hơn, nhanh hơn.
4. Học ít một
Không có nghĩa là hôm nay bạn chỉ học một vài bài của môn Sinh, mai học vài bài của môn Hóa, ngày kia học Anh... Mỗi ngày teen có thể học 3 - 4 môn, nhưng mỗi môn, hãy học một ít. Học một chút Văn, sau đó chuyển sang mấy cấu trúc tiếng Anh sẽ hứng thú hơn nhiều là cả buổi chỉ ngồi gõ mõ mấy bài Văn. Mỗi ngày học một ít, lượng kiến thức vừa đủ ngấm, đến ngày hôm sau ôn tập, teen cũng không ngán ngẩm vì lượng bài quá dài đâu.
5. Tạo hứng thú cho học tập
Bạn có thể ghi nhớ từng lời thoại, tên của từng nhân vật trong bộ phim nào đó chính xác đến từng li, vậy tại sao bạn không thể ghi nhớ vài trang Lịch sử, Địa lí? Bởi trước khi xem một tập phim, bạn đã để mình trong tâm trạng mong chờ, say mê nó. Còn khi học thuộc lòng, thái độ tiêu cực, ngán ngẩm nghĩ: môn này học chán lắm, mai lại thi rồi, kiến thức bao nhiêu đây học khi nào mới hết... cản trở đến 50% năng suất và chất lượng học. Cho nên, hãy thay đổi cái nhìn về bộ môn phải học, suy nghĩ thật tích cực: ừ, môn này đơn giản thôi, khó gì đâu chứ, học thuộc hết mình sẽ chẳng phải lo kì thi tới, học thuộc tất mình sẽ giành điểm cao, let's go! Thế là teen sẽ có động lực phấn đấu.
Nhìn có vẻ dài thật nhưng chỉ cần teen mình kiên trì thì không có gì là khó khăn cả. Chúc các bạn thành công!
Theo PLXH
Teen và những áp lực phải vượt qua Chuyện học tập cũng lắm thứ khiến teen "lăn tăn". Áp lực bài vở Ở lứa tuổi chúng mình áp lực bài vở, điểm số, thi cử khiến teen rất mệt mỏi. Học nhiều đến phát ốm, bơ phờ, chán ăn, mệt nhưng không ngủ được là triệu chứng của khá nhiều teen khi thi cử cận kề, phải nhồi quá nhiều môn...