Bí quyết giúp giáo viên hoàn thành tốt bài dạy trọng âm tiếng Anh
GD&TĐ – Từ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô Nguyễn Thị Đam – Giáo viên Trường PTTH Bỉm Sơn (Thanh Hóa) – chia sẻ bí quyết giúp giáo viên hoàn thành tốt nội dung kiến thức về trọng âm tiếng Anh.
4 biện pháp hiệu quả
Khi giảng dạy về trọng âm, cô Nguyễn Thị Đam đã sử dụng các biện pháp sau:
Biện pháp 1: Khi dạy từ mới, luôn chú trọng đến trọng âm của các từ bằng cách sử dụng dấu nhấn trọng âm cho các từ mới đó và yêu cầu học sinh phải ghi vào vở.
Khi cho học sinh đọc từ, chú ý sửa nếu các em đọc chưa đúng trọng âm bằng cách phát âm lại chính xác từ đọc sai và yêu cầu học sinh đọc lại cho đúng.
Biện pháp 2: Khi sử dụng tiếng Anh, luôn chú ý nói đúng trọng âm và ngữ điệu để hướng và tạo cho học sinh thói quen nghe một cách chính xác.
Để làm được điều này, giáo viên phải tự rèn luyện kĩ năng nói của mình thật chuẩn bằng nhiều cách như: Nghe và luyện theo băng, sử dụng từ điển để tra những từ mình chưa chắc chắn, nghe các chương trình phát bằng tiếng Anh trên truyền hình hoặc radio,…
Biện pháp 3: Do thời gian dành cho phần stress position trong mỗi tiết Language Focus chỉ từ 10 đến 15 phút nên chỉ đủ thời gian cho học sinh nghe băng và lặp lại cách phát âm của các từ.
Giáo viên không có thời gian để giải thích cho học sinh một số quy tắc chung liên quan đến trọng âm. Vì vậy học sinh chỉ nắm được trọng âm của những từ có trong sách giáo khoa.
Do dó trước mỗi tiết dạy Language Focus của các Unit 3, Unit 4 và Unit 5, giáo viên yêu cầu học sinh xem trước phần “stress position” ở nhà, chia lớp thành các nhóm gồm 6 học sinh và yêu cầu các nhóm tìm thêm các từ có cách thức nhấn trọng âm tương tự, viết dưới dạng câu hỏi trắc nghiệm về trọng âm vào bảng phụ trước. Mỗi nhóm chuẩn bị 3 câu hỏi.
Cụ thể, cô Nguyễn Thị Đam tiến hành dạy phần trọng âm như sau:
Video đang HOT
Trước tiên, cho học sinh nghe băng 1 lần để nhận biết trọng âm của các từ, sau đó yêu cầu học sinh nhắc lại theo băng 2 lần; kiểm tra lại vị trí trọng âm của các từ xem học sinh đã nắm được chưa;
Cho học sinh nghe phần “Practise reading aloud the sentences” và gọi một số học sinh đọc lại. Cuối cùng, tổ chức cho các nhóm trao đổi bảng phụ với nhau, làm bài tập trên các bảng phụ đó.
Biện pháp 4: Trước mỗi giờ học, giáo viên chuẩn bị trước 2 câu hỏi trắc nghiệm về trọng âm với yêu cầu “Choose the word whose stress is differently placed from the other words”.
Các từ được chọn trong 2 câu hỏi này là những từ sẽ được sử dụng trong giờ học đó. Hai câu hỏi này có thể viết trước ở bảng phụ, hoặc soạn trên bài giảng điện tử để trình chiếu trên máy chiếu.
Cuối mỗi giờ học, giáo viên dành từ 30 giây đến 1 phút để học sinh trả lời hai câu hỏi và phát âm những từ trong hai câu hỏi đó. Học sinh nào có đáp án đúng và phát âm chính xác trọng âm của các từ sẽ nhận được một phiếu điểm thưởng.
Phiếu này dùng để cộng điểm cho học sinh vào các bài kiểm tra 15 phút hoặc kiểm tra miệng theo tỉ lệ: Từ 2 phiếu đến 6 phiếu = 1 điểm bài kiểm tra 15 phút, hoặc kiểm tra miệng.
Biện pháp này được thực hiện trong các giờ dạy của 16 đơn vị bài học. Như vậy sau mỗi tiết học, học sinh sẽ nắm được trọng âm của 8 từ qua 16 đơn vị bài học, với 640 từ.
“Khi tôi thực hiện biện pháp này, học sinh muốn trả lời đúng và đọc đúng thì sẽ phải chú ý lắng nghe hơn. Đồng thời phiếu điểm thưởng có tác dụng kích thích học sinh chú ý học tập, hăng hái trả lời câu hỏi” – cô Nguyễn Thị Đam cho biết.
Một số quy tắc đơn giản và dễ nhớ về trọng âm tiếng Anh
Để giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ và khắc sâu hơn kiến thức về trọng âm Tiếng Anh, cô Nguyễn Thị Đam đã đưa ra một số quy tắc đơn giản và dễ nhớ về trọng âm để học sinh luyện tập, cụ thể:
Trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất: Hầu hết danh từ và tính từ có 2 âm tiết thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất.
Ví dụ: Danh từ: PREsent, EXport, CHIna, carrot, candy…
Tính từ: PREsent, SLENder, CLEver, HAPpy, active…
Ngoại lệ: Patrol: sự tuần tra, possess: sở hữu, guitar: đàn ghi ta, machine, mistake, alone,…
Đối với động từ, nếu âm tiết thứ 2 chứa nguyên âm ngắn và kết thúc không nhiều hơn một phụ âm thì trọng âm sẽ rơi vào âm tiết thứ nhất, thường là các đuôi er, en, ow,…
Ví dụ: enter, trevel, open, follow, borrow, promise, answer, listen,…
Các động từ 3 âm tiết có âm tiết cuối chứa nguyên âm dài hoặc nguyên âm đôi hoặc kết thúc nhiều hơn một phụ âm thì trọng âm ở âm tiết đầu. Ví dụ: parachute, exercise, …
Trọng âm vào âm tiết thứ hai: Hầu hết động từ có 2 âm tiết thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ 2. Ví dụ: to preSENT, to exPORT, to deCIDE, to beGIN
Nếu âm tiết thứ 2 chứa nguyên âm dài, nguyên âm đôi hoặc kết thúc với nhiều hơn một phụ âm thì âm tiết đó nhận trọng âm.
Ví dụ: proVIDE, proTEST, aGREE, a’rrive(V), a’ttract (V), co’rrect(A), per’fect(A) a’lone(Adv) in’side(prep )…
Đối với động từ 3 âm tiết: Nếu âm tiết cuối chứa nguyên âm ngắn hoặc kết thúc không nhiều hơn một nguyên âm thì trọng âm rơi vào âm tiết hai.
Ví dụ: deTERmine, reMEMber, enCOUNter…
Trọng âm rơi vào trước âm tiết đứng trước các phụ tố: -ic, ical-sion, tion, ity, ial, ially, itive, logy, graphy, try.
Ví dụ: domestic, practical, condition, mission, ability, essential, artificially, sensitive, technology, geography,…
Ngoại lệ: TElevision có trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất.
Từ ghép: Đối với các danh từ ghép trọng âm rơi vào phần đầu: BLACKbird, GREENhouse, RAINcoat, BEDroom…
Tính từ ghép có từ đầu tiên là tính từ hoặc trạng từ thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai, tận cùng -ED:
Ví dụ: bad-TEMpered, short-SIGHted, ill-TREAted, well-DONE, short-HANded, old-FASHioned…
Tính từ ghép có trọng âm rơi vào âm tiết đầu, ví dụ: HOMesick, AIRsick, WAterproof, LIghtning-fast. Ngoại lệ: duty- free; snow- white
Các trạng từ và động từ ghép thì trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai. Ví dụ: upsTAIRs, head-FIRST, north-EAST, downSTREAM.
Trọng âm ở các từ chỉ số đếm: Trọng âm rơi vào âm tiết thứ nhất: THIRty, NInety,… Trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai: thirTEEN, eighTEEN,…
Một số từ vừa là danh từ, vừa là động từ thì: Đối với danh từ, trọng âm rơi vào âm tiết thì nhất. Đối với động từ, trọng âm rơi vào âm tiết thứ hai.
Trọng âm thường rơi vào âm tiết đứng cách hậu tố – ate, – ary một âm tiết. Ví dụ: JAnuary, DICtionary, CONsiderate. Ngoại lệ: ex’traordinary, docu’mentary…
Giống như mọi kiến thức ngôn ngữ, trọng âm cũng có những quy tắc riêng của nó. Người học có thể tìm mua những cuốn sách viết về trọng âm và học theo các quy tắc trong đó.
Với các quy tắc cố định, người học chỉ cần học thuộc lòng và làm thật nhiều bài tập. Tuy nhiên các quy tắc đều có ngoại lệ. Người học cần chú ý hơn tới các ngoại lệ này.
Ngoài ra, người học có thể học trọng âm bằng nhiều cách khác nhau như: học trong quá trình giao tiếp, học khi lắng nghe giáo viên giảng bài, học khi nghe các chương trình phát bằng Tiếng Anh, hoặc bằng cách tra từ điển.
Và chỉ có luyện tập và luyện tập thường xuyên mới giúp cho mọi người học thành công trên con đường chinh phục ngôn ngữ.
Theo GD&TD