Bí quyết dạy và học qua Internet đạt hiệu quả tốt
Để có được những giờ học online chất lượng và thực sự hiệu quả, cần nỗ lực rất lớn của cả thầy và trò.
Học sinh hứng thú học trực tuyến. Ảnh minh họa
Phân công trách nhiệm đến từng giáo viên
Ngay ngày học đầu tiên sau Tết Tân Sửu, Trường Tiểu học Thăng Long ( quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã thực hiện dạy học qua Internet 100% ở các khối lớp. Để việc dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua Internet bảo đảm chất lượng, hiệu quả, 100% giáo viên đã thực hiện nghiêm túc kế hoạch dạy học qua Internet.
Theo cô Nguyễn Thị Bình Minh- hiệu trưởng Trường Tiểu học Thăng Long, việc thực hiện kế hoạch dạy học qua Internet trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường là nhiệm vụ quan trọng, giúp các em được học tập chương trình giáo dục Tiểu học trong thời gian tạm dừng đến trường để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, việc dạy học trực tuyến đã góp phần nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet của giáo viên toàn trường; rèn luyện và từng bước nâng cao năng lực tự học của học sinh qua việc học qua Internet; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong giáo dục, tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường và gia đình học sinh trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh học tập, rèn luyện.
Video đang HOT
Để việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả, Ban giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể; quản lý, chỉ đạo chung việc xây dựng thời khóa biểu, báo giảng, chương trình học qua Internet theo kế hoạch của nhà trường một cách linh hoạt và phù hợp thực tiễn; dự giờ, giám sát, đánh giá chuyên môn, góp ý, rút kinh nghiệm kịp thời để nâng cao chất lượng dạy học qua Internet.
Cụ thể, Ban giám hiệu đã giao nhiệm vụ cho khối trưởng chuyên môn, triển khai đầy đủ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trường tới 100% giáo viên trong khối; giám sát và hỗ trợ thành viên của khối trong quá trình thực hiện dạy học; báo cáo Ban giám hiệu về Kế hoạch thực hiện của khối, cập nhật tình hình hàng ngày và báo cáo kịp thời.
Đối với giáo viên chủ nhiệm, cần thực hiện giảng dạy qua Internet nghiêm túc theo đúng Kế hoạch của trường của khối, xây dựng thời khóa biểu, báo giảng đầy đủ, đúng hạn. Chuẩn bị đầy đủ tư liệu, nội dung, các phiếu bài tập, kho học liệu… Tham gia đầy đủ các buổi tập huấn và tích cực tự học hỏi về tính năng và cách sử dụng các phần mềm dạy học. Thực hiện tiết dạy các môn khác, lựa chọn, sắp xếp các nội dung cho hợp lý.
Giáo viên chuyên biệt chịu trách nhiệm các băng hình, tư liệu, học liệu… môn mình phụ trách, thực hiện các tiết dạy theo thời khóa biểu, trao đổi, giải đáp. Toàn thể Hội đồng quyết tâm thực hiện tốt công tác dạy và học qua Internet trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường.
Sau 1 tuần thực hiện kế hoạch, Trường Tiểu học Thăng Long bước đầu đã nhận được sẽ phản hồi tích cực từ CMHS; 100% học sinh đã được theo học đầy đủ các môn học qua Internet; 100% học sinh tự giác, tích cực xây dựng bài và hoàn thành mục tiêu học tập.
Bài giảng điện tử sinh động, tạo hứng thú cho học sinh.
Giáo viên nhiệt tình hỗ trợ học sinh, cha mẹ học sinh
Còn tại Trường Tiểu học Giáp Bát (quận Hoàng Mai – Hà Nội), sau một tuần triển khai, những giờ học trực tuyến đã được phụ huynh và học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin, học sinh không chỉ được nghe giáo viên giảng bài mà còn có thể tương tác đặt câu hỏi, xem video, powerpoint hoặc phát biểu xây dựng bài như học trực tiếp trên lớp.
Cô Đỗ Lan Hương – giáo viên chủ nhiệm lớp 1A7 cho biết: Để các con hứng thú với việc học tập, tôi đã chuẩn bị tinh thần, giáo án, bài giảng điện tử để các tiết học sẽ thật phong phú, đa dạng, giúp các con tiếp thu bài hiệu quả. Tuy nhiên, việc dạt trực tuyến còn gặp một số khó khăn như một số phụ huynh còn bỡ ngỡ, chưa có kinh nghiệm, nhiều người vẫn phải đi làm, không thể hỗ trợ con. Hơn nữa, các con học sinh lớp 1 còn quá bé, khả năng sử dụng CNTT, tự học còn chưa cao.
Hiểu được những khó khăn đó từ phía giáo viên, học sinh và CMHS, ban giám hiệu nhà trường đã lên kế hoạch phân chia thời gian học các môn, 1 số môn học. Giáo viên có thể gửi video hướng dẫn như các môn thể dục, mỹ thuật. Các thầy cô đã tìm tòi những kho dữ liệu dạy học, sáng tạo các bài giảng để các con hứng thú và bắt nhịp với việc học trực tuyến.
Cô Hương chia sẻ thêm: “Nếu học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, phụ huynh có thể gọi video zalo để cô hỗ trợ thêm. Với lớp của mình, tôi cũng động viên, khuyến khích phụ huynh quay lại phần thực hành hay chụp bài tập của con, gửi cho cô để cô chữa và nhận xét. Từ đó, tăng cường mối liên hệ giữa thầy cô và phụ huynh, cùng giúp học sinh nắm được nội dung bài”.
Qua những giờ học trực tuyến đã giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng chống Covid-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh trong học tập.
Hòa Bình kiểm tra đánh giá kết quả học online
Ngày 22/2, Sở GD&ĐT Hòa Bình ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị, trường học thực hiện dạy học trong thời gian học sinh nghỉ phòng, chống dịch Covid-19.
Ảnh minh họa
Theo đó, Sở GD&ĐT Hòa Bình yêu cầu các đơn vị, trường học tiếp tục thực hiện công văn số 218 của Sở về việc hướng dẫn tăng cường dạy học qua internet, trên truyền hình trong thời gian nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19 và chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch Covid-19 đối với cấp TH, THCS và THPT.
Chủ động nắm bắt tình hình học sinh, duy trì sĩ số không để học sinh nghỉ học vì hoàn cảnh khó khăn; xây dựng phương án bồi dưỡng, phụ đạo học sinh khi đi học trở lại tại trường.
Đối với các nhà trường có học sinh khối lớp 12, Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch ôn tập cụ thể cho từng lớp, từng môn, từng tuần. Tùy theo điều kiện thực tế của giáo viên, học sinh, các nhà trường lựa chọn các hình thức ôn tập phù hợp.
Khuyến khích giáo viên lựa chọn các phần mềm dạy học trực tuyến phù hợp với đặc điểm của học sinh để vẫn đảm bảo việc hướng dẫn ôn tập, ra bài tập cho học sinh học tại nhà, kiểm tra được kết quả, sản phẩm học tập của học sinh.
Đối với các học sinh không đủ điều kiện để ôn tập trực tuyến, yêu cầu các nhà trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn có hình thức giao bài tập, hướng dẫn ôn tập cho học sinh thông qua tài liệu học tập, đồng thời giáo viên thu sản phẩm, kết quả học tập của học sinh. Ban Giám hiệu xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện ôn tập cho lớp 12 đối với giáo viên và học sinh.
Khi có lịch đi học trở lại các đơn vị, trường học thống kê, báo cáo với Sở GD&ĐT (qua phòng Giáo dục Trung học) về số giáo viên, số tiết ôn tập của từng môn, từng lớp, nội dung, hình thức dạy học đã thực hiện được.
Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh đều được tham gia học trực tuyến Thực hiện quyết định UBND thành phố Hà Nội cho học sinh, sinh viên các cấp học tạm dừng đến trường và triển khai học trực tuyến để phòng chống dịch COVID-19, ngành giáo dục Thủ đô đã chỉ đạo các trường lên kế hoạch, phân công chi tiết và rà soát cơ sở vật chất cũng như điều kiện học thực tế...