Bí quyết đạt IELTS 8.0 của cô nữ sinh 9X
Nghe nhạc, xem phim, chat bằng tiếng Anh đã giúp Phạm Thị Hoàng Giang dễ dàng đạt IELTS 8.0 trong kỳ thi IELTS tại Hội đồng Anh vừa qua. Làm thế nào để đạt được kết quả này, Giang đã chia sẻ bí quyết học tiếng Anh của mình.
Nguyễn Thị Hoàng Giang (trái) và cô giáo của mình.
Học mà chơi, chơi mà học
Tiếng Anh cũng như những môn học khác, nếu không tìm được hứng thú thì sẽ không hiệu quả. Áp dụng nguyên tắc học trên, ngay từ khi vào học lớp 10 Giang đã tập cho mình một thói quen thường xuyên nghe nhạc và xem phim trên tivi bằng tiếng Anh. Điều này giúp Giang không chỉ luyện tập được từ vựng, mà còn nâng cao khả năng nghe tiếng Anh. Khi theo dõi các các bộ phim trên kênh HBO hoặc Cinemax, Giang thường tập trung theo dõi nội dung phim, nhờ vậy Giang vừa trau dồi được từ mới, vừa học được cách phát âm chuẩn của người bản xứ, và cách suy nghĩ bằng tiếng Anh.
Bên cạnh việc nghe nhạc và xem ti vi bằng tiếng Anh, theo Giang, để học tốt tiếng Anh, các bạn cần rèn luyện cho mình thói quen dành thời gian học tiếng Anh thường xuyên. Với Giang, cô bạn thường dành 2 tiếng mỗi ngày để học tiếng Anh.
“Người học cần nắm chắc ngữ pháp và có tinh thần tự giác học. Tự tin khi nói chuyện cùng giáo viên hoặc người bản xứ cũng là một trong những nguyên tắc giúp người học nâng cao khả năng tiếng Anh. Ngoài ra, để có nhiều cơ hội được thực hành nhiều hơn, các bạn nên tận dụng tham gia các cuộc thi bằng tiếng Anh hay tìm bạn cùng học để có thể trao đổi thảo luận với nhau được nhiều hơn”, Giang cho biết.
Một kinh nghiệm nữa giúp bạn học tốt tiếng Anh đó là học hỏi những người đi trước đã thành công. Khi đến với GLN IELTS Reviews Center, Giang đã rất may mắn khi được cô giáo của mình – một người cũng đã từng tham gia kỳ thi IELTS và đạt 8.5 – hướng dẫn và chia sẻ rất tận tình phương pháp học cùng các cách làm bài thi để có thể đạt được điểm cao. Giang vui vẻ nói: “Mình rất bất ngờ trước kết quả thi vừa qua. Bí quyết của mình đơn giản là lắng nghe, học thuộc và áp dụng những phương pháp mà cô giáo truyền lại”.
Với kết quả xuất sắc vừa qua, hiện tại Giang đang nghiên cứu một số trường đại học ở Úc để nộp hồ sơ cho học kì năm 2011. Tuy nhiên, là sinh viên năm nhất Trường đại học Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội, nên Giang cũng đang cân nhắc để lựa chọn thêm phương án lựa chọn thứ hai là hoàn thành chương trình đại học tại Việt Nam, và học tiếp thạc sĩ ở nước ngoài vì vẫn còn đang thích môi trường hiện tại của mình.
Các “bí kíp” làm bài thi IELTS
Video đang HOT
Trong kỳ thi IELST, phần lớn thí sinh thường ngồi im lặng trước giờ thi, làm cho không khí trở nên khá nặng nề. Theo Giang, các bạn cần giữ cho mình một tâm trạng thật bình tĩnh khi bước vào kỳ thi. Để giữ được tâm trạng này, các bạn nên mang theo máy nghe nhạc, hoặc trò chuyện, trao đổi với những thí sinh đi thi cùng mình, như thế sẽ bớt áp lực vào phòng thi hơn.
Được biết trong bài thi IELTS vừa qua, Giang đã đạt điểm 9 trong phần thi Listening (Nghe) – số điểm tuyệt đối trong bài thi IELTS. Cô bạn chia sẻ, khi làm bài thi Listening, điều quan trọng là các bạn phải tránh được “bẫy” của bài. Thông thường, các thí sinh chỉ chú ý khi nghe những từ được đọc rõ hay đọc chậm hơn so với bình thường, nhưng đây lại chính là cái bẫy của phần thi nghe bởi đáp án lại không nằm ở những từ này mà nằm rải rác ở cả bài.
Với phần thi Reading (Đọc), đây là phần rất được các thầy cô chú trọng. Khi làm phần này, các bạn nên rà soát kỹ lại các câu, kể cả những câu đã làm trước đó, vì có thể, đáp án của những câu này lại nằm ở cuối bài. Ngoài ra, trong các bài thi IELTS, số lượng từ mới rất nhiều, do vậy, các bạn không nên quá chú trọng phần từ mới mà nên quan tâm đến câu hỏi của bài nhiều hơn. Bên cạnh đó, bạn nên dựa vào chủ đề để đoán nghĩa các từ trong bài.
Đối với phần thi Writing (Viết), để đạt được 6 hoặc 6.5 là điều khá dễ dàng. Thế nhưng để được điểm 7 hoặc từ 7 trở lên đòi hỏi bạn cần phải có một vốn từ vựng phong phú. Ngoài ra, khi viết văn, bạn cần phải viết theo một cấu trúc logic chặt chẽ giữa các đoạn, tránh để rời rạc, như vậy bạn sẽ dễ dàng ghi điểm hơn.
Về phần thi Speaking (Nói), các bạn nên thật bình tĩnh. Khác với các thầy cô trên lớp, giám khảo sẽ không biểu lộ cảm xúc khi nghe bạn nói vì thế nhiều người có thể cảm thấy hơi bị hẫng. Tuy nhiên, bạn cần bình tĩnh và nên tự điều chỉnh lại giọng nói cũng như cách phát âm của mình nếu bị sai. Một điều quan trọng hơn là không nên để khoảng trống trong bài thi Nói của mình, đồng thời nên kéo dài phần trả lời của mình, như thế bạn sẽ không phải trả lời quá nhiều câu hỏi của giám khảo.
Đó là những bí kíp đã giúp Giang đạt được 8.0 IELTS. Cô bạn hy vọng rằng những “bí kíp” này cũng sẽ giúp ích cho các bạn đang học tiếng Anh và chuẩn bị bước vào một kỳ thi IELTS khó khăn phía trước.
Theo dân trí
Ứng biến với "núi" kiến thức
T (lớp 12 trường Nguyễn Hữu Huân, Q.Thủ Đức) "chết điếng" trước thông tin chính thức của Bộ GD & ĐT về 6 môn thi tốt nghiệp: Toán, Văn, Ngoại ngữ, Hóa, Sử và Địa.
Bởi vốn học chuyên khối A, trước đây T thường "quăng cục lơ" với các môn xã hội. Nay bỗng dưng "dính" cùng lúc 3 môn khối C hỏi sao anh chàng không khỏi lo lắng.
Bạn cũng đang trong tình cảnh "chơi vơi" như T? Hãy "chữa cháy" bằng cách "nghía" qua "bí kíp" học thi của "dân khối C" xem sao nha!
Tụi mình cùng quyết tâm thi tốt nha!
Môn văn - Tìm "điểm nhấn" trong tác phẩm.
Đối với các tác phẩm văn học, tớ cố gắng nắm cho được tiểu sử tác giả - hoàn cảnh sáng tác, nghệ thuật, biện pháp tu từ và chi tiết dẫn chứng để phân tích tác phẩm, bằng cách:
- Chọn điểm nhấn thú vị nhất của tác giả để nhớ. Chẳng hạn, nhắc đến Quang Dũng, tớ nghĩ ngay ông là một nghệ sĩ đa tài với khả năng sáng tác thơ văn, vẽ tranh; Kim Lân là cây bút chuyên viết truyện ngắn, rất am hiểu cảnh ngộ cũng như tâm lí của người nông dân nghèo... Từ điểm nhấn này, tớ liên hệ với giai đoạn lịch sử mà tác giả đang sống để hiểu sâu về tác phẩm.
- Thường xuyên sử dụng các câu trích dẫn ấn tượng trong tác phẩm để nói chuyện với bạn bè. Thí dụ, nếu có ai đó bị kêu lên bảng trả bài mà không thuộc, tớ sẽ đùa: "Biết nó có sống qua được cái thì này không?" (tác phẩm Vợ nhặt - Kim Lân). Trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài có câu: Mị còn trẻ, Mị muốn đi chơi, câu này cũng thường được tớ và bạn bè nói với nhau (thay tên Mị bằng tên một bạn nào đó)...
Môn địa lí - Bám sát bố cục sách giáo khoa
Môn Địa, học bằng Atlat, tụi mình sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian.
Khoảng 2 tháng trước khi thi tốt nghiệp, tớ bắt đầu chạy đua nước rút với môn Địa lí bằng thời khóa biểu "nặng đô":
- Mỗi ngày đều đọc 1 bài và không bỏ sót bất kì ngày nào, kể cả thứ bảy và chủ nhật.
- Khi đọc, tớ chú ý bố cục của SGK để tự tóm tắt bài học theo đúng trình tự đó. Chẳng hạn, với 1 vùng kinh tế, sách trình bày điều kiện tự nhiên trước, (khí hậu, đất đai, nguồn nước, sinh vật...), sau đó đến điều kiện kinh tế xã hội (dân cư, lao động...). Tóm tắt xong, tớ phân tích thế mạnh kinh tế của từng vùng.
- Tớ tăng cường học bài bằng Atlat (hình thức này chủ yếu trả lời câu hỏi dựa vào bản đồ, biểu đồ). Muốn "trị" Atlat hiệu quả, tớ phải đọc kĩ đề bài để xác định mình phải thực hiện bao nhiêu bản đồ, các bản đồ chiếm bao nhiêu trang giấy và có bao nhiêu kí hiệu trên đó... Tập cách trả lời câu hỏi dựa vào bản đồ, tớ tiết kiệm được khoảng 30 - 40% thời gian học bài môn Địa lí.
- Tập cách xác định biểu đồ. Kinh nghiệm của tớ là khi đọc đề, nếu thấy có cụm từ "Cơ cấu...", đơn vị là % và số liệu từ 3 năm trở xuống thì sử dụng biểu đồ tròn (mỗi năm là một hình tròn); đề thi có cụm từ "Chuyển dịch cơ cấu..." và số liệu từ 3 năm trở lên sẽ áp dụng biểu đồ miền; đề thi có cụm từ "So sánh cơ cấu...", có giá trị tuyệt đối và số liệu trên 3 năm, ta có thể sử dụng biểu đồ cột chồng...
Môn lịch sử - Đọc kĩ nhớ lâu
Nếu trong lĩnh vực ăn uống, "nhai kĩ no lâu" thì trong việc "luyện công" môn Sử, đọc chậm sẽ nhớ "dai".
- Mỗi ngày, tớ đọc 1 bài nhưng không ép mình phải thuộc tất cả. Trong quá trình đọc, tớ luôn gạch dưới hoặc tô màu những sự kiện nổi bật để tự nhắc mình cần lưu ý chỗ đó.
- Bài học Sử trong SGK đã được chia thành các giai đoạn. Trong mỗi giai đoạn, tớ xác định những vấn đề đặc trưng và tự "túm" lại theo cách của mình.
- Khi học diễn biến các chiến dịch, tớ chọn cách sử dụng lược đồ.
Ví dụ: Trong chiến dịch Việt Bắc thu đông, tớ vẽ đại khái lược đồ Việt Bắc với các tỉnh trọng điểm như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên... Sau đó, tớ vẽ mũi tên hướng đi của chiến dịch, rồi tự thuyết minh diễn biến chiến dịch.
- Để nhớ thời điểm xảy ra sự kiện, tớ chỉ cần nhớ ngày đầu tiên, các ngày tiếp theo thì dùng phép cộng. Ví dụ: "Ngày 22/9/1940, quân Nhật vượt biên giới Việt Trung, đánh Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng". Tiếp đó, sách viết: "ngày 27/9/1940...", tớ làm phép cộng để sửa lại là "5 ngày sau..."...
- Để nhớ một khoảng thời gian, tớ làm phép trừ. Chẳng hạn, "chiến dịch Điện Biên Phủ đợt 1 diễn ra từ ngày 13/3 đến 17/3", tớ chỉ cần nhớ ngày 13/3 và tự chuyển thành "chiến dịch Điện Biên Phủ đợt 1 diễn ra trong 4 ngày".
- Sau khi học xong 1 chương, tớ tổng hợp bài học thành 1 bảng gồm toàn bộ các chiến dịch và điểm nhấn của mỗi chiến dịch để không bị nhầm lẫn.
Theo kênh 14
Mẹo học viết tiếng Anh Học tiếng Anh, hầu như teen nào cũng e dè phần viết, nhất là viết những bài văn. Khác với nói, khi nói chỉ cần nói sao cho người đối diện hiểu là được, còn viết thì đòi hỏi teen chúng ta phải viết vừa đúng ngữ pháp, lại vừa hợp logic. Một vài mẹo sau đây sẽ giúp các bạn phần nào...