Bí quyết của quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 thấp hơn cúm mùa
Ngay cả khi biến chủng Delta lây lan, số ca nhập viện và tử vong ở Na Uy cũng không tăng so với năm ngoái.
Một người đàn ông đeo khẩu trang trên đường phố Oslo, Na Uy hồi tháng 3/2021 (Ảnh: Reuters).
Báo Nettavisen dẫn số liệu từ Bộ Y tế Na Uy cho biết, số ca nhập viện và tử vong vì Covid-19 ở nước này đã giảm trong mùa hè này. Trong tháng 7, cả Na Uy chỉ ghi nhận 14 ca nhập viện và 5 ca tử vong vì Covid-19.
Ông Preben Aavitsland, người đứng đầu Viện Y tế Cộng đồng Quốc gia Na Uy (FHI), ước tính tỷ lệ tử vong sau lây nhiễm (IFR) ở nước này xấp xỉ 0,05% trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 năm nay. “Trong tháng 5, tháng 6 và tháng 7, chúng ta ghi nhận tổng cộng 23.877 ca nhiễm, trong đó 25 người tử vong”, ông Aavitsland cho biết.
Trong khi đó, tỷ lệ IFR trong giai đoạn cúm mùa thông thường khoảng 0,1% theo ước tính của nhà nghiên cứu Svenn-Erik Mamelund ở Đại học Oslo. Cho rằng có thể nhiều ca bị bỏ sót, ông Aavitsland đưa ra một tỷ lệ dao động từ 0,05% đến 0,2%. Như vậy, tỷ lệ tử vong do Covid-19 ở Na Uy được cho là thấp hơn so với tỷ lệ tử vong do cúm thông thường.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng, các ước tính này là tính toán tổng tỷ lệ tử vong trong xã hội, không phải trên từng cá nhân. IFR thấp hơn không có nghĩa Covid-19 ít nguy hiểm hơn cúm mùa. Ngược lại, so với cúm, Covid-19 nguy hiểm hơn cho người cao tuổi và những người suy giảm miễn dịch.
“Với những người chưa tiêm chủng, đây là một căn bệnh đe dọa đến tính mạng. Với những người trẻ, khỏe, nguy cơ tử vong là rất thấp”, ông Aavitsland nói.
Theo ông, mức độ tiêm chủng cho các nhóm nguy cơ cao là một trong những biện pháp hữu hiệu. Ông cho biết, 92% người Na Uy trong độ tuổi từ 45 trở lên – độ tuổi chiếm tới 99% số ca tử vong do Covid-19 – đã được tiêm chủng ít nhất một liều vắc xin, khoảng 61% đã tiêm đủ hai liều.
Ông nhấn mạnh, tỷ lệ tiêm chủng cao giúp hạn chế đáng kể sự lây lan của biến chủng Delta – biến chủng hiện chiếm phần lớn số ca mắc mới ở Na Uy. Theo số liệu của Viện Y tế Quốc gia Na Uy, khoảng 80% người trưởng thành ở nước này đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin ngừa Covid-19, khoảng 41% đã được tiêm đủ hai liều.
Video đang HOT
Hồi tháng 6, ông Aavitsland tuyên bố Na Uy đã “hết dịch”, nhưng không phải tất cả giới chức y tế Na Uy đồng tình với quan điểm này. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Na Uy Espen Nakstad nói, dịch bệnh “chưa hoàn toàn kết thúc” và người dân chỉ yên tâm khi toàn bộ người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ và đại dịch chỉ chấm dứt khi nó bị loại trừ trên phạm vi toàn cầu. Ông Aavitsland giờ đây cũng thừa nhận, Covid-19 sẽ không “biến mất”, thay vào đó nó sẽ dần trở thành “mối đe dọa không đáng kể”.
Nhờ các biện pháp phong tỏa nhanh chóng từ tháng 3/2020 và các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, quốc gia 5,4 triệu dân này được coi là một trong những quốc gia châu Âu có tỷ lệ tử vong do Covid-19 thấp nhất. Đến nay, Na Uy đã ghi nhận tổng cộng 140.000 ca mắc Covid-19, trong đó chỉ có 800 trường hợp tử vong.
Delta càn quét, các nước giàu rục rịch tiêm vắc xin mũi 3
Một số nước giàu gây tranh cãi khi bắt đầu hoặc sắp triển khai tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi ba để đối phó sự lây lan của biến chủng Delta bất chấp khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Nhấn để phóng to ảnh
Tổng thống Israel Isaac Herzog tiêm vắc xin Covid-19 thứ ba hôm 30/7 (Ảnh: AFP).
Delta khiến nhiều nước điều chỉnh chiến lược tiêm chủng
Mối lo ngại về sự lây lan "như cháy rừng" của biến chủng Delta khiến nhiều quốc gia điều chỉnh hoặc đang cân nhắc điều chỉnh chiến lược tiêm chủng vắc xin theo hướng tiêm liều thứ 3 tăng cường.
Từ đầu tháng này, Israel bắt đầu triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 mũi 3 cho người trên 60 tuổi và đặt mục tiêu tiêm chủng cho 1 triệu người vào cuối tháng 8 này.
Pháp và Đức cũng quyết định sẽ triển khai tiêm vắc xin liều bổ sung từ tháng 9 tới cho hàng triệu người trong các viện dưỡng lão hoặc người trên 75 tuổi và những người có bệnh lý nền.
Anh chưa ra quyết định cuối cùng nhưng giới chức nước này cảnh báo hệ thống y tế cần chuẩn bị cho kịch bản như vậy vào tháng 9 tới nếu cần thiết.
Trung Quốc cũng đang cân nhắc chiến lược tiêm vắc xin liều thứ 3, nhưng không cho rằng tất cả người dân đều cần tiêm mũi nhắc lại này trong vòng một năm.
Hồi đầu tháng 7, Cục Quản lý Thực và Dược phẩm Mỹ và Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ nói rằng, hiện tại việc tiêm mũi thứ 3 tăng cường là chưa cần thiết nhưng sẵn sàng triển khai khi khoa học chứng minh điều này là cần thiết. Tuần trước, chính phủ Mỹ đã mua thêm 200 triệu liều vắc xin mRNA của hãng dược Pfizer, BioNTech.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, hôm 5/8 nói rằng, những người bị suy giảm miễn dịch có thể không được bảo vệ đầy đủ bằng biện pháp tiêm chủng hiện nay. Chuyên gia này cho biết thêm, sự gia tăng đáng lo ngại của biến chủng Delta có thể được ngăn chặn thông qua việc tiêm mũi vắc xin bổ sung.
WHO khuyến cáo hoãn tiêm liều thứ 3
Nhấn để phóng to ảnh
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (Ảnh: Reuters).
Hiện chưa có đầy đủ bằng chứng khoa học nào cho thấy tiêm vắc xin mũi tăng cường giúp tăng cường mức độ bảo vệ người tiêm trước biến chủng Delta.
Một nghiên cứu của hãng Pfizer cho biết, hiệu quả hai mũi tiêm vắc xin của họ nhằm ngăn chặn các triệu chứng của Covid-19 giảm từ 96% xuống 84% sau 6 tháng, trong khi hiệu quả ngăn bệnh nặng vẫn ở mức cao 97%. Tuy nhiên, nghiên cứu này chưa có bình duyệt độc lập của các nhà khoa học.
Theo WHO, các vắc xin hiện tại vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn chặn bệnh nặng và giảm nguy cơ nhập viện ở người nhiễm các biến chủng đáng lo ngại như Alpha hay Delta.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 4/8 kêu gọi các nước tạm hoãn kế hoạch tiêm vắc xin mũi 3 trong bối cảnh nhiều nơi trên thế giới vẫn còn chật vật tiếp cận vắc xin.
"Tôi hiểu mối quan tâm của tất cả các chính phủ trong việc bảo vệ người dân của họ khỏi biến chủng Delta. Tuy nhiên, chúng ta không thể chấp nhận việc các quốc gia đã sử dụng phần lớn nguồn cung vắc xin toàn cầu lại tiếp tục sử dụng nhiều hơn, trong khi nhiều người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới chưa được bảo vệ. Chúng ta cần một sự đảo ngược ngay lập tức về việc phân phối vắc xin. Thay vì tập trung vào các nước thu nhập cao, hiện giờ vắc xin phải được ưu tiên cho các nước thu nhập thấp", ông Tedros nói.
Người đứng đầu WHO kêu gọi các nước hoãn tiêm vắc xin liều bổ sung ít nhất 2 tháng nữa để thế giới có cơ hội đạt mục tiêu tất cả các nước tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9.
WHO cảnh báo, sự phân phối mất cân bằng hiện nay đang cản trở thế giới thoát đại dịch.
Theo một phân tích nội bộ của WHO, nếu 11 nước giàu có cùng triển khai hoặc cân nhắc tiêm chủng vắc xin mũi 3 trong năm nay cho tất cả người trên 50 tuổi, họ sẽ sử dụng đến 440 triệu liều vắc xin. Nếu tất cả các nước thu nhập cao và trung bình cao cùng triển khai, mức tiêu thụ sẽ gấp đôi.
WHO cho rằng, số vắc xin này sẽ hiệu quả kiểm soát dịch tốt hơn nếu được chuyển cho các nước thu nhập thấp và trung bình, nơi khoảng 85% dân số (hay 3,5 tỷ người) vẫn chưa được tiêm mũi vắc xin nào. "Ưu tiên hiện nay phải là tiêm chủng cho những người chưa tiêm mũi nào", ông Tedros nhấn mạnh.
Một điều nữa khiến giới chuyên gia lo ngại là, khi dịch còn bùng phát mạnh ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp, nguy cơ xuất hiện các biến chủng nguy hiểm hơn, kháng tất cả vắc xin hiện có càng tăng.
Trung Quốc dọa đáp trả vụ Mỹ bán lô vũ khí 750 triệu USD cho Đài Loan Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, nước này sẽ cung cấp 2 tỷ liều vắc xin cho các nước khác trong năm 2021. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa Xã). Theo Reuters, trong một thông điệp bằng văn bản gửi đến một diễn đàn hợp tác quốc tế về vắc xin Covid-19 ngày 5/8, Chủ tịch...