Bí quyết có bài giảng về văn bản nhật dụng hấp dẫn
GD&TĐ – Văn bản nhật dụng là loại văn bản đề cập, bàn luận, thuyết minh, tường thuật, miêu tả, đánh giá,… về những vấn đề, những hiện tượng gần gũi, bức xúc với cuộc sống của con người và cộng đồng.
Cô Nguyễn Phương Thanh – Giáo viên Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội) cho rằng, học văn bản nhật dụng không chỉ mở rộng hiểu biết toàn diện mà còn tạo điều kiện tích cực giúp học sinh hòa nhập với xã hội, rút ngắn khoảng cách giữa nhà trường và xã hội.
Đặc biệt, những văn bản nhật dụng trong SGK đưa ra rất hay và có ý nghĩa tích hợp với phần văn nghị luận xã hội học sinh sẽ học ở lớp 9 học kì II.
Mặc dù có ý nghĩa rất quan trọng, nhưng nội dung này chưa thực sự hấp dẫn được học sinh; sinh không ham học, không thích học…, đặc biệt là cụm 3 bài văn bản nhật dụng ở lớp 9.
Cô Nguyễn Phương Thanh chia sẻ cụ thể kinh nghiệm giảng dạy, gây hứng thú cho học sinh với nội dung này như sau:
“Chiêu” gây chú ý ngay từ mở bài
Muốn dạy tốt phần văn bản này, giáo viên có trình độ, có năng lực, có phương pháp, có hướng dẫn sách giáo viên, tài liệu…chưa đủ mà phải luôn luôn tìm tòi qua thực tế, lịch sử, qua tin tức thời sự quốc tế, trong nước cập nhật, để từ đó áp dụng vào từng bài cụ thể qua cách giới thiệu bài (mở bài), cách liên hệ hợp lý ngay từng phần trong bài học mới có thể tạo và gây hứng thú cho học sinh khi học.
Ví dụ, với bài 1: Văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là văn bản thuộc chủ đề về sự hội nhập với thế giới và bảo vệ bản sắc văn hoá dân tộc. Văn bản không chỉ mang ý nghĩa cập nhật mà còn mang ý nghĩa lâu dài:
Video đang HOT
Với bài này, giáo viên có thể vào bài như sau:
Ở Paris có 1 bức tường đặc biệt có hình ảnh của những con người đã làm nên thế kỉ 20, trong đó có Bác Hồ của chúng ta (giáo viên trình chiếu hình ảnh.
Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng dân tộc vĩ đại mà còn danh nhân văn hoá thế giới. Bởi vậy phong cách sống và làm việc của Bác không chỉ là phong cách sống và làm việc của người anh hùng dân tộc vĩ đại mà còn là một nhà văn hoá lớn, một con người của nền văn hoá tương lai… Bài viết của nhà giáo, nhà lý luận phê bình văn học Lê Anh Trà đem đến cho chúng ta cái nhìn đầy đủ hơn về phong cách của Người…
Bài 2: Văn bản “Đấu tranh cho một thế giới hòa bình (G.G_MácKét)”
Phương pháp vào bài: Thế kỉ XX đánh đấu sự phát triển nhảy vọt tiến bộ về công nghệ khoa học với phát minh đầu tiên về nguyên tử hạt nhân, đồng thời là phát minh loại vũ khí huỷ diệt loài người ghê gớm nhất. Bằng chứng cụ thể: Tháng 8/1945 2 quả bom nguyên tử của Mĩ ném xuống 2 thành phố Hirôsima và Nagasaki đã huỷ diệt 2 triệu người Nhật Bản mà đến bây giờ còn để lại nhiều di chứng thương tâm (trình chiếu hình ảnh).
Tiếng nói của nhà văn Nam mĩ G.G Máckét giúp chúng ta thấy rõ nguy cơ về chiến tranh hạt nhân và chúng ta cần phải làm gì để đấu tranh cho một thế giới hòa bình.
Thiết kế bài dạy bằng giáo án điện tử có minh họa hấp dẫn
Việc soạn giảng giáo án điện tử sẽ mất nhiều thời gian hơn nhưng hiệu quả đem lại cao hơn rất nhiều. Đối với cụm bài văn bản nhật dụng, không gì hấp dẫn học sinh hơn những hình ảnh, thước phim sinh động, không có cách dạy văn nghị luận nào hiệu quả hơn cách dạy theo sơ đồ. Vì thế, giáo án điện tử rất đắc dụng trong trường hợp này.
Tổ chức linh hoạt giờ dạy bằng nhiều phương pháp
Việc giáo viên sử dụng linh hoạt các phương pháp với các bài giảng cũng rất quan trọng.
Ví dụ, với phương pháp thuyết trình của học sinh, ở văn bản “Phong cách Hồ Chí Minh”, giáo viên yêu cầu học sinh tìm hiểu ở nhà những mẫu chuyện kể về phong cách sống, làm việc giản dị của Bác. Trên lớp, học sinh chia sẻ những hiểu biết về đức tính giản dị của Bác, làm giờ học sinh động, sôi nổi hơn.
Giáo viên cũng có thể cho học sinh hoạt động nhóm, thảo luận, nêu ý kiến. Ví dụ, văn bản “Đấu tranh vì một thế giới hòa bình”, giáo viên cho học sinh làm việc nhóm trong 2 phút với câu hỏi:
Nếu được là đại diện cho trẻ em Việt Nam trình bày yêu cầu, nguyện vọng của tại hội nghị cấp cao thế giới vì hòa bình, em sẽ nói gì?
Sau đó, mời đại diện nhóm lên trình bày trước lớp như một diễn giả thực thụ.
Một phương pháp rất hiệu quả mà giáo viên có thể dùng trong dạy học văn bản nhật dụng là liên hệ mở rộng bằng tư liệu chữ viết, hình ảnh, đoạn phim để làm rõ vấn đề.
Ví dụ, văn bản “Đấu tranh vì một thế giới hòa bình”, trong luận điểm 1: Hiểm hoạ của chiến tranh hạt nhân, giáo viên đưa ra dẫn chứng:
Trong cuộc chiến tranh phá hoại ở nước ta đế quốc Mĩ đã rải xuống Việt Nam 19 triệu gallon chất độc, trong đó 7 triệu gallon chất diệt cỏ, 12 triệu gallon chất độc màu da cam.
Trong luận điểm 2: Đoàn kết ngăn chặn chiến tranh hạt nhân vì một thế giới hòa bình là nhiệm vụ của mọi người.
Giáo viên đưa ra các dẫn chứng: Năm 2006 Liên hợp quốc, Nga và nhân dân thế giới phản đối kịch liệt vụ thử thành công hạt nhân của CH nhân dân Triều Tiên (sau 4 năm chuẩn bị dưới lòng đất) bất chấp mọi sức ép của cộng đồng thế giới.
Tháng 4/2003, IRan đã từng bị thế giới trừng phạt vì sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tháng 11/2007, IRan vẫn sử dụng chất phóng xạ Uranium để phát triển vũ khí hạt nhân hiện đang bị lên án kịch liệt về vấn đề này.
Rõ ràng hiện nay cả thế giới rất căm phận và lên án một số nước còn đối đầu sự sống của loài người trong việc sử dụng vì khí hạt nhân để thực hiện mục đích lợi nhuận của mình làm ảnh hưởng đến hòa bình của nhân loại.
Tuy nhiên, giáo viên cũng cần hết sức lưu ý hướng dẫn chuẩn bị bài, sưu tầm tư liệu ở nhà, tránh đến lớp “há miệng chờ sung”, thụ động.
Học sinh cần được hoạt động tích cực trong bài học, có cơ hội được trình bày hiểu biết của mình, nói lên tiếng nói suy nghĩ của cá nhân mình thì mới có thể hiểu được những ý nghĩa thiết thực mà các văn bản nhật dụng này mang lại.
Cùng với đó, sử dụng các mẩu chuyện, dẫn chứng mang tính thực tế, lịch sử (áp dụng tuỳ vào nội dung từng bài), để kích thích gây tò mò, hứng thú, say mê cho học sinh. Giúp học sinh hiểu bài dễ hơn, nhanh hơn qua phần giới thiệu bài và liên hệ ngay từng phần của bài học.
Để đạt được những yêu cầu, kết quả đó, giáo viên không chỉ giảng dạy rập khuôn, máy móc theo hướng dẫn sách giáo viên mà phải luôn luôn tìm tòi, lắng nghe, nắm bắt thông tin cập nhật (liên quan đến nội từng văn bản nhật dụng) qua đài, trên báo chí, qua thông tin mạng, qua tình hình thời sự trong nước, quốc tế…, để vận dụng vào bài giảng.
Theo GD&TD