Bí quyết chinh phục học trò cá biệt
Ngôi trường Lê Thanh thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Nội những ngày qua đã thành cái tên được nhiều người biết đến với mô hình câu lạc bộ “Goodbye Game” của thầy Hoàng Đức Mạnh.
Dù quy mô không lớn nhưng mô hình là một bằng chứng cho thấy, nếu thực sự tâm huyết, thầy cô giáo nào cũng có thể đem đến niềm vui vô giá đến mỗi gia đình nói riêng và xã hội nói chung.
Chuẩn bị cho không khí Tết Nguyên đán 2020, câu lạc bộ có cái tên đặc biệt “Goodbye Game” của thầy trò trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội lại hào hứng với những hoạt động ý nghĩa dành cho các hội viên đặc biệt của câu lạc bộ này.
Kéo học trò trở về từ thế giới ảo
Để có một cái Tết ấm áp sắp đến, thầy Hoàng Đức Mạnh, giáo viên trường THCS Lê Thanh, người sáng lập ra câu lạc bộ 6 năm nay cho biết, các bạn sẽ tham gia quyên góp tiền, trực tiếp gói bánh chưng cùng nhà trường để chia sẻ yêu thương đến các học sinh còn khó khăn nhưng có ý chí vươn lên.
Giới thiệu về việc hình thành câu lạc bộ duy nhất chỉ có ở trường này, thầy Mạnh cho biết, khi được giao làm chủ nhiệm lớp học cá biệt của trường, thầy Mạnh vừa lo vừa phấn khởi. Lo vì thầy chưa biết mình cần làm gì để gần gũi với các em nhưng vẫn giữ được sự nghiêm khắc của nhà giáo. Phấn khởi vì thầy có cơ hội được làm điều gì đó thiết thực giúp các em thay đổi để sau này vững tin bước vào đời.
Tiếp xúc với học trò hàng ngày, thầy Mạnh nhận ra các em học sinh cá biệt rất thông minh nhưng lại thiếu sự quan tâm của gia đình. Vì thế, thầy cố gắng bù đắp những tình cảm gia đình mà các em đang thiếu hụt, cùng các em giải quyết những khó khăn trong cuộc sống.
Cũng chính vì thiếu sự quan tâm sâu sát của gia đình mà khá nhiều học sinh cá biệt thường gặp phải cùng một vấn đề xã hội là nghiện chơi game. Theo thầy Mạnh, chơi game cũng có những mặt tích cực trong phát triển tư duy nhưng nếu quá ham sẽ bị cuốn vào lối sống ảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm sinh lý.
Thầy tìm gặp những em ham chơi game để bàn bạc và đi đến thành lập Câu lạc bộ “Goodbye Game”. Thầy dùng từ “goodbye” với ý các em chỉ tạm biệt game để tập trung học trước đã, chứ thầy không buộc các em bỏ hẳn game.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, thầy Mạnh thường xuyên theo sát, tìm hiểu gia cảnh từng bạn để có tác động phù hợp. “Các em đều là những học sinh cá tính, muốn thuyết phục các em thì phải hiểu tâm lý, giáo dục các em bằng những biện pháp mềm dẻo, tuyệt đối không trách mắng, phạt nặng. Người thầy phải có tình yêu thực sự với học trò, kiên nhẫn, coi học sinh như những người bạn, người em, người con trong gia đình của mình, các em sẽ cảm nhận được và gắn bó với thầy cô, từ đó các em sẽ nghe lời, tiến bộ” – thầy Mạnh chia sẻ.
Trong số những học sinh cá biệt của thầy Mạnh có em Hoàng Thế Tài, hoàn cảnh đặc biệt. Bố mẹ em bỏ nhau, bố thường đi công tác xa. Em luôn nghịch ngợm quậy phá trong lớp, suốt ngày bỏ học đi chơi game. Em từng tâm sự với thầy có những khi em thấy hoàn toàn chán nản và bế tắc trước cuộc sống hiện tại.
Thấu hiểu hoàn cảnh của em nên khi Tài mắc lỗi thầy không hề trách mắng. Ngược lại, thầy còn giao em làm lớp trưởng. Khi tổ chức câu lạc bộ “Goodbye Game”, thầy lại giao cho em làm chủ nhiệm câu lạc bộ. Cũng chính nhờ sự quan tâm, chia sẻ của thầy Mạnh mà Hoàng Thế Tài đã hoàn toàn bỏ được thói quen chơi game mà chuyên tâm vào học tập.
Câu lạc bộ “Goodbye Game” đầu tiên có 17 học sinh, trong đó có tới 15 em thường xuyên chơi games, sau đó, mở rộng toàn trường với hơn 40 học sinh. Không phải 100% các em đều thành công trong việc bỏ chơi game nhưng có tới 95% các em đã vượt qua giai đoạn này để trở thành những công dân có ích hiện nay.
Những bài học lịch sử đem đến khát vọng vươn lên
Nói về thầy giáo Hoàng Đức Mạnh, giáo viên trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Ban, Hiệu trưởng nhà trường cho biết thầy giáo Hoàng Đức Mạnh là giáo viên cốt cán của trường và của huyện với kinh nghiệm nhiều năm công tác, đào tạo nhiều học sinh giỏi của trường và của huyện.
Là giáo viên Lịch sử, thầy Mạnh có tình yêu đặc biệt với môn học này, chính vì vậy thầy cũng rất thành công trong việc truyền thụ tình yêu lịch sử cho học trò. Nhiều năm được lựa chọn làm giáo viên bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của trường, của huyện, thầy Mạnh đã ghi dấu ấn với những danh hiệu học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố ở môn Lịch sử. Mới đây nhất, năm học 2018-2019, đội tuyển môn Lịch sử của thầy Mạnh đã giành được 2 giải nhất cấp thành phố, lọt vào tốp đầu các đội tuyển giỏi của Hà Nội.
Điều đáng nói là thầy Mạnh không chỉ tuyển những học sinh chăm ngoan, học giỏi vào đội tuyển mà còn thuyết phục được cả những học sinh cá biệt từ tình trạng học hành bê trễ rồi đến khi tự nhận thức, mong muốn được thay đổi và tự nguyện xin vào đội tuyển để rèn luyện. Năm học này, 3 thành viên câu lạc bộ được vào đội tuyển và giành giải cấp huyện, trong đó, em Trương Đức Phong, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ giành giải Nhì và được vào đội tuyển của huyện đi dự thi cấp thành phố môn Lịch sử.
Một trong những ví dụ thành công của thầy Mạnh chính là trường hợp Hoàng Thế Tài. Thầy Mạnh đã mạnh dạn đưa Tài vào đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử do thầy giảng dạy. Để truyền cảm hứng môn học cho trò, thầy Mạnh chọn những thời điểm đặc biệt đưa Tài đi tham quan những di tích lịch sử nổi tiếng.
Nhớ lại những kỷ niệm trước đây, Tài kể: Hôm sinh nhật em, cũng là chủ nhật, thầy xin phép gia đình em đưa em đi tham quan rất nhiều nơi: Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác, hồ Tây, trường Chu Văn An. Qua mỗi nơi thầy lại kể cho Tài về lịch sử những địa danh ấy. Từ đó, thầy gieo vào lòng em niềm tin tưởng trên con đường học vấn.
Tài ngày càng tự tin và mong muốn phấn đấu vươn lên. Em bỏ chơi game để tập trung học và đỗ học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử. Hiện nay, em là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Giao thông vận tải. Ở trường đại học, Tài là cán bộ Đoàn năng động, là sinh viên tiêu biểu trong phong trào hiến máu tình nguyện. Em trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ học sinh trường THCS Lê Thanh noi theo.
Lê Văn Quỳnh, cựu học sinh THCS Lê Thanh cũng từ một học sinh cá biệt, thường xuyên bỏ học, khá ngỗ nghịch nhưng đã hoàn toàn được thầy Mạnh thuyết phục nên đã chủ động xin được vào đội tuyển Lịch sử để được rèn luyện, thay đổi bản thân. “Quỳnh đã từng bỏ học 2 năm, lang thang kiếm tiền nhưng khi quay về đi học trở lại, tôi đã giao nhiệm vụ lớp trưởng cho em. Dần dần Quỳnh đã thay đổi ý thức, ham học, đoạt giải Ba cấp huyện môn Lịch sử. Quỳnh hiện đã trưởng thành, có sự nghiệp và là người luôn có trách nhiệm với cộng đồng” – thầy Mạnh cho biết.
Chia sẻ với phóng viên, thầy Hoàng Đức Mạnh nhấn mạnh, việc khuyến khích các em theo học Lịch sử với cá nhân thầy không hề hướng tới thành tích mà quan trọng hơn là hướng tới việc dạy người, giúp các em có mục tiêu, có nỗ lực, có phương pháp học tập để đạt hiệu quả tốt, khẳng định bản thân. Chính vì điều này mà trong buổi gặp mặt cựu học sinh tiêu biểu của trường, Hoàng Thế Tài đã chia sẻ: “Em luôn nhớ lời thầy vẫn nhắn nhủ rằng không chỉ cố gắng thành công mà hãy trở thành người có giá trị, điều này đã định hướng những bước đi của em hiện nay và cả trong tương lai”.
Theo anninhthudo
Thầy giáo dạy Sử và Câu lạc bộ "Goodbye game"
Nắm bắt tâm lý nhạy bén, thầy giáo Hoàng Đức Mạnh đã "cảm hóa" nhiều học sinh (HS) cá biệt bằng sự quan tâm, tình cảm chân thành.
Với 20 năm cầm phấn, thầy Hoàng Đức Mạnh - trường THCS Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội đã hiểu phần nào tâm lý của HS. Thầy luôn chủ động gần gũi, tâm sự với HS để cùng nhau giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, học tập.
Lãnh đạo nhà trường nhận thấy điều này nên năm học nào thầy Hoàng Đức Mạnh cũng được trường phân công chủ nhiệm lớp học "cá biệt" (những lớp thiếu sự đoàn kết, nhiều HS vi phạm nội quy trường lớp, nghiện game...).
Thời gian đầu mới nhận nhiệm vụ, thầy Mạnh lo lắng làm sao có thể tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình từng em, từ đó có định hướng phù hợp. Nhưng khi tiếp xúc với nhiều HS "cá biệt", thầy càng cảm thấy thương các em và tìm cách chia sẻ, động viên để HS coi mình như người bạn, người cha.
Thầy giáo Hoàng Đức Mạnh (giữa) với 2 cựu học sinh.
Sau thời gian chủ nhiệm các lớp học "cá biệt", thầy Mạnh đã thành lập câu lạc bộ "Goodbye game" gồm những HS chơi game. Lúc này, thầy giao HS nghiện game làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm và thư ký câu lạc bộ. Hoạt động dưới nguyên tắc, sự giám sát của câu lạc bộ, các thành viên dần dần không còn hứng thú với game và chăm chỉ học hành hơn. Trong các giờ sinh hoạt lớp, thầy còn tổ chức buổi tọa đàm: "Người sử dụng mạng xã hội thông thái", "Tình bạn và tình yêu", giao lưu văn nghệ...
So với các HS "cá biệt", có lẽ Hoàng Thế Tài vẫn là HS để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng thầy Mạnh. "Tài không có được hạnh phúc gia đình như bạn bè cùng trang lứa, bố mẹ bỏ nhau, bố đi công tác xa, vì không ai quản lý nên game luôn là bạn đồng hành. Để "cảm hóa" em, tôi nhiều lần gặp gỡ và trao đổi riêng với Tài.
Thậm chí, tôi còn đưa Tài đi tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, Lăng Bác, Hồ Tây... Dù nghịch phá nhưng Tài là HS thông minh và học giỏi môn Lịch sử. Vì vậy, tôi đã chọn Tài vào đội tuyển học sinh giỏi môn này và phân công em làm lớp trưởng, chủ nhiệm câu lạc bộ "Goodbye game" - thầy Mạnh cho biết.
"Áp dụng những biện pháp này, Tài có ý chí, nghị lực hơn trong cuộc sống. Chàng trai chăm chỉ học hành, đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện môn Lịch sử và giải Toán trên Internet. Hiện tại, Tài là sinh viên năm thứ 2, trường Đại học GTVT. Ngoài Hoàng Thế Tài, còn những HS từng nghiện game như Nguyễn Ngọc Hùng (công tác tại Bộ Công an), Đinh Văn Hậu (công tác tại Công an TP Hà Nội)... luôn coi thầy Mạnh như người cha thứ 2.
Bằng sự quan tâm, động viên giúp đỡ và các giải pháp sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng HS, những lớp thầy Mạnh chủ nhiệm đều có sự tiến bộ vượt bậc trong thi đua, nền nếp, HS đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong rèn luyện đạo đức và học tập.
Với quan niệm "giáo dục con người đạt kết quả là cả một quá trình lâu dài", thầy Mạnh thường xuyên liên lạc và động viên, giúp đỡ HS ngay cả khi các em ra trường. Hàng năm, thông qua các buổi gặp mặt giữa các thế hệ HS, những anh chị khóa trước sẽ truyền cho các em HS khóa sau kinh nghiệm cần thiết. Qua đây, HS có động lực học tốt và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
Mỗi nhà giáo đều có cách nhìn riêng về sự thành công, còn đối với thầy Hoàng Đức Mạnh, hạnh phúc lớn lao nhất trong sự nghiệp "trồng người" là niềm tin của phụ huynh và HS. Thầy Mạnh gắn với hình ảnh một thầy giáo giỏi về chuyên môn, tận tụy với nghề và luôn dành tình cảm yêu quý học trò. Thầy đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng trường THCS Lê Thanh đạt thành tích tốt trong nhiều năm.
Thầy Trần Văn Tư - Hiệu trưởng trường THCS Lê Thanh nhận xét, thầy Hoàng Đức Mạnh không chỉ giỏi về chuyên môn, tâm huyết với nghề mà còn là một chủ nhiệm hết mực thương yêu HS. Ngoài là giáo viên chủ nhiệm các lớp cá biệt, nhiều năm thầy còn chủ nhiệm các lớp mũi nhọn của nhà trường.
Theo kinhtedothi
Những món quà Tết đầy nghĩa tình của nhà trường tặng học sinh nghèo Những món quà Tết cho học sinh nghèo không chỉ là cặp bánh chưng mà nhiều trường còn chu đáo chuẩn bị cho các em học sinh nghèo trường mình những giỏ quà nhỏ. Đã thành thông lệ, vào dịp cuối năm là các nhà trường phổ thông đều tổ chức quyên góp để tặng quà Tết cho học sinh nghèo. Có thể...