Bí quyết chỉ đạo thực hành đổi mới phương pháp dạy học
GD&TĐ – Thầy Đặng Văn Ca (Trường THPT Nam Phù Cừ – Hưng Yên) chia sẻ kinh nghiệm tổ chức, chỉ đạo thường xuyên các hoạt động thực hành đổi mới phương pháp dạy học trong trường THPT.
Những hoạt động đổi mới có thể thực hiện ngay
Việc đầu tiên, theo thấy Đặng Văn Ca, cần thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện những hoạt động đổi mới phù hợp, có thể thực hiện được ngay.
Cụ thể, đó là đổi mới cách xác định mục tiêu bài học. Việc xác định mục tiêu bài học cần đảm bảo 2 yêu cầu cơ bản:
Định lượng được mức độ, chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ học sinh phải đạt được sau bài học để thực hiện, đồng thời lấy đó làm căn cứ đánh giá kết quả bài học một cách khách quan, tránh tình trạng đánh giá cảm tính đối với một bài học;
Chú trọng mục tiêu xây dựng phương pháp học tập, đặc biệt là phương pháp tự học qua mỗi giờ học, bài học.
Cùng với đó là đổi mới cách soạn giáo án trên cơ sở 3 định hướng: Chuyển trọng tâm từ thiết kế các hoạt động của thầy sang hoạt động của trò;
Giáo án phải thực sự là một bản kế hoạch lên lớp trong đó mọi hoạt động đều được tính đếm theo một quy trình hợp lý và có sự phối kết hợp rất chặt chẽ các nguồn lực: người dạy, người học, sách giáo khoa, thiết bị dạy học…;
Cần dự tính các phương án và cách thức có thể tiến hành để kiểm soát chất lượng làm việc của học sinh.
Công việc thứ 3 là tăng cường tổ chức cho học sinh hoạt động với hai hình thức, hoặc làm việc độc lập theo nhịp độ phân hoá cá nhân, hoặc làm việc theo nhóm; sử dụng triệt để các phiếu hoạt động học tập; tăng cường giao tiếp thầy – trò kết hợp mở rộng giao tiếp trò – trò.
Video đang HOT
Nâng cao chất lượng các câu hỏi trong tiết học và đề kiểm tra, giảm số câu hỏi tái hiện, tăng tỷ lệ các câu hỏi yêu cầu tư duy tích cực, sáng tạo, chú trọng nhận xét sửa chữa các câu trả lời cho học sinh.
Những hoạt động đổi mới trên được nhà trường quán triệt đồng bộ đối với tất cả các giáo viên, ở tất cả các bộ môn. Tinh thần chỉ đạo chung là: Trong mỗi tiết học bình thường, học sinh được hoạt động nhiều hơn, thực hành nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn và quan trọng hơn là được suy nghĩ nhiều hơn trong quá trình lĩnh hội nội dung học tập.
Điểm mấu chốt: Tổ chức hoạt động thực hành đổi mới phương pháp
Với nội dung này, theo thầy Đặng Văn Ca, trước hết cần lập kế hoạch tổ chức các hoạt động thực hành đổi mới phương pháp trong từng thời gian tuần, tháng, học kỳ, năm học (trên cơ sở kế hoạch chuyên môn của các tổ nhóm chuyên môn và của nhà trường).
Sau đó, tổ chức thực hiện, cụ thể:
Chỉ đạo tổ nhóm chuyên môn chú trọng tất cả các khâu trong quy trình hoạt động: xác định những yêu cầu đổi mới, bàn bạc, xây dựng thiết kế giáo án mẫu theo hướng đổi mới, lần lượt cử giáo viên dạy thử nghiệm và tập thể dự giờ, trao đổi, rút kinh nghiệm, so sánh với bài dạy trước đó để thấy mặt tiến bộ và hạn chế.
Chỉ đạo điểm những giờ dạy học sinh phương pháp học tập, chú trọng hướng dẫn học sinh tự học trên lớp và ở nhà dưới sự hướng dẫn của giáo viên.
Tổ chức học tập, nghiên cứu, cải tiến cách thức kiểm tra kết quả học tập của học sinh theo định hướng đổi mới, sử dụng hợp lý hai hình thức kiểm tra: tự luận và trắc nghiệm.
Đổi mới hoạt động của thư viện nhà trường và thiết bị dạy học, chú trọng chỉ đạo việc làm và sử dụng đồ dùng dạy học, phục vụ có hiệu quả cho quá trình đổi mới phương pháp dạy học.
Tổ chức các đợt thao giảng, hội thi giáo viên giỏi các cấp theo tinh thần đổi mới phương pháp, mời các giáo viên giỏi trong cụm hoặc các chuyên gia về dự giờ, trao đổi.
Tổ chức cho giáo viên tham quan, học tập các đơn vị tổ, trường có phong trào và chất lượng dạy học tốt ở trong và ngoài địa phương.
Dạy cho học sinh cách học
Trên cơ sở đổi mới việc dạy thì việc học cũng phải đổi mới: Học là tự tìm ra kiến thức dưới sự hướng dẫn của thầy, biết đối thoại, biết ứng xử, biết cách giải quyết vấn đề, biết cách sống, biết tự đánh giá và điều chỉnh.
Xây dựng tập thể lớp học, chỉ đạo tốt công tác chủ nhiệm trong việc tuyển chọn đội ngũ cán bộ lớp, giúp đỡ và tạo điều kiện tối đa cho đội ngũ này làm việc; giáo viên chủ nhiệm phải giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đối tượng như quản lý lớp, chịu trách nhiệm bộ môn, phong trào của lớp và từ đó giáo viên chủ nhiệm kiểm tra, uốn nắn cho các em nhằm tổ chức và quản lý tốt hoạt động học gồm có học ở trường, ở nhà.
Để tạo điều kiện tốt cho việc học, giáo viên chủ nhiệm lớp phải quy định những dụng cụ tối thiểu phục vụ cho học tập của học sinh; đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn thì xin sự giúp đỡ của tập thể lớp, hoặc xin sự hỗ trợ của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, nhà trường.
Phối hợp và quản lý tốt việc học, lãnh đạo trường thường xuyên quan tâm nhắc nhở giáo viên thông qua việc lập kế hoạch, qua các cuộc họp để họ làm tốt việc hướng dẫn tự học cho học sinh; Đoàn trường nêu gương học tập tốt trong các buổi chào cờ; đồng thời thông báo cho gia đình những hiện tượng lười học, hoặc có chiều hướng sa sút để cha mẹ học sinh phối hợp giáo dục học sinh.
Đổi mới các hình thức tổ chức hình thức dạy học
Đổi mới tính chất và nội dung hoạt động của giáo viên và học sinh, chuyển từ dạy truyền thống một chiều, học thụ động, chủ yếu là ghi nhớ kiến thức để đối phó với thi cử sang học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, chú trọng hình thành năng lực tự học dưới sự giúp đỡ, hướng dẫn, tổ chức của giáo viên.
Đổi mới hình thức tương tác xã hội trong dạy học, chuyển từ dạy học đồng loạt cả lớp đối diện với giáo viên, học tập đơn phương sang tổ chức dạy học theo các hình thức tương tác: học cá nhân, học theo nhóm…
Đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, làm cho việc học sinh chủ động, hứng thú, tránh nhàm chán, đơn điệu, từ đó có thể khắc phục điểm yếu, phát huy điểm mạnh của các hình thức tổ chức dạy học khác nhau.
Làm cho việc học gắn với môi trường thực tế, gắn với kinh nghiệm sống của cá nhân học sinh, tạo điều kiện tổ chức học tập với hình thức điều tra, nghiên cứu trong thực tiễn cuộc sống.
Bồi dưỡng năng lực tổ chức dạy học theo nhiều hình thức đa dạng, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi (cả tinh thần và vật chất) cho giáo viên và học sinh để tổ chức một cách hiệu quả các họat động dạy học.
Học sinh phải được khuyến khích đề xuất ý kiến và cùng với thầy cô giải quyết đề xuất của mình. Giáo viên nên động viên khích lệ học sinh phấn đấu vươn lên trong học tập và rèn luyện, đặc biệt là khích lệ học sinh yếu kém.
Ngoài những thiết bị có trong nhà trường, động viên giáo viên sưu tầm tài liệu, sách báo, tra cứu trên mạng thông tin Internet để có những dữ liệu điện tử nhằm đổi mới phương pháp dạy học.
Đổi mới hình thức đánh giá hoạt động sư phạm của nhà giáo
Đánh giá không chỉ để xếp loại mà là nâng cao chất lượng, khích lệ theo hướng phát triển, hướng vào người học, lấy kết quả học tập làm thước đo.
Đa dạng các hình thức đánh giá hoạt động sư phạm nhà giáo như: Thông qua dự giờ thường xuyên, dự giờ đột xuất; thông qua tổ chức các chuyên đề hay hội thảo chuyên môn.
Đổi mới chế độ, chính sách đối với giáo viên
Tăng cường kinh phí tổ chức chuyên đề, hội thảo, phong trào thi giáo viên dạy giỏi các cấp, qua đó tuyển chọn cán bộ nguồn cho nhà trường.
Làm tốt công tác thi đua khen thưởng, thăm hỏi nhà giáo khi cần thiết, nhất là lúc khó khăn và dịp tết.
Đảm bảo thực hiện đúng, đủ chế độ tiền lương và chế độ khác cho giáo viên.
Theo giaoducthoidai.vn