Bị mù tạm thời khi dùng smartphone trong bóng tối
Hai người phụ nữ Anh vừa trải qua chứng “ mù tạm thời” sau khi liên tục sử dụng điện thoại trong bóng tối.
Trên tạp chí Y khoa New England hôm thứ Năm (23/6), các bác sĩ trình bày chi tiết trường hợp của hai người phụ nữ này. Một người 22 tuổi và một người 40 tuổi, cả hai đều nói rằng thị giác của mình có khi bị yếu đi trong khoảng 15 phút, và nó đến theo từng đợt trong một khoảng thời gian dài. Họ cũng đã thực hiện nhiều loại kiểm tra y tế, quét MRI và kiểm tra tim. Nhưng vẫn không mang lại điều gì.
Sử dụng điện thoại liên tục trong bóng tối dẫn đến chứng bị mù tạm thời của hai phụ nữ. Ảnh: The Guardian.
Khi được hỏi các cơn “mù tức thời” đến khi nào, họ đều trả lời khi đang sử dụng điện thoại với 1 mắt, mắt còn lại vì quá chói nên phải nheo lại hoặc dùng gối che lại.
Bác sĩ phân tích rằng khi một mắt tiếp xúc với ánh sáng điện thoại trong khi mắt còn lại không hoạt động khiến cho mỗi bên mắt thích nghi với các điều kiện sáng khác nhau. Khi không sử dụng nữa, mắt đã tiếp xúc với điện thoại phải dành nhiều thời gian hơn mới có thể thích nghi điều kiện giống mắt còn lại. Điều này gây nên cảm giác gọi là mù loà tức thời.
Video đang HOT
Tuy nhiên, những cơn mù loà này hoàn toàn không nguy hại, chúng chỉ khiến con người khó chịu trong một khoảng thời gian. Mọi người có thể khắc phục bằng cách sử dụng cả 2 mắt khi xem tin nhắn hay chơi game trong bóng tối.
Đại diện bệnh viên mắt American Academy, Bác sĩ Rahul Khurana cho rằng 2 trường hợp trên vẫn chưa đủ để chứng minh rằng điện thoại là tác nhân gây ra các triệu chứng này. Nhưng người dùng được khuyến cáo hạn chế sử dụng điện thoại trong bóng tối với độ sáng cao, điều này gây hại cho đôi mắt, có thể dẫn đến mù loà.
Do đó, khi dùng điện thoại trong bóng tối, người dùng có thể hạ độ sáng màn hình xuống mức thấp nhất và chuyển sang chế độ ban đêm để giảm ánh sáng xanh.
Đăng Khoa
Theo Zing
Ánh sáng xanh trên điện thoại nguy hại ra sao?
Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình smartphone, máy tính,... có tác hại trực tiếp đến sức khoẻ của người dùng.
Hầu hết các smartphone và máy tính hiện tại đều có màn hình phát ra ánh sáng xanh, giúp hình ảnh rõ và sáng hơn, đặc biệt là khi dùng ngoài trời nắng. Nhưng vào ban đêm, bộ não của con người bị nhầm lẫn bởi ánh sáng xanh này, vì nó có các tính chất giống như ánh sáng mặt trời.
Ánh sáng xanh từ màn hình các thiết bị di động có ảnh hưởng đến não bộ. Ảnh: Phoneia.
Theo các báo cáo khoa học gần đây, ánh sáng xanh khiến não ngừng sản xuất Melatonin, một hormone giúp cơ thể chìm vào giấc ngủ. Vì vậy, ánh sáng từ màn hình có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ, khiến người dùng khó ngủ hơn, dần gây hại cho sức khoẻ.
Nhằm hạn chế tác hại của ánh sáng xanh, Apple đã bổ sung tính năng Night Shift qua bản cập nhật iOS 9.3, giúp điều chỉnh lại màn hình để ánh sáng của nó toả ra "ấm áp" hơn, giảm lượng ánh sáng xanh. Người dùng cũng có thể thiết lập iPhone, iPad tự động chuyển qua chế độ Night Shift vào buổi tối.
Dưới đây là cách ánh sáng màu xanh vào ban đêm ảnh hưởng đến bộ não của người dùng.
Những tác hại của ánh sáng xanh. Nguồn: TechInsider.
Nhưng liệu điều chỉnh ánh sáng có giúp bạn ngủ ngon hơn?
Đây là một thay đổi thú vị, tuy nhiên nó không phải là giải pháp cho tất cả các vấn đề giấc ngủ liên quan đến điện thoại.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng ánh sáng chỉ là một trong những điều ảnh hưởng đến giấc ngủ của chúng ta. Khi bạn tương tác với điện thoại, chúng cũng đang kích thích tâm trí và làm bạn tỉnh táo hơn, đặc biệt khi bạn đọc tin tức, sử dụng các mạng xã hội hay duyệt web. Thay đổi màu sắc màn hình không giúp bạn cảm thấy bớt tò mò hơn khi tiếng chuông tin nhắn vang lên trong lúc bạn đang cố gắng chìm vào giấc ngủ.
Night Shift là một chế độ thông minh và một sự thay đổi thú vị. Nhưng việc đặt chế độ máy bay và để điện thoại ra xa khỏi giường của bạn chắc chắn sẽ giúp người dùng ngủ ngon hơn.
Đăng Khoa
Theo Zing