Bị lang ben có phải kiêng nước, sữa rửa mặt
Em muốn hỏi, làm sao để biết đã bị khỏi lang ben khi mà da vẫn còn màu trắng, chưa đều màu? Khi bị lang ben có cần kiêng nước, sữa rửa mặt không?
Chào AloBacsi, em bị lang ben trên má gần 2 tháng. Vết lang màu trắng, không lớn và và cũng không lan rộng. Em đã thử dùng cách bôi thuốc Ketoconazole hay riềng ngâm rượu nhưng không thấy hết.
Em xem trên mạng có nói điều trị vài tuần sẽ khỏi thương tổn nhưng phải mất vài tháng da mới đều màu trở lại. Vậy em muốn hỏi làm sao để biết đã bị khỏi lang ben khi mà da vẫn còn màu trắng, chưa đều màu như vậy? Và khi bị lang ben có cần kiêng nước, sữa rửa mặt không?
(Hồng Yến – Hà Nội)
Ảnh minh họa
Em Hồng Yến thân,
Lang ben do một loại nấm men ưa mỡ Pityrosporum orbiculare gây bệnh, đây là một vi nấm khá phổ biến trên thế giới.
Tổn thương trên da do vi nấm này ban đầu thường nhỏ, ở xung quang nang lông, sau đó phát triển đồng tâm thành những mảng to từ 1-10mm đường kính hoặc lớn hơn, màu sắc thay đổi từ màu nâu nhạt hoặc mất sắc tố, bề mặt sang thương phủ bởi vẩy dạng bột tương đối dày, sang thương thường không ngứa.
Lang ben có thể biến mất tự nhiên không cần điều trị, tuy nhiên nhiều trường hợp vi nấm tồn tại dai dẳng, sang thương lan rộng, gây mất thẩm mỹ. Điều trị lang ben thường sử dụng thuốc thoa kháng nấm như: Imidazole, clotrimazole, miconazole, ketoconazole… thoa trên sang thương từ 1-2 lần/ngày trong 1-2 tuần. Các kinh nghiêm dân gian không mang lại hiệu quả điều trị.
Sau điều trị có thể kiểm tra sự biến mất của vi nấm bằng cách soi tươi nhờ Scotch-test (nghiệm pháp dán băng keo dính lên sang thương, sau đó soi tìm vi nấm dưới kính hiển vi điện tử) hoặc khám da dưới ánh sáng của đèn Wood.
Những mảng mất sắc tố phải cần ít nhất từ 6- 12 tháng mới hoàn toàn biến mất, tương ứng với thời gian cần thiết để phục hồi sự hoạt động của tế bào sắc tố.
Đây là một loại vi nấm ưa mỡ, nên em có thể an tâm rửa mặt hàng ngày với các sản phẩm rửa mặt, tuy nhiên em cũng cần cần đảm bảo “đủ” thời gian điều trị cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh lang ben cũng cần phân biệt với các bệnh da khác như:
- Vẩy phấn hồng Gibert
Video đang HOT
- Vẩy nến dạng giọt
- Viêm da tiết bã
- Bạch biến
- Chàm đồng tiền
- Bệnh phong
Do đó khi có bất kỳ các dấu hiệu trên da tương tự lang ben, em nên đến khám tại bệnh viện để có được chẩn đoán chính xác đúng bệnh, không nên tự điều trị.
Theo Alobacsi
Làm sao phân biệt da khô, nhờn hay da thường
Các loại da khác nhau có khác về cách dùng mỹ phẩm hay chăm sóc da không ạ?
Thưa BS,
Cháu hay nghe nói đến khái niệm: da nhờn, da khô hay da thường. Cháu mới lớn (15 tuổi) cũng không biết mình thuộc da gì nữa. Làm sao để phân biệt mình thuộc loại da gì? Có cách nào nhận biết không? Các loại da khác nhau có khác nhau về cách dùng mỹ phẩm hay chăm sóc da không ạ? Cháu cảm ơn BS nhiều lắm.
(Hiền Lương - Bình Định)
Ảnh minh họa - nguồn internet
Hiền Lương thân,
Sự phân chia các loại da dựa trên các yếu tố:
- Lớp màng hydro-lipique trên bề mặt da.
- Yếu tố làm ẩm tự nhiên của da (thành phần ái nước hoặc ái mỡ của lớp tế bào sừng)
- Mối liên kết gian bào (vật chất giữa những tế bào sừng)
Nhờ sự phân chia này, giúp chúng ta lựa chọn cách chăm sóc da hiệu quả, cũng như giúp lựa chọn mỹ phẩm chăm sóc, bảo vệ da phù hợp.
Về cơ bản có thể chia như sau:
1. Da thường và da hỗn hợp:
- Da thường: mịn màng khi sờ, mật độ da đồng nhất, không "tì vết", bề dày da trung bình, khả năng đàn hồi tốt.
- Da hỗn hợp giống da thường, nhưng có độ ẩm cao hơn, khi nhìn thường bóng và trơn vùng chữ "T" hơn da thường (vùng trán, mũi và cằm) do khả năng bài tiết của tuyến bã mạnh hơn, nhưng không dư thừa.
Cách chăm sóc:
- Rửa da nhẹ nhàng 1-2 lần/ngày.
- Dùng sản phẩm giữ ẩm và nuôi dưỡng da.
- Bảo vệ da tránh ánh nắng mặt trời.
2. Da nhờn
Thường gặp ở lứa tuổi thiếu niên và vị thành niên. Da thường dày và có độ ẩm rất cao do hoạt động mạnh của tuyến bã, cơ quan đích của nội tiết tố androgen.
Sự dư thừa chất bã làm cho da rất trơn, bong vùng chữ "T", trong một số trường hợp có thể phát triển nhiều mụn.
Da nhờn ít nhạy cảm với yếu tố môi trường bên ngoài, cũng như với stress, ít có nếp nhăn và các dấu hiệu lão hóa xuất hiện chậm hơn các loại da khác.
Cách chăm sóc:
- Rửa da mặt sạch ít nhất 2 lần/ngày.
- Không sử dụng sản phẩm có nhiều chất tẩy rửa.
- Tránh nặn mụn.
- Có thể sử dụng các sản phẩm giữ ẩm, bảo vệ da dưới dạng dịch lỏng (fluide, lotion,milk,..) không chứa dầu.
3. Da khô
Da khô là da thiếu lớp lipique, hoặc thiếu nước hoặc cả hai. Da mỏng, nhạy cảm, dễ tổn thương và dễ bong tróc.
Da khô có độ đàn hồi kém. Các dấu hiệu lão hóa thường đến sớm hơn các loại da khác.
Cách chăm sóc:
- Rửa mặt bằng gel không xà phòng hoặc với xà phòng siêu mỡ.
- Luôn giữ ẩm cũng như sử dụng sản phẩm nuôi dưỡng da chứa dầu hoặc ure vì khả năng duy trì độ ẩm cao.
- Bảo vệ da khỏi nhiệt độ lạnh, gió và ánh sáng mặt trời.
- Không sử dụng sản phẩm có chứa chất tẩy rửa.
- Uống đủ nước.
Hiền Lương có thể dựa vào bảng phân chia trên để có thể xác định loại da mình có, cũng như lựa chọn cách chăm sóc tốt nhất.
Theo Alobacsi
Bí quyết làm mờ sẹo do bệnh thủy đậu BS ơi, em vừa bị thủy đậu, "hậu quả để lại" khá nhiều sẹo ngay trên mặt. Em nghe nói thuốc Contractubex - có tác dụng "làm đầy sẹo lõm" có đúng không ạ? BS ơi, em vừa bị thủy đậu, "hậu quả để lại" khá nhiều sẹo ngay trên mặt. Em nghe nói thuốc Contractubex - có tác dụng "làm đầy sẹo...