Bí kíp học tập của nữ sinh có điểm thi quốc gia hàng đầu Bắc Giang
Em Bùi Thu Thuỳ, lớp 12 Pháp (khoá 26), Trường Chuyên Bắc Giang là thí sinh nằm trong top đầu của tỉnh Bắc Giang có điểm thi tốt nghiệp cao và đều.
Không được định kiến quan trọng môn mình định thi; không phân biệt môn chính, môn phụ; cân đối thời gian học với tất cả các môn… đó là bí quyết để Bùi Thu Thùy đạt điểm thi “đáng nể” trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019.
Cụ thể, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, em Bùi Thu Thùy có điểm số các môn thi lần lượt là: Toán 9.00; Ngữ văn 9.00; Giáo dục công dân 9.00; Ngoại ngữ 8.8; Địa lý 8.00; khoa học xã hội: 8.08; Lịch sử 7.25.
Với điểm thi như trên, em Bùi Thu Thùy xếp thứ nhất khối D03 trong cụm thi tỉnh Bắc Giang và xếp thứ 3 khối D03 trong toàn quốc.
Kết quả thi tốt nghiệp của em Bùi Thu Thùy. Ảnh: CT
Bật mí về việc dù học ở trường chuyên nhưng lại không bị học lệch, Thùy cho biết:
“Ngay khi có thông tin rằng bọn em sẽ thi trung học phổ thông quốc gia, cần phải học cả những môn không xét tuyển đại học thì Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang đã chọn lựa những thầy cô giáo có chuyên môn và tâm huyết lớn nhất để truyền đạt kiến thức cũng như thúc giục chúng em cần nỗ lực hơn.
Từ đó, bọn em có hứng thú nghe giảng, ghi chép bài đầy đủ. Đặc biệt, vài tháng cuối trước khi bước vào kì thi là lúc bọn em cần ôn tập nhiều nhất.
Chúng em sẽ được làm bài tập trắc nghiệm và gạch chân những cụm từ quan trọng để ôn tập sao cho ngắn gọn và hiệu quả. Cốt yếu vẫn cần sự chăm chỉ của mỗi cá nhân.
Luôn cân đối thời gian học cho tất cả các môn, không được định kiến quan trọng môn mình định thi hoặc phân biệt môn chính hay môn phụ”.
Để có thành tích thi được như vậy một điều may mắn nữa là Thùy cũng như bao bạn học sinh lớp 12 khác của Trường chuyên Bắc Giang luôn nhận được sự giúp đỡ từ các bạn học và thầy cô giáo.
Thùy chia sẻ rằng: “Các bạn xung quanh em đều rất giỏi, ai cũng có thế mạnh riêng ở mỗi môn khác nhau ứng với môn chuyên của mình, vì vậy chúng em hay trao đổi những bài khó và giảng bài cho nhau, nhờ đó mà em cũng tiến bộ lên rất nhiều”.
Dẫu biết rằng con đường đi tới thành công thì có nhiều cách và đằng sau mỗi thành công luôn là những nỗ lực thầm lặng mà ít ai biết đến.
Học giỏi và thi được điểm cao cũng là khó mà ở em Thùy lại có thể thi đạt điểm cao đều ở các môn thi thì không phải em học sinh nào cũng làm được.
Em Bùi Thu Thuỳ, lớp 12 Pháp (khoá 26), Trường chuyên Bắc Giang là thí sinh trong top đầu của tỉnh Bắc Giang có điểm thi tốt nghiệp cao và đều. Ảnh: CT
Thùy chia sẻ “bí kíp” học đó là: “Hàng ngày, em vẫn dành nhiều thời gian cho môn chính, nhưng những hôm trên lớp có các môn phụ thì ngay buổi tối hôm đó mình nên học thuộc lại ngay.
Điều này được chứng minh là tăng khả năng ghi nhớ. Chỉ cần 15 phút cho một môn phụ lúc các bạn có thời gian rảnh hoặc là thời gian nghỉ khi các bạn ôn tập các môn chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian. Hơn nữa điều này cũng giúp chúng em linh hoạt hơn trong học tập”.
Video đang HOT
Trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2019, 70% số bài thi Lịch sử điểm dưới 5, điểm trung bình môn là 4,3; thấp nhất trong 9 môn thi.
Nếu so sánh với những môn thi khác thì môn Sử có rất ít trong các tổ hợp môn thi dùng để xét tuyển vào đại học.
Thùy nói: “Cá nhân em ban đầu cũng không có hứng thú với môn Lịch sử mấy. Nhưng được sự dạy dỗ của cô Nga phụ trách bộ môn Lịch sử thì em đã thay đổi hoàn toàn.
Em nghĩ “Dân ta phải biết sử ta”, môn Lịch sử bồi đắp cho em niềm tự hào và ý thức dân tộc, trách nhiệm của mình với đất nước.
Nếu tìm được cho mình những nguồn tư liệu thú vị về lịch sử, chắc chắn các bạn sẽ không còn sợ môn học ấy nữa mà trở nên yêu thích”.
Không chỉ chăm học, quãng thời gian học tập ở ngôi Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang, Thùy cũng là học sinh tiêu biểu, nhiệt tình gắn với các phong trào của trường, thực hiện tốt giữa việc học tập và vui chơi để giảm áp lực học hành.
Nhưng, mỗi hoạt động của trường tổ chức em cũng chưa bao giờ bỏ lỡ. Từ nhảy dân vũ, đến dựng trại, các hoạt động thể thao của trường như kéo co…”.Thùy nói rằng: “Mỗi kì thi tháng để vươn lên vị trí cao nhất cũng tốn khá nhiều thời gian của em.
Sau khi nhận được kết quả thi trung học phổ thông chính thức, Thùy sẽ sử dụng tổ hợp D03 (Toán, Văn, tiếng Pháp) để xét tuyển đại học, bắt đầu lên kế hoạch cho những dự định mới ở môi trường đại học và chinh phục ước mơ.
Quỳnh bộc bạch rằng: “Chắc hẳn không chỉ mình em, mà tất cả các bạn học sinh đều háo hức với một môi trường mới khi bước chân vào cánh cửa đại học.
Hơn hết em mong muốn có một môi trường năng động và sáng tạo, các sinh viên có thể chủ động, tự giác học tập nhưng cũng có nhiều câu lạc bộ để bọn em có thể giúp đỡ nhau, phá vỡ giới hạn của bản thân, chinh phục tri thức.
Em vẫn đang trong quá trình suy nghĩ thay đổi nguyện vọng. Nhưng nếu được chắc em sẽ thử một tấm vé vào những trường top cao như Đại học Ngoại Thương ạ.
Ước mơ sau khi ra trường, em muốn được trang bị kiến thức về kinh tế để có thể làm được ở nhiều vị trí, ngành nghề như xuất nhập khẩu, ngân hàng”.
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, Thùy không quên gửi lời cảm ơn tới Ban giám hiệu Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Giang cùng các thầy cô nhà trường nhiều năm qua đã dạy dỗ và em cũng có đôi lời nhắn nhủ tới các em học sinh khóa sau:
“Cố lên các em nhé! Cố gắng ngay từ bây giờ đến lúc gần thi các em sẽ có kết quả tốt hơn rất nhiều. Chị tin là các em khoá sau còn có thể làm được nhiều điều bất ngờ hơn các anh chị nữa”.
Công Tiến
Theo giaoduc.net
Sẽ đưa ra chỉ số để nắn chỉnh tư duy "môn chính môn phụ"
"Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết như vậy khi chủ trì tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng môn Lịch sử trong trường phổ thông.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm
Tọa đàm do Bộ GD&ĐT tổ chức diễn ra trong bối cảnh môn Lịch Sử tại Kỳ thi THPT quốc gia chỉ có điểm trung bình 4,3 - tuy kết quả có tốt hơn năm ngoái - song vẫn tiếp tục là một trong hai môn có điểm trung bình thấp nhất.
Nặng nề tâm lý "môn phụ"
Mở đầu cuộc tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, cuộc tọa đàm được tổ chức ngay sau khi công bố kết quả thi nhằm phân tích và tìm ra giải pháp cho một vấn đề không mới nhưng bức thiết, đó là chất lượng và vị trí của môn Lịch sử trong trường phổ thông. "Đổi mới dạy và học môn Lịch sử là tất yếu nhưng đổi mới thế nào để môn học trở nên gần gũi với cả người dạy lẫn người học, thầy tâm huyết, trò hứng thú" - Bộ trưởng nêu vấn đề.
Mang đến tọa đàm tâm trạng buồn vì kết quả điểm trung bình Lịch sử lại thấp nhất trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội) cho biết, khi đọc đề thi Lịch sử năm nay, cô và các đồng nghiệp đều thống nhất nhận định đề thi chất lượng tốt, không có vấn đề gây tranh cãi, rất tường minh, "nhưng cuối cùng phổ điểm trung bình của môn Lịch sử vẫn thấp nhất" - Cô Huyền chia sẻ tâm trạng khi đón nhận phổ điểm môn Lịch sử.
Đầu tư cơ sở vật chất cho môn Lịch sử còn hạn chế. Ảnh minh họa
Lí giải vì sao dù giáo viên đã nỗ lực, có tâm huyết nhưng kết quả dạy và học môn Lịch sử vẫn chưa cao, cô Huyền cho rằng, có sự chênh lệch, không đồng đều giữa chất lượng giáo viên các vùng miền; sự quan tâm dành cho môn Lịch sử trong mỗi nhà trường cũng chưa thỏa đáng đúng như sứ mệnh, trách nhiệm của môn học.
"Tôi lấy ví dụ, các trường có thể bỏ kinh phí đầu tư phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm hay phần mềm hỗ trợ giảng dạy cho một số môn học rất dễ dàng, nhưng khi nói đến đầu tư cho môn Lịch sử là có sự cân nhắc" - cô Huyền nói.
Chung quan điểm về việc môn Lịch sử chưa được coi trọng đúng mức nhưng cô Hoàng Thị Lan Hương, Tổ trưởng môn Lịch sử, Trường THPT Chu Văn An lại lí giải từ khía cạnh sự hứng thú của học sinh với môn học này.
Vấn đề là làm sao để đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, phương thức kiểm tra đánh giá cho phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Đội ngũ giáo viên các cấp cũng cần được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu. Khi thầy cô chuyển động - môn Sử sẽ chuyển động. Phải làm sao để học Sử phải trở thành nhu cầu tự thân của mỗi học sinh
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
Cô Hương cho biết, ở Trường THPT Chu Văn An môn Lịch sử vẫn được coi trọng nhưng học sinh không còn hứng thú với môn học này nữa, các em lựa chọn hướng khác. Sự lựa chọn này phần nhiều đến từ sự định hướng của gia đình, mong muốn các em theo đuổi 3 môn chính là Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ.
"Nhiều phụ huynh cách kỳ thi tốt nghiệp THPT 2-3 tháng đến gặp chúng tôi để nhờ phụ đạo cho con môn Lịch sử, để mong cháu đủ điểm qua tốt nghiệp. Thời gian trước đó các em dành cho các môn xét tuyển đại học, chủ yếu là khối thi 3 môn Toán - Ngữ Văn - Ngoại ngữ" - Cô Hương chia sẻ.
Đây cũng là thực tế diễn ra tại Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Theo cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên dạy tốt, học sinh có hứng thú với môn học nhưng dù có thích thì môn Lịch sử cũng hầu như không liên quan đến lựa chọn nghề nghiệp của các em, nên các em chỉ học đủ điểm để qua môn.
Đồng cảm với những khó khăn của giáo viên dạy bộ môn Lịch sử, song Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, không thể để tâm lý "môn phụ" - "môn chính" tiếp tục tồn tại trong các nhà trường phổ thông. Bộ trưởng khẳng định, Lịch sử là môn học có vị trí quan trọng ở bậc phổ thông, tỷ lệ học sinh lựa chọn Lịch sử để dự thi THPT quốc gia ngày càng tăng trong những năm qua đã cho thấy sự quan tâm của học sinh với môn học này.
Nhiều chuyên gia tâm huyết đã dành sự quan tâm cho cuộc Tọa đàm tìm giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử
Phải làm cho học sinh thích Sử
Là nhà nghiên cứu Lịch sử nổi tiếng, GS.TS Vũ Minh Giang nhận định, bản thân môn Sử rất có sức hấp dẫn nhưng trong một thời gian dài nền giáo dục của chúng ta tiếp cận nội dung nên dạy cụ thể, diễn biến, ngày tháng... dẫn đến học sinh rất sợ, khó nhớ. "Chúng ta dạy Sử theo lối không đối xử với nó như một môn khoa học nên cứng nhắc, giáo điều, mất tính khách quan, học thuộc lòng quá nhiều. Cách dạy của chúng ta tương đối nghèo nàn, khô cứng, trong khi môn học này rất cần bổ trợ bằng nhiều hình thức sinh động" - GS Giang nhìn nhận.
Cho rằng, đổi mới là cần thiết nhưng GS Vũ Minh Giang cũng thừa nhận, đổi mới dạy và học không thể nhanh được, nhất là đối với môn Sử, "nó có độ trễ, sự "đông cứng" trong chính các thầy cô giáo, chúng ta phải kiên quyết bỏ lối tư duy "không sự kiện làm sao thành Sử", chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây phải làm được điều này, phải làm cho học sinh thích Sử".
Để nâng cao vị trí của môn Lịch sử, GS Vũ Minh Giang cho rằng, đã đến lúc phải tính lại để làm sao kiến thức Lịch sử cần cho tất cả mọi người, nhất là với cán bộ lãnh đạo, trở thành một tiêu chí lựa chọn cán bộ lãnh đạo. Ngoài ra, tính hấp dẫn phải có, đổi mới sách giáo khoa phải làm điều này, chữ nghĩa ít thôi, không trói buộc học sinh phải nhớ mà là để học sinh tự tìm tòi.
Theo GS Vũ Minh Giang, cách học và cách thi môn Lịch sử hiện nay có độ chênh đáng kể. Ông lí giải, kết quả cao hay thấp từ một kỳ thi chưa chắc đã do trình độ học sinh mà còn do đề thi. Việc ra đề thi Lịch sử mấy năm qua đã tiếp thu rất nhanh, chạy rất nhanh đổi mới nhưng người học có độ trễ vì vẫn học theo cách cũ nên chưa thích ứng ngay được với đề thi này. Cần phải có lộ trình từng bước một.
GS.TS Phạm Hồng Tung, Tổng chủ biên môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới, gợi mở, nên có sự thay đổi các môn trong tổ hợp tuyển sinh, môn Lịch sử cần được đưa vào trong nhiều tổ hợp xét tuyển hơn so với hiện nay. Ví dụ những ngành như du lịch, khách sạn, lữ hành... cần được xét tuyển bằng môn Lịch sử. Khi Lịch sử là một quan trọng trong lựa chọn nghề nghiệp, ví trí của môn học sẽ nâng cao hơn.
Đưa ra ví dụ ở Canada khi muốn nhập quốc tịch cần phải biết lịch sử của nước họ, PGS.TS Vũ Quang Hiển, Giảng viên khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt câu hỏi, bên cạnh đổi mới chương trình, phương thức đánh giá, có cách nào đổi mới vị thế đặc thù môn Lịch sử được không?
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Xóa bỏ tâm lý "môn chính - môn phụ"!
Là người có nhiều năm phụ trách bộ môn Lịch sử cấp THCS và THPT, ông Xuân Trường, chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho rằng, cần có một cuộc "cách mạng" trong nhận thức từ cán bộ quản lý, sở, phòng, hiệu trưởng, tổ bộ môn để chỉ đạo sát sao hơn với môn Lịch sử trong nhà trường, tạo động lực cho giáo viên. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào thiết kế bài giảng, tăng tính hấp dẫn cho bài giảng; đổi mới mới phương pháp dạy học với định hướng nghề nghiệp của học sinh.
Không đặt nặng yêu cầu về nội dung chương trình môn Lịch sử, theo cô giáo Lê Thu Huyền, Trường THPT Sơn Tây (Hà Nội), nội dung chương trình chỉ là một phần, quan trọng là giáo viên biết lựa chọn kiến thức nào để truyền tải đến học sinh, cách truyền tải, cái hồn của thầy cô giáo được gửi gắm trong bài giảng.
Mong mỏi lớn nhất của cô Huyền cũng như nhiều giáo viên dạy môn Lịch sử hiện nay là được trang bị các thiết bị hỗ trợ, phần mềm dạy học cần thiết và được tạo môi trường thuận lợi để giáo viên Lịch sử có động lực giảng dạy.
Ghi nhận các ý kiến tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đây sẽ là những gợi mở cần thiết để Bộ GD&ĐT có những điều chỉnh, chỉ đạo trong thời gian tới về cả cách dạy, cách học, cách thi của môn Lịch sử.
"Trong khi chưa áp dụng chương trình mới thì ngay trong dịp hè này cần rà soát lại chương trình môn Lịch sử ở bậc phổ thông, những gì bất cập phải bỏ, tiếp cận với chương trình mới, đẩy mạnh đổi mới phương pháp để hạn chế "độ trễ, độ vênh" giữa học và thi, hạn chế thầy cô giảng theo cách cũ trong khi thi đang đổi mới" - Bộ trưởng chỉ đạo các vụ, cục chuyên môn của Bộ.
Theo Bộ trưởng, đổi mới môn Lịch sử không thể nóng vội, mà từng bước một tạo ra sự nhìn nhận mới về môn Lịch sử. Đổi mới trước hết phải từ đội ngũ giáo viên, tạo động lực cho giáo viên, nếu giáo viên còn tâm lý "môn chính - môn phụ" thì khó đổi mới được.
"Bộ GD&ĐT sẽ đưa ra chỉ số đánh giá nhằm nắn chỉnh tư duy của những người quản lý về quan niệm môn chính - môn phụ; các cấp quản lý tuyệt đối không phân biệt môn chính - môn phụ trong chỉ đạo; giáo viên cũng phải bước qua tâm lý này" - Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong Hội nghị Giám đốc Sở GD&ĐT toàn quốc, những giải pháp nhằm nâng chất lượng dạy và học, nâng cao vị thế của môn Lịch sử sẽ được chỉ đạo và thực hiện tới từng địa phương, để ngay trong năm học tới sẽ có chuyển biến rõ nét đối với môn Lịch sử.
Minh Thu
Theo GDTĐ
Bắc Giang khen thưởng học sinh đoạt huy chương bạc Olympic Vật lý Hai năm liền 2018 và 2019, Trịnh Duy Hiếu, học sinh Trường Trung học Phổ thông Chuyên Bắc Giang, đều được tham dự kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế và cả 2 lần Hiếu đều giành huy chương bạc. Phó Chủ tịch Lê Ánh Dương trao Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh và phần thưởng hơn 40,2 triệu...