Bí kíp học môn Sử cực kì hiệu quả
Lịch sử là một trong những môn học “khủng” nhất đối với teen. Vậy thì làm thế nào để môn học này trở nên nhẹ nhàng và hấp dẫn hơn, chúng mình hãy cùng tìm hiểu nhé!
Thật không khó để có thể đoán chắc được rằng Lịch sử là 1 trong những môn học khiến teen cảm thấy choáng váng và sợ hãi nhất. Ngoại trừ các teen đã xác định thi Đại học khối C với các môn Văn-Sử-Địa ra thì hầu hết teen nào cũng đều coi Sử là môn học “khó nhằn” nhất trong số tất cả các môn. Nhưng đâu phải vì thế mà chúng mình có thể lơ là môn học này được phải không nào? Hãy nghĩ thử xem, nếu như có 1 người bạn nước ngoài muốn các bạn kể cho họ nghe về lịch sử Việt Nam, về những vị anh hùng dân tộc thì bạn sẽ cảm thấy lúng túng và xấu hổ vô cùng khi chính bản thân mình cũng không biết 1 chút nào về lịch sử của dân tộc.
Tuy nhiên, tâm lý chung của giới trẻ hiện nay là rất ngại đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách lịch sử với nội dung không mấy hấp dẫn, thêm vào đó là rất nhiều mốc thời gian khiến teen không sao có thể nhớ hết nổi, chính vì lý do đó mà giới trẻ ngày càng xa rời với lịch sử và tiếp cận gần hơn với sự phát triển vượt bậc của xã hội. Làm cách nào để teen yêu thích và tiếp thu môn Lịch sử dễ dàng hơn? Đó là nỗi băn khoăn của các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo dạy môn học này. Vậy thì, ngay bây giờ, chúng mình hãy cùng tìm hiểu 1 số bí kíp giúp teen cảm thấy hứng thú với môn Sử hơn nhé!
Ảnh minh họa.
Học Sử bằng những chuyến đi thực tế
Nếu như việc ôm những cuốn sách Lịch sử và nghiền ngẫm suốt ngày đã khiến các bạn cảm thấy thật khô khan và mệt mỏi thì tại sao các bạn lại không thử đến các Bảo tàng trưng bày các dấu tích lịch sử để tìm hiểu nhỉ? Có thể nói, đây là 1 cách học vô cùng hiệu quả, không chỉ các bạn teen cấp 2,3 áp dụng cách học này mà ngay cả các bạn sinh viên Đại học cũng tìm đến các Bảo tàng trong thành phố để phục vụ cho môn Chuyên đề Lịch sử Việt Nam của mình (đặc biệt đối với các bạn sinh viên chuyên ngành Xã hội, Báo chí… thì những chuyến đi này càng cần thiết hơn đấy!).
Bạn P.Anh (THPT Kim Liên-HN) cho biết: “Trước kia mình thường chỉ học đối phó với môn Lịch sử thôi, nhưng cách đây không lâu, bạn bè mình rủ nhau đi đến Bảo tàng Hà Nội thăm quan, trong chuyến đi hôm đó, mình mới nhận ra rằng, việc học Sử qua quan sát thực tế cũng như tự mình tìm hiểu thông tin về những hiện vật lịch sử được trưng bày trong bảo tàng giúp mình ghi nhớ thông tin nhanh chóng, dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều so với việc cố gắng học thuộc trước mỗi giờ kiểm tra Sử và sau đấy thì lại quên luôn.
Video đang HOT
Và cũng từ sau hôm đấy, mình thấy thích thú với môn học này hơn hẳn, những tiết học Sử trên lớp, mình thường chú ý lắng nghe và đến giờ, mình đã thực sự cảm nhận được sự hấp dẫn trong nhưng câu chuyện lịch sử của dân tộc từ xa xưa mà trước nay mình không hề quan tâm đến. Vậy nên, không những điểm số môn Sử của mình được cải thiện rõ rệt mà mình còn biết thêm rất nhiều điều về lịch sử dân tộc nữa chứ”.
Các bạn thấy không, chỉ bằng một chuyến đi thăm quan Bảo tàng Hà Nội thôi mà bạn P.Anh đã có thêm niềm cảm hứng để tiếp thu môn học “khó nhằn” này một cách dễ dàng rồi. Vậy thì tại sao chúng mình không thử học Sử theo cách này và biết đâu, bạn sẽ trở thành “từ điển” lịch sử của bạn bè thì sao? Đây là 1 số địa chỉ các bảo tàng lịch sử ở Hà Nội, nếu có thời gian rảnh thì teen hãy rủ nhóm bạn của mình đến đây nhé!
-Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 3 Ngọc Hà, Ba Đình)
-Bảo tàng Lịch sử (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm)
-Bảo tàng Cách Mạng (số 5 Tông Đản)
-Bảo tàng Quân đội (28A iện Biên Phủ)
-Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, H.Từ Liêm)
-Bảo tàng Chiến thắng B52 (số 157 Đội Cấn, Ba Đình)
Học Sử qua những câu chuyện và các cuộc thi
Bạn nghĩ sao về việc gợi ý để ông bà, bố mẹ kể cho chúng mình nghe những câu chuyện lịch sử mà họ đã từng chứng kiến, trải qua trong thời kỳ chống Pháp, Mỹ… Thật thú vị phải không nào? Việc nghe lịch sử sẽ thú vị hơn nhiều so với việc bạn cố gắng đọc hết cuốn sách mà không tiếp nhận được chút thông tin nào cả. Người lớn thường rất trân trọng những ký ức hào hùng của dân tộc, và việc bạn muốn nghe những câu chuyện được chính ông bà mình kể về thời kỳ này sẽ khiến họ cảm thấy rất vui đấy!
Các bạn biết không, qua những lời kể đầy tự hào của ông bà, cha mẹ về những tháng ngày chiến đấu oanh liệt của nhân dân thì chúng mình sẽ không còn cảm giác đó là một môn học mà bấy lâu nay mình đã chán ngán nữa mà thay vào đó lại là một câu chuyện kể vô cùng hấp dẫn và lôi cuốn. Hãy áp dụng cách này và xem mức độ hiệu quả của nó nha.
Và còn một cách học nữa gắn liền với thói quen thường thấy ở các bạn teen, đó chính là xem TV. Nếu như hàng ngày, chúng mình rất thích xem các chương trình truyền hình, vậy thì hãy dành 1 khoảng thời gian ngắn để theo dõi các chương trình về lịch sử như “Theo dòng lịch sử”. Bằng việc thử sức mình với những câu hỏi của chương trình qua màn hình TV, bạn không chỉ thử xem trình độ Sử của mình “khá khẩm” tới mức nào mà còn biết thêm rất nhiều kiến thức bổ ích và lý thú nữa. Vậy thì có lý do gì để chúng mình từ chối một cơ hội học môn Sử thật nhẹ nhàng và hiệu quả đâu phải không? Hãy tận dụng mọi cách để giảm bớt mức độ “nặng nề” của môn Sử như bấy lâu nay bạn vẫn tưởng thôi nào!
Chúc các bạn có được cách học môn Lịch sử hiệu quả nhất của riêng mình và hãy luôn nhớ rằng, học tốt Lịch sử cũng có nghĩa là bạn rất yêu và tự hào về đất nước mình vậy đó!
Theo kênh14
Mỗi môn học phải có ít nhất một giáo trình dạy học
Quy định về việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, duyệt và sử dụng giáo trình giáo dục ĐH vừa chính thức được Bộ GD&ĐT ban hành. Theo quy định này, mỗi môn học phải có ít nhất một giáo trình dạy học.
Giáo trình cần cụ thể hóa yêu cầu về nội dung kiến thức, kỹ năng và thái độ quy định trong chương trình đào tạo đối với mỗi môn học, ngành học, trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục đại học và kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo. Nội dung giáo trình phải phù hợp với mục tiêu, chương trình đào tạo, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng và chuẩn đầu ra đã ban hành. Kiến thức trong giáo trình được trình bày khoa học, logic, đảm bảo cân đối giữa lý luận và thực hành, phù hợp với thực tiễn và cập nhật những tri thức mới nhất của khoa học và công nghệ.Ngoài giáo trình một số môn học của cơ sở giáo dục ĐH thực hiện chương trình tiên tiến, chương trình đào tạo ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài, chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và một số chương trình đào tạo khác giảng dạy bằng tiếng nước ngoài được biên soạn bằng tiếng nước ngoài, còn lại ngôn ngữ dùng để biên soạn giáo trình là tiếng Việt.
Những nội dung được trích dẫn trong tài liệu tham khảo để biên soạn giáo trình phải có nguồn gốc và chú thích rõ ràng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quyền tác giả theo quy định hiện hành.Cuối mỗi chương giáo trình phải có danh mục tài liệu tham khảo, câu hỏi hướng dẫn ôn tập, định hướng thảo luận và bài tập thực hành. Cuối cùng, hình thức và cấu trúc của giáo trình đảm bảo tính đồng bộ và tuân thủ các quy định cụ thể của cơ sở giáo dục ĐH.
Chủ biên hoặc đồng chủ biên giáo trình các môn học của chương trình đào tạo trình độ CĐ, ĐH, thạc sĩ phải có chức danh GS, PGS hoặc trình độ tiến sỹ thuộc chuyên ngành của giáo trình đó.
Đối với giáo trình trình độ CĐ, trong trường hợp không có tiến sĩ cùng chuyên ngành thì chủ biên hoặc đồng chủ biên tối thiểu phải có trình độ thạc sỹ.
Các thành viên tham gia Ban biên soạn giáo trình phải có chuyên môn phù hợp với nội dung giáo trình và đang trực tiếp giảng dạy trình độ CĐ, ĐH, thạc sỹ hoặc các nhà khoa học có uy tín đang tham gia thỉnh giảng tại trường và do hiệu trưởng quyết định.
Hiệu trưởng nhà trường là người quyết định số lượng thành viên tham gia Ban biên soạn giáo trình hoặc cá nhân nhà khoa học biên soạn giáo trình; quy định thành phần, tổ chức và hoạt động của Ban biên soạn giáo trình bằng văn bản; quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giáo trình; số lượng thành viên Hội đồng thẩm định giáo trình...
Các cơ sở giáo dục ĐH không đủ điều kiện tổ chức biên soạn giáo trình thì Hiệu trưởng tổ chức lựa chọn, duyệt giáo trình phù hợp với chương trình trình đào tạo để làm tài liệu giảng dạy, học tập chính thức.
Quy định này không áp dụng đối với việc tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình sử dụng chung cho các ĐH, học viện, trường ĐH, trường CĐ.
Theo Giáo Dục Thời Đại
Hàn Quốc: Học sinh cuối cấp ba học 11 tiếng/ngày Theo một khảo sát mới đây, những học sinh cuối cấp ba là những học sinh chăm chỉ nhất xứ Hàn: tính trung bình, các em học sinh cuối cấp ba ở Hàn Quốc học 11 tiếng mỗi ngày và chỉ ngủ 5 tiếng 24 phút/ngày. Theo khảo sát về việc sử dụng thời gian nói chung của học sinh (HS) Hàn Quốc,...