Bi kịch khủng hoảng thừa các trường đại học, cao đẳng: Vẫn loay hoay tìm thí sinh
Thí sinh nộp hồ sơ dự tuyển tại trường ngày 11.9. Hiện ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội vẫn thiếu 2.500 chỉ tiêu năm 2015. Ảnh: D.H
Tuyển sinh, tuyển sinh và tiếp tục tuyển sinh – là điệp khúc diễn ra tại nhiều trường ĐH ngoài công lập thời điểm hiện tại. Trong khi nhiều trường ĐH khác đã đi vào ổn định dạy và học thì không ít trường ĐH, CĐ ở Hà Nội vẫn loay hoay đi tìm thí sinh (TS). Nhiều trường còn phát cả thư đến tận tay TS để mời gọi đến học nhưng tình hình không khả quan hơn. Và nguy cơ là nhiều ngành buộc phải đóng cửa, nhiều giảng viên (GV) buộc phải cắt giảm hợp đồng do không có người học.
Hết phương án tuyển sinh!
Đây là thực tế của Trường ĐH Kinh doanh công nghệ Hà Nội – một trong những trường ĐH ngoài công lập được cho là khá đình đám ở thủ đô từ trước đến nay bởi số lượng sinh viên (SV) đầu vào “khủng”. Năm 2015, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 5.000 em, tuy nhiên theo số liệu tính đến nay, sau cả 3 đợt tuyển sinh, chỉ 50% tổng chỉ tiêu với 2.500 được tuyển.
Trao đổi với Lao Động, GS Vũ Văn Hóa – Hiệu trưởng nhà trường – cho biết, trường sẽ tiếp tục tuyển sinh cho đến khi nào hết thời hạn tuyển (gần cuối tháng 10). “Quả thực chúng tôi cũng không còn phương án nào để thu hút đủ SV. Thậm chí đã gửi giấy mời về tận tay các em để kêu gọi các em đến học, nhưng số lượng không tăng lên là bao!” – ông Vũ Văn Hóa cho hay.
Theo ông, năm ngoái, lượng SV nộp hồ sơ vào rất đông, trường thu nhận đủ 5.000 em mà vẫn còn dồi dào nguồn tuyển. Thế nhưng năm nay, nhiều ngành kỹ thuật thiếu chỉ tiêu trầm trọng và có nguy cơ đóng ngành như các ngành điện – điện tử, cơ điện tử… chỉ 10-20 em nộp hồ sơ. Nhỉnh hơn có các khoa Kế toán, CNTT và Quản trị kinh doanh. Không chỉ nguy cơ đóng ngành, theo ông Vũ Văn Hóa, trường thậm chí phải tính đến việc cắt giảm nhân lực do thiếu SV.
Tình trạng thiếu SV cũng diễn ra hàng loạt tại các trường ĐH khác như ĐH Dân lập Phương Đông, ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Công nghiệp Việt – Hung, ĐH Công nghiệp dệt may Hà Nội… Theo đại diện Trường ĐH Dân lập Hải Phòng, dù đã kéo dài thời điểm tuyển sinh và chốt đến 30.9 song đến hiện tại, trường vẫn chưa tuyển đủ. Tại ĐH Dân lập Phương Đông Hà Nội, tính đến hết đợt tuyển sinh thứ hai, toàn trường mới chỉ nhận được chưa hơn 500 hồ sơ trong tổng số 1.900 chỉ tiêu. Hao hụt SV, dẫn đến thu giảm, chi tăng, trường chỉ còn biết than trời vì không có Nhà nước đứng ra “đỡ” như các trường ĐH công lập khác. Nhiều trường CĐ cũng đang chật vật khi thiếu chỉ tiêu như CĐ Kinh tế công nghiệp Hà Nội vẫn thiếu hơn 9.000 chỉ tiêu.
Đâu là nguyên nhân?
Theo Bộ GDĐT, số lượng HS tốt nghiệp THPT trong 3 năm trở lại đây ngày càng giảm. Năm 2013, cả nước có hơn 946.000 HS thi tốt nghiệp THPT, năm 2014 có 910.000 và năm 2015 chỉ còn gần 872.000 em. Điều này dẫn đến lượng TS đăng ký dự thi ĐH, CĐ giảm dần. Cụ thể lượng TS giảm từ 1,7 triệu em năm 2011 xuống còn hơn 1 triệu em năm 2015. Một nghịch lý cho thấy là nguồn tuyển thì giảm, song các chỉ tiêu vào ĐH, CĐ thì lại tăng lên theo từng năm, trong khi số lượng trường ĐH, CĐ cũng tăng chóng mặt. Chỉ trong vòng 10 năm từ năm 2003-2013, số trường tăng từ 214 trường lên 427 trường. Con số này tiếp tục tăng lên 443 trường vào đầu năm 2014.
Một trong những điểm đáng lưu ý nữa là tỉ lệ các trường ở mỗi địa phương so với số dân tương ứng lại quá khác nhau. Nếu lấy tổng số 443 trường chia trung bình cho 63 tỉnh, TP, tính ra trung bình mỗi tỉnh sẽ có từ 5 – 6 trường. Tuy nhiên, tỉ lệ này lại quá chênh lệch khi chỉ tính riêng ở Hà Nội đã có hơn 100 trường ĐH, CĐ lớn nhỏ tồn tại.
Về điều này, GS Vũ Văn Hóa cho rằng, để chấm dứt tình trạng quá tải các trường và không phân hóa mặt bằng chất lượng, dẫn đến tình trạng tuyển sinh chồng chéo, chỗ thừa chỗ thiếu, Bộ GDĐT cần xem xét trường nào có đủ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có khả năng đào tạo được thì nên tiếp tục duy trì. Ngược lại những trường không đủ khả năng tự trụ được thì có thể sáp nhập, thậm chí phá sản theo cơ chế tự đào thải.
Hiện tại, số liệu mới nhất của Bộ GDĐT cho thấy cả nước vẫn còn 28 trường ĐH, CĐ thiếu chỉ tiêu sau các đợt xét tuyển.
Theo Laodong.com