Bi hài xin “giống” để “đúc” thiên tài từ trong trứng
Không ít bậc cha mẹ do không hiểu biết một cách đầy đủ về sự phát triển của trẻ nên đã tìm mọi cách “nhào nặn” con thành thần đồng….
“Đúc” thiên tài
Với mong muốn máu mủ của mình sẽ làm rạng danh gia đình, một số người tìm mọi cách xin “giống” quý từ những người “đẹp về hình thức, tài giỏi về trí thức” để con cháu mình sau này cũng được như họ. Trường hợp chị Vũ Hải Hà – cô con gái duy nhất của một ông chủ công ty kinh doanh bất động sản có tiếng tại Hà Nội là một ví dụ.
Tuy sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng chị Hà lại có hình thức khá khiêm tốn và học thức ở trình độ… tốt nghiệp cấp 3. Để “cải tạo nòi giống”, bố mẹ chị Hà đã lên kế hoạch kén một chàng rể hoàn hảo.
Sau một thời gian tìm kiếm, anh Nguyễn Văn Sinh đã được bố mẹ chị Hà “chấm”. Đó là một nam sinh viên điển trai, vừa tốt nghiệp thủ khoa đại học nhưng có hoàn cảnh kinh tế khá khó khăn.
Ngay lập tức, anh Sinh đã được mời về công ty của bố mẹ chị Hà giữ vị trí Trưởng phòng Nhân sự. Qua một số lần đến nhà “sếp” chơi, anh Sinh đã dần hiểu ra ý định kén rể của giám đốc. Dù không thật lòng yêu Hà nhưng Sinh cũng không đủ dũng cảm để nói lời từ chối.
Video đang HOT
Đám cưới diễn ra khá nhanh và chỉ sau một thời gian ngắn, bố mẹ chị Hà đã vô cùng mãn nguyện khi chào đón một cậu cháu trai giống bố như đúc. Chỉ có điều, cuộc hôn nhân của chị Hà đã xuất hiện những vết nứt khó hàn gắn do hai vợ chồng có nhiều điểm bất đồng.
Ở một ví dụ khác, ngay từ khi chị Đào Hồng Vân (ở khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có thai, cả gia đình chị Vân đã lên kế hoạch chăm sóc, tẩm bổ cho cả mẹ và con.
“Nhà chồng tôi khá giả nhưng neo người, chồng tôi lại là con trai duy nhất nên từ khi chúng tôi cưới nhau, cả nhà mong mỏi có cháu từng ngày. Biết tôi mang bầu, mẹ chồng tôi đã lên thực đơn theo ngày rất tỉ mỉ, hầu hết các món ăn là để cho thai nhi phát triển tốt.
Tôi thấy có lý nên cũng vui vẻ thực hiện. Nghe nói trứng ngỗng tốt cho não bộ thai nhi, 1 tuần tôi ăn 2 quả (dù rất khó nuốt), ngoài ra còn thường xuyên ăn cháo cá chép, uống nước dừa, ăn yến sào, vi cá mập, uống sữa thay nước. Cộng với đó, mẹ chồng tôi luôn nhắc nhở tôi phải đi đứng nhẹ nhàng, cười duyên, đọc những cuốn sách về các thiên tài, không được tiếp xúc với những người “trình độ thấp kém”.
Chồng tôi còn tìm mua cả máy nghe nhạc cho cả mẹ và con để tôi nghe mọi lúc có thể. Dù khá mệt mỏi với việc “đúc thần đồng” nhưng tôi vẫn cố hết sức, vì tương lai con em chúng ta mà” – Chị Vân chia sẻ.
Vì con hay hại con?
Về vấn đề này, bác sỹ Trần Thu Hà, bệnh viện Bạch Mai cho biết:
“Khi còn trong bụng mẹ, thai ngủ nhiều. Nếu bật nhạc cho bé nghe quá nhiều sẽ làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến nhịp sinh học của bé. Ngoài ra, nước ối có khả năng khuếch đại rất tốt những âm thanh trầm và tiếng nói của người mẹ.
Tiếng nhạc quá to trong một thời gian dài có thể khiến thính giác non nớt của bé bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi mang thai, việc người mẹ tẩm bổ quá mức sẽ khiến thai quá to, gây khó sinh và làm tăng nguy cơ đái tháo đường”.
Bên cạnh đó, bác sỹ Trần Thu Hà cũng phân tích, hiện còn có tình trạng ở cấp học mầm non, không ít bậc phụ huynh đã đua nhau đưa con đến các trung tâm để kiểm tra IQ, EQ xem con họ có chỉ số IQ của một thần đồng hay không. Mặc dù những bài kiểm tra này không gây hại cho các cháu nhưng nó thể hiện sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh và có thể ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái của chính họ.
Theo Tiến sỹ Tâm lý Trần Tuấn, làm cha mẹ, ai cũng mong con mình giỏi giang, vượt trội, xuất chúng. Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có tố chất là thiên tài. Thực tế cho thấy, không ít em từ nhỏ được phong là “thần đồng” khi lớn lên cũng không khá hơn những người cùng độ tuổi. Chính “danh hiệu” đó đã khiến nhiều em do phải chịu áp lực và cách giáo dục sai lệch nên rơi vào trầm cảm, tự ti trong giao tiếp.
Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh tâm lý vì cha mẹ ép học, muốn “nhào nặn” con thành người đặc biệt trong tương lai đang ngày càng tăng. Nhiều bậc cha mẹ khi thấy con có biểu hiện thông minh như biết nói, biết đọc sớm, thích sách vở, báo chí, máy tính đã ra sức “bồi dưỡng” kiến thức cho con.
Từ chỗ nhanh nhẹn linh hoạt sau một thời gian bị “nhồi” những đứa trẻ này đã trở nên chậm chạp, nhút nhát, không tập trung và chỉ cần nhìn thấy sách vở, máy tính, chữ viết hay con số… là tỏ ra sợ sệt, đau bụng, nôn trớ… Đây là điều vô cùng nghiêm trọng, có ảnh hưởng mạnh và lâu dài đến quá trình phát triển của trẻ sau này…
Theo ANTĐ
Hành trình tìm đến ánh sáng tri thức của "anh hùng thầm lặng"
Vượt qua số phận, hoàn cảnh, SV khiếm thị Đào Thu Hương, người được tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft vinh danh là "Anh hùng thầm lặng" vì sự phấn đấu không ngừng nghỉ; Hương cũng là một trong 10 gương mặt trẻ được vinh danh tại "Lễ tuyên dương 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2010" do TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức ngày 20/3 vừa qua.
Có người đã từng nói: Mỗi con người đều có một hoàn cảnh khác nhau, nhưng quan trọng là chúng ta biết vượt qua hoàn cảnh ấy như thế nào. Với một SV khiếm thị như Đào Thu Hương (ở ngõ Thiên Hùng (Khâm Thiên- TP.Hà Nội) thì sự vượt khó ấy chính là kết quả tốt nghiệp thủ khoa khoa Tiếng Anh, Đại học sư phạm 1 Hà Nội năm 2010.
"Anh hùng thầm lặng" không ngừng nghỉ phấn đấu vươn lên
Suốt gần hai mươi năm qua, từ khi biết mình bị bệnh khuyết tật ở mắt, Hương đã tự tìm cho mình cách học riêng để không bỏ dở con đường học tập. Với sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của bố mẹ và các bạn, trong năm 2010 vừa qua, Hương hoàn thành chương trình đại học tại khoa Tiếng Anh, Đại học sư phạm Hà Nội 1 với tổng điểm cao nhất 8,75.
Cũng từ đó, câu chuyện về cô gái khiếm thị với sức học phi thường trở thành câu chuyện về nghị lực sống mạnh mẽ được truyền tai nhau trong giới SV Hà Nội.
Nhớ lại những khó khăn ban đầu khi bước vào trường đại học, Hương cho biết: "Suốt những năm học đại học thì khó khăn lớn nhất của mình là không có tài liệu, không có sách vở. Do vậy học ở trên lớp phải tập trung nghe thầy cô giáo giảng bài. Dựa vào sự giúp đỡ rất nhiệt tình, kịp thời của các bạn ở trong lớp. "
"Ngoài ra bố mẹ cũng hỗ trợ mình trong việc quét sách lên máy tính. Các bạn sinh viên tình nguyện đọc sách ghi âm lên vào băng, đĩa. Như vậy mình mới có sách để học. Tuy nhiên sách quét lên máy hoặc là băng ghi âm như thế thì đến với mình tương đối muộn so với giáo trình in của các bạn. Cho nên đến cuối kì phải học dồn tương đối nhiều", Hương chia sẻ.
Tiếp sức mạnh cho "Anh hùng" là người mẹ và người thầy
Sau những bước đi và thành công của Hương luôn có dáng hình của mẹ. Hương chia sẻ: khi vào cấp 3 mẹ đã bán xe máy để mua cho Hương chiếc laptop. Chiếc laptop ấy chính là bạn đồng hành của Hương trong suốt chặng đường học tập. Người mẹ ấy không quản ngại vất vả, ngày ngày đưa con đi làm, đón con về.
Năm ngoái, Hương là một trong những thủ khoa được Chủ tịch UBND TP.Hà Nội tặng bằng khen.
Cũng chính người mẹ ấy đã động viên Hương vượt qua mặc cảm, khó khăn, tạo mọi điều kiện tốt nhất để con gái tiếp cận với tri thức. Đến hôm nay, dù khó khăn đã vơi bớt một phần, người mẹ ấy đã có thể mỉm cười hạnh phúc về những gì con gái mình làm được.
Một thầy giáo đã tình nguyện hiến giác mạc nhưng Hương không thể nhận được tấm lòng cao thượng đó bởi lẽ Hương bị bệnh bẩm sinh, không thể lấy giác mạc của người khác thay thế được. Thầy giáo ấy tuy mắc bệnh nặng nhưng tẫn tận dụng từng giờ phút để sống và làm việc. Chính nhờ tấm lòng của thầy, của cha mẹ và người thân mà Hương như càng có thêm nghị lực. Hương luôn quan niệm: Dù cơ thể có khiếm khuyết nhưng trí tuệ và tâm hồn vẫn luôn lành lặn, nguyên vẹn bởi ánh sáng có thể chiếu rọi từ trái tim và nghị lực của mỗi người.
Tiếp thêm nghị lực sống từ các hoạt động cộng động
Với khả năng tiếng Anh lưu loát và nghị lực vượt lên số phận của mình, ngay từ khi chưa ra trường, Thu Hương đã được tổ chức phi chính phủ Samaritan's Purse nhận làm biên dịch và phiên dịch viên. Tối về, Hương còn tranh thủ dạy thêm tiếng Anh cho các em nhỏ.
Lịch dạy thêm kín tuần vào các buổi tối, bên cạnh đó còn tranh thủ dịch thêm tài liệu khiến cho Hương cảm thấy luôn thiếu thời gian. Cũng chính vì muốn chia sẻ với những người bị khiếm thị như mình, Hương đã thiết kế CD dạy nói tiếng Anh cho các em khiếm thị và giành giải 3 Cuộc thi chế tạo đồ dùng học tập của trường Đại học sư phạm 1 Hà Nội. Hương còn tham gia dẫn chương trình bằng song ngữ cho các buổi hòa nhạc từ thiện và các phong trào do hội người mù tổ chức.
Chính những việc làm như thế đã tạo thêm động lực cho Hương để cảm thấy cuộc sống của mình có nhiều điều đáng làm. Nhớ về cô SV đầy nghị lực Đào Thu Hương, TS Trần Xuân Điệp- Trưởng khoa ngoại ngữ Đại học sư phạm 1 Hà Nội cho biết: SV khiếm thị Đào Thu Hương đã để lại cho chúng tôi ấn tượng rất sâu sắc. Vì em đã không may về mặt thể xác nhưng quyết tâm rất lớn, đạt kết quả cao. Cụ thể là trong kì thi tốt nghiệp đại học vừa rồi em đỗ không những loại giỏi mà còn thủ khoa, cao hơn cả những người bình thường. Và nỗ lực như thế được rất nhiều giáo viên công nhận và các bạn công nhận.
Một nhà giáo dục đã nói: con người sinh ra không phải để tan biến như một hạt cát vô danh. Họ sinh ra để in dấu trên mặt đất, in dấu trong trái tim người khác. Tấm gương vươn lên hoàn cảnh để trở thành người có ích của Hương là minh chứng cho sự ghi dấu ấy.
VGT(Theo Giáo dục & Thời đại)
Bi hài chuyện cho vợ "xin giống" anh rể Đến khi ly hôn, anh chồng bị buộc phải cấp dưỡng nuôi hai đứa con không phải con ruột của mình. Theo một bản án mới đây của TAND tỉnh B. kết hôn đã hơn hai năm nhưng vợ chồng anh Đ. vẫn chưa có con. Hai vợ chồng đi khám mới hay anh Đ. không có khả năng làm cha. Tuy vậy,...