Bi hài học ngoại ngữ với “thầy Tây xịn”
“ Thầy Tây” ôm hôn, ngồi lên bàn học sinh để giảng bài, vừa giảng vừa ăn… bỏng ngô là những phút “ tùy hứng” thường gặp, ảnh hưởng trực tiếp đến phong cách của học sinh.
Mục tiêu của các bậc phụ huynh cho con theo học ngoại ngữ với giáo viên nước ngoài là giúp “cục cưng” rèn kỹ năng nghe – nói. Tuy nhiên, phần lớn các “thầy Tây” lại áp dụng phương pháp dạy theo lối tự do, khiến không ít học trò chưa kịp phát âm “tròn vành rõ tiếng” đã khiến phụ huynh “mắt tròn, mắt dẹt” bởi nhưng quái chiêu bắt nguồn từ phong cách tùy hứng này.
Đây là lớp học tiếng Anh, thầy giáo là “thầy Tây xịn”.
Học với “thầy Tây” thích hơn cô “nhà mình”
Giáo viên người nước ngoài “xịn”, có đặc điểm chung là rất nhiệt tình. Họ biết cách làm cho mối quan hệ thầy trò trở nên thân thiện, cởi mở bằng những hành động khuyến khích học sinh chủ động tìm đến mình. Họ sẵn sàng là người đến lớp sớm nhất và về muộn nhất để có thời gian giải đáp thắc mắc của học sinh sau khi đã hoàn thành bài giảng. Với phong cách luôn cởi mở và chủ động của người châu Âu, họ luôn biết cách sáng tạo ra những tình huống mang tính tập thể để lôi kéo học sinh tham gia. Nhiều giáo viên còn nhiệt tình giảng dạy ngoài giờ cho những học sinh có nhu cầu học thêm.
Thu Anh – Học sinh lớp 10, là học viên của trung tâm tiếng Anh ILA (49 – Hai Bà Trưng, Hà Nội) khoe: “Thầy David (giáo viên người Mỹ – PV) nhiệt tình lắm. Hôm nào, em tới lớp cũng thấy thầy có mặt ở đó và hướng dẫn thêm cho mấy bạn đến sớm. Nhiều bạn còn khoe nếu học sinh không có thời gian đến lớp, thầy sẵn sàng chữa bài luyện nói ghi âm gửi qua email nữa…”.
Với những giáo viên đã từng có thời gian sống và làm việc ở Việt Nam trước khi bước vào giảng dạy, họ đã có cơ hội tiếp xúc với người Việt nên luôn hiểu bản chất của người Việt là ngại tiếp xúc, hạn chế trong lối phát âm. Nắm bắt được hạn chế đó, thầy David còn tổ chức một buổi học phát âm miễn phí mỗi tuần, bắt đầu từ những âm tiết cơ bản nhất cho học viên.
“Thậm chí, khi em ngỏ ý muốn tham gia thi lấy chứng chỉ của trung tâm đang theo học, thầy còn kèm thêm cho 2 buổi, củng cố lại kiến thức cho em. Thầy dạy miễn phí nhưng không vì thế mà kém nhiệt tình”, Thu Anh nói.
Làm cho bài giảng sinh động, “thầy Tây xịn” thường bày trò chơi và các hoạt động lôi kéo sự tham gia của tập thể. Phương pháp này nhằm tăng tính tương tác của các học viên, nâng cao khả năng phản xạ ngôn ngữ… Với đối tượng là những học sinh nhỏ tuổi như mẫu giáo, tiểu học, THCS thì lối giảng dạy trên được áp dụng triệt để.
Nhân viên tư vấn tại trung tâm Anh ngữ Sao Việt (ngõ 155, Xuân Thủy, Hà Nội) cho biết: Hiện trung tâm có 6 giáo viên người nước ngoài, chủ yếu được dạy luyện cho học viên nghe nói bằng cách tạo cơ hội cho học sinh thường xuyên giao tiếp với giáo viên người bản xứ. Nhiều em nhỏ khi được cha mẹ cho theo học ở đây đặc biệt “kết” thầy Sam (28 tuổi, người Anh “chính hiệu”) bởi lối “học mà chơi, chơi mà học” thầy áp dụng trong giảng dạy.
Chị Thu Thảo, mẹ của bé Hồng Anh (ở Thanh Xuân Bắc, Hà Nội), đang theo học lớp của thầy Sam, kể: “Tôi từng tham gia vài buổi dạy của thầy và cảm thấy rất thú vị. Buổi học nào, thầy cũng xen kẽ từ 1 – 2 trò chơi mà không trò nào lặp lại làm con trẻ rất thích. Cháu Hồng Anh đặc biệt thích trò cắt dán, tô màu và hồ hởi khoe, ngoài luyện khéo tay tinh mắt con học được các từ vựng về màu sắc cũng như hình khối rất nhanh…”.
Khi PV hỏi, những trò chơi ấy giúp ích gì trong việc học tiếng Anh, Liễu – Học viên của trung tâm tiếng Anh ở đường Láng (Hà Nội) nói: “Nó giúp mình cảm thấy buổi học đỡ mệt, thoải mái hơn. Phương pháp này góp phần “triệt tiêu” không khí im lặng ngột ngạt chờ học sinh làm xong thì chữa bài như một cái máy”. Nhiều bạn trẻ hồ hởi khoe, học ngoại ngữ với “thầy Tây” thích hơn học cô “nhà mình”. Bởi được tự do nói, chơi, ngồi, ăn, cười… để rèn kỹ năng nói.
Từ sinh động đến…”tăng động”
Bên cạnh những ưu thế tạo tâm lý thoải mái cho học viên để tiếp thu bài giảng một cách hiệu quả thì việc quá “linh động” của “thầy Tây” cũng ảnh hưởng rất nhiều tới phong cách sống của học trò. “Thầy Tây” bê nguyên thói quen sinh hoạt, giao tiếp hàng ngày của người châu Âu, châu Mỹ vào trong việc giảng dạy. Họ ít chú ý đến văn hóa học đường Việt Nam nên khá tùy tiện trong ứng xử, ngôn từ. Với thói quen sinh hoạt tự do nên “thầy Tây” cũng tạo ra xu hướng tự do nhằm tạo tâm lý thoải mái cho học viên.
Việc mục sở thị lớp học với “thầy Tây” có không khí ồn ào, nói cười thoải mái hay bàn ghế xô lệch, thậm chí từ “thầy” đến trò vừa xì xồ vừa ăn… bỏng ngô không còn là hình ảnh lạ mắt tại các lớp học ở trung tâm tiếng Anh. Khi giảng bài, có “thầy Tây” còn ngồi hẳn lên bàn học sinh rồi khuyến khích học sinh làm theo để tạo sự thoải mái. Một số học viên tỏ ra thích thú, bày tỏ sự “hâm mộ” “thầy Tây” bằng cách bê nguyên hành động kỳ quặc đó áp dụng tại trường học chính quy. Có “thầy Tây” còn cởi mở quá đà, bày tỏ sự hài lòng với các học viên bằng hành động hồn nhiên ôm học trò, khiến nhiều học viên nữ có cảm giác bất an
Chị Thu Minh (ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, từ ngày cô con gái 16 tuổi theo học lớp ngoại ngữ ở đường Láng đã chểnh mảng việc học ở trường chính quy. Gặng hỏi mãi, con gái kể, ngoài 2 buổi học ngoại ngữ ở trung tâm, “thầy Tây” thường xuyên tổ chức đi pic – nic, dã ngoại để học viên có thêm nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi. Con gái chị tham gia tích cực vì cô bé đã “cảm” “thầy Tây” từ lâu rồi. Sau khóa học đó, chị Minh không dám cho con tiếp tục theo học những khóa tiếp theo bởi lo sợ “sự cởi mở quá đà” của “thầy Tây” sẽ ảnh hưởng đến con gái mình.
Video đang HOT
Theo tìm hiểu của PV, học sinh ở những lứa tuổi nhạy cảm, ưa sự bắt chước, coi phương pháp dạy của “thầy Tây” như thần tượng. Các em học theo một cách máy móc tới mức khó hiểu nên không ít em đã “lãnh” hậu quả không mong muốn. Tấn Minh, học sinh lớp 11 trường PTTH Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) đến giờ vẫn còn nhớ án kỷ luật là bản kiểm điểm kèm chữ ký phụ huynh mà thầy hiệu trưởng dành cho mình cách đây gần 1 năm. Lý do, một lần vô tình thầy ngang qua lớp học giờ giải lao đã bắt được Minh ngang nhiên “ngự” (ngồi) trên bàn giáo viên.
Lợi bất cập hại?
Phần lớn phương pháp học từ những trò chơi áp dụng cho tập thể, tạo được sự sôi nổi ở trên lớp nhưng khi về nhà, việc ôn luyện bài giảng của học viên gặp nhiều khó khăn. Vì chỉ có một mình nên nhiều học viên ngượng nghịu, cười trừ khi được hỏi đến phương pháp tự ôn luyện ở nhà. Nhiều học viên lười học còn chống chế, ở lớp, “thầy Tây” tổ chức cho từng cặp đôi hoặc thảo luận nhóm về một chủ đề nào đó, hoặc trao đổi, về nhà không có ai “tung hứng” cùng nên không thể ôn được bài. Thế là các phụ huynh thấy lợi bất cập hại từ trào lưu cho con đi học “thầy Tây”…
Theo người đưa tin
Ước mơ của thầy giáo cầm bút bằng miệng
Bị dị tật từ nhỏ, đôi chân liệt, tay run run nhưng ít ai ngờ rằng thầy giáo Phùng Văn Trường (34 tuổi, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội) lại có khả năng viết chữ bằng miệng.
Chúng tôi về thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, TP Hà Nội) tìm gặp thầy giáo bị khuyết tật với khả năng đặc biệt. Trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, thầy Trường đang ngồi bên chiếc xe lăn say sưa giảng bài cho hàng chục em học sinh trong thôn.
Gian nan học chữ bằng miệng
Bên câu chuyện với phóng viên, thầy giáo Phùng Văn Trường không nén nổi xúc động khi nhớ về thời ấu thơ của mình với nhiều gian nan, khó khăn.
Thầy giáo trẻ tật nguyền dạy chữ cho học sinh
Thầy giáo trẻ kể, anh sinh ra trong một gia đình thuần nông, nhà có 3 anh em. Thủa lọt lòng, anh sinh ra cũng bụ bẫm như bao đứa trẻ khác, tuy nhiên khi được gần 2 tuổi, đôi chân anh bỗng dưng lại run rẩy không đứng vững. Gia đình tá hỏa đưa anh đi Bệnh viện 103 thăm khám thì nhận được kết quả anh bị teo cơ, đôi chân bị khèo.
Lên 6 tuổi, gia đình đưa anh đi viện mổ, sức khỏe có phần tốt hơn. Tuy nhiên, để theo học, từ lớp 1 đến lớp 8 anh vẫn phải chống nạng và nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân.
"Có hôm trời mưa rét, đi qua đoạn đường lầy gần 1km đến được lớp, quần áo tôi ướt sũng. Ngồi học, người run run lên vì lạnh nhưng bàn tay vẫn phải nắm chặt bút để viết bài theo kịp cô giảng. Sau hôm bị mưa đó, tôi bị ốm gần một tuần, việc học đành phải nghỉ", Trường nhớ lại.
Tranh thủ luyện chữ viết cho bản thân
Hết lớp 8, việc đi lại của Trường khó khăn hơn, đôi chân không thể đứng vững, hai bàn tay không còn co duỗi được, anh đành bỏ dở ước mơ bước vào giảng đường đại học. Buồn, tủi thân nhưng anh cũng chỉ biết nén nỗi đau vào lòng, hàng ngày ngồi trên chiếc xe lăn cập nhập thông tin qua chiếc đài.
Rồi đến một đêm, nghe chương trình trên radio, anh tình cờ nghe được câu chuyện về nghị lực của người thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký "viết chữ bằng chân". Thấm thía, xúc động trước nghị lực phi thường của thầy Ký anh đã nhờ người thân mua giúp sách về học và đặt cho bản thân quyết tâm phải viết được chữ.
Hơn 20 năm qua, thầy Trường trau dồi kiến thức qua chiếc đài này
"Khi đó, đôi tay tôi không thể co được do đó muốn thuộc mặt chữ và viết được thành thạo tôi đã phải dùng ngón tay chấm vào mực nhiều lần để luyện chữ", Trường tâm sự.
Tuy nhiên việc viết bằng chữ bằng ngón tay của Trường cũng không đơn giản, do việc cử động nhiều gây đau bàn tay, tốn nhiều giấy mực. Không còn cách nào khác, anh đành nghĩ đến việc cầm bút viết bằng miệng. Anh dùng cây bút chì thân ngắn để viết và học cách kiên nhẫn điều khiển cây bút trên miệng thành thạo.
Nét chữ thầy giáo trẻ sau nhiều tháng khổ luyện
"Việc giữ chắc bút trên miệng đã là rất khó nên việc di chuyển cây bút sao cho khéo léo đúng ý mình lại càng khó hơn. Do đó tôi đã phải thức đêm hàng tháng trời mới có thể viết được những nét tròn trịa", Trường nói.
Học viết chữ bằng miệng, anh gặp rất nhiều khó khăn do việc giữ chặt cây bút trên miệng dễ gây mỏi miệng, không giữ bút được lâu. Vì vậy dù cố gắng tập luyện anh cũng chỉ có thể viết được khoảng 3 dòng mỗi ngày.
Sau một tháng luyện chữ, những nét chữ đầu tiên đã dần đẹp hơn, anh dần say mê luyện tập. "Nhiều đêm, thấy nét chữ của mình chưa đẹp lên nhiều, tôi đã rèn luyện chữ đến 3h sáng mới đi ngủ", Trường tâm tình.
Lớp học tại gia của thầy Trường
Năm 2009, trong những lúc chơi đùa với trẻ nhỏ, thấy nét chữ trên vở nhiều em nhỏ hàng xóm nguệch ngoạc, anh đã nảy ra ý tưởng giúp các em luyện chữ. Ban đầu là việc dạy chữ cho những con em trong nhà, sau một thời gian hàng xóm thấy anh nhiệt tình lại có hiểu biết nên đã sang nhờ anh dạy phụ đạo cho con em họ.
Được hàng xóm tin tưởng, trong khi bản thân lại có nhiều thời gian rảnh, anh gật đầu đồng ý. Một lớp học hơn chục học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 được thành lập ngay tại nhà Trường cùng 4 chiếc bàn học.
Suốt hai năm dạy cho trẻ em trong thôn, anh không thu một khoản lệ phí nào. Chỉ đến đầu năm 2012, khi anh lập gia đình, nhiều bậc phụ huynh có con em theo học thấy ái ngại đã vận động nhau giúp đỡ anh 100.000 đồng/1 em học sinh.
Dạy các em nhỏ luyện chữ
Khát khao gieo mầm non tương lai
Sau mỗi giờ học ở trường các em nhỏ lại tập hợp về nhà Trường để anh dạy đọc, luyện chữ, học toán. Buổi học tại lớp của thầy giáo trẻ thường khá sôi nổi, các em chăm chú, lắng nghe Trường giảng sâu về các bài tập đạo đức.
Tiếp xúc với giờ học của thầy giáo Trường, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi anh Lê Văn Hoan, 38 tuổi, phụ huynh của học sinh phấn khởi: "Đầu năm học lớp 4, con tôi viết chữ rất xấu, kể từ sau hơn 1 tháng được thầy Trường luyện chữ, em viết đã tiến bộ nhiều. Trong giờ văn sáng nay em về thông báo với gia đình cô giáo cho điểm 8".
Dù lớp học ít học sinh, chữ, kiến thức truyền đạt chưa được nhiều, tuy nhiên thầy giáo Trường luôn khát khao mở một lớp học nhỏ khang trang để dạy chữ, truyền đạt kiến thức đến các em nhỏ, đặc biệt là những em nhỏ có hoàn cảnh éo le như Trường.
Lớp học của thầy giáo trẻ luôn thu hút học sinh chăm chú nghe giảng
"Khi được xem nhiều đoạn ghi hình về các em khuyết tật, chất độc màu da cam ở nhiều vùng quê đang mong mỏi được học cái chữ, tôi đã xúc động rơi lệ. Trong tương lai tôi muốn mở một lớp học phụ đạo dành cho các em nhỏ, giúp các em tích lũy thêm kiến thức", ánh mắt đau đáu, Trường chia sẻ.
Theo Trường, các em nhỏ có hoàn cảnh éo le khi đến với lớp học anh sẽ không thu một loại phí nào mà anh chỉ mong muốn được dạy các em và vun đắp cho những mầm non tương lai.
Trong những giờ học truyền tải kiến thức đến bên các em học sinh, ánh mắt thầy giáo trẻ vẫn ấp ủ ước mơ có được chiếc máy tính, hàng ngày có thể lên mạng học thêm môn tiếng Anh, qua đó bản thân anh giúp ích cho nhiều em nhỏ về ngữ pháp, từ vựng của môn học này.
"Tôi chỉ muốn trời cho tôi sức khỏe để hàng ngày có thể dạy chữ, truyền đạt kiến thức"
Trường cho rằng, với nhiều em nhỏ trong lớp dạy phụ đạo của mình, kiến thức về tiếng Anh khá kém, sau những giờ trên lớp, nếu không có người ôn tập lại kiến thức cho các em thì sẽ rất dễ quên. Do đó, anh luôn mong mỏi có thể dành dụm tiền mua được một chiếc máy tính học thêm kiến thức ngoại ngữ đem tri thức đến cho nhiều em nhỏ.
Năm 2012, thầy giáo trẻ đã kết duyên với một người phụ nữ khác xã và cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp. Chia sẻ về ước mơ của mình, Trường nở nụ cười lạc quan nói: "Dù bị tật từ nhỏ, nhưng bản thân tôi chưa từng bi quan, chán nản. Cả cuộc đời còn lại tôi chỉ muốn học được chữ và giúp ích được nhiều em nhỏ".
Theo 24h
Khi thầy cô giận "Lớp mình ồn ào trong giờ học khiến cô giáo giận không giảng bài nữa, bọn mình phải làm gì bây giờ?" Đó là tình huống "nan giải" teen gửi về hộp thư Mực Tím trong tuần qua. K.D (lớp 12A11, THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3) kể: thầy dạy Toán nói tiếng Bình Định, giảng bài rất nhanh và vắn tắt khiến...