Bi hài chuyện kiểm tra bài cũ
Kiểm tra bài cũ ở lớp của bạn chẳng có gì phải nói? Và bạn nghĩ rằng ở đâu thì cũng thế thôi? Vậy thì hãy thử đọc bài này để biết thêm cực nhiều câu chuyện “cười ra nước mắt”.
“Sai một từ thầy… trừ một điểm”
Đó là câu nói mà bất cứ học sinh nào của thầy H (dạy môn Toán, Trường H.B.T) cũng nên thuộc “nằm lòng” nếu muốn đạt điểm 9 hay 10. Hình thức kiểm tra bài cũ của thầy rất đơn giản: Bài tập trong SGK của tiết học trước có bao nhiêu, về làm hết vào trong vở rồi hôm sau mang theo… chép y nguyên lên bảng và tuyệt đối không để sai, dù chỉ một từ! Thầy từng nói: “Nếu làm sai, tôi còn có thể xem xét chứ chép sai so với vở thì mỗi từ tôi sẽ trừ một điểm vì cái tội… ẩu”.
Thế mới có chuyện của N, hồi đầu năm do chưa có “kinh nghiệm”, lúc lên bảng phát hiện bài mình bị sai thế là “xơi” nguyên “con ngỗng quay béo bở”. Cũng nhờ có lần đó mà bây giờ cả lớp của N, dù bạn nào học kém Toán đến đâu cũng không còn run lên bần bật trong những phút đầu giờ nữa, bởi cái khó là khi làm bài, chứ chép ra thì ai mà chẳng làm được! Cũng nhờ thầy, mà trình độ học nhiều bạn có hơi “bì bạch” một chút nhưng “nghệ thuật”… chép của học sinh lại được tăng lên đáng kể!
Video đang HOT
Chép có phải là cách tốt để kiểm tra những kiến thức mà học sinh đã học!? (Ảnh minh họa)
Cô đỡ mệt mà trò đỡ lo
Nếu như ở các lớp khác ai ai cũng nhăn mặt, ngao ngán, thậm chí phát sợ mỗi khi nghĩ đến giờ kiểm tra bài cũ của môn Lịch sử với hàng loạt sự kiện, con số thì những học sinh trong lớp có cô L (trường H.Q) phụ trách lại cảm thấy khỏe re. Này nhé, việc kiểm tra lấy điểm miệng của cả lớp được gói gọn trong có… 2 tiết, hơn nữa lại còn “tiết nào kiểm tra và kiểm tra phần nào cô sẽ báo trước cho mà chuẩn bị”. Trong 2 tiết ấy, cô gọi được những ai lên bảng thì lên, số còn lại thì thu vở lại để cô chấm nhanh. Quả là tiện cả đôi đường, cô thì nhàn, còn học sinh được báo trước, chuẩn bị trước, tha hồ mà điểm cao!
Chỉ tiếc rằng, cái nhàn, cái sung sướng chưa được tận hưởng bao lâu thì đùng một cái, nhà trường thay giáo viên mới và những cái đầu không một chút kiến thức do đã quen chơi, không học tẹo nào, bị “mất gốc”, mới biết hết thế nào là lao đao, khốn đốn!
Dạy rồi thì sẽ kiểm tra…
Không “may mắn” như các trường hợp trên, lớp 11B (trường T.Đ) có hơn 40 học sinh thì phải đến… 39 người điểm miệng môn Văn không vượt qua con số… 5. Chả là, thầy N dạy Văn của lớp có một nguyên tắc: “Bất kỳ cái gì mà tôi đã dạy thì tôi đều có quyền kiểm tra”. Vậy là có tác phẩm thầy dạy từ hồi đầu năm thì đến… giữa kỳ 2 thầy vẫn gọi một bạn lên bảng bắt phân tích. Thậm chí còn có những hôm thầy hỏi lại kiến thức của… năm ngoái, khiến cán sự môn Văn của lớp cũng đành chịu trận và “ẵm” con zero to tướng đem về. Điểm Văn luôn là một vấn đề “nan giải” trong mỗi lần tổng kết điểm cuối năm, khiến rất nhiều học sinh của lớp “đi tong” danh hiệu học sinh giỏi.
Không ít bạn đến giờ trả bài chỉ biết đứng yên một chỗ vì sợ! (Ảnh minh họa)
Và khi kiểm tra đi liền với… hứng thú
Cũng không kém phần khổ sở đó là trường hợp của lớp 12C, trường M.K với môn Địa lý. Nguyên nhân bởi điểm số mà cô cho những bạn lên bảng kiểm tra miệng cực kỳ thất thường và luôn đi kèm với… cảm hứng. Cụ thể là, hôm nào cô vui vui thì 8, 9, 10 điểm, không cần phải suy nghĩ. Còn hôm nào cô đang bực bội, khó chịu thì y như rằng: “ Sao diễn đạt lôi thôi thế?”, hoặc “Tôi dạy những gì mà nói được có thế thôi à?” rồi chịu khó “ôm”… điểm 2, 3 mang về. Bởi thế mới có chuyện học sinh của cô vẫn đùa nhau: Điểm số không phụ thuộc vào việc có chăm chỉ hay không, có học bài kĩ hay không, mà phụ thuộc vào… độ may mắn của bạn.
Tạm kết
Mục đích của kiểm tra bài cũ là để đánh giá xem học sinh đã tiếp thu được những gì trong tiết học trước. Tuy nhiên, bằng những cách thức như trên, hầu như các thầy cô đã không đạt được mục đích của mình.
Linh (Lớp 11, trường N.T) chia sẻ: “Kiểm tra bài cũ thường diễn ra vào lúc đầu giờ, nên nó ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của học sinh trong cả tiết học. Bởi vậy, giá mà thầy cô nào cũng tạo được cho bọn mình sự vui vẻ, hứng thú ngay từ đầu, thì chắc chắn bọn mình sẽ không bị căng thẳng, sợ sệt và việc tiếp thu bài học vì thế cũng tốt hơn rất nhiều”.
Theo PLXH