Bị gấp rút khảo sát năng lực, GV bất bình, Sở GD Phú Thọ nói sẽ điều chỉnh
Nhiều giáo viên không đồng tình khi Sở GDĐT tỉnh Phú Thọ gấp rút tổ chức khảo sát năng lực cán bộ quản lý, giáo viên vào tháng 10.
Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của một số giáo viên đang công tác tại tỉnh Phú Thọ về việc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này thông báo tiến hành khảo sát kiến thức nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên vào cuối tháng 10/2022.
Những giáo viên này cho rằng, năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai ở lớp 10 khiến thầy cô phải mất nhiều thời gian, công sức để đầu tư cho việc giảng dạy, tập huấn chuyên môn và làm các công việc khác có liên quan. Vừa vào năm học được hơn 1 tháng, khi giáo viên còn quay cuồng với giáo án, chương trình mới, với học trò, phụ huynh đầu năm thì lại phải tham gia khảo sát theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ khiến giáo viên rất áp lực.
Trước thông tin này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ.
Trụ sở Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ. (Ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ).
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Phòng quản lý chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ) cho biết, về kế hoạch khảo sát năng lực giáo viên, từ năm học 2015-2016, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khảo sát năng lực giáo viên cấp trung học phổ thông.
“Năm học 2020-2021 và năm học 2021-2022, Sở cũng có kế hoạch tổ chức khảo sát nhưng do những năm học này, tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp nên kỳ khảo sát không được tổ chức mà giao cho Thủ trưởng các đơn vị chỉ đạo thực hiện công tác tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và tổ chức đánh giá kết quả triển khai công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, giáo viên”, đại diện Phòng quản lý chất lượng cho hay.
Cũng theo vị này, trong kế hoạch năm học 2022-2023, Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng có tổ chức khảo sát năng lực giáo viên, cán bộ quản lý, đồng thời, có hướng dẫn triển khai tới các cơ sở giáo dục tiến hành khảo sát vào tháng 10 năm 2022.
Giải đáp về những phản ánh của giáo viên và phương án giải quyết, vị này cho biết, do thời gian đầu năm học, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đang triển khai nhiều công việc chuyên môn, đặc biệt là thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, một số đơn vị đề nghị điều chỉnh thời gian tổ chức phù hợp, Sở Giáo dục và Đào tạo đã nghiên cứu và điều chỉnh thời gian tổ chức dự kiến vào tháng 8/2023.
Được biết, trước đó, ngày 27/9/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản số 1380/SGD&ĐT-QLCL gửi các trường trung học phổ thông; Trường phổ thông Hermann; Trường phổ thông Chất lượng cao Hùng Vương; Trường Trung học phổ thông Chất lượng cao Văn Lang; Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh; Trường phổ thông dân tộc nội trú, trung học cơ sở và Trung học phổ thông Yên Lập về việc khảo sát năng lực giáo viên năm học 2022-2023.
Theo đó, thực hiện kế hoạch năm học 2022-2023, để giúp các đơn vị triển khai có hiệu quả công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và đề cao vai trò tự học, tự bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức khảo sát năng lực cán bộ quản lý, giáo viên của các đơn vị.
Trong đó, nội dung khảo sát đối với cán bộ quản lý bám sát kiến thức đã được tập huấn, bồi dưỡng trong Chương trình ETEP, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhiệm vụ văn học 2022-2023.
Đối với giáo viên, sẽ khảo sát về kiến thức nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn.
Đối tượng được miễn khảo sát là các thầy giáo sinh từ tháng 9 năm 1964 trở về trước và cô giáo sinh từ tháng 4 năm 1969 trở về trước và cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cấp Sở đã được tập huấn, bồi dưỡng trực tiếp từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và đã tham gia làm giảng viên, hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên các lớp tập huấn của tỉnh tổ chức về nội dung thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Video đang HOT
Sau khi văn bản được ban hành, nhiều cán bộ quản lý, giáo viên hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục của tỉnh Phú Thọ bày tỏ thái độ, quan điểm không đồng tình về kế hoạch thực hiện khảo sát kiến thức nghiệp vụ và kiến thức chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ.
Thứ nhất, học như thế nào? kiểm tra như thế nào? ai dạy? ai chấm? ai thẩm định chương trình học? ai thẩm định đề kiểm tra?
Thứ hai, quan trọng nhất hiện nay là việc tập huấn cho sự đổi mới phương pháp giảng dạy chương trình giáo dục mới 2018 được thực hiện như thế nào? Bao nhiêu % giáo viên nắm bắt được nội dung, phương pháp của chương trình mới?
Thứ ba, có nên yêu cầu giáo viên phải làm “bài thi” theo đúng mô hình đề của học trò hay không, trong khi yêu cầu đối với giáo viên hoàn toàn khác với yêu cầu đối với học sinh.
Tiếp nhận những thông tin trên, đại diện Phòng Quản lý Chất lượng, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cho biết, trước hết, về cách ra đề khảo sát năng lực giáo viên và công tác tổ chức, đề khảo sát sẽ căn cứ theo yêu cầu thực hiện nhiệm vụ đối với giáo dục và đào tạo, Sở nghiên cứu xây dựng cấu trúc, nội dung đề khảo sát phù hợp. Công tác tổ chức khảo sát được thực hiện đảm bảo chính xác, công bằng, nghiêm túc và khách quan.
Vị này lý giải thêm, nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán cơ sở giáo dục phổ thông về đổi mới quản trị trong trường hợp, đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học, đổi mới hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng 06 mô đun cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các tỉnh thành thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong khuôn khổ ETEP theo kế hoạch số 41/KH-BGDĐT ngày 22/1/2020.
“Một điểm rất mới về công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên, đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo giao cho các trường đại học phối hợp với các địa phương, ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp bồi dưỡng tập trung và bồi dưỡng qua mạng; tăng cường việc tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên đại trà trên địa bàn tỉnh ở tất cả các cấp học phổ thông, giáo dục thường xuyên”, đại diện Sở chia sẻ.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ cũng đã phối hợp với Viettel Phú Thọ và với các trường sư phạm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các cán bộ quản lý, giáo viên đại trà trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (với mô hình 5-3-7. Trong đó, có 5 ngày các cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tự bồi dưỡng trên hệ thống LMS của Viettel, 3 ngày được tập huấn trực tiếp do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức, 7 ngày sau khi tập huấn trực tiếp các cán bộ quản lý, giáo viên có nhiệm vụ hoàn thành các nội dung tập huấn theo yêu cầu) các mô đun quan trọng, cốt lõi:
Mô đun 1: Hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Mô đun 2: Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất năng lực học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Mô đun 3: Kiểm tra đánh giá học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực.
Mô đun 4: Xây dựng kế hoạch dạy học và giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Kết quả công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán như sau:
Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của tỉnh thực hiện các mô đun theo Chương trình ETEP, cụ thể:
585 giáo viên cốt cán, trong đó:
Cấp tiểu học: 287/287 giáo viên hoàn thành 06 mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 đạt 100%;
Cấp trung học cơ sở: 254/254 giáo viên hoàn thành 06 mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 đạt 100%;
Cấp trung học phổ thông: 43/44 giáo viên hoàn thành 06 mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 đạt 97,7%.
70 cán bộ quản lý cốt cán, trong đó:
Cấp tiểu học: 42/42 giáo viên hoàn thành 06 mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 đạt 100%;
Cấp trung học cơ sở: 22/22 giáo viên hoàn thành 06 mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 đạt 100%;
Cấp trung học phổ thông: 6/6 giáo viên hoàn thành 06 mô đun 1, 2, 3, 4, 5, 9 đạt 100%.
Như vậy, trước thông tin phản ánh của nhiều giáo viên về một kỳ thi đánh giá năng lực ngay đầu năm học là quá vội vàng, gấp gáp, gây thêm áp lực cho nhà giáo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ đã điều chỉnh thời gian dự kiến tổ chức vào tháng 8 năm 2023.
Hải Phòng tổ chức chuyên đề Dạy học môn Lịch sử - Địa lý lớp 7
Sáng 1/10, Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức Chuyên đề theo Chương trình GDPT 2018 năm học 2022 - 2023.
Quang cảnh buổi chuyên đề.
Tiết dạy minh họa do cô Nguyễn Hồng Hà và học sinh lớp 7A3 trường THCS Ngô Gia Tự (Hồng Bàng) thực hiện. Cô Hà cùng học sinh lên lớp Chủ đề 1: Các cuộc đại phát kiến địa lý, bộ sách Kết nối tri thức.
Chuyên đề có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Trường và ông Đỗ Anh Dũng, Chuyên viên Vụ GDTrH, Bộ GD&ĐT; ông Đỗ Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cùng hàng trăm cán bộ quản lý, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên môn Lịch sử - Địa lý các trường THCS trên địa bàn thành phố.
Theo đánh giá, Chuyên đề thể hiện định hướng thống nhất về nội dung chương trình, kế hoạch giáo dục, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học ở môn học Lịch sử - Địa lý Chương trình GDPT 2018.
Chuyên đề cũng là cơ hội để mỗi cán bộ, giáo viên được phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp sáng kiến kinh nghiệm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới, căn bản toàn diện giáo dục THCS theo Chương trình GDPT 2018.
Học sinh báo cáo phần chuẩn bị kiến thức về nhà của mình qua màn kịch nhỏ.
Trong bài dạy minh họa, cô Hà đã cùng học sinh tìm hiểu về nguyên nhân và những yếu tố tác động đến các cuộc phát kiến địa lý; học sinh cùng nhau làm việc nhóm mô tả hành trình cuộc thám hiểm do C. Cô-lôm-bô tiến hành.
Học sinh làm việc nhóm.
Từ sự dẫn dắt của giáo viên, học sinh tìm hiểu về phát kiến địa lý và ý nghĩa cuộc phát kiến địa lý của C. Cô-lôm-bô; học sinh được cùng nhau phân tích, đánh giá nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các cuộc phát kiến địa lý.
Đại diện nhóm, học sinh trình bày về nguyên nhân và điều kiện của các cuộc phát kiến địa lý.
Qua bài học, trò được rèn luyện năng lực tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề sáng tạo; năng lực lịch sử, địa lý. Bên cạnh đó, học sinh được rèn phẩm chất chăm chỉ, chịu khó, tinh thần vượt khó, dũng cảm.
Cô Phạm Thị Nga Thanh, Giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Bảo phát biểu ý kiến xung quanh chuyên đề.
Chuyên đề được các đại biểu, lãnh đạo ngành đánh giá cao. Tuy nhiên, một số giáo viên đến từ các trường THCS còn băn khoăn về cách thức tổ chức một giờ dạy thực tế với việc tổ chức các trò chơi; thời gian để chuẩn bị các màn kịch của học sinh mất nhiều thời gian không phù hợp với không gian và thời gian cho một tiết dạy.
Đây cũng là diễn đàn để các nhà quản lý giáo dục chia sẻ, thảo luận về lý luận và thực tiễn, những khó khăn, vướng mắc trong giảng dạy cũng như những kinh nghiệm, biện pháp thực hiện hiệu quả, khắc phục những khó khăn vướng mắc trong giai đoạn đầu thực hiện chương trình mới. Đồng thời, còn là dịp nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý trong chỉ đạo chuyên môn; nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên trong hoạt động dạy - học. Tạo cơ hội học tập, giúp đỡ lẫn nhau giữa cán bộ quản lý và giáo viên, giữa giáo viên và giáo viên trong nhà trường, giữa các trường THCS trên toàn thành phố.
Chính sách y tế, giáo dục có hiệu lực từ tháng 9 Yêu cầu với giáo viên dạy chương trình GDTX cấp THPT, quy định về kê đơn thuốc điện tử, liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài,... là những chính sách có hiệu lực từ tháng 9/2022 Yêu cầu với giáo viên dạy chương trình GDTX cấp THPT Nội dung được quy định tại Thông tư...