Bị đối thủ bỏ lại quá xa, Intel quyết thuê TSMC và Samsung gia công chip
Báo cáo cho thấy Intel đang thảo luận với TSMC và Samsung để sản xuất chip cho công ty Mỹ.
Theo nguồn tin từ Bloomberg, Intel đang thảo luận với TSMC và Samsung về việc thuê ngoài sản xuất chip, tuy nhiên người đi đầu trong việc sản xuất chip ở Thung lũng Silicon vẫn đang hy vọng vào các tiến bộ mới trong nhà máy của họ.
Theo những người biết về cuộc thảo luận này, khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến buổi báo cáo thu nhập thường niên của họ (ngày 21 tháng Một), Intel cuối cùng đã quyết định thuê ngoài sản xuất chip sau nhiều lần liên tiếp trễ hẹn với tiến trình sản xuất chip mới.
Tuy vậy, sớm nhất cũng phải đến 2023, các con chip Intel do công ty Đài Loan sản xuất mới ra mắt trên thị trường. Cũng theo các nguồn tin này, chúng sẽ được sản xuất dựa trên tiến trình đang được áp dụng cho các khách hàng khác của TSMC.
Trong khi đó, việc thảo luận với Samsung mới chỉ ở giai đoạn sơ bộ và chưa đi vào cụ thể.
Video đang HOT
Trước đó, ông Bob Swan, CEO Intel cũng từng nói với các nhà đầu tư về kế hoạch thuê ngoài sản xuất chip và đưa công nghệ sản phẩm của Intel trở lại quỹ đạo. Dù từng là người đi đầu thế giới về công nghệ sản xuất chip, nhưng sau nhiều lần trì hoãn ra mắt các tiến trình mới, hiện Intel đang đi sau các đối thủ cạnh tranh cả về công nghệ chip cũng như hiệu năng.
Các công ty như AMD và Apple đều đang tạo nên các con chip theo thiết kế riêng của họ bằng các tiến trình sản xuất mới nhất của TSMC. Do vậy, họ đang đặt Intel vào áp lực cạnh tranh gay gắt buộc công ty phải đưa ra các thay đổi vào phút cuối cho lộ trình sản phẩm, làm phức tạp thêm quá trình ra quyết định.
Trong hội nghị vào tháng 10 vừa qua, CEO Bob Swan cho biết: ” Chúng tôi có một dòng sản phẩm tuyệt vời khác vào năm 2022, và tôi ngày càng tự tin vào khả năng dẫn đầu trong các sản phẩm vào năm 2023, sẽ dựa trên tiến trình 7nm của Intel hoặc của một nhà sản xuất bên ngoài, hoặc kết hợp của cả hai. ”
Trong khi Intel đã từng thuê ngoài sản xuất chip trước đây, nhưng chỉ dành cho các chip cấp thấp của họ, còn đối với các chip tốt nhất của mình, công ty vẫn tự sản xuất và xem nó như thế mạnh cạnh tranh. Các kỹ sư của họ thường thiết kế chip dựa trên tiến trình sản xuất của công ty, điều này khiến việc thuê ngoài sản xuất các chip cao cấp chưa từng được nghĩ đến trước đây.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Jim Keller, các nhà thiết kế chip Intel đã chuyển sang cách tiếp cận được module hóa nhiều hơn. Điều này mang lại tính linh hoạt để công ty có thể tự sản xuất chip hoặc thuê ngoài. Tuy nhiên, ông Keller đã rời Intel vào năm ngoái, trong khi các đối thủ như AMD và Apple vẫn đang tiếp tục vượt lên trước về công nghệ khi thuê TSMC gia công chip cho mình.
Thay đổi về chiến lược của Intel diễn ra vào thời điểm đang bùng nổ nhu cầu và công nghệ đối với ngành công nghiệp chip. Phương pháp thu nhỏ chip truyền thống đang bị gạt ra bởi các kỹ thuật tinh vi hơn như chồng chất bộ xử lý và bộ nhớ trong một con chip duy nhất, cũng như các bộ xử lý tùy chỉnh riêng cho các tác vụ như đồ họa, trí tuệ nhân tạo, mã hóa.
Cổ đông lớn yêu cầu Intel chia tách sản xuất và thiết kế chip để đối phó AMD, Apple
Thậm chí cổ đông này còn đe dọa, nếu Intel không cải tổ, họ sẽ đưa người vào ban quản trị công ty để thực hiện điều đó.
Theo Reuters, quỹ phòng hộ Third Point LLC đang thúc giục người khổng lồ sản xuất chip Intel tạo ra một thay đổi mạnh mẽ nhằm đáp trả lại các mối đe dọa từ hàng loạt công ty, bao gồm Microsoft, Amazon, Apple, AMD, TSMC và Samsung.
Trong những năm gần đây, năng lực tự sản xuất chip của Intel đã gặp khó khăn trong việc cung cấp các con chip mà khách hàng của họ cần, với nhiều sản phẩm đi sau các đối thủ về tốc độ và mức tiêu thụ năng lượng. Trong khi năm 2020 vẫn mang lại các kết quả kinh doanh tích cực cho Intel nhờ doanh số laptop tăng vọt, công ty đang không bắt kịp được nhu cầu của toàn ngành bán dẫn và đang đối mặt với việc đánh mất khách hàng, như Apple, công ty đã chuyển sang sử dụng chip tự thiết kế để thay thế cho Intel.
Trong bức thư gửi chủ tịch Intel, Omar Ishrak, quỹ Third Point kêu gọi phải có "hành động khẩn cấp" để cấu trúc lại và tìm kiếm các chiến lược kinh doanh thay thế. Đầu tiên, Third Point yêu cầu Intel phải giải quyết ngay " vấn đề quản trị nguồn nhân lực " của công ty. Nhiều nhà thiết kế chip tài năng của Intel được cho đã rời khỏi công ty vì " nản lòng với tình trạng hiện tại ", điều đã kìm hãm sự sáng tạo của họ.
Bức thư nhấn mạnh rõ ràng rằng Intel đã đánh mất vị thế dẫn đầu của mình trong khả năng sản xuất vi xử lý vào tay TSMC và Samsung, cũng như đánh mất luôn cả các thị phần quan trọng trên thị trường PC và trung tâm dữ liệu vào tay AMD. Công ty cũng bị chỉ trích vì vắng bóng trên các thị trường mới nổi như trí tuệ nhân tạo. Bức thư cho biết, " Nếu không có các thay đổi ngay lập tức tại Intel, chúng tôi e sợ rằng khả năng tiếp cận đến nguồn cung bán dẫn hàng đầu của nước Mỹ sẽ bị ăn mòn. "
Ông Johny Srouji, người đứng đầu bộ phận thiết kế chip của Apple, từng là người của Intel.
Third Point khuyến khích Intel cân nhắc việc chia tách các bộ phận thiết kế và sản xuất chip, và tìm đến những nhà sản xuất bên ngoài để gia công - cách làm này đang giúp AMD vượt trước Intel về kiến trúc và tiến trình sản xuất chip. Công ty cũng được khuyến cáo nên loại bỏ các thương vụ sáp nhập thất bại, như vụ mua lại hãng Altera với giá 16,7 tỷ USD vào năm 2015.
Không chỉ Apple, nhiều khách hàng lớn của Intel, bao gồm cả Microsoft và Amazon hiện đang bắt đầu sử dụng chip tự thiết kế để thay thế cho chip Intel. Third Point bày tỏ lo ngại rằng, các chip tự thiết kế này sau đó sẽ được sản xuất bởi các công ty gia công chip ở châu Á. Do vậy, Intel sẽ phải đưa ra các giải pháp mới để giữ chân khách hàng lớn của mình, nếu không muốn họ tìm đến các nhà sản xuất khác.
Chia tách bộ phận thiết kế và sản xuất chip có thể giúp Intel giải quyết một số mối đe dọa mà họ đang đối mặt. Tìm đến các nhà gia công chip bên ngoài để sản xuất các bộ xử lý tiên tiến nhất của mình - một bước đi mà các giám đốc Intel luôn cực lực phản đối - có thể giúp giảm chi phí sản xuất và tiếp cận được các tiến trình công nghệ mới. Hơn nữa, việc mở cửa cơ sở sản xuất chip của Intel cho các đối tác bên ngoài có thể cho phép họ sản xuất các bộ xử lý tùy chỉnh mà khách hàng của họ đang cần.
Tuy vậy, Intel thường bị xem là chậm chạp trong việc đáp ứng các mối lo ngại của những nhà đầu tư. Do đó, bức thư của Third Point còn nhấn mạnh rằng nếu cổ đông này cảm thấy " sự miễn cưỡng trong việc hợp tác để giải quyết các mối lo ngại ", họ sẽ đề cử ứng viên vào ban quản trị Intel trong cuộc họp hàng năm tới đây. Hiện tại Third Point được cho đang nắm giữ khoảng 1 tỷ USD cổ phần Intel, một vị trí mà họ có thể thực hiện những thay đổi này nếu cần.
Mỹ quyết chặn tham vọng bá chủ công nghệ toàn cầu của Trung Quốc Trung Quốc đã tin tưởng vào các nhà sản xuất chip lớn nhất của mình để giảm sự phụ thuộc vào Intel và Samsung, nhưng tham vọng đó đang dần bị sụp đổ sau những quyết định cứng rắn gần đây của chính quyền Mỹ. Quan hệ Trung - Mỹ vẫn chưa có chút chuyển biến sau hàng loạt động thái gần đây...