Bị cắt giảm đãi ngộ, giáo viên dạy học sinh dân tộc gặp khó
Tháng 4/2019, Quyết định số 21/2019/QĐ-UBND ngày 25/3/2019 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc bãi bỏ chế độ đãi ngộ cho giáo viên dạy học sinh người dân tộc, bắt đầu có hiệu lực.
Sau khi thi hành quyết định trên, giáo viên các trường ở vùng sâu, vùng xa huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, đã gặp không ít khó khăn về cuộc sống, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Cách trung tâm thành phố khoảng 30 km, trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) có 234 học sinh, trong đó 61 em là người dân tộc, với 23 cán bộ, giáo viên. Sau khi quyết định số 21/2019/QĐ-UBND có hiệu lực, chế độ đãi ngộ thêm cho giáo viên dạy học sinh dân tộc đã bị giảm từ 70% số lương xuống còn 35% số lương.
Không khí lớp học của trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang).
Gần 20 năm giảng dạy tại trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, thầy giáo Trần Ngọc Thành, Tổng phụ trách Đoàn – Đội trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Hiện có 95% cán bộ, giáo viên từ vùng khác (đa số là trung tâm thành phố) dạy tại trường. Để kịp giờ dạy học, các giáo viên phải đi làm sớm hơn một giờ và ở lại đến chiều tối mới về nhà. Công việc gia đình, chăm sóc con đều khó quán xuyến được, với mức lương hiện tại cũng không thể trang trải cuộc sống cho gia đình.
Nói về những khó khăn khi giảng dạy ở trường, cô Mai Thị Dung, giáo viên môn sinh học, trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương cho hay: Trường nằm ở địa bàn xa, đường giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa con đường đến trường thường xuyên bị chia cắt, ngập úng, giáo viên phải vượt qua quãng đường dài lầy lội, gồ ghề, nhiều đoạn đường phải lội bộ qua.
Ngoài ra, việc dạy cho các học sinh người dân tộc thường phải tốn nhiều công sức, thời gian hơn, có trường hợp học sinh không chịu đi học, giáo viên phải đến tận từng nhà để động viên, vận động học sinh đến trường đầy đủ. Theo cô Mai Thị Dung, giáo viên dạy ở trường đa số là những người đam mê, tâm huyết với nghề, thương yêu học sinh, nhiều giáo viên đã phải hy sinh lợi ích cá nhân để tiếp tục đứng lớp.
Thầy Phạm Minh Vũ, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương tâm sự: Khi bị cắt giảm chế độ ưu đãi dạy học sinh dân tộc, tinh thần giáo viên ít nhiều bị ảnh hưởng. Các giáo viên ở trường sống chủ yếu dựa vào lương, trong khi đó dạy ở vùng sâu, vùng xa phải chi tiêu cao hơn so với đồng bằng.
Theo thầy Phạm Minh Vũ, việc cắt giảm chế độ dạy học sinh dân tộc cũng ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng. Đặc biệt, giáo viên mới ra trường có mức lương rất thấp. Nhiều giáo viên đã bỏ việc vì lương không đủ trang trải cuộc sống.
Cùng nằm trên địa bàn xã Hòa Bắc, giáo viên của trường Tiểu học Hòa Bắc chung hoàn cảnh khó khăn khi bị cắt giảm chế độ. Hiệu trưởng trường Tiểu học Hòa Bắc, thầy Nguyễn Thọ chia sẻ: Trường có 88 học sinh dân tộc thiểu số, với 20 cán bộ, giáo viên. Do điều kiện khó khăn, khoảng cách xa trung tâm nên nhiều giáo viên hợp đồng không thể gắn bó lâu với trường.
Video đang HOT
Từ đầu năm học mới, trường thiếu hai giáo viên dạy thời vụ, tuy đã thông tin, đăng tuyển trên các trang mạng, nhưng chưa có người ứng tuyển. Theo thầy Nguyễn Thọ, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa phải chịu nhiều áp lực của cuộc sống, nếu không được hưởng ưu đãi thêm thì sẽ khó gắn bó với nghề, chất lượng giảng dạy cũng sẽ không được đảm bảo.
Bà Hồ Quỳnh Trang, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang có tổng cộng 6 trường (2 Mầm non, 2 Tiểu học, 2 Trung học cơ sở) thuộc hai xã Hòa Bắc và Hòa Phú, có học sinh dân tộc Cơ Tu đang theo học, với 106 cán bộ, giáo viên.
Mặc dù hai xã Hòa Phú, Hòa Bắc không nằm trong quy định là xã miền núi, nhưng thực tế hai khu vực này là vùng đồi núi xa xôi của huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng), điều kiện đi lại của cán bộ, giáo viên vô cùng khó khăn, đa phần giáo viên từ nơi khác đến công tác giảng dạy. Trong khi đó, các chế độ phụ cấp giảm nên nhiều giáo viên xin thuyên chuyển về gần nhà, dẫn đến đội ngũ giáo viên thường xuyên biến động.
Theo bà Hồ Quỳnh Trang, trước mắt Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hòa Vang tăng cường động viên đội ngũ giáo viên của các trường yên tâm công tác. Đồng thời, Phòng cũng tham mưu UBND huyện có văn bản đề nghị Hội đồng nhân dân và UBND thành phố Đà Nẵng tiếp tục có cơ chế hỗ trợ riêng cho cán bộ, giáo viên trực tiếp làm công tác dạy học cho học sinh dân tộc và đang chờ ý kiến chỉ đạo của thành phố.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng Lê Thị Bích Thuận cho biết, đối với việc cắt giảm chế độ của giáo viên đứng lớp học sinh dân tộc ở huyện Hòa Vang, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục nghiên cứu đề xuất phương án hỗ trợ phù hợp để trình UBND thành phố xem xét.
Văn Dũng
Theo TTXVN
Nâng chất giáo dục dân tộc: Đòi hỏi tất yếu từ đội ngũ
Việc bồi dưỡng phát triển đội ngũ GV người dân tộc cần được đặt ra như nhiệm vụ trọng tâm để phù hợp với giáo dục vùng miền, đồng thời đáp ứng yêu cầu giáo dục hiện đại.
Cần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ GV người DTTS.
Khó bó khôn
Có thể thấy ngoài những đặc điểm chung của đội ngũ GV, giáo viên tiểu học dân tộc thiểu số (GVTH DTTS), mang những đặc điểm khác biệt bởi tính chất đặc thù.
Tại Hội thảo Quốc tế "Phát triển đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông" do Trường ĐHSP Hà Nội tổ chức, TS Trần Thị Yến - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã có tham luận và chỉ ra rằng: Về cơ bản, GVTH người DTTS đạt chuẩn đào tạo theo cấp học nên họ là đội ngũ có tri thức, kiến thức, hiểu biết về phong tục tập quán, truyền thống, văn hóa của dân tộc mình và dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Sự hiểu biết này giúp ích cho họ rất nhiều trong chuyên môn và dạy học. Tuy nhiên, trình độ đào tạo ban đầu của GVTH người DTTS với phương thức tuyển sinh sư phạm khác nhau nên kết quả đầu ra thiếu tương đồng về chất lượng.
Mặt khác, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, để đáp ứng mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học, xóa mù chữ trên toàn quốc, ở vùng DTTS xuất hiện nhiều hình thức đào tạo cấp tốc, "cắm bản" như: Các hệ đào tạo 5 3 tháng; 9 3 tháng; 12 6 tháng... Đây là khó khăn cho việc hoàn thành sứ mệnh giáo dục thế hệ trẻ ở vùng DTTS.
Cùng đó, vùng DTTS và miền núi thường có địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, với thiên tai khôn lường... Dân cư thưa thớt khiến các lớp học điểm lẻ quá sâu, quá xa so với điểm trường chính. Các GVTH người DTTS thường đảm trách những lớp học điểm lẻ này và như vậy làm hạn chế việc học hỏi nâng cao năng lực nghề nghiệp.
Nhiệm vụ bồi dưỡng đội ngũ, yêu cầu chuẩn hóa được ngành Giáo dục quan tâm rất nhiều. Song vẫn thật khó để đạt được sự tương ứng giữa chuẩn trình độ đào tạo và chuẩn nghề nghiệp. Mặc dù chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước tạo cơ hội và điều kiện để phát triển GVTH người DTTS song sự chênh lệch về kiến thức và năng lực đầu vào (đào tạo) và đầu ra (sau đào tạo trở thành GV) của GV là khác nhau; trình độ đào tạo ban đầu, điều kiện môi trường giáo dục khác nhau sẽ là những thách thức đối với chất lượng GVTH DTTS.
Ảnh minh họa/ Internet
Đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
Hiệu quả tự học phụ thuộc nhiều vào việc tạo điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, tài liệu, bầu không khí sư phạm tập thể; đặc biệt là vai trò định hướng về nội dung cần học cho GV người DTTS của CBQL, là nhu cầu tự bồi dưỡng và hình thành động lực tự bồi dưỡng của GV người DTTS...
Để quá trình đổi mới giáo dục diễn ra hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, việc phát triển đội ngũ GVTH người DTTS đạt chuẩn về chất lượng là đòi hỏi tất yếu. Và chỉ thông qua đào tạo và bồi dưỡng mới có thể nâng cao chất lượng đội ngũ.
Nhìn nhận về vấn đề này, TS Trần Thị Yến đưa ra một số đề xuất. Trước hết, đào tạo GVTH người DTTS cần được nâng chuẩn về nội dung, đồng thời căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp để đào tạo phù hợp, tương xứng. Mặt khác, các trường sư phạm cần nghiên cứu đưa vào nội dung, chương trình đào tạo đặc thù như: Dạy học trong môi trường đa văn hóa; tiếng dân tộc; chuyên đề phương pháp dạy học đặc thù cho HS dân tộc...
Nội dung đào tạo đối với GV dạy ở vùng DTTS trong các trường sư phạm cần phản ánh những vấn đề trên trong mối liên hệ với thực tiễn giáo dục ở từng vùng DTTS.
Người làm công tác đào tạo GV và đội ngũ CBQL cũng cần được đào tạo và cần sự trợ giúp trong cách tiếp cận với những nội dung giáo dục đặc thù.
Phương pháp và hình thức đào tạo cần gắn với nhà trường và tăng tính thực hành trong các nhà trường. Vì đối tượng GV người DTTS được đào tạo là những người đang thực hiện giảng dạy ở các nhà trường tiểu học, do đó thời gian đào tạo cũng được đặc biệt quan tâm. Cần sử dụng các hình thức đào tạo phù hợp.
Theo TS Trần Thị Yến, trong việc bồi dưỡng lĩnh vực kiến thức theo chuẩn nghề nghiệp đáp ứng đủ 5 yêu cầu và 20 tiêu chí được quy định ở lĩnh vực này. Chú trọng bồi dưỡng các kiến thức về dạy học tích hợp ở một số môn học; văn hóa dân tộc; dạy học trong môi trường đa văn hóa; đồng thời bồi dưỡng kiến thức ở một số môn học tự chọn (tiếng Anh, tiếng dân tộc...), bồi dưỡng kiến thức tâm lý sư phạm; quan tâm đến tâm lý HS người DTTS vừa đáp ứng theo chuẩn nghề nghiệp vừa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục....
Phương pháp và hình thức bồi dưỡng hiệu quả nhất đối với GVTH người DTTS đó là "nghiên cứu bài học". Đây là hình thức bồi dưỡng tại chỗ theo đơn vị trường học lấy tập thể sư phạm từng trường TH làm nòng cốt, như là "tế bào" của hoạt động bồi dưỡng GV.
Mặt khác, với những GV mới ra trường và GV còn yếu có thể bồi dưỡng qua kèm cặp, rèn nghề. BGH các nhà trường cùng với tổ/khối trường sẽ phân công GV cốt cán có tay nghề vững vàng, có kinh nghiệm trực tiếp hướng dẫn từ soạn bài đến lên lớp.
TS Trần Thị Yến cũng khẳng định: Do yêu cầu đổi mới giáo dục đòi hỏi người GV phải tự bồi dưỡng là chính, tự thân vận động chiếm lĩnh tri thức để có thể giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trong công tác của mình.
Tuy nhiên, với đội ngũ GVTH người DTTS, vấn đề tự bồi dưỡng còn khó khăn. GV còn thiếu thông tin, sách báo và ít có cơ hội giao tiếp với bên ngoài hoặc trong cộng đồng... Do vậy, hình thức GV tự học, tự bồi dưỡng nên bắt đầu từ việc tổ chức giải đáp những thắc mắc qua thực tế dạy học theo nhóm và từng GV.
Đức Trí
Theo Dân trí
Giáo viên "cắm bản" lặn lội rừng sâu tìm trò Chuyện giáo viên phải vào tận bản để vận động và đón trò đến trường là việc quá đỗi quen thuộc với những giáo viên cắm bản ở xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình. Dịp này, khi vào vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi còn chứng kiến nhiều câu chuyện "hy hữu" khi giáo viên phải...