Bị cấm, trường tiểu học vẫn giao bài tập về nhà
Dù đã có quy định không được giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học, các em vẫn “è cổ” vì bài tập về nhà.
Chị Trần Thị Hà (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có con năm nay học lớp 2 trường Tiểu học Dịch Vọng B, chia sẻ bé không thoát việc bị giao bài tập về nhà dù lượng bài tập cũng chỉ ở mức độ vừa phải.
Hôm nào cũng có bài tập về nhà
“Hôm nào cũng có bài tập về nhà. Cô thường giao 1 bài toán, 2 trang viết, một đoạn thơ. Nhưng mình cũng không ép con, nếu con kêu mệt thì mình cũng cho nghỉ làm bài tập. Mỗi ngày mình chỉ cho con học trong vòng 30 phút, kể cả chưa xong bài cũng nghĩ. Sau đó cho con đọc những sách truyện ưa thích”, chị Hà nói.
Nhiều trường tiểu học vẫn giao bài tập về nhà cho học sinh. Ảnh: Vietnamnet.
Có con đang học lớp 3, chị Nguyễn Dung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay bé nhà chị được cô giao khá nhiều bài tập về nhà. Tuy nhiên, việc giao bài này lại là do các phụ huynh đề nghị cô.
“Cô giáo cháu cũng thường xuyên hỏi phụ huynh các con có bị quá tải bài tập không. Tuy giao bài nhưng cô cũng nói là để các con tự làm, bài nào khó không làm được thì để đó. Cháu nhà tôi làm chậm nên mỗi tối mất khoảng 2 giờ đồng hồ để làm bài tập, cũng có hôm ngồi đến khuya mới xử lý xong”, chị Dung kể.
Chị Vũ Thúy Ngân có con học lớp 3 tại một trường tiểu học ở quận Hà Đông, Hà Nội cũng cho biết con vẫn có bài tập về nhà tuy không nhiều.
“Khi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo hỏi ý kiến phụ huynh nếu đồng ý sẽ giao thêm bài cho các con thì cô mới giao. Số lượng bài tập mỗi ngày cũng không quá nặng. Cô cũng bảo các con học cả ngày ở lớp cũng vất vả rồi nên về nhà nghỉ ngơi là chính”, chị Ngân nói.
Tuy nhiên, chị Ngân cho hay hàng xóm nhà chị có cháu bé học lớp chọn thấy học hết cả tối mà vẫn không hết bài.
Còn anh Nguyễn Ngọc Khôi, quận Long Biên, Hà Nội bày tỏ: “Bé nhà mình thì không bị giao nhiều bài tập về nhà, nhưng do cháu không hoàn thành bài tập trên lớp nên về nhà phải làm nốt”.
Phụ huynh thêm gánh nặng cho con
Ngoài những bài tập do cô giáo ra, bản thân nhiều phụ huynh đang lấy đi những giây phút thảnh thơi của con bằng việc tự giao bài tập cho con.
Video đang HOT
Đang học lớp 2, một trường tiểu học ở quận Thủ Đức, TP.HCM, tối nào bé Huyền Anh cũng phải làm bài tập về nhà. Thông thường bài tập bé làm là đọc lại bài học đã học ở lớp, làm các phép tính đơn giản với con số dưới hai chữ số, thỉnh thoảng xem bài trước. Nhưng điều bất ngờ là sau khi làm xong những bài này, bé sẽ làm những bài tập mà bố mẹ tự ra, những bài tập này còn nhiều hơn cả bài cô giáo ra.
Chị Lam – mẹ bé – thừa nhận “bài của cô giáo ra rất nhẹ nhàng, cháu chỉ mất 30 phút là hoàn thành. Vì vậy tôi ra thêm cho cháu mấy bài”.
Theo chị, dù ra bài cho con, câu hỏi cũng tương tự như bài cô giáo ra, chỉ là thay đổi con số, chữ cái, số lượng tuy có nhiều hơn một chút nên không làm khó bé.
“Mục đích của tôi là giúp con phải nắm vững kiến thức, học ở trường mà về nhà không học thì cũng nhanh quên lắm. Ngày xưa, các cụ chả nói ‘văn ôn võ luyện’ còn gì. Mình chỉ ra bài phù hợp và tính toán thời gian phù hợp với con là được”, chị Lam cho biết.
Tương tự, ngày nào bé Bin con chị Thảo đang học lớp 4 tại quận 10, TP.HCM cũng phải làm bài tập về nhà gồm viết từ mới, từ khó, làm bài toán, cộng trừ nhân chia. Cháu bé làm riết thành thói quen. Buổi tối ăn cơm xong, xem chương trình thiếu nhi 30 phút, hơn 7h tối là tự động ngồi vào bàn học bài làm bài tới 9h đi ngủ.
Để có “lịch trình” như vậy ngày nào chị Thảo cũng tự ra bài tập cho con vì cô giáo ra bài quá ít, không đủ để con rèn luyện.
“Có ra bài cho con thì mới rèn con vào quy củ được, mấy bài ở trường bé làm một loáng là xong, xong rồi lại chơi sẽ quen ngay”. Cứ vậy, con chị Thảo ngày nào cũng có bài, hết bài cô giáo dặn rồi tới bài mẹ ra.
Trong khi đó, anh Đức Nam, một phụ huynh ở quận 3, TP.HCM nhận định, có thể đồng tình bất cứ việc gì nhưng việc cấm giao bài tập về nhà cho học sinh thì anh không đồng tình.
Theo anh Nam, “nếu học sinh chỉ học ở trường rồi về nhà chơi thì không ổn, phải cho các cháu thói quen học tập và tự học. Muốn vậy dù ít nhiều phải có bài tập về nhà”.
Còn chị Thu Quỳnh, phụ huynh bé ở quận 10 kể lại câu chuyện của đồng nghiệp mà chị chứng kiến. “Tôi chỉ ra cho con mấy bài ngắn gọn, chủ yếu kéo dài thời gian cho con thêm 15 hay 20 phút học bài. Còn đồng nghiệp của tôi ra nhiều bài lắm. Có hôm, chị ấy ngồi viết một loạt từ mới tiếng Anh, rồi bắt con phải chép đến 4 trang giấy mới cho nghỉ”.
Theo chị Quỳnh, nhiều lý do để học sinh phải làm bài tập về nhà, nhưng mẫu chốt là chương trình.
“Tôi nghĩ giáo viên cũng không muốn ra bài đâu, nhưng vì chương trình khá nặng, nếu học sinh không hiểu thì chỉ còn cách ra về nhà cho các cháu học lại. Còn phụ huynh chúng tôi thì luôn sợ con không hiểu bài, theo kịp bài giảng”.
Theo Thanh Hùng – Tuệ Minh/ Vietnamnet
Dạy thêm, học thêm: Tự nguyện hay mánh khóe?
Lãnh đạo nhiều trường học tại TP.HCM cho biết họ sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo "tự nguyện" dạy thêm.
Thầy Lâm Triều Nghi - Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TP.HCM) - cho biết việc thành phố cấm hoặc không cấm dạy thêm trong trường không ảnh hưởng gì tới trường ông.
Ông Nghi cho hay sau Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT về quản lý dạy thêm, học thêm ban hành năm 2012 và quyết định 21 của UBND thành phố ban hành năm 2014 về quản lý dạy thêm, học thêm, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã ngưng hoàn toàn việc dạy thêm.
Lý do ngưng hoàn toàn dạy thêm là trường thực hiện dạy hai buổi một ngày.
Dù "tự nguyện" cũng kiên quyết không dạy
Hiện nay, thành phố cho phép học thêm trong trường, nhưng nếu học sinh có nhu cầu học, trường sẽ đưa vào dạy trong buổi hai, chứ không tổ chức dạy thêm.
Học sinh có nhu cầu về học môn nào, sẽ được sắp xếp học buổi hai vào những lớp phù hợp. Vì học sinh đã học tới 9 buổi trong tuần.
Ông Nghi cho biết thêm trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa có trung tâm văn hóa ngoài giờ nhưng đã đóng cửa. Dù thành phố đã có quy định mới nhưng sẽ không "tơ tưởng" đến chuyện dạy thêm.
"Trường chúng tôi ở trung tâm thành phố, nếu làm gì người dân đều kiểm chứng được" - ông Nghi nói.
Hiệu trưởng một trường ở quận Bình Thạnh cũng cho hay 3 tháng trước, trường chấp hành chỉ đạo cấm dạy thêm, học thêm của thành phố nên đã trả lại tiền dạy thêm cho học sinh.
Nay thành phố đã cho phép tổ chức học thêm, dạy thêm trong trường nhưng trường vẫn không tổ chức vì đã được nâng lên học 2 buổi một ngày.
"Khi trả lại tiền học thêm cho học sinh, chúng tôi đã xin phép dạy hai buổi một ngày. May mắn trong 17 trường xin lên hai buổi đợt vừa qua chúng tôi đã được nâng lên. Vì vậy chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm việc trường học hai buổi chứ không dạy thêm" - ông Hùng thông tin.
Theo ông Hùng, dù "gió đã xoay chiều" nhưng trường kiên quyết không dạy thêm mà thực hiện dạy buổi một, buổi hai. Những hoạt động ngoài giờ, hướng nghiệp cũng sẽ nằm trong buổi hai. Với những học sinh học kém hơn, trường dạy phụ đạo không thu tiền.
Phụ huynh đưa con đến trường.
Ông Lê Kim Giang - Hiệu trưởng trường THCS Bàn Cờ (quận 3, TP.HCM) - tiết lộ đến thời điểm này không có phụ huynh hay học sinh nào đăng ký học thêm vì trường thuộc diện học 2 buổi một ngày.
"Từ lâu, chúng tôi đã rất nghiêm túc thực hiện thông tư 17 của Bộ GD&ĐT và quyết định 21 của thành phố. Nếu phụ huynh đăng kí chúng tôi cũng không tổ chức học".
Tự nguyện nhưng rất "mánh khóe"
Một hiệu trưởng tại quận Tân Phú tiết lộ quy định của thành phố áp dụng theo thông tư 17 và quyết định 21, những trường học hai buổi, không được dạy thêm. Trên cơ sở "tự nguyện", nhiều trường sẽ rất "mánh khóe" để học thêm.
"Các trường hiện nay đều rất thông minh. Chỉ ba tháng thành phố cấm không được dạy thêm trong nhà trường, đồng loạt các trường đều xin lên dạy hai buổi/ngày.
Hiện nay gần như 100% các trường trong thành phố đều dạy hai buổi/ngày. Nhưng khi thành phố cho dạy thêm trong trường, nhiều trường đã có ý định xin từ bỏ dạy hai buổi về dạy một buổi để dạy thêm.
Đây là biện pháp hô hào xung phong cho đã, nhưng lại núp mai phục, chưa kể nhiều trường có biện pháp 'tự nguyện' theo kiểu bắt buộc" - thầy hiệu trưởng nhận định.
Theo thầy, việc dạy thêm liên quan đến quyền lợi, lợi ích của hiệu trưởng và nhà trường. Trường được dạy thêm, học thêm hiệu trưởng sẽ tự chủ, tự thu, tự chi, tiền bạc rất nhập nhằng.
Nếu học hai buổi một ngày, trường chỉ được phép thu cào bằng từ 200-300 một em mỗi tháng, việc quản lý thu chi theo quy định của sở. Vì vậy, các trường đương nhiên sẽ thích dạy thêm, học thêm vì đây là một khoản lợi khổng lồ.
Một hiệu trưởng khác cho rằng "nếu "tự nguyện" học thêm, dạy thêm đúng nghĩa, minh bạch, thành phố không phải ban hành lệnh cấm như vừa qua. Vụ lợi từ dạy thêm là bệnh của hệ thống giáo dục, chỉ còn cách quản lý hoặc "sống chung với lũ".
Ông Đỗ Minh Hoàng - chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM - cho biết đối với trường học hai buổi một ngày sẽ không được dạy thêm dù có "tự nguyện" đến mức nào.
"Theo quyết định 21 của UBND thành phố, các trường muốn tổ chức dạy thêm, học thêm phải được cấp phép. Ở những trường này nếu học sinh 'tự nguyện' đăng ký đúng nghĩa cũng không được Sở cấp phép tổ chức dạy thêm.
Đối với những trường đang học một buổi một ngày, nếu học sinh có nhu cầu học thêm phải chờ hướng dẫn của Sở. Vì ủy ban nhân dân thành phố vừa ban hành quy mới nên sắp tới Sở sẽ ra hướng dẫn cụ thể, nhưng sẽ không gấp gáp" - ông Hoàng cho biết.
Về việc "tự nguyện học thêm" như thế nào, ông Hoàng cho biết tự nguyện là ai có nhu cầu học, thích học thì đăng ký; ai không có nhu cầu, không học thì thôi. Trường nào nếu có biện pháp tự nguyện theo kiểu áp đặt, sẽ xử lý nghiêm.
Theo Lê Huyền / Vietnamnet
Một giáo viên ở TP.HCM bị kỷ luật vì vi phạm dạy thêm Ngày 24/9, một giáo viên của trường tiểu học Bành Văn Trân (quận Tân Bình, TP.HCM) bị khiển trách do tổ chức dạy, học thêm. Đã có lệnh cấm dạy thêm, học thêm với học sinh tiểu học nhưng theo phản ánh của phụ huynh, cô Đ.N. - giáo viên tiếng Anh trường tiểu học Bành Văn Trân - vẫn tổ chức luyện...