Bị buồng trứng đa nang có cơ hội làm mẹ không?
Hội chứng buồng trứng đa nang ( PCOS) là một căn bệnh ảnh hưởng đến hệ thống sinh sản và hệ thống nội tiết của phụ nữ, tức là hệ thống điều chỉnh sự tiết hormone.
Hội chứng này xảy ra khi người phụ nữ sản sinh ra nhiều hormone nam hơn bình thường.
Có rất nhiều phụ nữ mắc chứng buồng trứng đa nang không phải lúc nào cũng nhận thức được đầy đủ ý nghĩa y tế của tình trạng sức khỏe này.
1. Nỗi lo của phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang
Buồng trứng đa nang là sự thay đổi số lượng nang trứng thông thường trong buồng trứng và hầu hết sự thay đổi này không được chú ý vì nó không có triệu chứng.
Ở một số phụ nữ, buồng trứng đa nang thường gây ra chu kỳ kinh nguyệt không đều và rụng trứng đau đớn, tình trạng này có thể giải quyết bằng phương pháp điều trị nội tiết tố để giúp khôi phục hoạt động bình thường của hệ thống sinh sản nữ.
Hầu hết phụ nữ đều mong muốn và mong muốn có con. Nhưng những phụ nữ mắc bệnh mạn tính như hội chứng buồng trứng đa nang thường lo lắng về việc sinh con, bao gồm cả việc liệu họ có thể mang thai hay không.
Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thường lo lắng về khả năng mang thai của họ.
Trong một nghiên cứu gần đây của Đại học Monash, phụ nữ mắc buồng trứng đa nang tham gia vào một nhóm thảo luận trực tuyến, chia sẻ về mối quan tâm về việc mang thai, những gì nên làm để cải thiện cơ hội mang thai, các thông tin về khả năng sinh sản và PCOS…
Nỗi lo lớn nhất của những phụ nữ mắc buồng trứng đa nang là liệu họ có thể mang thai hay không. Họ cũng muốn biết cách chuẩn bị tốt nhất cho việc mang thai và những gì họ nên làm trước khi cố gắng thụ thai. Họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin cập nhật, phù hợp và đáng tin cậy.
2. Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang có cơ hội được làm mẹ không?
Đây là câu hỏi lớn được hầu hết phụ nữ quan tâm. Câu trả lời ngắn gọn là có nhưng việc này có thể khó khăn hơn do rụng trứng không đều đặn. Tiến sĩ Lindsay Drew, bác sĩ phụ khoa tại Phòng khám Chăm sóc Đặc biệt Dartmouth Hitchcock ở Bedford, New Hampshire (Hoa Kỳ), giải thích: Sự rụng trứng thành công là cần thiết để có thai. Việc mang thai cũng thành công hơn khi giao hợp có thể được căn thời gian hợp lý xung quanh ngày rụng trứng, trong khi bệnh nhân mắc buồng trứng đa nang khó xác định được thời điểm này với độ dài chu kỳ kinh nguyệt khó đoán trước.
Với hội chứng buồng trứng đa nang, buồng trứng sản xuất quá nhiều nội tiết tố androgen hay còn gọi là nội tiết tố nam, kích thích nhiều nang trứng nhỏ phát triển và ngăn cản sự trưởng thành bình thường của một nang vượt trội sẽ tiếp tục giải phóng trứng trong quá trình rụng trứng.
Video đang HOT
Do sự mất cân bằng nội tiết tố này, phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thường có chu kỳ kinh nguyệt không đều vì họ không rụng trứng hoặc chỉ thỉnh thoảng rụng trứng. Vì vậy, họ thường gặp khó khăn trong việc thụ thai hơn những phụ nữ khác. Họ thường mất nhiều thời gian hơn để mang thai và có nhiều khả năng cần điều trị hỗ trợ sinh sản hơn những phụ nữ không mắc buồng trứng đa nang.
Theo ThS.BSCKII. Nguyễn Công Định – Giám đốc cơ sở 2, BV Phụ sản Hà Nội, hội chứng buồng trứng đa nang là nguyên nhân phổ biến gây vô sinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số gene nhất định có thể được liên kết với hội chứng buồng trứng đa nang.
Hầu hết phụ nữ mắc buồng trứng đa nang đều có nồng độ hormone luteinizing cao, gây rụng trứng và giảm mức độ hormone gọi là “hormone kích thích nang trứng”, rất cần thiết cho sự phát triển tuổi dậy thì và chức năng của buồng trứng ở phụ nữ.
Tiến sĩ Alexis P. Melnick, bác sĩ nội tiết sinh sản tại NewYork-Presbyterian/Weill Cornell Medicine ở Thành phố New York (Hoa Kỳ), cho biết, tỷ lệ mang thai rất khác nhau trong PCOS và phụ thuộc vào biểu hiện lâm sàng của hội chứng cũng như mức độ nghiêm trọng của nó. Nghiên cứu ước tính rằng khoảng 70 – 80% phụ nữ mắc buồng trứng đa nang phải đối mặt với chứng vô sinh.
3. Cách tăng cơ hội mang thai cho phụ nữ mắc buồng trứng đa nang
Bệnh buồng trứng đa nang không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nó có thể gây ra một số vấn đề trong quá trình rụng trứng và thường là giải quyết được bằng các can thiệp y tế. Khi bị buồng trứng đa nang, việc mang thai có thể phức tạp hơn một chút và phụ nữ mắc buồng trứng đa nang sẽ cần thêm trợ giúp y tế.
Đối với tất cả phụ nữ, việc có sức khỏe tốt nhất có thể trước khi kết hôn và mang thai sẽ làm tăng cơ hội mang thai và mang lại cho em bé sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống. Theo hướng dẫn quốc tế dựa trên bằng chứng để đánh giá và quản lý buồng trứng đa nang, áp dụng lối sống lành mạnh bao gồm duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc, cắt giảm rượu, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc là điều đầu tiên mà bất cứ phụ nữ nào cũng cần thực hiện để nâng cao cơ hội mang thai và sinh con khỏe mạnh.
Phụ nữ mắc buồng trứng đa nang cần đi khám chuyên khoa để có hướng dẫn chi tiết về quá trình thay đổi lối sống cũng như can thiệp y tế cần thiết để tăng khả năng thụ thai.
Đối với những phụ nữ mắc buồng trứng đa nang thừa cân hoặc béo phì, việc giảm cân vừa phải đôi khi dẫn đến rụng trứng thường xuyên hơn, làm tăng cơ hội mang thai. Đối với những người cảm nhận được sự rụng trứng của mình, nên quan hệ tình dục trong “thời kỳ dễ thụ thai” (5 ngày trước và bao gồm cả ngày rụng trứng) sẽ tăng cơ hội thụ thai.
Các phương pháp điều trị sinh sản cho buồng trứng đa nang sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng của từng bệnh nhân, mặc dù việc kích thích buồng trứng sẽ luôn cần thiết. Nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 70% phụ nữ mắc buồng trứng đa nang sử dụng thuốc kích thích rụng trứng cuối cùng sẽ sinh con. Chuyên gia sinh sản lưu ý rằng tất cả các loại thuốc này đều dẫn đến khả năng sinh đôi hoặc đa thai cao hơn. Sau đó, các cặp vợ chồng có thể lựa chọn thụ tinh nhân tạo (AI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI).
ThS. BSCKII. Nguyễn Công Định – Giám đốc cơ sở 2, BV Phụ sản Hà Nội
Việc điều trị buồng trứng đa nang thường dựa trên các yếu tố như thay đổi lối sống, giảm cân, tập thể dục và dùng thuốc. Tùy vào từng trường hợp bệnh nhân, các bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.
Để nhận được lời khuyên và hỗ trợ phù hợp, phụ nữ dự định mang thai nên kiểm tra sức khỏe trước khi mang thai với bác sĩ chuyên khoa. Đây cũng là cơ hội để thảo luận kế hoạch hành động trong trường hợp buồng trứng đa nang gây khó khăn cho khả năng sinh sản.
Bạn gái dễ vô sinh vì buồng trứng đa nang, ai có nguy cơ này?
Hội chứng này nhiều bạn gái mắc phải, gây nguy cơ vô sinh cao. Phải làm sao?
Nhiều bạn trẻ đăng ký tư vấn, khám hiếm muộn tại TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Số chị em gái mắc hội chứng buồng trứng đa nang đang có xu hướng tăng. Đang độ tuổi sinh sản, nhiều chị em lo lắng khi bị chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Ước tính có thể có khoảng 2 triệu phụ nữ Việt Nam mắc PCOS và có khuynh hướng ngày càng tăng.
PCOS gây ra nhiều vấn đề sức khỏe hiện tại và lâu dài cho người phụ nữ, trong đó đáng chú ý nhất là gây hiếm muộn, vô sinh, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường...
Trượt dài trong căng thẳng vì khó có thai
Thấy chu kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn 40 ngày, có khi cả hai tháng, chị N.B.C. (26 tuổi, TP.HCM) đến một phòng khám sản phụ khoa gần nhà thăm khám. Qua hình ảnh siêu âm, bác sĩ chẩn đoán buồng trứng của chị có thể bị đa nang vì có rất nhiều nang nhỏ li ti như tổ ong trong buồng trứng mà không có nang trội.
Sau siêu âm, bác sĩ xem xét thêm về cân nặng, vẻ bề ngoài, thói quen ăn uống và sinh hoạt của chị C., đồng thời cho biết để kết luận một người phụ nữ mắc PCOS cần làm thêm các xét nghiệm.
"Bác sĩ nói PCOS thường thấy ở những người quá mập, chân tay rậm lông, hay mọc mụn, rụng tóc và kèm hình ảnh siêu âm nhiều nang nhỏ trong buồng trứng. Họ khuyên tôi bước đầu phải hạn chế tối đa tinh bột, ăn uống đồ ngọt, tăng cường tập thể dục và không nên quá lo lắng", chị C. kể.
Sau hơn nửa năm chưa có tin vui, chị T.L. (30 tuổi) cũng cấn bầu dù mắc PCOS. Chị L. chia sẻ thời gian đầu bản thân trượt dài trong căng thẳng, áp lực vì đọc được những hệ quả của hội chứng này gây ra, nặng nhất là vô sinh.
Hay tin nhiều chị em cùng mắc PCOS cũng có con và với mức độ buồng trứng đa nang của mình ở thể nhẹ, chị L. nuôi thêm hy vọng. Sau thời gian ăn uống khoa học, ngủ nghỉ hợp lý, thả lỏng tâm trí, suy nghĩ tích cực, tăng tần suất quan hệ 2-3 lần/tuần thì gia đình chị L. cũng đón nhận tin vui.
Không may mắn như chị L., nhiều chị em phụ nữ mắc PCOS nặng phải can thiệp một số phương pháp như kích thích buồng trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hay thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) để có được con.
Điểm mặt các dấu hiệu
Hình ảnh siêu âm cho thấy buồng trứng có rất nhiều nang nhỏ - một trong những dấu hiệu chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang - Ảnh: BNCC
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường - tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP.HCM - cho biết PCOS là một rối loạn nội tiết thường gặp nhất ở phụ nữ trong tuổi sinh sản. Hội chứng có thể có nhiều căn nguyên phối hợp và biểu hiện lâm sàng, cận lâm sàng rất đa dạng.
Ước tính hơn 10% phụ nữ bị PCOS với nhiều mức độ khác nhau. Nhiều phụ nữ chưa được chẩn đoán, theo dõi và điều trị đúng mức. Việt Nam có thể có khoảng 2 triệu phụ nữ có PCOS và có khuynh hướng ngày càng tăng.
Phụ nữ có một hay các dấu hiệu sau thì nhiều khả năng mắc PCOS: chu kỳ kinh không đều, có thể bị ra huyết nhiều lần trong tháng, hay hơn 35 ngày đến vài tháng mới ra huyết một lần.
Bên cạnh đó thường có mụn trứng cá nhiều trên mặt hoặc lưng; có tình trạng rậm lông ở tay, chân, mặt hoặc rụng tóc nhiều, hói đầu; có giai đoạn tăng cân nhanh, dễ tăng cân và khó giảm cân...
Bác sĩ Lê Võ Minh Hương (Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM) cho hay nếu chị em phụ nữ chỉ tình cờ siêu âm thấy hình ảnh buồng trứng đa nang nhưng không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác (kinh thưa, vô kinh, hiếm muộn, rậm lông hoặc mụn trứng cá...) thì nhiều khả năng không mắc phải hội chứng này.
Khi kết luận mắc PCOS, bác sĩ Mạnh Tường cho rằng có các vấn đề trước mắt gây lo lắng cho chị em phụ nữ gồm: kinh không đều, khó có con, tăng cân nhiều, đôi khi trầm cảm, hay căng thẳng...
Phụ nữ bị PCOS khi có thai có thể gặp nhiều vấn đề trong thai kỳ hơn phụ nữ bình thường, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Do đó, phụ nữ PCOS khi có thai cần được theo dõi kỹ hơn. Em bé gái sinh ra từ mẹ bị PCOS khi lớn lên cũng có thể có nguy cơ PCOS cao hơn người bình thường.
Về lâu dài, khi trên 40 tuổi, phụ nữ bị PCOS có thể dễ bị một số bệnh khác như đái tháo đường, cao huyết áp, hội chứng chuyển hóa...
Nếu chị em phụ nữ chẩn đoán mắc PCOS, bác sĩ Minh Hương khuyến cáo cần giảm cân để đạt mức cân nặng lý tưởng, lập gia đình, có kế hoạch sinh con sớm, theo dõi sức khỏe định kỳ để đánh giá nguy cơ mắc phải các rối loạn chuyển hóa, khám phụ khoa định kỳ để đánh giá nguy cơ ung thư nội mạc tử cung.
Bên cạnh đó, PCOS là một rối loạn bệnh lý có thể theo suốt cuộc đời người phụ nữ, ảnh hưởng không những lên sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Nếu gặp phải các vấn đề về tâm lý như lo âu hay trầm cảm, hãy chủ động liên hệ với các chuyên gia tâm lý để giúp ổn định cả về thể chất lẫn tinh thần.
Làm gì khi mắc hội chứng buồng trứng đa nang?
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường cho biết thêm, trong PCOS, buồng trứng không rụng tự nhiên, dẫn đến phụ nữ khó có thai.
Một số cặp vợ chồng mà người vợ bị PCOS vẫn có thể có thai tự nhiên vì một số trường hợp nhẹ thỉnh thoảng có rụng trứng tự nhiên. Nếu sau một năm vẫn không có thai, vợ chồng nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám, xét nghiệm và điều trị.
Nếu cặp vợ chồng chỉ hiếm muộn do nguyên nhân duy nhất là PCOS, các bác sĩ sau khi chẩn đoán đầy đủ sẽ cho thuốc gây phóng noãn hoặc kích thích buồng trứng nhẹ, có thể kết hợp với bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Nếu thất bại từ 3-6 lần, có thể chuyển sang làm thụ tinh trong ống nghiệm.
7 dấu hiệu phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh Thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ (quá trình chuyển sang mãn kinh) thường bắt đầu ở độ tuổi 40. Giai đoạn này có thể bắt đầu ở bất kỳ thời điểm nào từ cuối độ tuổi 30 đến 50 và kéo dài trung bình 4 năm, thậm chí kéo dài đến 8 năm. Tiền mãn kinh có thể gây ra một...