Bị biến chứng do đục thủy tinh thể, nhiều bệnh nhân không còn khả năng phục hồi thị lực
Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh có hơn 3.400 lượt bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó có hơn 50% bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Điều đáng nói là không ít bệnh nhân phát hiện và phẫu thuật muộn, dẫn tới nhiều biến chứng.
Bệnh đục thủy tinh thể còn gọi là cườm khô, cườm đá, cườm hạt, là tình trạng thể thủy tinh của mắt bị mờ, có thể hình dung như một tấm kính bám đầy bụi hoặc phủ sương mù. Bệnh đục thủy tinh thể khá phổ biến ở người trên 40 tuổi, ngoài ra, còn có thể gặp ở người trẻ do bẩm sinh, nhưng không nhiều.
Nhiều bệnh nhân bị đục thủy tinh thể nhưng để đến khi biến chứng, đi thăm khám mới biết
Bà Nguyễn Thị L. (84 tuổi) ở phường Bắc Hà, TP Hà Tĩnh vào Bệnh viện Mắt điều trị trong tình trạng mắt trái bị glôcôm do thủy tinh thể quá chín, thị lực chỉ còn 1/10. “Mắt trái nhìn mờ cách đây hơn một năm, nhưng cứ nghĩ là do tuổi già nên chần chừ không đi khám. Cách đây mấy hôm thấy đau nhức mắt và đau đầu mạnh quá, con đưa đi khám thì mới biết là biến chứng của đục thủy tinh thể” – bà L. chia sẻ.
Còn bệnh nhân Nguyễn Thị X. (72 tuổi) ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh nhập viện trong tình trạng cả 2 mắt nhìn mờ, qua thăm khám bác sĩ kết luận bệnh nhân X. bị đục thủy tinh thể, thị lực còn 2/10.
Đục thủy tinh thể để lại nhiều biến chứng cho người bệnh
Video đang HOT
Theo bác sĩ Lê Công Đức – Phó Giám đốc phụ trách Bệnh viện Mắt, hiện nay, không có thuốc điều trị thủy tinh thể, phương pháp duy nhất là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Khi đã bị đục thủy tinh thể thì cần phải phẫu thuật sớm, vì nếu để muộn, thủy tinh thể quá chín sẽ gây biến chứng tăng nhãn áp (bệnh glôcôm).
Tình trạng này còn gây ảnh hưởng đến thần kinh mắt, làm teo thần kinh mắt không phục hồi. Đến lúc này, thì dù bác sĩ phẫu thuật có tốt đến đâu thì khả năng thị lực hồi phục cũng kém, thậm chí không thể nhìn được nữa.
“Có nhiều trường hợp mặc dù chưa có biến chứng nhưng mãi đến khi mắt không nhìn thấy gì nữa mới đến khám. Lúc đó, dù có phẫu thuật thay thủy tinh cũng sẽ khó khăn và tiên lượng thường kém hơn, bởi tỉ lệ xảy ra tai biến trong lúc phẫu thuật cao hơn so với phẫu thuật sớm” – bác sỹ Đức nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia y tế, từ sau tuổi 40, các yếu tố tác động sẽ nhiều lên, trong khi khả năng tự bảo vệ của mắt lại giảm đi, khiến cho bệnh đục thủy tinh thể tiến triển nhanh, gây phiền toái cho sức khỏe và hoạt động của mắt. Hiện tại, trên toàn tỉnh có khoảng hơn 40.000 bệnh nhân đục thủy tinh thể chưa được phẫu thuật.
Hiện nay, phương pháp điều trị phổ biến và tiên tiến nhất đối với bệnh đục thủy tinh thể là phẫu thuật bằng phương pháp phaco
Được biết, một trong những phương pháp điều trị đục thủy tinh thể phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật bằng phương pháp phaco. Đây là phương pháp an toàn, hiệu quả và tiên tiến nhất hiện nay.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cũng đã áp dụng kỹ thuật phẫu thuật laser mở bao sau áp dụng cho những trường hợp đục bao đem lại hiệu quả cao trong công tác chăm sóc mắt, nhằm hạn chế bệnh nhân chuyển tuyến.
Theo baohatinh
Bệnh nhân sau phẫu thuật đục thủy tinh thể cần hết sức lưu ý điều này
Đục bao sau là một trong những tình trạng rất hay gặp ở những người sau phẫu thuật đục thủy tinh thể. Đây là một trong những bệnh khá nguy hiểm, có thể gây mù lòa vĩnh viễn nếu tình trạng bệnh kéo dài.
Bệnh nhân Phan Xuân Đợi (xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh) được khám, điều trị đục bao sau bằng phương pháp Laser Nd - YAG tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh.
Cách đây gần 2 năm, bệnh nhân Phan Xuân Đợi (72 tuổi, ở xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh) bị đục thủy tinh thể. Sau khi được phẫu thuật tại một bệnh viện trong tỉnh, thị lực của ông được cải thiện rất nhiều.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông cảm thấy mắt bên phải có hiện tượng nhìn mờ và lóa... nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh để khám. Tại đây, các bác sỹ thăm khám, kết luận ông bị đục bao sau và được chỉ định điều trị bằng Laser Nd - YAG. Sau điều trị, mắt ông đã bình thường trở lại và được xuất viện ngay sau đó.
Nếu xuất hiện các triệu chứng nhìn mờ, nhìn lóa sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời.
Bác sỹ Lê Duy Tuấn Anh - Khoa Điều trị, Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh cho biết: Hiện tượng nhìn mờ, lóa sau phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể do nhiều nguyên nhân như: đục bao sau, lệch kính nội nhãn, bệnh lý ở đáy mắt... Trong đó, đục bao sau là một trong những tình trạng thường gặp ở những người sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, thời gian xảy ra thường từ 6 tháng đến 1 năm với tỷ lệ khoảng 20%.
Để điều trị đục bao sau, bác sĩ sẽ dùng Laser Nd - YAG để cắt một phần nhỏ bao bị đục ngay tại trục quang học nhằm trả lại môi trường trong suốt cho mắt. Phương pháp này hiện đang ứng dụng tại tại Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh.
Bác sỹ Lê Duy Tuấn Anh tư vấn cách phát hiện các dấu hiệu bị đục bao sau cho bệnh nhân sau mổ đục thủy tinh thể.
Đây là một thủ thuật an toàn, hiệu quả và không đau, chỉ mất khoảng 5 đến 10 phút. Sau khi điều trị bằng Laser Nd - YAG, bệnh nhân có thể trở lại ngay với sinh hoạt và công việc bình thường. Một số ít trường hợp có thể thấy "ruồi bay", nhưng hiện tượng này chỉ xuất hiện trong vài tuần đầu, sau đó sẽ không còn và không bao giờ bị đục bao sau lại.
Cũng theo bác sỹ Tuấn Anh, những bệnh nhân sau mổ đục thủy tinh thể 6 tháng đến 1 năm nếu có các triệu chứng nhìn mờ, nhìn lóa thì cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị. Vì đây cũng là một trong những bệnh khá nguy hiểm, có thể gây mù lòa vĩnh viễn nếu tình trạng bệnh kéo dài.
Theo baohatinh
200 người dân Thạch Kim được khám, cấp thuốc miễn phí các bệnh về mắt Hưởng ứng ngày Thị giác thế giới (10/10), Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh vừa tổ chức khám, cấp thuốc miễn phí cho 200 người cao tuổi, người khuyết tật xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà. Người dân đến khám bệnh miễn phí Qua thăm khám, các bác sỹ Bệnh viện Mắt Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều người dân bị viêm kết mạc,...