Bị bệnh cao huyết áp chỉ vì nóng tính?
Tôi có tật dễ nóng tính và gần đây phát hiện có những lúc huyết áp lên rất cao. Lẽ nào chỉ vì sự thiếu kiềm chế mà tôi đã tự gây bệnh cao huyết áp?
Ảnh minh họa
Bạn đọc Trần Văn Hà (nam, 30 tuổi, Long An), hỏi: Từ hồi mười mấy tuổi mỗi lần giận ai là mặt tôi đỏ gay, nóng bừng. Nay tôi 30 tuổi và vẫn chưa bỏ được tật nóng tính. Vừa qua, tôi tình cờ mua máy đo huyết áp loại tự động, đo cho mẹ tôi và thử đo cho mình; rất nhiều lần tôi phát hiện khi tôi có chuyện gì buồn bực, huyết áp tăng cao, nhiều lần lên đến 14/9, 15/9. Bình thường thì là 12/8. Thể hình tôi hơi mũm mĩm, thừa mỡ bụng nhưng chỉ hơi quá cân, hơi ít vận động vì làm việc văn phòng. Xin bác sĩ cho hỏi vậy có nguy hiểm không, có phải tôi bị bệnh cao huyết áp rồi không?
Bác sĩ chuyên khoa II Trương Quang Anh Vũ, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thống Nhất (TP HCM), trả lời:
Video đang HOT
Huyết áp được đo chính xác nhất khi nghỉ ngơi. Nếu anh đi vào bệnh viện khám mà ngay trước đó có gặp tình huống xúc động hoặc mới vận động mạnh (ví dụ đạp xe đến bệnh viện, đi cầu thang…), bác sĩ sẽ yêu cầu anh ngồi nghỉ ít nhất 15-30 phút rồi mới đo huyết áp. Khi tự đo huyết áp tại nhà, anh cũng nên làm tương tự.
Anh nói rằng khi nghỉ ngơi, huyết áp của anh là 12/8, tức 120/80 mmHg, là mức bình thường. Khi gắng sức hoặc xúc động, huyết áp sẽ tăng lên, đó cũng là lý do huyết áp anh tăng cao mỗi khi nóng giận. Nếu tình trạng xảy ra quá thường xuyên, nhiều lần tăng quá cao, khiến anh mệt nhiều, anh có thể đến các chuyên gia tim mạch để được theo dõi Holter huyết áp 24 giờ.
Hiện tại vấn đề của anh không phải là huyết áp. Vấn đề của anh là nóng tính và thừa cân do ít vận động. Đúng như anh lo ngại, đây là các vấn đề có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh cao huyết áp sau này, khi anh ngày một lớn tuổi hơn. Và đến lúc mắc bệnh mà còn hay nóng tính thì có thể sự nóng tính sẽ gây nguy hiểm cho anh.
Vì vậy, tuy hiện tại chưa mắc bệnh, anh vẫn nên sớm thay đổi lối sống. Đầu tiên là tập kiểm soát cảm xúc bản thân. Tập yoga, thiền định có thể giúp anh thư thái. Ngoài ra, thể dục, thể thao nói chung cũng rất cần cho anh để giữ cân nặng khỏe mạnh, giảm mỡ thừa. Hãy chọn lựa bất cứ môn nào anh thích và cố gắng tập thường xuyên. Về chế độ dinh dưỡng, anh nên lưu ý tránh nêm nếm mặn, giảm ăn dầu mỡ.
Anh Thư
Theo Người lao động
Bé gái 8 tháng tuổi ở Hà Nội bị chó ngao cắn chết
Con chó nặng 40 kg được gia đình nuôi đột nhiên tấn công bé gái gây chảy máu nhiều dẫn đến sốc mất máu.
Ảnh minh họa
Người mẹ lao vào cứu con cũng bị chó cắn nhiều nhát vào tay. Bé được gia đình đưa vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cấp cứu. Đây là loài chó ngao, thuộc giống chó săn, thường to lớn và hung dữ.
Tiến sĩ Lê Việt Khánh, Phó Khoa Phẫu thuật Cấp cứu Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết; bệnh nhi vào viện trong tình trạng mạch và huyết áp không đo được. Bé có hai vết thương ở vùng thái dương phải, chảy máu nhiều, có vết thương lộ tổ chức não, lóc da vùng chẩm.
Bé có dấu hiệu ngừng tim. Các bác sĩ cấp cứu truyền dịch, cầm máu, ép tim, dùng thuốc trợ tim... suốt hai giờ song vẫn không cứu được bé. Trẻ tử vong do biến chứng sốc mất máu.
"Các bác sĩ đã rất sốc khi không cứu được bệnh nhi. Đây là tai nạn hết sức thương tâm", tiến sĩ Khánh chia sẻ.
Theo bác sĩ, chảy máu ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm vì dễ dẫn đến sốc do mất máu quá nhiều. Vì thế, sơ cứu cầm máu cho trẻ trong tình huống này rất quan trọng. Trẻ bị chó cắn phải vào viện cấp cứu khá phổ biến. Bác sĩ khuyến cáo gia đình không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi như chó mèo. Chó nuôi trong gia đình phải cách ly với trẻ, đặc biệt là chó mới đẻ con, đang ăn, bị thương... Chó phải được tiêm văcxin ngừa bệnh dại định kỳ, ra khỏi nơi nuôi nhốt cần được rọ mõm.
Khi bị chó cắn cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng, nên xối rửa vết thương bằng nước sạch sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc povidone, iodine. Đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được sơ cấp cứu, tiêm phòng dại kịp thời.
Nam Phương
Theo vnexpress.net
Lập "rào chắn" bệnh mạn tính từ tuyến y tế cơ sở Các loại bệnh mạn tính không lây đang trở thành gánh nặng gây quá tải cho các tuyến điều trị. Bộ Y tế chủ trương lập "rào chắn" để ngăn chặn bệnh mạn tính không lây ngay từ tuyến trạm y tế tuyến phường xã. Đó là nội dung trọng tâm được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề cập...