Bí ẩn về thuật thôi miên
Liệu rằng ý thức có “ngủ” khi bị thôi miên và liệu con người có hoàn toàn làm theo mọi điều mà nhà thôi miên yêu cầu trong vô thức?
1.Thuật thôi miên
Thôi miên là thuật ngữ được dùng trong những năm 1700 bởi bác sĩ người Áo Franz Anton Mesmer khi đưa ra như một phương pháp trị bệnh mới. Thôi miên là một quá trình mà trong đó các chức năng suy nghĩ có ý thức của đầu óc bị “qua mặt” để một dạng suy nghĩ cảm nhận có chọn lọc được thiết lập.
Khi rơi vào trạng thái này, người bị thôi miên hoàn toàn mất khả năng điều khiển tâm trí và sẽ hoàn toàn nghe theo những lời của nhà thôi miên sai khiến. Theo các nhà khoa học, không phải ai cũng có thể rơi vào trạng thái thôi miên, và cấp độ thôi miên cũng tùy từng người mà cao hay thấp. Từ khi xuất hiện, thôi miên và những nhà thôi miên trở thành những đối tượng cho nhiều nghiên cứu, chỉ trích, tò mò và huyền bí.
2. Thôi miên biểu diễn
Thôi miên biểu diễn là những màn trình diễn mang tính chất giải trí, khi đó nhà thôi sẽ điều khiển tâm trí của khán giả và bắt họ làm những hành động theo ý mình.
Để tiết mục được trở nên hấp dẫn và thu hút người xem, các nhà thôi miên sẽ sử dụng thêm một số thủ thuật, mánh khóe và thường sử dụng những người đã được chọn trước để biểu diễn. Điều này có tác dụng khiến đám đông trầm trồ, thán phục. Tuy nhiên, trên thực tế, thôi miên biểu diễn mang tính giải trí nhiều hơn thể hiện bản chất thực sự của thuật thôi miên.
3. Thôi miên y khoa
Thôi miên y khoa – Hypnotherapy là thuật ngữ chỉ khả năng chữa bệnh của thuật thôi miên. Khi đó, thôi miên sẽ giúp người bệnh có thể quên đi những ký ức buồn đau, không đáng nhớ hoặc giúp họ thay đổi được nhiều hành vi xấu trước kia.
Phương pháp này khiến người bệnh rơi vào trạng thái thay đổi vô thức và bị điều khiển hoàn toàn bởi một ý thức hệ mới. Người bệnh sẽ cảm thấy đầu óc thoải mái, nhẹ bẫng như bước vào một thế giới hoàn toàn khác. Đối với nhiều người, phương pháp thôi miên nhằm chữa bệnh này không đem lại kết quả, song, nhiều người tin tưởng nó sẽ là hướng điều trị mới trong tương lai.
4. Thôi miên tự động
Theo các nhà khoa học, bất kỳ ai cũng có thể tự thôi miên nếu nắm được những thủ thuật thôi miên và bản thân người đó muốn đưa mình vào trạng thái vô thức. Phương pháp gọi là thôi miên tự động hay thôi miên chính mình này cho phép người đó có thể sử dụng tiềm thức để tác động lên các hành vi theo cách mà ý thức không thể kiểm soát được.
Thôi miên tự động được nhà tâm lý học và dược sĩ người Pháp Emile Coue (1857 – 1926) tìm ra. Ông đồng thời cũng là tác giả của cuốn “Self-Mastery Through Conscious” (Sự thần kỳ của trí tuệ). Cuốn sách miêu tả chi tiết cách chúng ta có thể tự thôi miên bản thân giống như các nhà thôi miên vẫn thường làm.
5. Cảm ứng thôi miên
Cảm ứng là phương pháp chính mà các nhà thôi miên sử dụng để thiết lập trạng thái hoặc các điều kiện cần và đủ để một đối tượng được rơi vào thôi miên. Trong trường hợp một người thực hiện phương pháp thôi miên tự động thì điều kiện cần và đủ ở đây có thể là họ nghe một tập tin ghi âm và tự đưa mình vào trạng thái thôi miên, vô thức.
Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi phải có sự tập trung cao độ và đầu óc phải hết sức thoải mái, nhẹ nhàng. Trên sân khấu, các nhà thôi miên thường sử dụng thủ thuật cảm ứng nhanh để đưa các đối tượng vào vô thức nhanh chóng. Và các đối tượng này phải được chọn lựa kỹ để đảm bảo điều kiện họ đi vào trạng thái vô thức nhanh hơn người bình thường.
6. Ký ức lãng quên
Chúng ta dễ thấy trên các chương trình giải trí và phim ảnh, thôi miên có thể khiến một người nhanh chóng quên đi được phần ký ức không đáng nhớ nào đó. Trên thực tế, dưới góc độ của khoa học, điều này không sai nhưng nó chỉ xảy ra khi người bị thôi miên thực sự muốn quên đi ký ức đó và hoàn toàn nghe theo những chỉ dẫn của nhà thôi miên.
Hơn nữa, phần ký ức này rất dễ bị nhớ lại nếu gặp được những tác nhân kích thích trí nhớ bên ngoài, song chúng cũng có thể bị ngăn chặn bởi tiềm thức sâu xa của mỗi người. Thôi miên cũng có khả năng giúp con người hồi phục phần ký ức đã mất trong một trạng thái hoàn toàn vô thức.
7. Lịch sử thôi miên
Mặc dù y khoa hiện đại ngày nay mới dần công nhận thuật ngữ và tác dụng của thôi miên (từ khoảng những năm 1800) thì thuật thôi miên đã tồn tại từ cách đây rất lâu. Cách đây khoảng 3.000 năm, thôi miên đã được người Ai Cập và Hy Lạp cổ đại sử dụng trong các nghi lễ kỳ bí của họ.
8. Tự kiểm soát
Một trong những bí ẩn lớn nhất của thuật thôi miên là khả năng khiến người khác hành động theo ý mình. Như đã đề cập, thôi miên là trạng thái bị một yếu tố bên ngoài (có thể là nhà thôi miên hoặc tệp băng ghi âm) tác động lên khiến cho bản thân người đó rơi vào vô thức.
Trên thực tế, điều kiện tiên quyết mà một nhà thôi miên cần là trở thành một nhà trị liệu giỏi. Khi đó, họ có khả năng khiến người bệnh tin và làm theo hướng dẫn của họ. Tuy nhiên, những hành động mà bạn làm khi tưởng mình đang trong trạng thái thôi miên lại chính là do bạn hoàn toàn tự nguyện làm. Bởi lẽ, tiềm thức bạn hoàn toàn có thể “từ chối” những việc tổn hại đến đạo đức và niềm tin mà bạn gìn giữ bấy lâu.
9. Ý thức thôi miên
Nhiều người tin rằng, họ đã ngủ khi bị thôi miên. Điều này không hẳn vậy, bởi trong quá trình thôi miên, bạn không những biết cách kiểm soát mình mà còn đang rất tỉnh táo. Nếu không sao bạn có thể nghe thấy những điều mà nhà thôi miên nói và điều khiển?
Theo iOne