Bị Alibaba đe dọa, đây là cách tự bảo vệ mình của các ngân hàng ở Singapore
Trước khi những công ty fintech nước ngoài như Ant Financial tiếp cận, các ngân hàng Singapore đã sớm có những bước chuyển mình để tránh sự cạnh tranh.
Năm 2014, Piyush Gupta, giám đốc điều hành của DBS – ngân hàng lớn nhất Singapore, theo dõi sự kiện Alibaba đang chuẩn bị niêm yết trên sàn New York với nỗi lo ngại ngày càng lớn. Cùng với chủ tịch của DBS, Peter Seah, ông đã sắp xếp một buổi gặp mặt với tỷ phú Jack Ma và Joseph Tsai – người sau này trở thành CFO của Alibaba. Gupta chia sẻ: “Tôi bước ra ngoài và cảm thấy hoảng sợ hơn bao giờ hết.”
Rất nhiều ông chủ nhà băng, đặc biệt là ở Mỹ, dường như đều cho rằng quy định nghiêm ngặt sẽ bảo vệ họ khỏi những thách thức như thế này, hoặc các cơ quan quản lý sẽ tìm cách giảm thiểu sức cạnh tranh vì lo rằng sẽ tạo ra những bất ổn cho ngành. Còn đối với Gupta, có thể họ đã quá tự mãn. Ông nói: “Ant Financial cho thấy có rất nhiều cách để trở nên thành công. Họ đã có được mối quan hệ với khách hàng và tạo giá trị từ dữ liệu khách hàng, sau đó chuyển giao phần có liên quan đến quy định cho các ngân hàng.”
Buổi gặp mặt này tạo cảm hứng để ông thay đổi ngân hàng của mình trước khi Ant có cơ hội thực hiện việc đó. Ông cân nhắc về việc tách một đơn vị riêng biệt để điều hành lĩnh vực chuyển đổi, hoặc thuê một số công ty fintech , nhưng vẫn đảm bảo rằng DBS có thể tự mình cải tiến.
Gupta cho hay: “Điều mà chúng tôi học được đó là thay đổi văn hoá là điều không thể. Nhưng tôi trở lại quê nhà ở Delhi để thăm bố, ông sử dụng ngân hàng online, đóng thuế online và mua sắm trên Amazon – vậy điều gì khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể thay đổi những người ở độ tuổi 40 và 50 trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng?”
Kể từ đó, DBS đã cải tổ phần lớn công nghệ hỗ trợ của mình, chuyển hơn 80% dữ liệu trên máy tính cồng kềnh sang đám mây. Họ hợp tác với các doanh nghiệp cung cấp nhiều dịch vụ cho ứng dụng, trong đó có Gojek . Gupta nói rằng, việc DBS thống lĩnh thị trường là điều cần thiết để tạo ra những mối quan hệ như thế này.
Ở những nơi khác trong khu vực, họ cũng quyết định rằng việc thu hút khách hàng đòi hỏi cách tiếp cận mới. 2 năm trước, DBS đã cho ra mắt digibank, một ngân hàng số chỉ dành cho thiết bị di động, tại Ấn Độ. Năm ngoái, digibank bước chân vào thị trường Indonesia. Hiện đã có 2,9 triệu khách hàng ở 2 quốc gia trên.
Digibank thu hút khách hàng thông qua các chương trình khuyến mại trực tuyến và chi phí quảng cáo là khoảng 8 USD đến 10 USD mỗi lần, thấp hơn rất nhiều so với chi phí lôi kéo khách hàng bằng các phương thức ngoại tuyến là 60-70 USD. Dẫu vậy, lợi nhuận đối với digibank lại cần thời gian. Gupta nói: “Bởi chi phí không lớn, để thu hút khách hàng thì bạn phải tìm ra điều gì cần làm với họ.” Đối với một mô hình khả dụng, ông nói đến marketplace trực tuyến của DBS dành cho ô tô, hợp đồng nhà ở và năng lượng, là mảng mang về hoa hồng cho họ.
United Overseas Bank (UOB), ngân hàng lớn thứ ba Singapore, cũng đang chuẩn bị cho ra mắt một ngân hàng số để phục vụ cho tham vọng mở rộng ra nước ngoài của họ. TMRW (Tomorrow), một ngân hàng chỉ hoạt động trên thiết bị di động nhắm vào thế hệ Y, đã được ra mắt tại Thái Lan vào tháng 3. Một ngân hàng số có thể là kho dữ liệu khách hàng, nên UOB đã xây dựng một phòng nghiên cứu về mức độ tương tác của khách hàng (engagement lab), để sử dụng kiến thức hành vi và AI để nghiên cứu thói quen và nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng.
Video đang HOT
Dennis Khoo – người đứng đầu dự án phát triển này, giải thích rằng việc tập trung vào đối tượng khách hàng trẻ đã đơn giản hoá nhiều thứ, bởi họ đã hiểu phần nào về công nghệ số và nhu cầu tài chính của họ thường đơn giản, chỉ là: thanh toán, thẻ tín dụng và tiết kiệm. Ông cũng chỉ ra sự khác biệt giữa “dịch vụ ngân hàng số” và “ngân hàng số” như TMRW. Một bên cung cấp các dịch vụ qua internet và điện thoại, cùng nhiều kênh khác như các chi nhánh và qua việc gọi điện thoại, còn một bên chỉ có thể sử dụng trên điện thoại. Ngân hàng số là cách thức giúp các ngân hàng giảm thiểu chi phí trong khi vẫn cung cấp dịch vụ khiến khách hàng hài lòng.
Các ngân hàng ở Singapore chắc chắn đang nóng lòng thực hiện. Nhưng họ cũng được một cơ quan quản lý hỗ trợ. Cơ quan này muốn các ông chủ nhà băng có được vị thế mạnh trong cuộc cạnh tranh sắp tới. Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) đã khuyến khích các ngân hàng nâng cấp phần mềm, chuyển dữ liệu sang đám mây và tạo ra những dịch vụ kiểu fintech nhằm nắm giữ lợi thế trước khi những đối thủ bên ngoài thành công trên quốc gia này.
Năm 2016, MAS đã có cuộc họp với các ngân hàng lớn và chỉ định chọ phải tạo ra một hệ thống ngang hàng để chuyển tiền giữa các tài khoản. Bất kỳ chủ tài khoản nào ở Singapore cũng có thể chuyển tiền không mất phí tới bất kỳ ai, chỉ bằng vài cú click trên điện thoại. Theo đó, nhiều trường thông tin đã được bổ sung vào Singpass, hệ thống nhận dạng kỹ thuật số của Singapore, và một hệ thống được thiết lập để người dân có thể cho phép các định chế tài chính truy cập trực tiếp vào thông tin của họ.
Sopnendu Mohanty, CFO của MAS, cho hay: “Chúng tôi quyết định nâng cao khả năng của các ngân hàng trong nước và giúp họ có được điều kiện tốt hơn khi cạnh tranh trên thị trường. Là một cơ quan hoạch định chính sách công, chúng tôi đang làm việc với các ngân hàng để hợp lý hoá chi phí của họ và tạo một ’sân chơi’ bình đẳng để họ cạnh tranh với các công ty bên ngoài – yếu tố chúng tôi không thể điều chỉnh.”
Cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả như họ mong muốn: công nghệ fintech ở Singapore phần lớn đã chuyển từ cung cấp dịch vụ cho khách hàng sang các dịch vụ số cho các ngân hàng. Một số cơ quan quản lý ở nước khác, đặt biệt là ở Anh, đang thực hiện một chiến thuật khác: khuyến khích những công ty mới và để thị trường tự chọn ra kẻ chiến thắng.
Theo GenK
'Uber thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống'
'Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không? Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị', Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
"Thông minh hơn và tiếp tục thông minh hơn"
Phát biểu tại Diễn đàn CEO 2019 chủ đề "Doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo: Bứt phá từ tư duy đến hành động" diễn ra ngày 5/4, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp có thể hiểu theo nghĩa sử dụng công nghệ mà chủ yếu là công nghệ số để tự động hóa, thông minh hóa toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từ quản trị đến sản xuất, bán hàng.
"Với cách tiếp cận này, thì từ khóa quan trọng nhất là thông minh hơn và tiếp tục thông minh hơn trong mọi hoạt động. Và công cụ quan trọng nhất giúp cho quá trình này là công nghệ, nhất là công nghệ số, công nghệ 4.0", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo ông, một cuộc cách mạng xảy ra mà tương lai sẽ không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Đổi mới sáng tạo xảy ra là vào đúng lúc này, cho nên hạ tầng cũ, cách làm cũ, tri thức cũ, sản phẩm cũ, mô hình kinh doanh cũ không còn phù hợp.
"Chúng ta cần hạ tầng mới, cách làm mới, tri thức mới, sáng tạo mới, mô hình kinh doanh mới. Rất nhiều thứ chỉ đơn giản là làm ngược lại. Trước đây, tìm mọi cách để tránh sai lầm thì nay là sai nhanh hơn với chi phí rẻ hơn. Trước đây học trước làm sau thì nay làm trước học sau. Vì cái mới chưa có nên không thể học mà chỉ có thể thử", ông Hùng nói.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, với cách tiếp cận như vậy, quan trọng nhất đối với các CEO là tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty mình.
Sự đổi mới sáng tạo thường tạo ra cơ hội cho các công ty mới, với công nghệ mới mang tính đột phá, công nghệ mới mang tính phá hủy.
Với góc nhìn này, các công ty lớn và thành công có những "khuyết tật" chết người và tạo ra cơ hội cho các công ty mới, công ty nhỏ, cơ hội vươn lên trở thành số 1 nhưng phải dựa vào công nghệ mới đột phá, đi từ các thị trường mới quay lại "lật đổ" các thị trường truyền thống hiện tại.
"Vậy có cách nào các công ty lớn đang thành công có thể xử lý được tình huống này hay không? Về cơ bản thì có 3 cách tiếp cận", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Theo đó, cách tiếp cận thứ nhất được chỉ ra là, thúc đẩy các công nghệ và thị trường mới để nó trở thành đủ lớn. Thứ hai, chờ cho thị trường mới, công nghệ mới ngày càng rõ nét, và gia nhập thị trường khi đã đủ lớn và ngày càng hấp dẫn. Thứ ba, giao trách nhiệm thương mại hóa công nghệ, đột phá cho các bộ phận mới, đủ nhỏ để hiệu suất kinh doanh chỉ phụ thuộc vào công nghệ mới. Nhưng bộ phận mới này phải hoạt động theo các quy trình mới và hệ giá trị mới.
"Các nghiên cứu cho thấy cách tiếp cận thứ ba có nhiều hứa hẹn hơn. Cách thứ nhất khó thành công vì công nghệ mới, thị trường mới không tạo ra sự bùng nổ trong thời gian ngắn. Cách thứ hai thì lại quá muộn. Dưới góc nhìn này thì các công ty lớn đang thành công vẫn có cơ hội tiếp tục tồn tại và phát triển nhưng phải phân mình từ một tổ chức thành hai tổ chức độc lập, với hai cách vận hành khác nhau, hai văn khóa khác nhau. Và đây là một việc không dễ", ông nói.
"Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới?"
Một vấn đề khác cũng được Bộ trưởng đề cập đến là đổi mới sáng tạo dưới góc nhìn của kinh tế số. Theo đó, kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, tri thức số, sử dụng mạng internet, mạng thông tin, tức là viễn thông và công nghệ thông tin để tăng năng suất lao động. Nếu nói đơn giản, là nền kinh tế liên quan đến công nghệ số.
Kinh tế số là một quá trình tiến hóa lâu dài, là quá trình chuyển đổi số trên bình diện quốc gia. Mọi doanh nghiệp, mọi cá nhân và Chính phủ đều có thể sử dụng công nghệ số đột phá để thay đổi về chất công việc của mình.
Theo ông Hùng, cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất và làm việc. Dùng camera để giảm người bảo vệ, đó là kinh tế số. Tự động tưới cây khi đất khô, đó cũng chính là kinh tế số. Và các doanh nghiệp công nghệ số sẽ làm việc này.
"Phải khởi nghiệp công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam. Và từ cái nôi Việt Nam, các doanh nghiệp này sẽ đi ra toàn cầu", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ông cho rằng, công nghệ sinh ra là để giải quyết vấn đề. Ở đâu có vấn đề thì ở đó có công nghệ, có giải pháp. Vấn đề đang có ở mọi nơi, và mỗi người có thể khởi nghiệp công nghệ để giải quyết bài toán của mình. Khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.
Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lấy ví dụ Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống, MobiMoney thanh toán mua hàng hóa giá trị nhỏ sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân nhưng lại thách thức ngân hàng.
"Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không? Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, nói số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ.
Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được, nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác", Bộ trưởng nói.
Trong khi đó, theo Bộ trưởng, đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội để thay đổi thứ hạng của Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới có thể mất một số thứ nhưng không có quá nhiều thứ để mất và đó là cơ hội.
Như vậy, dưới góc nhìn của kinh tế số, thì đổi mới sáng tạo là doanh nghiệp tập trung vào chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số. Chính phủ tập trung vào tạo môi trường pháp lý, cho phép các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ mới đột phá.
"Những thách thức của đổi mới sáng tạo luôn là rất lớn nhưng cơ hội của những nước đang phát triển như chúng ta lại là lớn hơn. Và đây cũng chính là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trở thành nước phát triển vào năm 2045. Mỗi doanh nghiệp có cách tiếp cận riêng của mình về đổi mới sáng tạo để phát triển doanh nghiệp của mình, tái tạo chính mình và đóng góp cho sự phát triển đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng kết luận.
Theo BizLive
AI phát hiện giao dịch bất hợp pháp cho ngân hàng Làm ăn với nhóm khách hàng phức tạp có thể khiến nhà băng mất hàng tỉ USD và gặp rắc rối với giới quản lý. Ảnh: Shutterstock Theo CNN, HSBC từng phải trả 1,9 tỉ USD vào năm 2012 để giải quyết cáo buộc cho rằng ngân hàng cho phép nhiều băng chất cấm quốc tế rửa hàng tỉ USD tiền xuyên biên...