Bèo bọt teen giang hồ
15 tuổi bỏ gia đình, ra ở riêng với khát vọng sống tự lập, Đinh Thị Quỳnh Dung, một cô gái ở phố Khâm Thiên, Hà Nội xin làm ở quán gội đầu, xếp bóng bida… chỉ vì muốn sống tự lập. Một thời gian sau, Dung xâm nhập vào giới giang hồ.
Năm 2008, cô bị bắt và kết án 10 năm tù giam vì tội buôn bán ma túy. Hiện, cô đang cải tạo tại Trại giam Thanh Phong (Cục V26) đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Chán học, bỏ nhà đi… làm ăn!
Hàng nghìn những cô gái dạt nhà như Dung, trở thành gái nhảy, gái đú, gái giang hồ, dân buôn hàng cấm và rơi vào vòng tù tội. Điều đó không chỉ làm gia đình đau lòng mà còn khiến xã hội bất ổn. Nguyên nhân là do tính hiếu thắng của tuổi teen, sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình khiến các em sa ngã.
Đinh Thị Quỳnh Dung chỉ là một trong số nhiều phạm nhân tuổi teen đang thụ án tại các trại giam. Dung xinh xắn, sắc sảo, hoạt ngôn và có “lý luận” riêng của một cô gái tuổi teen để bao biện cho những hành động ngỗ ngược, phạm tội của mình. Cô vô tư nói về những gì mình đã làm ở bên ngoài. Cô đổ hết lỗi cho xã hội, cô bảo chỉ vì cuộc sống thiếu thốn, không đủ trang trải cho cuộc sống (vốn cần nhiều tiền) của cô.
Đinh Thị Quỳnh Dung.
Video đang HOT
“Em bỏ học từ năm lớp 9, vì muốn đi kiếm tiền, sau đó thấy đồng lương quá ít ỏi, không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày, cho việc thuê nhà. Em đã cố gắng và đã đi theo con đường khác, em đã phải chấp nhận xuống đường đi buôn ma túy” – Dung nói. Tôi hỏi lại em: “Nếu ai cũng như em, thì xã hội sẽ đi đến đâu?”. Dung lại đổ lỗi cho người lớn, rằng còn có quá nhiều người tham ô. Người lớn phạm tội được, tại sao người trẻ không(?!). Câu nói của Dung làm tôi giật mình và, chắc chắn những người đọc bài này sẽ không khỏi suy nghĩ. Dung nói tiếp: “Nếu được đối xử công bằng, với việc trả đồng lương xứng đáng thì liệu em có phải vào tù, để anh đến và gọi em lên hỏi chuyện không?”.
Sau khi trải qua khá nhiều nghề, Dung biến thành cô gái chơi bời, gia nhập vào nhóm anh chị xã hội và giới thiệu cho nhau đi buôn bán ma túy. Cô và nhóm của cô đã có mặt ở hầu hết các sàn nhảy tại Hà Nội để cung cấp thuốc cho dân lắc, dân nhảy. Nhóm của cô gồm 4 người đều đã bị bắt, trong đó có gã đàn ông tên Quang sinh năm 1978, là người yêu của Dung. Hiện Quang cũng đang cải tạo tại Trại Thanh Phong.
Trước khi bị bắt, Quang là người luôn đi mua ma túy từ một số “đầu mối” về để Dung đi bán, cũng là người giới thiệu cho Dung rất nhiều mối quan hệ từ những kẻ đàn chị, đàn anh khác. Dung cảm thấy sung sướng với công việc mình làm, vì nó ra tiền và rất… bõ công. Niềm vui chẳng được bao lâu, nhóm của Dung có 4 người cùng hoạt động đã bị tóm gọn.
Khác với Dung, Nguyễn Thị Liên là cô gái không có nguyện vọng kiếm tiền từ sức lao động của mình. Chán học, cô bỏ nhà đi bụi từ khi còn học lớp 7. Bố mẹ có đi tìm, nhưng chẳng bao giờ thấy con vì cô có rất nhiều bạn. Nhóm của cô cả trai lẫn gái khoảng 10 người, cắt đầu bờm xơm, nhuộm xanh đỏ rồi lấy tiền của cha mẹ để đi bụi, ăn chơi.
Liên bảo rằng, tuổi teen đi bụi bây giờ là một trào lưu, có cả ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều thành phố khác. Những đối tượng này thường có tư tưởng phá bĩnh, rất manh động, hiếu thắng và luôn thể hiện khác người, chỉ tiền tiêu là hạn chế, còn lòng “dũng cảm” thì… vô tư đi! Các nữ teen giang hồ vặt kiểu này cũng không có nhiều tiền và chủ yếu sống dật dờ, dựa dẫm vào đám con trai.
Để duy trì được tiền “nuôi” các teen-girl, đám teen-boy không moi được tiền từ gia đình nữa thì rủ nhau đi cướp. Khi quá bí, các teen-girl cũng sẵn sàng cầm dao. Kết cục của họ là những năm tháng trong trại đầy nước mắt, nhưng tệ nạn này không những không hạn chế mà còn gia tăng mỗi ngày.
Làm gì cũng phải học
Để trở thành một teen-girl giang hồ cũng phải học, làm sao cho tinh thần chai sạn, không sợ hãi trước bất cứ điều gì. Một cô gái ở Trại Thanh Phong đã nói như thế. Khi tiếp xúc với những người như Dung, Liên, Hoa… tôi hiểu rằng điều đó là đúng. Điều đó thể hiện rõ nhất ở Dung. Cô luôn là người biết đề phòng trước đàn ông vì kinh qua tình trường. Cô cũng luôn khôn khéo trong giao tiếp vì dày dạn kinh nghiệm trong va vấp xã hội. Dung bị bắt vào tháng 1/2008, khi chưa đầy 18 tuổi. Cô gái vừa bước vào tuổi 19 trước mặt tôi vẫn chứng tỏ mình là cô gái cứng cỏi, từng trải.
Dung nói rằng, mình yêu từ ngày còn học lớp 9, nhưng chỉ là tình yêu bọ xít. Đến khi cô bỏ học, bỏ nhà đi ở riêng thì cô lao vào yêu đương quá nhiều, có tư tưởng “sưu tập” đàn ông. Cô buông tuồng, nghĩ thoáng dễ dàng cho – nhận. Cô quan niệm mình nên học theo phong cách Tây, và quan hệ tình dục vào lứa tuổi teen cũng không thuộc phạm trù đạo đức. Cô thản nhiên: “Thích thì yêu, thích thì cho, chứ không phải nghĩ rằng sau này làm vợ chồng thì mới cho. Em nghĩ, yêu đương thì chỉ là chuyện nhỏ. Không phải cứ yêu là nghĩ rằng phải lấy nhau”. Điều gì đã cho một cô gái chưa đầy 19 tuổi ăn nói hoạt ngôn và sắc sảo như vậy.
Đem thắc mắc này ra thổ lộ, Dung vô tư nói đó là do những ngày tháng giang hồ dạy cho. Khi tiếp xúc với những đàn anh đàn chị, Dung được dạy dỗ, chỉ bảo cách cư xử khi va vấp. Nhưng cô là nữ, luôn thể hiện mình có các đàn chị đàn anh đứng sau. Vì thế, khi va vấp với ai, cô sẵn sàng xông vào đấm đá, và nếu chưa giải quyết xong thì sẽ gọi anh chị đến xử theo luật.
Ông Trương Văn Khải – Phó giám thị Trại giam Thanh Phong nói: “Vào trại này, Dung thể hiện cá tính mạnh mẽ, định ra điều làm đàn chị trong phòng chung với những phạm nhân khác, tôi phải làm cho cái ý nghĩ đấy của cô ta xẹp xuống đó”.
Với Liên, học để trở thành teen-girl giang hồ cũng khó như học chữ hay học bất cứ cái gì khác. Những teen-girl có trào lưu dạt vòm là những cô nàng có “bản lĩnh”. Trước hết là phải để cho mình có một con tim thép, không mủi lòng trước nước mắt của mẹ, ngồi sau xe một gã thanh niên rồ ga, không sợ chết. Rồi phải học cách hút thuốc, học cách chơi và phải liều khi đi cướp, đi buôn ma túy. Tức là không sợ đi tù.
Nỗi nhớ “thiên đường”
Dung coi thế giới bên ngoài là một “thiên đường”. Ở đó có những vũ trường tự do đi kiếm tiền, là những nhà nghỉ, những cuộc tình chớp nhoáng và những cuộc hiến dâng hết mình và không có điểm dừng. Còn Liên, đó là những cuộc chơi bời thâu đêm suốt sáng, những trận đua yêng hùng, những đêm bia rượu say xỉn và ngủ tập thể.
Khi ở trong trại giam, các cô rất nhớ “thiên đường” của mình ở bên ngoài. Đó là cuộc sống tự do và dễ dàng có thể phá phách, làm theo ý mình, sống theo cách mà mình thích. Cả Dung và Liên đều không rơi một giọt nước mắt nào như những người phụ nữ mà tôi từng gặp trong trại giam.
Vào trại Thanh Phong, Dung được tạo điều kiện học nghề thêu và cô được phân vào đội thêu. Cầm mũi kim, cô không thể quên được thế giới bên ngoài, cô ao ước mình sớm được trở về với thế giới đó. Cô mong mình có thể nhanh chóng được trở về. Tôi hỏi Dung: “Ra ngoài em có định yêu lại, làm lại cuộc đời?”. Cô lắc đầu: “Em cũng chẳng biết là có thể yêu được ai nữa không. Có khi không yêu được ai nữa. Em chán ghét đàn ông rồi”.
Trách nhiệm không phải của… nhà giam!
Tôi từng biết, có một ngôi làng có nhiều thanh thiếu niên hư hỏng, phạm tội. Những ông bố bà mẹ đã nhờ Công an bắt con bỏ tù, để nhà giam quản và rèn con cái họ. Tại sao họ không quản con cái mình cho tốt, giáo dục con cái bằng trách nhiệm, tình thương của người cha người mẹ đối với con cái?
Phận nữ nơi trại giam.
Tôi cũng biết, cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Lứa tuổi thanh thiếu niên vốn tò mò, ưa phá bĩnh, lại thích sống tự do, để quản được chúng, ngăn được chúng khỏi hư hỏng là điều thật không dễ dàng. Chính sự buông lỏng quản lý của gia đình đã làm tăng thêm những cô chiêu cậu ấm bỏ nhà đi bụi và sa ngã, dấn thân vào con đường tội lỗi.
Một cô gái trẻ như Dung, như Liên mà ma túy, thuốc lắc, quán bar, sàn nhảy… thứ gì cũng biết báo hiệu một điều rằng lớp trẻ ngày nay rất dễ sa vào cạm bẫy cám dỗ. Những bậc phụ huynh không thể mải mê kiếm tiền, để mặc con cái hư hỏng, rồi giao hết trách nhiệm cho xã hội. Nhà giam là nơi chỉ phần nào rèn giũa, giáo hóa các em, để các em có thể ăn năn hối cải, làm lại cuộc đời mình. Quan trọng nhất là mỗi gia đình hãy có trách nhiệm hơn trong việc dạy dỗ con cái.
Theo Công An Nhân Dân