Bệnh nhân Covid-19 Hải Dương nhiễm biến thể nCoV Anh
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM chiều 1/2 công bố kết quả giải trình tự gene “bệnh nhân 1660″, 28 tuổi, nhiễm biến thể nCoV từ Anh.
“Bệnh nhân 1660″, địa chỉ tại tỉnh Hải Dương, đến TP HCM hôm 28/1. Bệnh nhân tiếp xúc với “bệnh nhân 1612″ – ca nhiễm tại ổ dịch TP Chí Linh, Hải Dương. Đây là ca nhiễm đầu tiên tại TP HCM liên quan đợt dịch từ Hải Dương – Quảng Ninh.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết kết quả phân tích bộ gene bằng phần mềm CoV-GLUE từ mẫu bệnh phẩm phết hầu họng, chủng virus của “bệnh nhân 1660″ mang 17 đột biến tiêu biểu của biến chủng B.1.17.
“Biến chủng này được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng nCoV trước đây. Đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh Covid-19 ở Anh cũng như các nước châu Âu”, tiến sĩ Châu chia sẻ.
Kết quả giải mã gene bệnh nhân này do nhóm nghiên cứu Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cùng các chuyên gia sinh học phân tử của Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) thực hiện.
Video đang HOT
Các chuyên gia nhận định, kết hợp với yếu tố dịch tễ liên quan, nhiều khả năng ổ dịch ở Hải Dương 5 ngày qua là do biến chủng B.1.1.7 gây ra.
Liên quan đến bệnh nhân này, đến sáng 1/2, ngành y tế TP HCM truy vết 19 trường hợp tiếp xúc, trong đó 18 người đã có kết quả xét nghiệm âm tính, một người đang đợi kết quả. 114 hành khách và tổ bay trên chuyến bay chung với bệnh nhân đang cách ly tại TP HCM. Trong đó 20 người gồm tổ bay và hành khách ngồi trong vòng 5 hàng ghế gần bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Các hành khách ngồi hàng ghế khác là 94 người, 36 đã có kết quả âm tính, 58 đang chờ kết quả.
Đây là trường hợp đầu tiên tại TP HCM và thứ hai Việt Nam nhiễm biến thể nCoV từ Anh. Ngày 2/1 Việt Nam đã ghi nhận bệnh nhân đầu tiên nhiễm biến thể nCoV từ Anh, là người nhập cảnh cách ly ngay. Ngày 31/1, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương công bố kết quả giải trình tự gene “bệnh nhân 1442″, 25 tuổi, quốc tịch Nam Phi, nhiễm biến thể nCoV từ Nam Phi.
Biến thể nCoV B.1.1.7 từ Anh có khả năng lây truyền cao hơn 50-70% chủng gốc, làm tăng tỷ lệ tử vong, được giới khoa học dự báo là sẽ khiến đại dịch tồi tệ hơn.
Kể từ khi xuất hiện hồi tháng 12, biến thể B.1.1.7 (còn gọi là VOC-202012/01) từ Anh đã lây lan ra 70 quốc gia, theo thông báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). B.1.1.7 được ghi nhận đầu tiên từ vùng đông nam nước Anh. Sau khi truy ngược bằng chứng di truyền, các nhà khoa học cho rằng có thể nó đã lưu hành ở Anh từ tháng 9 ở mức rất thấp, sau đó lây lan rộng rãi hơn trong tháng 11 và tháng 12/2020. Một số chuyên gia cho rằng biến thể phát tán mạnh mẽ do một cụm dịch siêu lây nhiễm.
Bệnh nhân Covid-19 ở Hải Dương bị tăng huyết áp
Một bệnh nhân ở Quảng Ninh có men gan tăng, trường hợp ở Hải Dương cần được theo dõi sát tình trạng tăng huyết áp.
Sáng 31/1, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Phó trưởng Tiểu ban Điều trị chủ trì buổi hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng, Quảng Ninh và Hải Dương.
Tại buổi hội chẩn, Bệnh viện số 2 Quảng Ninh đã báo cáo và xin ý kiến chuyên môn về ca bệnh 1658. Trường hợp này nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc F0 tại đám cưới ở Kinh Môn, Hải Dương. Ngày 29/1, bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ. Một ngày sau, người này còn đau mỏi người, không tức ngực, không khó thở.
Các chuyên gia đề nghị triển khai đánh giá tình trạng của BN1658 và theo dõi sát bệnh nhân vì men gan tăng.
Các chuyên gia hội chẩn trực tuyến về các ca bệnh Covid-19. Ảnh: Lê Hảo.
Bác sĩ Lê Thành Phúc, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, cho biết bệnh nhân 1536 (nữ, 79 tuổi, ngụ tại TP.HCM và trở về từ Mỹ ngày 13/1) bị tăng huyết áp, tiểu đường đã sử dụng nhiều thuốc. Bệnh nhân có tình trạng mức lọc cầu thận cao. Đây là bệnh nhân lớn tuổi và nặng nhất trong giai đoạn này.
Hiện bệnh nhân được thở máy, nằm yên dưới an thần giãn cơ, phù 2 mu bàn tay, bàn chân, mạn sườn 2 bên. Bệnh viện đã liên hệ làm các xét nghiệm chuyên sâu, xem xét tình trạng nhiễm trùng bệnh viện.
Các thành viên Hội đồng chuyên môn đề nghị Bệnh viện Phổi Đà Nẵng tính lại liều thuốc cho bệnh nhân, xem xét tình trạng lọc thận, tăng cường dinh dưỡng người bệnh.
Tại Trung tâm Y tế Chí Linh (Hải Dương), bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), cho biết sức khỏe của bệnh nhân tại đây ổn định.
Tại Bệnh viện dã chiến đặt ở Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết đơn vị này đang điều trị 34 bệnh nhân, 10 giường cấp cứu, 26 giường hồi sức. Bệnh viện đã được trang bị hiện đại như máy thở, ECMO..., Hiện có một bệnh nhân tăng huyết áp cần theo dõi. Đa số bệnh nhân còn lại có sức khỏe ổn định. Bệnh viện này có thể tiếp quản điều trị đến 600 bệnh nhân.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê đề nghị sở y tế các tỉnh, thành có bệnh nhân Covid-19 tham dự cuộc họp hội chẩn trực tuyến để kịp thời giải quyết những khó khăn theo tinh thần 4 tại chỗ. Việc chuyển bệnh nhân phải đảm bảo an toàn bệnh nhân, an toàn chống dịch.
Bên cạnh đó, ông đề nghị các bệnh viện thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về khám, chữa bệnh từ xa, đảm bảo công nghệ thông tin, đường truyền ổn định. Cán bộ y tế, bệnh viện phát huy tinh thần chống dịch trong giai đoạn trước, vượt qua khó khăn, vất vả (trong thời chiến) để thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Vì sao phải đặt bệnh viện dã chiến thứ 3 tại Chí Linh? Thay vì đặt tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Hải Dương như dự kiến, Bộ Y tế đã chỉ đạo chuyển cơ sở y tế này tới TP Chí Linh. Sáng 31/1, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, đã trao đổi nhanh về việc thiết lập bệnh viện dã...