Bệnh lý trực tràng thường khiến cơ thể khó chịu, lo âu
Các bệnh lý về hậu môn trực tràng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa. Bệnh thường gây đau nhức, khó chịu, lo âu cho người bệnh
Chia sẻ tại Hội nghị khoa học Hội hậu môn trực tràng toàn quốc diễn ra ngày 19-10, PGS-TS Lê Mạnh Cường, Chủ tịch Hội hậu môn trực tràng Việt Nam, cho biết các bệnh lý về hậu môn trực tràng đang có xu hướng gia tăng và trẻ hóa.
PGS Lê Mạnh Cường cảnh báo gia tăng số lượng người mắc các bệnh lý về trực tràng
Hiện bệnh lý vùng hậu môn trực tràng là một trong những bệnh lý thường gặp trong cuộc sống. Nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư đại trực tràng chiếm 10% các bệnh lý về ung thư; bệnh trĩ ảnh hưởng trên 50% dân số; rò hậu môn trên 25% dân số; đại tiện không tự chủ trên 24%; đau hậu môn từ 4-18%; táo bón mạn tính 14-28%.
Tại Việt Nam, ung thư đại trực tràng là một trong 10 loại ung thư thường gặp với tỉ lệ tử vong liên quan đến ung thư đứng hàng thứ 5 ở cả 2 giới. Ước tính, mỗi năm có khoảng 14.000 ca ung thư đại trực tràng mắc mới và 7.000 ca tử vong do nhóm bệnh lý này.
Theo PGS Cường, phần lớn các bệnh lý về hậu môn trực tràng (ngoại trừ ung thư) thường không gây nguy hiểm tới tính mạng con người nhưng các bệnh lý này thường gây đau nhức, khó chịu, lo âu cho người bệnh, làm giảm khả năng làm việc và tham gia các hoạt động xã hội, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
“Các bệnh lý tưởng đơn giản như trĩ, nứt, kẽ, rò hậu môn, táo bón, không đại tiện được… nhưng nếu không được phát hiện sớm, chẩn đoán điều trị đúng và kịp thời, bệnh sẽ biến chứng trở nên trầm trọng và nguy hiểm như mắc ung thư hậu môn, ung thư trực tràng”- PGS Cường cảnh báo.
Nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh đối với các bệnh lý về hậu môn, trực tràng chưa hoàn toàn rõ ràng, vì vậy chưa có giải pháp đặc thù tốt nhất với mỗi bệnh lý này.
Điều trị bệnh lý về hậu môn trực tràng cho người bệnh
PGS Cường dẫn chứng, với bệnh trĩ hiện có nhiều cách điều trị nhưng phương pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm. Trong khi đó, các bệnh lý hậu môn trực tràng đang được điều trị hiệu quả bằng kết hợp y học hiện đại với y học cổ truyền, điều trị nội khoa, phẫu thuật, thủ thuật và vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Nếu chỉ sử dụng học hiện đại hoặc chỉ áp dụng y học cổ truyền trong điều trị các bệnh lý này thì không thể có hiệu quả tối ưu.
“Can thiệp phẫu thuật là giải pháp cuối cùng đối với các bệnh lý về hậu môn trực tràng, khi bệnh nhân không đáp ứng được phương pháp trước đó”- PGS Cường nói.
Các chuyên gia chuyên y tế khuyến cáo, để phòng bệnh, mọi người cần ăn thực phẩm nhiều chất xơ, uống nhiều nước, không hút thuốc và hạn chế uống rượu bia… không tạo áp lực mạnh khi đại tiện, tránh ngồi lâu và thường xuyên tập thể dục.
Video đang HOT
Nguyên nhân nào gây ra polyp đại tràng?
Polyp đại tràng là những khối u, giống như những vết sưng nhỏ, hình thành ở lớp lót bên trong của đại tràng hoặc trực tràng.
Bình thường polyp vô hại nhưng một số loại có thể biến thành ung thư sau nhiều năm.
Polyp đại tràng là phổ biến và nhiều polyp là vô hại. Nhưng một số loại có thể phát triển thành ung thư nếu chúng không được loại bỏ. Mặc dù polyp không phải là ung thư nhưng hầu hết ung thư đại trực tràng đều bắt đầu từ polyp.
Hút thuốc và sử dụng rượu bia quá mức có nguy cơ mắc polyp đại tràng cao hơn.
Polyp đại tràng có thể được phân thành 3 loại
- Polyp tăng sản chiếm khoảng 90%, thường xảy ra nhất ở vùng đại tràng sigma ở người trưởng thành và thường lành tính, không phát triển thành ung thư.
- Polyp u tuyến chia thành u tuyến ống, u tuyến ống nhung mao. Khả năng ung thư ở các polyp u tuyến là cao hơn so với nhóm polyp tăng sản.
- Polyp ác tính là polyp được ghi nhận tồn tại tế bào ung thư khi soi dưới kính hiển vi.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây polyp đại tràng
Có nhiều nguyên nhân gây ra polyp đại tràng. Người ta ghi nhận thấy đột biến ở một số gen có thể làm cho tế bào tiếp tục phân chia ngay cả không cần những tế bào mới. Sự tăng trưởng bất thường này ở đại trực tràng có thể hình thành polyp. Vì lẽ đó nên polyp có thể phát triển bất cứ nơi nào trong đại tràng.
Những yếu tố góp phần vào sự hình thành polyp đại tràng thường thấy có sự liên quan đến lối sống, tuổi tác, yếu tố gia đình và di truyền.
Trong đó, các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống như chế độ ăn nhiều chất béo, ăn nhiều thịt đỏ, ít chất xơ, hút thuốc lá, béo phì... dễ có polyp đại tràng.
Ung thư đại tràng rất hiếm gặp trước tuổi 40 và có khoảng 90% các trường hợp xảy ra sau tuổi 50, vì vậy, khuyến cáo được đưa ra là nên khám tầm soát ung thư đại tràng khi đến tuổi 50.
Một số quan điểm cho rằng, polyp và ung thư đại tràng có tính chất gia đình - là một trong những nguyên nhân quan trọng. Nhiều người mắc polyp đại tràng hoặc ung thư có tiền sử có cha mẹ, anh chị em hoặc con bị bệnh này, vì lẽ đó nên nhiều thành viên trong gia đình bị bệnh, nguy cơ sẽ có thể cao hơn rất nhiều.
Những bệnh rối loạn di truyền gây ra polyp tiến triển thành ung thư đại trực tràng sớm với tần suất cao. Một trong những bệnh này là đa polyp tuyến gia đình với rất nhiều polyp trong đại tràng.
Các yếu tố có thể gây ra polyp đại tràng gồm:
- Tuổi cao, đều từ 50 tuổi trở lên.
- Nam giới dường như có tỷ lệ mắc polyp đại tràng cao hơn so với nữ giới.
- Lịch sử gia đình có cha mẹ, anh chị em ruột bị polyp hoặc ung thư đại tràng.
- Hút thuốc và sử dụng rượu bia quá mức có nguy cơ mắc polyp đại tràng cao hơn.
- Béo phì, lười vận động và chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ.
Ppolyp đại tràng thường không gây triệu chứng gì đặc biệt nên cần kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư
Chẩn đoán polyp đại tràng
Các xét nghiệm sàng lọc rất quan trọng trong việc tìm ra polyp trước khi chúng trở thành ung thư và có cơ hội phục hồi tốt. Các phương pháp chẩn đoán gồm:
- Nội soi đại tràng. Nếu tìm thấy polyp trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể lấy mẫu mô sinh thiết để phân tích hoặc loại bỏ trực tiếp ngay lúc đó. Nội soi đại tràng là tiêu chuẩn vàng để phát hiện polyp đại tràng với độ nhạy với polyp khoảng 80 - 90%.
- Soi đại tràng sigma là phương pháp tương tự như nội soi nhưng chỉ được sử dụng để quan sát trực tràng và đại tràng dưới.
- Thủ thuật khám X-quang ở đại tràng, sử dụng tia X đặc biệt để chụp ảnh đại tràng dễ dàng được xác định polyp.
- Chụp CT scan đại tràng giúp tạo ra hình ảnh của đại tràng và trực tràng, hiển thị các mô sưng, khối, loét và polyp.
- Xét nghiệm phân giúp kiểm tra máu ẩn trong phân hoặc đánh giá DNA có trong phân để tìm bằng chứng về polyp hoặc ung thư đại tràng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Các dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra nếu xuất hiện các dấu hiệu:
- Đau bụng.
- Máu trong phân.
- Mệt mỏi, uể oải kéo dài trên 2 tuần.
- Thói quen đại tiện bị thay đổi kéo dài hơn một tuần.
Đồng thời, chúng ta cũng nên thực hiện tầm soát và khám bệnh định kỳ khi ở độ tuổi từ 50 trở lên và có các yếu tố nguy cơ mắc polyp đại tràng đã kể trên.
Chính vì polyp đại tràng thường không gây triệu chứng gì đặc biệt nên đối với người có nguy cơ cao và độ tuổi được khuyến cáo cần kiểm tra nội soi đại tràng để tầm soát ung thư, hoặc xét nghiệm phát hiện khi có nghi ngờ mắc bệnh.
Về điều trị, tùy theo từng cá nhân mà các bác sĩ chỉ định cụ thể nhưng đa số các polyp đều có thể được cắt bỏ khi thực hiện nội soi đại tràng. Điều đáng lưu ý với người bệnh là polyp đại tràng có khả năng tái phát rất cao.
Theo nghiên cứu, kể từ ngày cắt polyp đại tràng lần đầu đến 3 năm sau đó, khả năng tái phát polyp là 25 - 30%. Chính vì vậy, sau khi cắt polyp nên nội soi đại tràng kiểm tra sau 3 - 5 năm.
Tùy thuộc vào các yếu tố như: số lượng và kích thước polyp, đặc điểm giải phẫu bệnh của polyp hoặc khi soi đại tràng, nếu thấy còn nhiều phần khó quan sát, nhận diện được các polyp nhỏ thì các bác sĩ sẽ chỉ định tái khám sớm hơn các khuyến cáo trước đó.
Chế độ ăn giúp người bệnh ung thư đại tràng nâng cao thể trạng Ngoài việc tuân thủ điều trị ung thư đại tràng thì chế độ dinh dưỡng có vai trò quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quá trình điều trị và khả năng phục hồi của người bệnh. 1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh ung thư đại tràng Ung thư đại tràng là u xuất hiện ở...