Bê nguyên bộ sách đã dùng 40 năm, Giáo sư Đại đã tự loại mình ra khỏi cuộc chơi
“Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tuân thủ cuộc chơi tức là tự loại mình ra khỏi cuộc chơi đó”, Giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh.
Thông tin chính thức từ Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bộ tài liệu “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên đã bị loại do không đạt yêu cầu.
Trước thông tin này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 16/9, Giáo sư Trần Đình Sử – Chủ tịch Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt khẳng định các thành viên hội đồng thẩm định đã đánh giá khách quan và bám sát các tiêu chí của chương trình mới.Cụ thể, sách đã bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “Không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, phần lớn là những nội dung mà hội đồng cho rằng sách “vượt chương trình”, “quá khó với học sinh lớp 1″, một số vấn đề kỹ thuật, trình bày.
“Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tuân thủ cuộc chơi tức là tự loại mình ra khỏi cuộc chơi đó”, Giáo sư Trần Đình Sử nhấn mạnh.
Thông tin chính thức từ Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, bộ tài liệu “Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục” do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên đã bị loại do không đạt yêu cầu. (Ảnh: Báo Nhân dân)
Nói rõ hơn về ý kiến này, thầy Sử chia sẻ, về mặt nguyên tắc, khi chúng ta đã xây dựng và ban hành được chương trình mới thì phải xây dựng được một bộ sách giáo khoa phù hợp cho chương trình mới.
Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải bám sát vào 4 điều, 13 tiêu chí và 40 chỉ báo trong Thông tư 33/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới để đánh giá bộ sách có đáp ứng yêu cầu hay không.
Yêu cầu “cuộc chơi” đã rất rõ ràng nhưng Giáo sư Hồ Ngọc Đại bê y nguyên bộ sách đã dùng 40 năm nay gửi tới Hội đồng thẩm định, không chỉnh sửa chi tiết nào. Mặc dù Hội đồng thẩm định đã góp ý những điểm không phù hợp để Giáo sư Hồ Ngọc Đại sửa nhưng thầy Đại không sửa, tức là bắt Hội đồng thẩm định phải thừa nhận sách của mình thì đó là điều không thể.
Giáo sư Trần Đình Sử phân tích thêm, sách “Tiếng Việt 1″ của chương trình mới có các tiêu chí là nghe, nói, đọc, viết, dạy phân biệt chính tả, biết kể chuyện…
Trước đó, như Báo điện tử giáo dục Việt Nam thông tin, ngày 19/4/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định thành lập Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.
Đến ngày 12, 13/5/2017, Hội đồng Quốc gia thẩm định Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục đã họp để đánh giá tài liệu này.
Theo đó, Kết luận của Hội đồng quốc gia thẩm định tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục cũng đã chỉ ra ưu điểm, hạn chế của mục tiêu chương trình; Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập; Nội dung dạy học; Ngữ liệu; Cấu trúc sách và cấu trúc bài học và Hình thức trình bày.
Cụ thể, Hội đồng thẩm định đã có kết luận:
1. Điều kiện tiên quyết
-Nội dung của Tài liệu Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam; không có những định kiến xã hội về giới, sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, tuổi, địa vị.
Video đang HOT
2. Thể hiện mục tiêu của chương trình
a. Ưu điểm
b. Hạn chếTài liệu Tiếng Việt 1 đáp ứng một số mục tiêu của chương trình môn Tiếng Việt, nhất là mục tiêu giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng, viết chính tả, góp phần rèn luyện các thao tác tư duy cho học sinh; cung cấp một số kiến thức về tiếng Việt, về tự nhiên, xã hội và con người, về văn hóa và văn học.
- Mục tiêu giúp học sinh phát triển kỹ năng nói và nghe chưa được thể hiện trong tài liệu. Các hướng dẫn, hoạt động giúp học sinh đọc hiểu bài đọc như tìm hiểu nghĩa của từ, nội dung của câu và đoạn văn, trả lời câu hỏi đọc hiểu chưa được chú trọng. Vì vậy học sinh có thể đọc thành tiếng văn bản nhưng không hiểu nghĩa.
-Tài liệu cũng chưa đáp ứng tốt mục tiêu giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, hạn chế này thể hiện rõ nhất qua phần ngữ liệu.
3. Phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập
a. Ưu điểm
-Vận dụng định hướng học qua thực hành, giúp học sinh hiểu khái niệm và có kỹ năng ngôn ngữ. Thông qua “chuỗi việc làm” trên lớp theo yêu cầu “thầy thiết kế, trò thi công” để học sinh tự hình thành kiến thức và rèn luyện kỹ năng đọc và viết.
- Tài liệu Tiếng Việt 1 giúp học sinh nắm vững các quy định về chính tả để viết đúng và phát triển kỹ năng đọc thành tiếng. Phương pháp “lập mẫu” và “dùng mẫu” để học sinh tự lập ra các vần mới, tiếng mới có những hiệu quả nhất định.
- Tài liệu đã đưa những câu trọn vẹn ngay trong phần đầu của tập 1, giúp học sinh sớm có cơ hội luyện đọc câu (tuy nhiên đôi khi không được tự nhiên).
- Một số hoạt động, chẳng hạn thao tác phân tích tiếng bằng tay, có phần khơi gợi được hứng thú của học sinh.
- Tuần 0 thực sự có ý nghĩa trong việc giúp học sinh làm quen với những quy ước và thao tác căn bản ban đầu, giúp quá trình của học sinh diễn ra một cách thuận lợi và hiệu quả.
b. Hạn chế
- Việc thiết kế quy trình chi tiết, ràng buộc quá chặt chẽ đối với cả giáo viên và học sinh có thể hạn chế sự sáng tạo của giáo viên và hứng thú của học sinh. Hoạt động dạy học lặp đi lặp lại, nếu tiếp tục trong khoảng thời gian dài sẽ làm cho hoạt động dạy học trở nên đơn điệu.
- Việc rèn luyện cho học sinh kỹ năng phân tích cấu trúc âm tiết và luyện phát âm đối với học sinh bản ngữ (tiếng Việt) không thật sự cần thiết và không phù hợp với phương pháp học bản ngữ.
Hiện nay ngay cả khi dạy học ngôn ngữ thứ hai và ngoại ngữ, phương pháp phân tích cấu trúc ngữ âm như cách của Tài liệu Tiếng Việt 1 cũng ít khi được sử dụng.
- Quan điểm “chân không về nghĩa” không đúng với bản chất của ngôn ngữ và không phù hợp với thực tiễn dạy học ngôn ngữ, trái với nguyên tắc dạy học tiếng theo quan điểm giao tiếp.
- Việc sử dụng phương tiện dạy học chưa được quan tâm đúng mức.
- Việc kiểm tra, đánh giá tập trung chủ yếu vào kỹ năng đọc thành tiếng và viết chính tả của học sinh….
Linh Hương
Theo giaoduc.net
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tôi đã cho bản quyền, nên giờ thanh thản lắm!
"Khi cả nước chìm trong đau khổ nhất thì tôi đang ở đồi Lênin. Tôi coi công nghệ giáo dục như là cái mà tôi trả lại cho đất nước đã nuôi đời tôi. Có thể ngày hôm nay chưa chấp nhận thì ngày mai."
Giáo sư Hồ Ngọc Đại. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Trước việc bị hội đồng thẩm định loại sách công nghệ giáo dục, sản phẩm tâm huyết một đời của mình, giáo sư Hồ Ngọc Đại đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và cởi mở với báo chí. "Tôi thanh thản lắm!", ông chia sẻ.
- Thưa giáo sư, ông cảm thấy thế nào khi bộ sách của mình bị loại ngay từ vòng một?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Tôi không bất ngờ, tôi biết chuyện đó sẽ xảy ra. Khi hội đồng hỏi tôi có ý kiến gì không, tôi bảo, tôi không có ý kiến gì. Những gì cần nói, tôi đã nói hết rồi. Tôi hỏi hội đồng đã nói xong chưa, nói xong rồi thì tôi về.
Sách công nghệ giáo dục có hai lần cứu nguy cho Bộ Giáo dục. Lần thứ nhất năm 1985, khi lần đầu tiên thực hiện cải cách giáo học, có hơn 650.000 học sinh lớp 1 lưu ban. Lần thứ hai năm 2006, khi học sinh học xong, thi xong, thì quên sạch, không biết đọc biết viết. Hiện cả nước có trên 931.000 học sinh tiểu học học theo sách này.
Học công nghệ giáo dục, học sinh học đến đâu chắc đến đó. Học hết lớp 1 biết đọc biết viết, không bao giờ tái mù. Học xong lớp 2 biết viết thành câu, học xong lớp 3 không bao giờ viết sai câu.
Công nghệ giáo dục đến nay có lịch sử 50 năm, từ năm 1969. Khi cả nước chìm trong đau khổ thì tôi đang ở đồi Lênin [Liên Bang Nga-PV]. Tôi luôn tâm niệm mình phải làm cái gì đó cho sự phát triển của đất nước sau chiến tranh. Tôi coi công nghệ giáo dục như là cái mà tôi trả lại cho đất nước đã nuôi đời tôi. Có thể ngày hôm nay chưa chấp nhận thì ngày mai. Tôi gọi đây là di chúc nghiệp vụ. Thế nào nó cũng trở thành tài sản của đất nước, dù ai làm gì thì làm, nên đa số không là gì với tôi.
- Nhưng hiện nay bộ sách đã bị loại, theo quy định thì sẽ không được dùng trong các nhà trường từ năm học tới. Theo giáo sư, làm thế nào để bộ sách có thể tiếp tục sống?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Lênin nói không có tình huống nào không có lối thoát. Không có gì mà cuộc đời không giải quyết được hết, vì cuộc sống vẫn tồn tại, chân lý vẫn tồn tại thì tự nhiên sẽ có mở đường cho nó.
Việc này không phải là của tôi nên tôi không xử lý được. Quyển sách ấy, khi anh Phạm Vũ Luận [nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo-PV] đề nghị mở rộng ra toàn quốc, anh có vẻ lúng túng, tôi hiểu là không có tiền. Tôi bảo tôi cho không. Nhưng nói thế còn quá đáng, vì sách đó, tôi ăn lương nhà nước đầu tư cho tôi làm ra, nên nó không phải của cá nhân tôi. Tôi đã cho bản quyền, nên việc xử lý là việc của nhà nước, chính quyền, cơ quan, không phải việc của cá nhân tôi, nên tôi thanh thản lắm.
Học sinh lớp 1 ở Nghệ An học công nghệ giáo dục. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)
Vấn đề đổi mới giáo dục, sách giáo khoa hiện nay tôi coi là vấn đề chính trị, không phải đơn thuần là vấn đề của Bộ, của mười mấy người biểu quyết. Việc của tôi xong rồi. Đó là việc của Nhà nước, Đảng, Chính phủ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo, đất nước này tin mười mấy người ấy hơn hay tin tôi hơn? Coi mấy bộ sách kia hơn hay là bộ sách này hơn? Coi một nhúm mười mấy người hơn hay 931.000 học sinh hơn? Việc này nghiêm trọng chứ không đơn giản. Việc biểu quyết không phải lúc nào cũng đúng.
- Hội đồng nói sách công nghệ giáo dục quá khó, dù sách được đưa vào dạy cho học sinh miền núi, vùng sâu vùng xa trước, sau đó mới mở rộng ra cả nước. Theo hội đồng, giáo sư cần phải chỉnh sửa thêm. Quan điểm của ông thế nào?
Giáo sư Hồ Ngọc Đại: Công trình đó tôi làm cả một đời người, tôi điều chỉnh mãi rồi. Điều chỉnh phải có tư tưởng chỉ đạo, kỹ thuật thực thi, không thể nghe tào lao. Tôi sẽ không chỉnh gì cả.
Tôi dạy đại số cho học sinh lớp 2 ở Nga. Về Việt Nam, tôi dạy toán cho học sinh lớp 1. Đại số tôi dạy về tổ hợp, cái đó với thời của các vị là cao, nhưng với trẻ con nó chấp nhận được. Cái gì trẻ con làm được, vui vẻ thì sao lại bảo quá sức? Quá sức là do ấn tượng về nghiệp vụ sư phạm quá thấp của anh. Tôi quyết liệt với phương pháp giáo dục hiện nay. Tôi về hưu rồi, tôi chẳng phụ thuộc vào gì. Nhưng tôi vì đất nước.
Sách của tôi tôi viết mấy chục năm, tôi đã tính hết. Cái gì nghe được thì tôi nghe. Tôi đã điều chỉnh rồi chứ không phải không. Đó là bản in cuối cùng của tôi.
Lấy tiêu chuẩn bài học, khái niệm làm đơn vị cơ bản, thì môn Tiếng Việt tiểu học chỉ có một khái niệm là "tiếng." Lớp 2 chỉ có hai khái niệm "từ" và "câu." Học sinh lớp 2 viết đúng câu. Lớp 3 chỉ có một khái niệm mới là "ngữ," lớp 4 có khái niệm là "bài," lớp 5 là "vận dụng." Toàn bộ môn tiếng Việt cấp 1 tôi chỉ có 6 khái niệm. Toán cấp 1 tôi chỉ có 4 khái niệm số tự nhiên, thao tác trên số tự nhiên có 4 phép toán: đếm, đo, cộng, nhân, trái với cộng là trừ, trái với nhân là chia. Tôi dạy phép toán chứ không phải phép tính.
Bây giờ bắt tôi theo chủ điểm, chủ đề tôi không theo.
Tư duy kinh nghiệm là ở gia đình, ở trường phải là tư duy khoa học. Tư duy khoa học thì trẻ con và người lớn đều như nhau. Giờ bắt tôi phải theo họ, tôi không làm được.
Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục là đổi mới về tận nguyên lý triết học giáo dục, dạy trẻ con để là gì, mục đích gì, chứ không phải chỉ sách giáo khoa. Tôi vẫn hy vọng đổi mới nhưng là đổi mới khoa học, đàng hoàng, chứ không phải vì dự án.
Tôi tin đất nước này không thể không dùng sách tiếng Việt lớp 1 của tôi./.
Hà An
Theo Vietnamplus
Tiếp tục câu chuyện sách giáo khoa chương trình mới: Thẩm định chặt chẽ, công phu? Việc bộ sách giáo khoa lớp 1 - Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên bị Hội đồng Quốc gia thẩm định SGK chấm không đạt từ vòng đầu, được dư luận rất quan tâm. Xung quanh việc này, cũng như vấn đề sách giáo khoa chương trình mới nói chung còn nhiều ý kiến khác nhau. Tuy...