Bé gái tự đạp xe đi học ngã lăn ra đường vì va quệt với container: cha mẹ cần dạy ngay cho con về điểm mù của xe
Do đi vào điểm mù của xe container, một học sinh đã va quệt với xe và ngã lăn ra đường, thoát chết trong gang tấc.
Theo chia sẻ của anh P.N.Bình, vụ việc xảy ra vào lúc 11h30 ngày 19/8, tại đoạn đường lên chân cầu Thăng Long, Từ Liêm, Hà Nội.
Một bé gái khoảng 10 tuổi đi học về trên chiếc xe đạp. Đi đến đoạn ngã 3, em học sinh này muốn rẽ sang đường bên trái. Tuy nhiên, vì không chú ý quan sát nên đã va quệt vào bánh sau của xe container.
Do em học sinh đi vào điểm mù của xe nên bản thân tài xế không hề hay biết vụ việc. Rất may sau khi va quệt, em học sinh không bị nguy hiểm tính mạng mà chỉ bị ngã lăn ra đường rồi đứng dậy đi tiếp.
Clip học sinh ngã lăn ra đường sau khi va quệt vào xe container.
Thực tế, đã có rất nhiều vụ thương tâm xảy ra với trẻ nhỏ do người lái ô tô bị khuất tầm nhìn. Vì vậy cha mẹ có con nhỏ, đặc biệt là cha mẹ có con tự đạp xe đến trường càng phải dặn con cẩn thận mỗi khi con ra đường.
Về cơ bản, điểm mù (hay nói chính xác là vùng mù) là vùng không gian bên ngoài xe bị che khuất và không nằm trong trường nhìn của người điều khiển. Tức là, người điều khiển không thể nào quan sát được điểm mù thông qua gương chiếu hậu lẫn nhìn trực tiếp. Các vị trí điểm mù bao gồm: điểm mù gây ra bởi gương chiếu hậu, điểm mù phía trước xe, điểm mù phía sau xe.
Điểm mù thường khiến người điều khiển xe không thể nhìn thấy người, vật đang di chuyển trong những vùng đó, đặc biệt là khi người lái điều khiển xe chuyển làn, rẽ ở các ngã tư hoặc đậu xe vào bãi.
Dạy con cách tránh các điểm mù xe ô tô thông qua trò chơi
Với trẻ em, nhất là những đứa trẻ trong độ tuổi hiếu động thì thay vì quát nạt, cha mẹ hãy chủ động dạy con để trẻ biết tránh các điểm mù xe ô tô đầy nguy hiểm. Thông qua trò chơi sau đây có thể là một ví dụ để dạy trẻ về điểm mù xe ô tô.
Những vật dụng bố mẹ cần chuẩn bị:
- Một mô hình xe tải nhỏ hoặc một chiếc bảng trắng (giấy trắng)
- Bút chì hoặc bút viết bảng
- Một bức tượng người loại nhỏ
Bắt đầu trò chơi
- Đầu tiên, hãy sử dụng mô hình xe tải nhỏ để thay thế cho chiếc xe ngoài đời thực hoặc vẽ hình chiếc xe tải lên bảng trắng.
- Đánh dấu những góc là điểm mù của xe bao gồm điểm mù 2 bên gương chiếu hậu, điểm mù phía trước xe và điểm mù phía sau xe.
- Đặt bức tượng mô hình vào những điểm mù đó hoặc cắt những miếng bìa nhỏ và dán vào chỗ đánh dấu điểm mù trên bảng.
- Sau đó, hãy dạy trẻ không nên đi vào những vùng được đánh dấu và giải thích cho chúng biết rằng mặc dù chúng có thể nhìn thấy chiếc xe nhưng người lái xe có thể không thể nhìn thấy chúng.
- Hãy hỏi con những câu đố liên quan đến điểm mù và để chúng đố lại bạn.
Bố mẹ không chỉ cần dạy cho trẻ biết cách tránh các điểm mù của xe mà bản thân cùng những người lái xe cũng phải lưu ý những điểm sau đây:
- Trước khi vào xe, khởi động và di chuyển xe, hãy đi xung quanh và ra phía sau xe để kiểm tra. Quan sát xung quanh khi lùi xe để đảm bảo không có ai quanh xe.
- Hãy chắc chắn rằng bạn biết con bạn đang ở đâu hoặc nhắc trẻ di chuyển đến một vị trí nơi bạn có thể thấy rõ chúng trước khi bạn di chuyển xe. Ngoài ra hãy chắc chắn rằng có một người lớn giám sát lũ trẻ trước khi bạn di chuyển xe.
- Nên mua và lắp đặt thiết bị an toàn trên xe, chẳng hạn như máy dò âm thanh va chạm, camera chiếu hậu, gương chiếu hậu và các loại thiết bị phát hiện lùi xe.
- Đo vùng khuất tầm nhìn đằng sau xe gia đình. Một lái xe cao 1,6m ngồi trên một chiếc xe tải nhỏ có thể có vùng khuất tầm nhìn rộng khoảng 2m và dài khoảng 15m phía sau xe. Hãy nhớ rằng lái xe qua các đoạn dốc và lái SUV, xe tải lớn, xe tải nhỏ và xe bán tải càng thêm khó nhìn thấy đằng sau xe hơn.
- Luôn luôn đặt phanh khẩn cấp trước khi rời khỏi xe.
- Không bao giờ để trẻ em một mình ở bất cứ nơi nào trong hoặc xung quanh chiếc xe. Sự cố xảy ra rất bất ngờ, chỉ một phút có thể dẫn đến bi kịch.
Theo afamily
Điểm mù trên xe ô tô và cách khắc phục
Điểm mù trên xe ô tô là một trong những yếu tố rất khó khắc phục với lái xe và nguy hiểm dễ dẫn đến va chạm hay thậm chí tai nạn chết người.
Điểm mù trên xe ô tô được hiểu là khoảng không gian mà người lái xe không thể quan sát hay nhìn qua gương chiếu hậu bên ngoài khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường hoặc lùi xe. Đặc biệt là mỗi khi xe chuyển làn, quay đầu ở các ngã tư...
Đây là một yếu tố rất nguy hiểm vì nó có thể gây ra những va chạm hay thậm chí là tai nạn chết người. Đặc biệt, đối với các xe có kích thước càng lớn thì điểm mù cũng tăng theo tỷ lệ thuận.
Dưới đây là một số điểm mù mà lái xe hay gặp phải và cách khắc phục để có thể hạn chế.
Những khu vực (màu đỏ) thường tạo ra điểm mù cho người lái xe (Ảnh: Báo Giao thông).
1. Điểm mù trên gương chiếu hậu
Gương chiếu hậu bên ngoài là chi tiết kỹ thuật giúp hỗ trợ người lái quan sát hai bên của xe khi đang lưu thông. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp người lái xe sẽ không thể quan sát được hết các xe ở hai bên hông do nằm trong vùng điểm mù của gương. Điều này thường gây ra những tai nạn đáng tiếc cho nhiều người vì nghĩ hai bên đã an toàn.
Vì vậy, khi điều khiển xe tài xế mà muốn chuyển làn, sang đường, quay đầu... thì nên điều khiển xe ở tốc độ chậm và quan sát kỹ hai bên hoặc thậm chí ngoài đầu lại nhìn (dưới 3s) để có tầm quan sát tốt nhất. Hoặc có thể lắp một gương cầu nhỏ ở góc trái của gương chiếu hậu để tăng khả năng quan sát.
Bên cạnh đó, hiện tại ở một số mẫu xe hiện đại đã được trang bị tính năng cảnh báo điểm mù trên gương chiếu hậu giúp tăng khả năng lái xe an toàn. Hệ thống này hoạt động bằng cách quét ra-đa và đưa ra tín hiệu cảnh báo trên gương chiếu hậu nếu có phương tiện nằm ở vị trí điểm mù.
2. Điểm mù phía sau xe
Đây được coi là khoảng không gian lớn nhất mà người lái xe không thể quan sát qua gương chiếu hậu cũng như mắt thường. Điểm mù này có phạm vi khá lớn, kéo dài đến vài mét tính từ đuôi xe về phía sau. Điều này khiến người lái xe thường gặp phải những tai nạn đáng tiếc khi lùi xe.
Vì vậy, để khắc phục nhược điểm này, người lái có thể trang bị cho xe bộ cảm biến lùi hay camera phía sau. Hoặc có thể xuống xe quan sát xung quanh và phía sau trước khi tiến hành lùi xe.
Cột chữ A thường được thiết kế để hạn chế tối đa điểm mù tuy nhiên khi đánh lái, tài xế vẫn có thể gặp phải do thay đổi góc nhìn. (Ảnh: Tinhte)
3. Điểm mù ở cột trước (cột chữ A)
Cột chữ A (cột ở 2 bên khung kính chắn gió của xe) có ảnh hưởng lớn nhất đến việc hình thành nên điểm mù tùy theo góc đánh lái. Tuy không lớn nhưng nó vẫn có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển xe nếu không chú ý quan sát.
Vì vậy, người lái xe khi chuyển hướng hay quay đầu chỉ cần nghiêng đầu quan sát để có góc nhìn tốt nhất. Trong trường hợp đi đèo núi, với những góc cua tay áo không có gương cầu cảnh báo bên đường, bạn nên bấm còi, nháy đèn để phát tín hiệu cảnh báo mỗi khi vào cua.
4. Điểm mù phía trước xe
Những mẫu xe gầm cao, xe bán tải, xe tải... thường có những điểm mù phía trước xe được tạo ra bởi chiều cao đầu xe, khiến tài xế không thể quan sát được các vật thể ở quá gần đầu xe. Vì vậy, khi gặp những xe tải, xe kích thước lớn... người tham gia giao thông nên giữ khoảng cách an toàn, không nên đi quá gần, cố vượt... vì có thể lái xe sẽ không nhìn thấy bạn và dẫn đến những tai nạn đáng tiếc.
Đồng thời, người lái xe cũng nên giảm tốc độ khi điều khiển qua khu vực đông dân cư, trường học, hay ngã tư, khúc cua... đồng thời cảm nhận các điểm mù trên xe, trang bị các công cụ hỗ trợ quan sát (gương cầu, camera, cảm biến...).
Bên cạnh đó, điểm mù cũng có thể được tạo ra do không điều chỉnh tư thế ngồi đúng cách hay chỉnh gương chiếu hậu không phù hợp với vị trí lái... Vì vậy, trước khi lên xe, người tài xế nên tập thói quen điều chỉnh ghế lái và gương chiếu hậu sao cho phù hợp nhất với mình để có tầm quan sát tốt nhất./.
Theo VOV
Bentley Flying Spur thách thức Rolls-Royce Ghost Sau nhiều hình ảnh úp mở, Bentley chính thức giới thiệu mẫu sedan siêu sang Flying Spur thế hệ thứ ba hoàn toàn mới cải thiện toàn diện về thiết kế và công nghệ. So với thế hệ tiền nhiệm, Bentley Flying Spur 2020 thế hệ hoàn toàn mới có phong cách thiết kế đẳng cấp và mang hơi hướng của đàn anh...