Bé gái 8 tuổi bị ung thư máu buộc phải ghép tuỷ: “Con ước đây chỉ là giấc mơ thôi mẹ, tỉnh dậy con sẽ khỏe mạnh như trước”
“Mẹ không được khóc, con không khóc nên mẹ đừng khóc, tóc con rụng nhưng con không đau đâu. Con ước gì đây chỉ là giấc mơ thôi mẹ ạ, tỉnh dậy là con sẽ lại khoẻ mạnh như trước”, em Nguyễn Vân Khanh (SN 2012, quê Thái Bình) hướng mắt nhìn mẹ nói trước khi bước vào đợt xạ trị ung thư máu.
“Con không khóc nên mẹ đừng khóc”
Chị Phạm Thị Minh Thuỷ (39 tuổi, quê Thái Bình) lấy chồng và sinh sống tại Hà Nội. 2 vợ chồng chị Thuỷ có với nhau 3 người con, người con trai cả đang học lớp 5, 2 con gái song sinh vào năm 2012 trong đó có bé Nguyễn Vân Khanh.
Bé Nguyễn Vân Khanh và em gái song sinh từng có những ngày tháng hạnh phúc bên gia đình trước khi bạo bệnh ập đến.
Gia đình chẳng hạnh phúc được bao lâu thì vợ chồng chị Thuỷ nảy sinh mâu thuẫn rồi hôn nhân tan vỡ. Bé trai theo bố sinh sống, chị Thuỷ đi thuê nhà trọ tại Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội), sống cùng 2 người con gái nhỏ.
Tưởng rằng cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc sẽ đến với chị Thuỷ khi ở bên 2 người con nhưng bạo bệnh bất ngờ ập đến khiến chị Thuỷ một lần nữa phải gồng mình cùng con chống chọi với bệnh tật.
Từ khi sinh ra, Khanh đã là một bé gái vô cùng xinh xắn, đáng yêu và lanh lợi.
“Hôn nhân vừa tan vỡ thì cháu Khanh có những biểu hiện sốt và có những vết xuất huyết nhẹ ở phần da dưới cổ. Ban đầu gia đình cũng chỉ nghĩ cháu bị sốt bình thường nên đưa đi thăm khám ở nhiều nơi nhưng không phát hiện ra bệnh”, chị Thuỷ nhớ lại.
Sau nhiều lần nhập viện không phát hiện ra bệnh, bé Khanh được đưa về nhà chăm sóc như bị cảm cúm thông thường. Đến tháng 10/2019, Khanh lại xuất hiện cơn sốt và phát ban nhiều hơn, chị Thuỷ vội vã đưa con vào Bệnh viện Đại học Y (Hà Nội) thăm khám.
Thời điểm đầu khi mới phát hiện bệnh, Khanh vẫn luôn muốn được đến lớp cùng các bạn và đọc sách.
Video đang HOT
Chị Thuỷ chọn cách tâm sự với con và cho con biết hết mọi thứ về tình hình bệnh mà bản thân con phải chống chọi.
“Cháu bị ung thư máu”, bác sĩ nói xong, chị Thuỷ như chết lặng. Mọi thứ trước mặt như tối sập lại, ngã gục. Khanh được chuyển đến Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương để bắt đầu những chuỗi ngày xạ trị đau đớn.
Sau khi phát hiện ra bệnh của con, chị Thuỷ đã phải dừng làm việc, ngày đêm chăm sóc con. Chị cũng nói cho con hiểu rõ về tình hình bệnh hiện tại, không giấu con điều gì.
Giờ đây, bạo bệnh đang tàn phá cơ thể em hàng ngày, mái tóc óng mượt cũng không còn nữa sau những đợt xạ trị hoá chất để chữa bệnh.
Cô bé luôn tỏ ra mạnh mẽ và động viên mẹ mỗi khi mẹ khóc vì mình.
Chị Thuỷ đau đớn nhớ lại những tháng ngày hạnh phúc bên con.
“Nói xong tôi bất ngờ, bình thường con không người lớn như vậy, sau khi biết mình bị bệnh thì con tỏ ra mạnh mẽ lắm, con không tỏ ra buồn hay đau đớn gì cả. Bệnh này tóc sẽ rụng nhiều, tôi cũng có nói trước với con về điều đó nhưng nó bảo “con ổn mẹ ạ”, chị Thuỷ nghẹn ngào nói.
Mỗi lần nhìn con chịu đau đớn và trước những đợt vào xạ trị, chị Thuỷ lại đau quặn thắt không kìm được nước mắt. Những lúc ấy, cô bé 8 tuổi lại mạnh mẽ lạ kỳ, bé không khóc: “Mẹ không được khóc, con không khóc nên mẹ đừng khóc, tóc con rụng nhưng con không đau đâu, con đang tốt lên mà mẹ”, cô bé 8 tuổi động viên mẹ.
“Mẹ không được khóc, con không khóc nên mẹ đừng khóc, tóc con rụng nhưng con không đau đâu”, Khanh vẫn thường mạnh mẽ động viên mẹ khiến chị Thuỷ không kìm được lòng.
Ở cái tuổi mà bao bạn bè cùng trang lứa đang được học tập, vui chơi hàng ngày sống hạnh phúc bên gia đình thì Khanh đang ngày đêm phải gồng mình chiến đấu với căn bạo bệnh. Mạnh mẽ là vậy nhưng bé gái ấy cũng biết đau, biết tủi như bao người khác.
Nằm trên giường bệnh đau đớn, có những lúc Khanh nói với mẹ: “Con ước gì đây chỉ là giấc mơ thôi mẹ ạ, tỉnh dậy là con sẽ lại khoẻ mạnh như trước”.
“Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ cho con dù chỉ còn một tia hi vọng”
Bệnh tiến triển nặng, Khanh bắt đầu phải bước vào những đợt xạ trị kéo dài, đau đớn. Từ khi mắc bạo bệnh, Khanh luôn phải có người ở cạnh chăm sóc. Mọi tiền bạc, tài sản chị Thuỷ cùng chồng cũ đều dốc hết để điều trị cho con. Bố mẹ ruột chị Thuỷ cũng phải đến Hà Nội sống trong căn nhà trọ để chăm sóc em gái của Khanh.
Từ khi con mắc bạo bệnh, chị Thuỷ cũng phải ngày đêm chạy vạy để chữa bệnh cho con. Chị Thuỷ phải bỏ mọi công việc, để ở bên chăm sóc con gái. Mỗi đợt xạ trị kéo dài khoảng một tháng sau đó sẽ được nghỉ 15 ngày về nhà điều trị trước khi đến với đợt tiếp theo. Những chuỗi ngày dài nối tiếp nhau, có những lúc chị Thuỷ mệt mỏi tưởng như gục ngã nhưng được bố mẹ và đặc biệt là con gái động viên nên chị cố gắng vượt qua.
“Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ, tìm mọi cách để chữa trị cho con dù chỉ còn một tia hi vọng”, chị Thuỷ không kìm nổi những giọt nước mắt.
Suốt 7 tháng qua, cô bé mới lên 8 tuổi ấy đã phải trải qua 4 đợt xạ trị ung thư đau đớn. Mái tóc óng mượt ngày nào nay chỉ còn lại cái đầu trọc sau những đợt trị bệnh.
“Cháu vừa hết đợt xạ trị lần thứ 4, được về nhà nghỉ 15 ngày để chuẩn bị cho đợt xạ trị lần 5 thì hôm qua lại bất ngờ có biểu hiện xấu nên sáng sớm nay tôi lại đưa cháu nhập viện gấp, nhìn con đau đớn, khổ sở từng ngày tôi đau lắm”, chị Thuỷ chia sẻ.
Khanh không cho phép mẹ buồn, cô bé cũng không bao giờ than đau đớn với mẹ mình.
Để tiếp tục điều trị bệnh, bé Khanh buộc phải ghép tuỷ vì đã hết liệu trình xạ trị hoá chất. Dự kiến thời gian tới Khanh sẽ được bước vào đợt xạ trị cuối trước khi vào quá trình điều trị mới vô cùng gian nan là ghép tuỷ. Những ca ghép tuỷ vô cùng phức tạp, nguy hiểm, chính vì vậy sẽ tốn kinh phí lớn từ 900 triệu – 1 tỉ đồng.
“Bác sĩ xét nghiệm thì thấy tuỷ của bố cháu có lượng tương thích với cháu cao hơn tôi rất nhiều. Chính vì vậy bố cháu sẽ được chọn để ghép tuỷ cho con. K hông ai chắc chắn được việc ghép tuỷ sẽ thành công nhưng còn hy vọng chúng tôi sẽ không từ bỏ”, chị Thuỷ chia sẻ.
Hiện gia đình chị Thuỷ đã gom góp 2 bên nội ngoại được khoảng một nửa kinh phí, dự kiến đến tháng 6, sau khi kết thúc đợt xạ trị cuối cùng, Khanh sẽ được tiến hành ghép tuỷ. Nếu việc ghép tuỷ không thành công, cháu sẽ phải tiếp tục thực hiện ghép tuỷ lần 2. Trong trường hợp may mắn thành công, gia đình chị Thuỷ sẽ tiếp tục phải lo việc điều trị sau ghép tuỷ với kinh phí lớn.
Kết quả xét nghiệm máu của bé Nguyễn Vân Khanh.
“Con ước gì đây chỉ là giấc mơ thôi mẹ ạ, tỉnh dậy là con sẽ lại khoẻ mạnh như trước”.
“Các bác sĩ bảo việc ghép không chắc chắn thành công được nhưng dù thế nào đi nữa tôi cũng sẽ cố gắng làm tất cả mọi thứ, tìm mọi cách để điều trị cho con dù chỉ còn một tia hy vọng”, chị Thuỷ tâm sự.
Giờ đây, hàng ngày nằm trong Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương để điều trị, Khanh vẫn thường hỏi mẹ: “Mẹ ơi khi nào thì con không phải chữa bệnh nữa hả mẹ, con muốn đi học như các bạn lắm”, những lúc ấy chị Thuỷ chỉ biết cố nén lại những giọt nước mắt: “Con sẽ sớm khỏi thôi”.
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: Chị Phạm Thị Minh Thuỷ (39 tuổi, mẹ bé Khanh). SĐT: 0912538800. Hoặc số tài khoản: 0011001747128. Ngân hàng Vietcombank; Chủ tài khoản Phạm Thị Minh Thuỷ. Khi gửi ghi rõ: UH BN Khanh
Điểm khác lạ trong khi ngủ cảnh báo bệnh ung thư
Bạn đã bao giờ tỉnh dậy giữa đêm mà mồ hôi đầm đìa dù phòng mát mẻ? Đó là dấu hiệu ban đầu của một trong những loại ung thư nguy hiểm nhất.
Ung thư máu bắt nguồn từ đột biến ADN trong các tế bào máu. Căn bệnh có một số loại khác nhau, trong đó có ung thư hạch bạch huyết (lymphoma).
Hệ bạch huyết là một phần quan trọng của hệ miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh. Ung thư hạch bạch huyết khiến các tế bào lympho phát triển ngoài tầm kiểm soát và làm giảm khả năng chống lại nhiễm trùng.
Đổ mồ hôi khi trong phòng mát mẻ có thể là dấu hiệu của ung thư máu. Ảnh minh họa: Jamaica Hospital
Có một dấu hiệu cảnh báo loại ung thư xuất hiện trong giấc ngủ của người bệnh. Đó là hiện tượng đổ mồ hôi đêm. Ngay cả khi ngủ trong những căn phòng mát mẻ, người bị ung thư vẫn có thể ướt đẫm người.
Căn bệnh có nhiều dấu hiệu khác như khối u không đau ở cổ, nách, háng, sốt nhẹ, giảm cân không lý do. Ở giai đoạn đầu, hầu hết bệnh nhân không có cảm giác đau, ít có biểu hiện bệnh.
Các yếu tố tác động tới bệnh là tuổi tác, giới tính, di truyền, tiếp xúc với các yếu tố môi trường độc hại, điều kiện sức khỏe và chữa trị.
Ung thư hạch bạch huyết có hai loại: U lympho Hodgkin và u lympho không Hodgkin. Loại đầu tiên khởi phát từ hạch bạch huyết ở cổ, ngực hoặc nách. Trong khi đó, loại thứ hai bắt đầu ở ngoài hạch, thường gặp ở ở bụng, ống tiêu hóa.
Cả hai có triệu chứng lâm sàng tương tự nhau, chỉ có thể chẩn đoán bằng thực hiện sinh thiết khối u, chữa bằng hóa trị và xạ trị.
Bệnh khiến bé gái từng được H'Hen Niê bế trên sàn catwalk qua đời: Những người nào dễ mắc? Ngày 5/5, nhà thiết kế nổi tiếng Nguyễn Thảo đã đăng tin thông báo bé Hà My mất vào chiều ngày 4/5 sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư máu. Bé Hà My mắc bệnh ung thư máu từ năm 2 tuổi khi chỉ vừa mới biết đi, biết nói. Gia đình cô bé đã dốc hết sức chạy...