Bảy kỳ vọng của giáo viên với chương trình, sách giáo khoa mới
Chương trình tổng thể và chương trình môn học dù rất quan trọng nhưng có lẽ sản phẩm cuối cùng đến với thầy – trò là những bộ sách giáo khoa.
LTS: Trước thềm áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy giáo Nguyễn Cao chia sẻ những mong muốn của giáo viên ở sách giáo khoa mới.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông qua chương trình môn học chính thức là một sự kiện lớn của ngành giáo dục trong những ngày cuối cùng của năm cũ.
Bởi, từ chương trình môn học sẽ mở ra một trang mới cho giáo dục Việt Nam trong những năm tới đây.
Dù còn nhiều ý kiến băn khoăn nhưng đa phần những người quan tâm đến giáo dục nước nhà luôn hy vọng chương trình, sách giáo khoa mới sẽ khắc phục được nhưng hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa hiện hành.
Chương trình hiện hành được áp dụng đại trà từ năm 2002 và nếu tính đến khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới thì cũng đã ngót nghét 20 năm trời.
Tính ra, thời gian cho một vòng chương trình, sách giáo khoa cũng không phải là quá ít.
Giáo viên mong muốn gì ở chương trình, sách giáo khoa mới? Ảnh minh họa: TTXVN
Song, nếu nhìn nhận lại toàn bộ quá trình áp dụng của bộ sách giáo khoa hiện hành thì những ưu điểm không thể che lấp được những hạn chế, bất cập khi Bộ liên tục có những hướng dẫn để giảm tải và điều chỉnh nội dung sách giáo khoa.
Bởi, nó vừa nặng về kiến thức hàn lâm, vừa có những nội dung kiến thức trùng lặp không cần thiết.
Bây giờ, chương trình giáo dục tổng thể và chương trình môn học chính thức đã được thông qua. Đồng nghĩa, từ chương trình môn học này, các nhà biên soạn, viết sách giáo khoa sẽ bắt tay vào việc hoàn thiện những bộ sách giáo khoa cho những năm tới đây.
Xét đến cùng, chương trình tổng thể và chương trình môn học dù rất quan trọng nhưng có lẽ sản phẩm cuối cùng đến với thầy – trò ở các nhà trường là những bộ sách giáo khoa được thực hiện như thế nào.
Nói gì thì nói, sách giáo khoa vẫn là sản phẩm quan trọng nhất cho công việc giảng dạy ở nhà trường.
Vì thế, chúng tôi mong muốn bộ sách giáo khoa tới đây phải ưu việt hơn bộ sách giáo khoa hiện hành.Thầy cô muốn giảng dạy hay, muốn truyền tải được thông điệp của người viết chương trình, những người hoạch định chính sách tất nhiên phải có những bộ giáo khoa tốt, phù hợp về kiến thức, lứa tuổi, thiết thực và thiên nhiều về thực hành.
Muốn làm được như vậy, có lẽ những người thực hiện những bộ sách giáo khoa phải có những đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng và đáp ứng được những yêu cầu sau:
Thứ nhất: Sách giáo khoa phải được đầu tư khoa học, chỉn chu về nội dung, chỉ chỉnh sửa, bổ sung một số môn học như Tin học, Địa lý khi có những thay đổi cần thiết. Những môn còn lại cần được mang tính cố định theo vòng đời của sách giáo khoa.
Tránh tình trạng năm này chỉnh lý, bổ sung một ít, năm sau lại bổn cũ soạn lại. Vô tình, sách cũ sẽ phải bỏ đi, gây lãng phí và bức xúc cho xã hội.
Thứ hai: Khi viết sách, cần tập trung viết những điều thiết thực, cô đọng, súc tích để tránh lại vết xe đổ trong chương trình hiện hành.
Video đang HOT
Sách vừa mới áp dụng thì Bộ phải ra hướng dẫn giảm tải. Hoặc sách đã viết theo chương, tích hợp từng đơn vị kiến thức, nhưng khi thực hiện lại có những hướng dẫn dạy theo chủ đề, dạy tích hợp liên môn.
Vì thế, những nội dung của sách giáo khoa bị xé nát chẳng theo một trình tự khoa học nào. Vậy nên, điều chúng tôi mong muốn là những người viết sách phải tính toán kỹ lưỡng trước khi áp dụng sách giáo khoa mới.
Thứ ba: Sách giáo khoa cần nhẹ nhàng, giảm tải về nội dung kiến thức, bỏ bớt những kiến thức hàn lâm, những kiến thức lạc hậu không cần thiết để hướng học sinh những điều thiết thực nhất, phù hợp với kiến thức phổ thông, với sự phát triển của đất nước và thế giới.
Điều này sẽ tránh được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay.
Những hạn chế ở Thông tư 58, Thông tư 22 hiện hành cần được thay thế hoặc bổ sung những điểm phù hợp. Thứ tư: Cần có những hướng dẫn về kiểm tra, đánh giá học sinh một cách thiết thực, nhẹ nhàng nhưng phải cụ thể và mang tính định lượng.
Bởi thực tế thông tư 58 hiện nay hướng dẫn nhiều môn quá nặng về kiểm tra, gây áp lực cho cả thầy và trò ở các nhà trường.
Ví dụ như môn Ngữ văn lớp 9 mỗi học kỳ thì học sinh phải làm tới 11 bài kiểm tra (4 bài thường xuyên, 6 bài định kỳ và 1 bài kiểm tra học kỳ).
Việc kiểm tra nhiều là quá sức cho cả thầy và trò bởi đây chỉ mới một mình môn Ngữ văn mà chương trình thì có đến mười mấy môn học. Trong khi, một số môn lại chỉ xếp đạt và chưa đạt. Hai mức này quá chung chung, đánh đồng với nhau không rõ ràng.
Thông tư 22 thì cách nhận xét, xếp loại học trò tiểu học cũng còn vô vàn bất cập, dẫn đến việc đánh giá, xếp loại học sinh không chính xác.
Thứ năm: Giá thành sách giáo khoa cần phù hợp với túi tiền của dân. Phần bài tập nên thiết kế gọn gàng sau mỗi bài học với nhiều mức độ kiến thức để phù hợp với từng đối tượng học sinh.
Tránh tình trạng sách giáo khoa đã có bài tập lại thêm sách bài tập dẫn đến sự lãng phí không cần thiết nhưng lại gây áp lực về tài chính cho phụ huynh học sinh.
Thứ sáu: Chương trình mới đã có định hướng là giao quyền lựa chọn sách cho các nhà trường và hướng tới việc tự chủ về chuyên môn.
Việc đánh giá giáo viên, nhà trường cần được thể hiện qua sản phẩm giáo dục hàng năm trong các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia và tỉ lệ đỗ vào các trường chuyên nghiệp.Vì thế, hãy bớt thanh, kiểm tra chuyên môn của cấp Phòng, Sở, Hội đồng bộ môn. Tránh tình trạng soi từng hoạt động dạy học trong giáo án và giảng dạy ở trên lớp.
Việc trọng thành tích qua báo cáo hàng năm chỉ làm tăng thêm tính giả dối và căn bệnh thành tích không khắc phục được.
Thứ bảy: Việc tập huấn cho giáo viên về những môn học mới, những nội dung khó cần được đầu tư bài bản hơn.
Người được lựa chọn báo cáo phải là người am hiểu sâu về chuyên môn, tỏ tường mọi vấn đề và nội dung thay đổi.
Tránh tình trạng tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên mà chỉ chiếu những file được Bộ gửi về một cách máy móc, thụ động nhưng bản chất nội dung tập huấn thì ngay cả người báo cáo cho giáo viên cũng còn lơ mơ, võ đoán.
Việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới trong những năm tới chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Song, vấn đề quan trọng là quyết tâm của Bộ, những lãnh đạo ngành giáo dục ở các địa phương.
Ban đầu, cái gì cũng sẽ mới, sẽ lạ lẫm, sẽ có ý kiến bàn ra bàn vào. Vì thế, khó khăn thì chắc chắn Bộ phải đối mặt nhưng vấn đề là Bộ cần có những quyết tâm cần thiết để giải quyết bài toán ban đầu này.
Trong tác phẩm Cố hương của nhà văn Lỗ Tấn (Trung Quốc) có những câu văn thật chí lý như sau: “ Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường đó thôi“.
Và, chương trình giáo dục phổ thông mới của chúng ta đã là thực. Điều còn lại là những người kiến tạo vận dụng hiệu quả chương trình môn học vào bộ sách giáo khoa đó như thế nào mà thôi.
Những hy vọng của giáo viên, của toàn xã hội rất trông chờ về sự thay công trong lần thay đổi chương trình và sách giáo khoa mới lần này. Đừng để mọi người phải thất vọng.
Theo giaoduc.net.vn
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: "Trường Đại học hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời"
"Trường ĐH hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời. Chúng ta đã có nhiều đổi mới, nhưng để trở thành đơn vị học tập mẫu mực thì nhiều trường phải chú ý nhiều hơn".
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo "Vai trò của trường Đại học với việc học tập suốt đời của người lớn" tổ chức sáng ngày 16/10.
Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống
Nhắc lại sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết Trung ương 29 nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập mang tính hệ thống từ nhiều năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc đổi mới mang tính kế thừa nhưng phải vượt qua nhiều trở ngại. Các vấn đề xã hội nói chung, đặc biệt là giáo dục, đã tồn tại, tích tụ từ rất lâu và thường không thể giải quyết được ngay, mà phải có quá trình, có bước trung gian, không bao giờ hoàn hảo.
Theo Phó Thủ tướng, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, ngành giáo dục xác định có nhiều việc phải làm, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ chính. Trước hết là đổi mới chương trình, sách giáo khoa, nhưng khi chưa biên soạn xong chương trình, sách giáo khoa từng môn học thì dù có cố gắng mới thì các vấn đề như giảm tải chưa được khắc phục. Nhưng ngành giáo dục cũng tăng cường hơn việc dạy làm người, khôi phục lại nếp hát quốc ca trong lễ chào cờ, vệ sinh trường học, tập thể dục giữa giờ...
Tiếp đó là triển khai lộ trình đổi mới kỳ thi THPT quốc gia trong 6 năm (2015-2020) để quy từ 3 kỳ thi căng thẳng, tốn kém xuống còn 1 kỳ thi gọn nhẹ, không gây căng thẳng, áp lực cho học sinh, xã hội. Cùng với đó, Bộ GD&ĐT đã được giao phải xây dựng và công bố phương án thi THPT quốc gia sau năm 2020 vào năm 2019 theo hướng tiếp cận với giáo dục thế giới.
Đổi mới giáo dục đại học (ĐH) đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện thí điểm tự chủ, thay đổi phương thức quản trị với 23 trường ĐH và trường nghề được tự chủ và tinh thần này đã được đưa vào Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp sắp tới. Cùng với đó là những đổi mới trong tuyển sinh, tự chủ học thuật, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học...
"Tuy nhiên, phần giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập dù đã bắt đầu nhưng chưa được chú ý", Phó Thủ tướng nhận xét và cho rằng "hội thảo hôm nay chỉ là bước khởi đầu và phải dấy lên thành một mũi đổi mới không kém giáo dục phổ thông, giáo dục ĐH". Bởi, để đón nhận cơ hội và vượt qua thách thức từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì một yếu tố rất quan trọng là sự sẵn sàng của nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh đó, giáo dục đóng vai trò rất quan trọng giúp người lao động thích ứng nhanh hơn với yêu cầu của các nghề nghiệp mới, cũng như tự tạo ra cơ hội, việc làm cho chính mình, không chỉ đối với những người đang nằm trong hệ thống lao động mà cả những người cao tuổi, đã nghỉ hưu. Mặc dù vậy, ở Việt Nam, chúng ta mới chú ý nhiều đến giáo dục ở trong nhà trường, cung cấp văn bằng chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc gia thay vì những chương trình bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, phổ biến tri thức.
Phó Thủ tướng khẳng định, việc xây dựng xã hội học tập cần sự tham gia của cả hệ thống. Bên cạnh việc ban hành khung khổ pháp lý, định hướng của Nhà nước thì doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng và phải vào cuộc, để sử dụng tốt nhất nguồn lực gồm khoa học, quản trị, nguồn nhân lực...
Còn nhà trường là nhân tố then chốt, đi đầu trong học tập suốt đời. "Chúng ta đang nói đến việc chưa giảm tải chương trình, sách giáo khoa bên cạnh việc chưa ban hành chương trình, sách giáo khoa mới thì giáo viên rất quan trọng. Vì để học sinh cảm thấy bớt áp lực, hứng thú với môn học, bản thân giáo viên phải tìm tòi, sáng tạo, tự nâng cao trình độ chuyên môn", Phó Thủ tướng nêu ví dụ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Các trường đại học cần gắn sát với nhu cầu cộng đồng, người dân
Đối với người học, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, vẫn còn có tình trạng chương trình học tập người lớn được biên soạn, giảng dạy để đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn của các cơ quan, thay vì nguyện vọng thực sự của người học. Chỉ khi giá trị của cá nhân được đánh giá dựa trên năng lực, tri thức thực sự thì mới tạo ra động lực học tập suốt đời mới bền vững.
Bên cạnh đó, với sự phát triển của công nghệ thông tin, người học không nhất thiết phải đến trường hay có văn bằng chính thức mà qua nhiều phương tiện khác nhau nhất là thiết bị di động để học mọi nơi, mọi lúc.
Lúc này vai trò của các trường ĐH, theo Phó Thủ tướng, không chỉ mở các lớp học, khoá học cho người lớn, mà còn phải phát triển các học liệu mở, chia sẻ rộng rãi trong đội ngũ giảng viên, sinh viên, và toàn xã hội. Đây là cơ sở để những người khác sửa đổi, cải tiến phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền.
Các trường ĐH cần gắn sát với địa phương, với nhu cầu khác nhau của cộng đồng, người dân, doanh nghiệp để vừa phục vụ cho đào tạo chính quy, vừa có những giải pháp hỗ trợ, giúp hệ thống học tập cộng đồng tham gia vào phổ biến tri thức. Hiện nay chưa có sự hỗ trợ mang tính hướng dẫn, trợ giúp của trường ĐH cho các trung tâm học tập cộng đồng ở bên dưới.
"Trường ĐH hãy là hình mẫu đầu tiên của học tập suốt đời. Chúng ta đã có nhiều đổi mới, nhưng để trở thành đơn vị học tập mẫu mực thì nhiều trường phải chú ý nhiều hơn", Phó Thủ tướng nói.
Đối với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng yêu cầu cùng với xây dựng khung khổ pháp lý, các chủ trương, chính sách của Bộ phải khơi dậy sự sáng tạo, tinh thần tự giác, trách nhiệm học tập của cả giáo viên lẫn học sinh, "bớt hướng dẫn cầm tay chỉ việc".
"Cùng với xã hội, trước hết ngành giáo dục, phải xoá bằng được tất cả những căn bệnh hình thức, gian lận trong môi trường giáo dục. Người thầy phải đi đầu gương mẫu trong tự học và xoá bỏ tiêu cực trong giáo dục. Chúng ta sẵn sàng đưa ra khỏi hệ thống những nhà giáo vi phạm đạo đức", Phó Thủ tướng lưu ý.
Về phía các địa phương cần quan tâm hơn đến cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ hội khuyến học các cấp, hệ thống trung tâm học tập cộng đồng hoạt động cho tốt. Bởi nhiều trung tâm học tập cộng đồng còn hình thức, thậm chí gần như không hoạt động, thì cần xem lại cơ chế, tạo điều kiện, chứ không phải là dẹp bỏ, sáp nhập...
Các trường đại học phải thực hiện mô hình đào tạo mở
Chia sẻ với các đại biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường ĐH không nên coi vấn đề giáo dục ở người lớn là trách nhiệm mà đây quyền lợi được giáo dục suốt đời cho nhiều đối tượng; là động lực để chính bản thân các trường sáng tạo và truyền bá kiến thức đồng thời phải học tập không ngừng để trau dồi thêm nhiều hiểu biết mới.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Cùng với đó, sinh viên là đối tượng tài nguyên quý giá cho các trường ĐH; vì sau khi ra trường 5 - 7 năm thì họ chính là những người cần cập nhật khoa học công nghệ mới từ chính các trường.
Theo Bộ trưởng Nhạ, các trường ĐH có mạng lưới các nghiên cứu quốc tế lớn, các liên kết đào tạo, các chương trình tiên tiến... là nơi rất tốt giúp người học tiếp cận nhiều kiến thức đạt chuẩn lao động trình độ cao. Khi các học viên thấy có lợi trong việc khai thác chương trình học thì họ sẽ tự động liên kết chặt chẽ với nhà trường, điều này vừa có lợi cho cả trường và người học.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Nhạ đưa ra các giải pháp về mặt pháp lý cho công tác giáo dục người lớn tại các trường ĐH; các trường phải tạo được môi trường thuận lợi cho mọi người được gia nhâp và nghiên cứu học mọi lúc, mọi nơi; hệ thống các chương trình phải "mở" hơn, liên thông nhiều cấp học, nhiều ngành học, tạo tối đa điều kiện cho người học lựa chọn môn học, cách học phù hợp với khả năng trong mỗi thời điểm khác nhau.
Ngoài ra, việc tổ chức các trung tâm tin học, trung tâm ngoại ngữ, văn hóa...thì các trường phải là cơ sở cung cấp mọi dịch vụ đào tạo chuẩn, đồng thời, phải kiểm định chất lượng nghiêm ngặt.
"Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện cho các trường được thực hiện một cách tốt nhất và luôn khuyến khích các trường hình thành nhiều mô hình học liệu mở cho các đối tượng người lớn trong xã hội có mong muốn được đến trường tìm hiểu" - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
Nhật Hồng - Hà Cường
Theo Dân trí
Bài 1: Xóa độc quyền sách giáo khoa LTS: Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình và sách giáo khoa (SGK) phổ thông ra đời với mục tiêu khắc phục những bất cập của giáo dục phổ thông hiện tại. Học sinh vất vả tìm sách giáo khoa phù hợp khi mỗi môn có quá nhiều sách. Ảnh: Hoàng Hùng Trong đó, chương trình theo hướng...