Bây giờ sao nhiều học sinh giỏi đến vậy?
Thực tế thì học sinh giỏi thời nào cũng có nhưng thường chỉ chiếm một số lượng rất ít trong các lớp, các nhà trường.
Sau khi tổ chức kiểm tra học kỳ, tổng kết điểm cho học trò thì các giáo viên, tổ chuyên môn, nhà trường báo cáo điểm và chúng ta đều thấy điểm số của học sinh luôn cao ngất ngưởng.
Học sinh Trung học phổ thông, Trung học cơ sở thì đa phần tổng kết ở mức điểm khá, giỏi. Học sinh cấp Tiểu học thì rất nhiều học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có phải học sinh bây giờ tiến bộ vượt bậc hay một phần là nhờ vào những yếu tố nào khác nữa?
Học sinh giỏi và xuất sắc bây giờ nhiều vô kể (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Học sinh bây giờ có nhiều em rất thông minh và giỏi toàn diện nhưng không nhiều mà chỉ chiếm một số lượng rất ít trong các lớp, các nhà trường. Thế nhưng, bây giờ dù vào trường điểm hay những trường có điều kiện khó khăn thì nhìn vào điểm số ai cũng phải ngưỡng vọng.
Điểm cao quá nhiều, danh hiệu của học sinh đạt được trong mỗi học kỳ, mỗi năm học cao lắm. Học sinh giỏi, học sinh xuất sắc bây giờ không hiếm nếu không nói là chiếm áp đảo trong đánh giá kết quả học tập của các nhà trường.
Ngày trước, mỗi lớp học tìm vài học sinh đạt danh hiệu học sinh tiên tiến là khó lắm, còn bây giờ tìm học sinh trung bình, học sinh yếu, kém mới khó chứ học sinh giỏi thì lại nhiều. Có phải đa phần học sinh bây giờ giỏi hay do bệnh thành tích nên có học sinh giỏi nhiều đến vậy?
Chúng tôi không phủ nhận những em học sinh giỏi thực sự trong các nhà trường, nhất là những trường chuyên, trường điểm. Còn những trường còn lại, số học sinh giỏi thực sự ít lắm- điều này giáo viên nào cũng có thể nhìn thấy trong giảng dạy của mình.
Nếu không tin, mọi người chỉ cần kiểm tra những kiến thức sơ đẳng nhất trong sách giáo khoa mà các em đang học sẽ thấy có bao nhiều phần trăm học sinh trong lớp nắm được hết.
Video đang HOT
Nhiều địa danh nổi tiếng của đất nước hỏi học sinh nằm ở tỉnh nào thì đa phần các em trả lời sai. Hỏi một vài nhân vật lịch sử nằm ở thời nào cũng đa phần phần học sinh không nắm được. Hỏi một tác giả văn học lớn có những tác phẩm tiêu biểu nào đa phần học sinh…cười trừ.
Thế nhưng, nếu được hỏi game nào mới nhất, game nào thu hút trẻ nhất thì gần như em nào cũng biết, hỏi về các clip đình đám trên mạng Internet hay một vài bài hát, một vài câu nói lố lăng thì các em lại nắm rất rành rọt.
Nếu học sinh học giỏi, giáo viên tổng kết cho các em loại giỏi là chuyện đương nhiên nhưng học sinh không giỏi mà giáo viên nâng lên điểm giỏi là một thảm họa cho giáo dục.
Học sinh học chưa tốt mà thầy cô tổng kết giỏi sẽ tạo cho các em tính chủ quan và mất đi động lực phấn đấu. Nhiều em tổng kết giỏi mà cái gì cũng lơ ngơ thì cái giỏi đó là một thất bại của người thầy.
Mâu thuẫn giữa giảng dạy trên lớp và khi tổng kết điểm cho học trò
Bây giờ, ngành giáo dục đang hướng tới việc dạy phát triển năng lực cho học sinh nhưng nhiều em không chịu vận động, không chịu suy nghĩ, không chịu thảo luận và không hoàn thành các nhiệm vụ học tập mà thầy cô giáo giao cho.
Quanh đi, quẩn lại ở trong lớp chỉ có một số ít em chịu học, chịu phát biểu xây dựng bài, còn lại cho thảo luận nhóm là nhiều em được dịp nói chuyện nhiều hơn. Càng học sinh lớn thì lại càng thụ động, lười xây dựng bài, lười phát biểu trước đám đông.
Vì thế, nhiều tiết học, thầy cô cứ độc thoại một mình từ đầu đến cuối. Hỏi xong rồi lại tự trả lời một mình.
Thế nhưng, các bài kiểm tra định kỳ, kiểm tra thường xuyên thì học sinh thường có điểm rất cao vì tâm lý thầy cô “vẫn thương” học trò. Trước khi kiểm tra đều giới hạn và ôn tập một vài bài trọng tâm cho học sinh học.
Giới hạn nhiều là học sinh không làm được. Thậm chí có nhiều em nộp giấy trắng. Trong khi, lớp học thì đông, bàn học kê sát nhau mà học sinh bây giờ cực kỳ… thương nhau. Em này làm được là em khác cũng làm được, bài kiểm tra trong lớp đều na ná như nhau cả.
Đó là chưa kể một số em đi học thêm đã được thầy cô giải bài trước, ngày kiểm tra chủ yếu là “tái hiện lại” nội dung. Chính vì thế, cho dù đề kiểm tra học kỳ Sở ra, dù điểm kiểm tra học kỳ thấp nhưng điểm thường xuyên, điểm định kỳ cao nên tổng kết cả kỳ, cả năm đều rất cao theo.
Điểm học sinh cao một phần nữa là do phần định hướng không cho giáo viên kiểm tra bài cũ đầu giờ. Bởi, theo lãnh đạo của ngành thì đầu giờ học mà kiểm tra bài cũ sẽ tạo áp lực cho học trò. Vì thế, giáo viên phải linh hoạt khi học sinh xây dựng bài, học sinh làm bài tập là cho cột điểm miệng.
Những bài kiểm tra thường xuyên, những bài kiểm tra định kỳ thì một số giáo viên thấy học sinh bị điểm thấp là cho kiểm tra lại để đạt được điểm cao mới vào sổ điểm. Vì thế, những cột điểm của học trò rất ít khi có điểm dưới trung bình.
Điểm học sinh đã cao và ngày càng cao hơn vì tiêu chí là năm sau phải cao hơn năm trước. Hình thức lấy điểm theo hướng dẫn hiện hành cũng khá linh hoạt bởi nhiều cột điểm lấy điểm nhóm nên trong lớp có nhiều cột điểm không có điểm thấp.
Cũng chính vì thế mà nhiều em học sinh ngày càng lười học hơn nhưng cuối học kỳ, cuối năm học điểm vẫn cao như thường. Chuyện học sinh bây giờ mà ở lại lớp phải là trường hợp rất đặc biệt và thực tế là rất hiếm xảy ra ở các nhà trường.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Hải Phòng rót 350 tỉ/năm để trẻ em học hành miễn phí
Trẻ mầm non, học sinh THCS và bổ túc sẽ được TP trích ngân sách hỗ trợ 100% học phí từ năm học 2020-2021, học sinh THPT và bổ túc được hỗ trợ từ năm học 2021-2022.
Chiều 5-12, kỳ họp lần thứ 11 HĐND TP Hải Phòng khóa 15 đã chính thức thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non và học sinh các bậc học phổ thông.
Theo đó, việc hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh THCS và bổ túc THCS thực hiện từ năm học 2020-2021, học sinh THPT và bổ túc THPT được hỗ trợ từ năm học 2021-2022.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng tặng hoa cho học sinh của TP đạt giải vàng Olympic toán quốc tế.
Đối tượng được hỗ trợ 100% học phí là trẻ em mầm non đang thực học tại các cơ sở giáo dục mầm non được thành lập, cấp phép hoạt động; học sinh THCS, THPT và bổ túc có hộ khẩu thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có xác nhận của công an về việc sinh sống thực tế tại Hải Phòng.
Việc hỗ trợ thực hiện theo số tháng thực học tại các cơ sở giáo dục, tối đa không quá 12 tháng/năm học đối với trẻ em mầm non và không quá chín tháng/năm học đối với học sinh THCS, THPT và bổ túc.
Theo đề án này, TP sẽ bố trí ngân sách để hỗ trợ 100% học phí theo mức thu hiện tại cho các cơ sở giáo dục. Cụ thể, theo ước tính của UBND TP Hải Phòng, năm học 2020-2021 khi thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh THCS, bổ túc THCS, tổng kinh phí hỗ trợ sẽ là hơn 350 tỉ đồng.
Từ năm 2021-2022, khi thực hiện hỗ trợ cho cả học sinh THPT, bổ túc THPT, tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 424 tỉ đồng. Tới năm học 2024-2025, tổng kinh phí hỗ trợ sẽ là hơn 480 tỉ đồng.
Theo UBND TP Hải Phòng, quy định của pháp luật hiện nay, chỉ có bậc tiểu học mới được miễn học phí. HĐND, UBND TP không có thẩm quyền quy định miễn học phí cho các cấp học khác mà chỉ được hỗ trợ học phí với mức hỗ trợ phù hợp với tình hình địa phương.
Mặc dù khi thực hiện chính sách này sẽ tác động tới chi tiêu công nhưng Hải Phòng đã tiên phong xây dựng đề án hỗ trợ, chia sẻ cho người dân khoản kinh phí đáng kể này.
UBND TP Hải Phòng nhận định chính sách hỗ trợ 100% học phí cho học sinh mầm non, THCS, THPT là chính sách đặc thù của TP. Chính sách này sẽ đảm bảo công bằng trong giáo dục, giảm bớt gánh nặng đối với người dân trong việc nuôi dạy con, nhất là người dân thu nhập thấp, người dân sống ở vùng khó khăn.
Trước đó, khi thẩm tra đề án, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hải Phòng đã đánh giá đề án là rất cần thiết, nhân văn, thể hiện sự quan tâm của thành phố đối với người dân.
ĐỖ HOÀNG
Theo PLO
Thí điểm học sinh THCS, THPT nghỉ học ngày thứ Bảy: Có khả thi? Một số tỉnh thành trên cả nước bắt đầu thí điểm cho học sinh THCS và học sinh THPT nghỉ học ngày thứ Bảy nhưng liệu phương án này có khả thi hay không? Ảnh minh họa Theo VTC